Cái giá thực sự khi sử dụng Wi-Fi miễn phí
Bạn vui mừng khi tìm thấy một mạng Wi-Fi miễn phí và tưởng rằng mình được dùng Internet thoải mái không lo tốn tiền. Bạn có biết đang tự bán mình với giá rất rẻ.
Tại New York, cách đây nhiều năm, chính quyền thành phố đã phát triển một dự án Wi-Fi công cộng miễn phí với tên gọi LinkNYC nhằm giúp mọi công dân đều có khả năng truy cập Internet miễn phí. Nhiều công ty khác như Facebook hay Google cũng đưa ra các dự án nhằm đem Internet về với càng nhiều người càng tốt.
Thông thường, bạn có thể truy cập Wi-Fi miễn phí tại các địa điểm như sân bay, quán café, trung tâm mua sắm. Thế nhưng, những dịch vụ miễn phí này đều phải đổi lại bằng những cái giá nhất định. Bạn có quyền sử dụng miễn phí nếu như những công ty cung cấp các dịch vụ này có thể thu thập, lưu trữ và phân tích các thông tin giá trị về chính cá nhân, địa điểm và hành vi của bạn.
Ngoài ra, Wi-Fi miễn phí cũng là khởi nguồn của nhiều vụ rò rỉ dữ liệu, mất mát thông tin… Vậy Wi-Fi miễn phí có thực sự miễn phí? Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một ví dụ về hệ thống Wi-Fi miễn phí cung cấp cho toàn thành phố New York để xem cái giá phải trả nếu sử dụng các dịch vụ miễn phí này.
Nguồn gốc của LinkNYC
Thành phố New York bắt đầu khai thác mạng Wi-Fi công cộng miễn phí vào năm 2012 để thay thế hệ thống di động công cộng đã lâu đời, và chỉ hai năm sau, kế hoạch cho mạng Wi-Fi này đã được đệ trình.
Thắng vụ thầu này là City Bridge, một công ty hợp danh của bốn bên gồm công ty quảng cáo Titan và thiết kế Control Group. Bản đề xuất này bao gồm việc xây dựng một mạng 10.000 máy kios khắp thành phố, trang bị router Wi-Fi tốc độ cao để cung cấp Internet, cuộc gọi miễn phí trong nước Mỹ, kèm chức năng sạc điện thoại và bản đồ thành phố cảm ứng.
Gần đây, Google đã sáng lập ra một công ty với tên gọi Sidewalk Labs. Công ty này đã “nuốt gọn” Titan và Control Group sau đó sáp nhập cả hai với nhau. Google, một công ty với mô hình kinh doanh dựa trên việc thu thập dữ liệu người dùng, nghiễm nhiên trở thành đối tác chính cung cấp Wi-Fi miễn phí cho cả thành phố New York.
Miễn phí như thế nào thì là miễn phí?
Giống như nhiều sản phẩm và dịch vụ Internet miễn phí, LinkNYC sẽ được hỗ trợ nhờ doanh thu quảng cáo. LinkNYC dự kiến sẽ đem về 500 triệu USD doanh thu quảng cáo cho thành phố New York trong vòng 12 năm tới, dựa trên việc treo quảng cáo kỹ thuật số tại các kios và máy di động của mọi người. Mô hình này hoạt động bằng cách cung cấp truy cập Internet miễn phí và đổi lại bằng dữ liệu về cá nhân cũng như hành vi của người sử dụng nhằm đưa ra các quảng cáo hướng đối tượng.
Video đang HOT
Trong chính sách bảo mật của Link NYC không hề sử dụng từ “quảng cáo” mà chỉ nói một cách mơ hồ là nó “có thể sử dụng thông tin của bạn, bao gồm thông tin có khả năng nhận dạng cá nhân” để cung cấp thông tin về hàng hóa và dịch vụ. Nó cũng không hề nói rõ rằng mạng này có thể sử dụng để theo dõi địa điểm của người dùng ở mức độ nào.
Năm 2014, công ty Titan dính “phốt” sau khi cài đặt hơn 100 đèn hiệu Bluetooth tại các bốt điện thoại công cộng mà không được sự đồng ý của thành phố. Sau đó, công ty này đã buộc phải gỡ bỏ tất cả. Thế nhưng những chiếc đèn hiệu này lại quay trở lại như một phần của hợp đồng LinkNYC. Những chiếc đèn hiệu này sẽ cho phép quảng cáo hướng đối tượng được gửi thẳng vào điện thoại di động của người dùng sau khi họ lời khỏi điểm phát đó. Tuy nhiên người dùng có quyền lựa chọn tắt chế độ này khi sử dụng dịch vụ của thành phố. Vậy là khi sử dụng Internet miễn phí trên hệ thống LinkNYC, đổi lại người dùng sẽ phải trả giá bằng việc bị thu thập thông tin nhạy cảm cá nhân, địa điểm và dữ liệu hành vi.
Sự nhập nhằng trong điều khoản điều kiện là cách mà nhiều sản phẩm, dịch vụ trên nền Internet đã sử dụng để thu thập dữ liệu của những người dùng sơ ý.
Sự nghịch lý về quyền riêng tư
Có một nghịch lý rất kỳ lạ giữa suy nghĩ và hành động thực tế liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Trong cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 93% người sử dụng trưởng thành cho rằng việc nắm quyền kiểm soát về đối tượng được chia sẻ thông tin là một điều quan trọng, 90% cũng có suy nghĩ tương tự khi được hỏi về thông tin bị thu thập.
Những người được hỏi cũng đưa ra cái giá rất cao (khoảng 60 USD) khi được ngỏ lời muốn mua lại thông tin cá nhân của mình hay muốn biết về địa điểm của mình.Thế nhưng trên thực tế, họ lại đánh đổi thông tin cá nhân và dữ liệu hành vi bằng cái giá quá rẻ, chỉ là vài giờ sử dụng Wi-Fi miễn phí.
Quay lại với mô hình kinh doanh của LinkNYC, ước tính hệ thống này đem về doanh thu 500 triệu USD trong vòng 12 năm. Với 10.000 kios Link và khoảng 9 triệu người tại thành phố New York, doanh thu mỗi tháng trên đầu người là 0,000043 USD. Đây có thể quy đổi thành cái giá mà mỗi người chấp nhận trả để các công ty cung cấp Internet miễn phí mua lại thông tin cá nhân, địa điểm và hành vi của mình khi họ sử dụng dịch vụ của LinkNYC. Thử so sánh với cái giá 60 USD mà họ tự giao bán mình trước đó, quả là một sự chênh lệch lớn! Tại sao lại vậy?
Trong những cuộc thử nghiệm, người tham gia được cung cấp thông tin và hiểu rõ ràng rằng thông tin nào sẽ được sử dụng, sử dụng cho mục đích gì… Thế nhưng trên thực tế, người dùng chẳng buồn đọc điều khoản và điều kiện riêng tư. Đôi khi họ cũng không thể hiểu những điều trong đó viết thực sự có ý nghĩa pháp lý thế nào bởi các tài liệu này thường dùng nhiều thuật ngữ pháp lý và có nhiều chỗ rất thiếu rõ ràng. Cuối cùng, người dùng chấp nhận giao nộp dữ liệu cá nhân của mình với cái giá vô cùng rẻ mạt.
Nhiều mô hình kinh doanh thành công đã phần nào dựa trên chính sự tráo đổi này. Các mạng xã hội như Facebook hay các công cụ tìm kiếm trực tuyến hoặc báo điện tử cũng dựa trên chính điều này.
Hãy là người dùng khôn ngoan
Trong thời đại thông tin phong phú, nhiều người vẫn kém hiểu biết về giá trị của mình trên mạng Internet. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bạn hãy luôn nghĩ thật kỹ trước khi kết nối vào một mạng Wi-Fi miễn phí nào đó. Hãy nghĩ về những dữ liệu cá nhân mình sẽ mất đi ngay sau khi kết nối với mạng Wi-Fi miễn phí hay dịch vụ miễn phí đó. Thử tưởng tượng nếu dữ liệu về tài chính, lịch sử mua sắm, dữ liệu y tế hay tất cả địa điểm bạn đã từng ghé qua bị thu thập và rồi bị bán cho các công ty nước ngoài nào đó, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nhiều công ty cũng đã ý thức được điều này. Mozilla gần đây đã tung ra một bản cập nhật trình duyệt giúp chặn quảng cáo và các chức năng theo dõi. Apple cũng tránh trở thành một mô hình kinh doanh quảng cáo bằng cách khai thác dữ liệu người dùng, đổi lại công ty này chọn cách kiếm tiền từ bán phần cứng và dịch vụ. Mọi người cần biết đánh giá đúng giá trị của những dữ liệu cá nhân. Đây là một bước quan trọng để tiến tới phát triển những mạng Internet miễn phí nhưng đáng tin cậy, riêng tư và bảo mật.
Theo Lê Nga/ ICT News
Việt Nam thiên đường Wi-Fi chùa
Việt Nam là một trong những nước có hệ thống Wi-Fi miễn phí dễ truy cập nhất thế giới. Dù vậy, Wi-Fi "chùa" tồn tại nhiều nguy cơ về bảo mật.
Những quán cà phê Wi-Fi ra đời ở Việt Nam hơn 10 năm trước. Từ 2002 đến 2006, cà phê Wi-Fi trở nên thịnh hành. Theo đó, các tiệm đồ ăn, thức uống ở Việt Nam cài đặt các hotspot để khách hàng truy cập. Lâu dần, sóng Wi-Fi miễn phí trở nên phổ biến, người dùng coi đó trở thành bắt buộc ở các đơn vị kinh doanh, thậm chí trà đá, xe khách cũng có Wi-Fi.
Cũng hơn 10 năm trước, các chiến dịch cài đặt Wi-Fi miễn phí của FPT Telecom, Nokia... tại các quán cà phê khiến dịch vụ kết nối này phổ biến hơn. Cùng với qúa trình bùng nổ của smartphone, các thiết bị điện tử cá nhân, người dùng ngày càng có nhu cầu truy cập vào các tụ điểm Internet công cộng.
Việt Nam không phải quốc gia có chất lượng Internet cao. Theo báo cáo từ Hiệp hội VIễn thông Quốc tế (ITU), chỉ số chất lượng Internet Việt Nam xếp thứ 102 trên toàn cầu, giảm 8 bậc so với 5 năm trước, đạt điểm 4,28 trên tháng điểm 10.
Tuy nhiên, đây lại là nơi người dùng có thể kết nối mạng Internet dễ dàng nhất trên thế giới. Thậm chí, thời gian gần đây, người dùng smartphone, tablet trong nước còn truyền tay nhau các ứng dụng chia sẻ Wi-Fi chùa, khiến gần như tại bất cứ địa điểm nào, họ cũng có thể truy cập các mạng có mật khẩu.
Ứng dụng này hoạt động theo hình thức người dùng chia sẻ, tức là bất cứ ai biết mật khẩu một mạng Wi-Fi nào đó quanh mình đều có thể chọn chia sẻ cho tất cả những người khác (những người cùng cài ứng dụng). Khi bắt gặp một mạng Wi-Fi nào đó, ứng dụng sẽ cho hiển thị sẵn mật khẩu để người dùng truy cập miễn phí.
Wi-Fi miễn phí khắp mọi nơi là một trong những đặc sản tại Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.
Nhiều người dùng trong nước khi đi du lịch nước ngoài, thậm chí các nước phát triển tỏ ra ngạc nhiên khi không tìm đâu ra mạng Wi-Fi miễn phí để sử dụng như tại Việt Nam.
Trên thực tế, cơ sở hạ tầng Internet tại những nước này rất tốt. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể truy cập Wi-Fi tại một số địa điểm công cộng lớn như nhà ga, sân bay, các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng bắt buộc phải khai báo thông tin hoặc truy cập theo giờ.
Lấy Nhật Bản làm một ví dụ. Theo Japan Times, sở dĩ những đất nước như Nhật Bản không cung cấp nhiều điểm phát Wi-Fi miễn phí là vì chất lượng mạng 3G hoặc 4G tại đủ đáp ứng nhu cầu người dùng.
"Tại một số nước, người dùng mang theo laptop để sử dụng mạng Wi-Fi ở tất cả mọi nơi. Tại Nhật, những người như vậy sẽ mang theo các gói dữ liệu 3G hoặc Wi-Fi Router để kết nối với laptop, smartphone hay tablet. Họ không cần đến Wi-Fi miễn phí nhiều", trang này cho hay.
Khi nhu cầu sử dụng Wi-Fi miễn phí của người dùng không cao, việc thiết lập và cung cấp mạng Wi-Fi miễn phí là một điều lãng phí trong suy nghĩ của họ.
Trên thực tế, ngoài các địa điểm công cộng nổi tiếng cung cấp Wi-Fi miễn phí, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Trung Quốc cung cấp các gói dịch vụ Wi-Fi có trả tiền. Theo đó, người dùng khi đăng ký các gói Wi-Fi này theo tháng, tuần hoặc dung lượng. Họ sẽ nhận được mã đăng nhập Wi-Fi tại hầu hết các địa điểm phổ biến do đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí sẵn Wi-Fi hotspot. Chẳng hạn, người dùng Nhật phải trả 500 - 800 yen (khoảng 90.000 - 145.000 đồng) cho 24 tiếng truy cập Wi-Fi Internet theo dạng này. Đây là cách đảm bảo người dùng có thể truy cập Internet tại mọi địa điểm nhưng sẽ sử dụng một cách có trách nhiệm nhất.
Theo nhiều chuyên gia, Wi-Fi miễn phí từ lâu phổ biến ở Việt Nam, rất khó để thay đổi mô hình này, hoặc bắt người dùng trả tiền. Tại một số trung tâm thương mại, vài nhà cung cấp Wi-Fi công cộng đang tiến hành thử nghiệm việc cho người dùng miễn phí mạng, nhưng phải đăng ký, hoặc xem quảng cáo. Dù vậy, hình thức này vẫn không được nhiều khách hàng ủng hộ, chưa kể, chất lượng kết nối khá phập phù.
Theo khuyến cáo của hãng bảo mật Kaspersky, Wi-Fi công cộng không có mật khẩu, thông tin không được mã hoá nên dễ dàng bị những người có kiến thức về máy tính hoặc hacker nhìn thấy, thu thập và sử dụng cho những mục đích bất chính. Do đó, người dùng khi sử dụng Wi-Fi công cộng không nên đăng nhập vào tài khoản ngân hàng hoặc những dịch vụ cá nhân như email, Facebook, Skype,... Tuy nhiên, việc này khá khó ở Việt Nam, bởi người dùng thường không nhiều kiến thức bảo vệ chính mình.
Duy Tín - Thành Duy
Theo Zing
Pháp cân nhắc cấm Wi-Fi công cộng sau sự kiện Paris Tình trạng khẩn cấp ở Pháp khiến người dân bị hạn chế nhiều công cụ Internet, và nước này đang mở rộng thêm các lệnh cấm. Pháp có khả năng cấm Wi-Fi công cộng miễn phí cũng như các hoạt động lướt web ẩn danh sau sự kiện tấn công tại Paris, theo nhiều nguồn tài liệu rò rỉ. Chính phủ Pháp cân...