Cái giá của đại học Mỹ
Cái giá của đại học Mỹ
“Sau khi Chúa mang chúng ta đến New England một cách an toàn và chúng ta đã xây nhà cửa, cung cấp vật dụng thiết yếu cho cuộc sống, dựng nơi thờ phụng Chúa… thì một trong những điều tiếp theo mà chúng ta ao ước và tìm kiếm là có được nền giáo dục tiên tiến và duy trì cho đến thế hệ con cháu mai sau”. Đó là thư gọi vốn cho bậc đại học đầu tiên, được Trường Harvard gửi sang Anh vào năm 1643 để huy động mọi người góp vốn vào Trường. Sự đam mê ngay từ sớm của Mỹ đối với nền giáo dục bậc đại học đã đưa nước này trở thành hệ thống giáo dục huy động được nhiều vốn nhất và lớn nhất trên thế giới. Mô hình đại học của Mỹ là mô hình đại học nghiên cứu hiện đại, một sự kết hợp giữa Đại học Oxbridge và trường đại học nghiên cứu Đức vào thế kỷ XIX. Từ khi ra đời, nó đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho cả thế giới. Các trường đại học tư lẫn công từ Harvard, Yale cho đến Princeton, Caltech đều ứng dụng mô hình đại học nghiên cứu này và nhờ đó, đã nhanh chóng nổi lên là những động lực lớn trong thế giới khoa học và tri thức. Trên thực tế, các trường đại học Mỹ đã cho ra đời rất nhiều phát minh, giúp cho thế giới trở thành một nơi an toàn hơn, dễ chịu hơn và thú vị hơn. “Hãy tưởng tượng cuộc sống mà không có vắc-xin bại liệt và máy điều hòa nhịp tim… hoặc các hệ thống lọc nước thành phố, hoặc các liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến…”, một nhóm nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ đã viết thư gửi lên Quốc hội vào năm 1995, yêu cầu Chính phủ đừng cắt giảm chi tiêu vào nghiên cứu dành cho các trường đại học. Những điều đó đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của các trường đại học Mỹ đối với thế giới, ít nhất là về mặt nghiên cứu. Trong năm 2014, 19 trong số 20 trường đại học trên thế giới mà thực hiện được các báo cáo nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất đều là Mỹ. Không chỉ thế, Mỹ cũng dẫn dắt cả thế giới trong việc “đại chúng hóa” nền giáo dục đại học. Điều này một phần là do nền kinh tế cần những lao động có kỹ năng cao hơn và một phần là xã hội muốn những người lính đã chiến đấu trong Thế chiến Thứ hai có được cơ hội để nâng cao bản thân. Vì thế, Mỹ đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới mà con cái thuộc tầng lớp trung lưu được đi học đại học và đại học đã trở thành tấm hộ chiếu để đi đến sự giàu có. Với sự thành công này, không có gì đáng ngạc nhiên khi cách người Mỹ tiếp cận nền giáo dục đại học được nhân rộng khắp thế giới. Tại Trung Quốc, số sinh viên đã tăng từ 1 triệu người lên tới 7 triệu người trong giai đoạn 1998-2010. Trong thập niên kết thúc vào năm 2009, các trường đại học Trung Quốc đã tuyển dụng gần 900.000 giảng viên mới làm việc toàn thời gian. Trung Quốc giờ “sản xuất” ra số sinh viên tốt nghiệp còn nhiều hơn cả Mỹ và Ấn Độ cộng lại và đến năm 2020 nước này đặt mục tiêu sẽ đạt tỉ lệ 40% số người trẻ nhập học đại học. Xét trên toàn cầu, tỉ lệ nhập học đại học đã tăng từ 14% lên 32% trong 2 thập niên kết thúc vào năm 2012. Trong cùng thời gian, số quốc gia có tỉ lệ nhập học đại học hơn 50% đã tăng từ 5 lên con số 54 quốc gia. Thậm chí, số người nhập học đại học còn tăng nhanh hơn cả nhu cầu mua sắm xe hơi. Cơn sốt bằng cấp này cũng là điều dễ hiểu: vì hiện nay đó là một điều kiện cần để có được một công việc tốt và là tấm vé gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Cơn sốt đại học cũng khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm tạo ra các trường đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế như Mỹ cũng trở nên sôi nổi. Và vì thế, chi tiêu vào giáo dục bậc đại học cũng tăng lên: các quốc gia thuộc OECD đã chi tiêu 1,3% GDP vào giáo dục bậc đại học vào năm 2000, đến năm 2011 con số này là 1,6%. Với mô hình đại học của Mỹ được nhân rộng hơn nữa, tỉ lệ này sẽ càng tăng cao hơn. Tính ra, Mỹ hiện dành 2,7% GDP vào giáo dục bậc đại học. Trong khi mô hình Mỹ được nhân rộng khắp thế giới thì tại quê nhà, mô hình này lại đang chật vật. Các trường đại học Mỹ vẫn thực hiện nhiều nghiên cứu hàng đầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng vấn đề không nằm ở nghiên cứu mà ở khía cạnh giảng dạy. Một thực tế là các sinh viên tốt nghiệp đại học Mỹ đang cho thấy thành tích kém trong các đợt xếp hạng về giỏi toán quốc tế và khả năng viết. Trong một nghiên cứu gần đây về thành tích học tập, 45% số sinh viên ở Mỹ không đạt được thành tựu gì trong 2 năm đầu tiên đại học. Trong khi thành tích trung bình của sinh viên tốt nghiệp Mỹ thấp so với các nước khác và ngày càng sa sút thì học phí đã tăng gần như gấp đôi (xét theo giá trị thực) trong vòng 20 năm qua. Nợ sinh viên nước này hiện xấp xỉ 1.200 tỉ USD, cao hơn nợ cho vay mua ôtô và cả nợ thẻ tín dụng. Điều đó không có nghĩa, đi học đại học là một khoản đầu tư không hiệu quả đối với một sinh viên, vì bằng cấp cử nhân ở Mỹ vẫn tạo ra suất sinh lời trung bình là 15%. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là việc ngày càng đổ tiền nhiều hơn vào giáo dục đại học liệu có “hợp lý” cho toàn xã hội nói chung. Nếu sinh viên tốt nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn sinh viên chưa tốt nghiệp vì việc học đã giúp họ có năng suất làm việc tốt hơn thì giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh được tăng trưởng kinh tế và xã hội sẽ muốn thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư vào đại học. Các nghiên cứu ở góc độ nhà tuyển dụng lại cho thấy một khía cạnh thú vị khác. Một nghiên cứu gần đây của các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tuyển dụng cho thấy họ tuyển các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín nhất không phải vì những gì mà các ứng viên có thể đã được học tại đó mà là vì các quy trình sàng lọc khắt khe của các trường này. Nói cách khác, nhà tuyển dụng dường như đang thông qua các trường học danh tiếng để tìm ứng viên nào thông minh hơn cho công ty họ, chứ không phải vì kiến thức mà sinh viên học được. Còn đối với sinh viên, họ có thể đã trả một số tiền rất lớn chỉ để trải qua một cơ chế sàng lọc đầu vào rất tỉ mỉ. Vì hầu như không có thước đo nào để đánh gái liệu trường đại học nào thực sự đào tạo nên người giỏi nên cũng không rõ liệu đầu tư nhiều vào giáo dục đại học có xứng đáng. Theo giới chuyên gia, chính phủ cần phải là người thúc đẩy sự sàng lọc các trường đại học vì trường đại học chỉ có lợi lớn cho xã hội nếu sinh viên được trang bị những kiến thức họ cần. Nếu không, sẽ có một số tiền lớn bị lãng phí.
Theo nhipcaudautu.vn