Cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam
Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ tiểu học đến đại học không thể tiếp tục tồn tại như hiện nay. Vậy sự cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà cần được thực hiện như thế nào?
Ba tổ chức gồm Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị về việc cần thiết tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời kiến nghị về một mô hình hệ thống giáo dục quốc dân mới dựa trên những định hướng cơ bản của nghị quyết trung ương 29.
Trước đó, trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 6/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới.
GS.TS Trần Hồng Quân. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tại sao cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân? GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT – nhận định: “Có một thực tế là cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay theo Luật giáo dục (đặc biệt sau khi đã điều chỉnh theo Luật giáo dục nghề nghiệp) về cơ bản không đáp ứng được hàng loạt các định hướng quan trọng trong nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo như: xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…”.
Không thể xây dựng chương trình phổ thông tổng thể
- Việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đề xuất cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới có tác động thế nào đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đang gấp rút hoàn thiện, cũng như một loạt chiến dịch đổi mới về thi cử, đánh giá, thưa ông?
“Ngay cả Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần thừa nhận cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại chưa thật đồng bộ, sự liên thông giữa các cấp học còn hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, điều cấp thiết là phải định hình, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân làm nền tảng cho những đổi mới khác của giáo dục”.
GS.TS Trần Hồng Quân
- Cách đây vài tháng, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếp tục công bố báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân về bản dự thảo này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc bộ có kế hoạch cố sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa là không phù hợp về bước đi, khó mang tính đổi mới cơ bản và toàn diện đối với giáo dục, và sẽ phải làm lại, gây nhiều lãng phí tiền bạc, thời gian.
Vì vậy, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người vừa có văn bản kiến nghị đề cập cách làm bất cập của Bộ GD&ĐT, đồng thời đưa ra kiến nghị về hệ thống giáo dục quốc dân và sơ đồ phân luồng cho từ sau năm 2015. Đồng thời cũng đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sau khi cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân được khẳng định.
- Tại sao Việt Nam nên thực hiện phân luồng triệt để sau THCS, trong khi nhiều nước phát triển vẫn phân luồng sau THPT để có được lực lượng lao động trình độ cao?
- Tại Việt Nam, hệ quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau THCS trong suốt bao năm qua là chúng ta chỉ có trong tay nguồn nhân lực quá thấp kém về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp chuyên nghiệp), hoặc ở mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo Luật giáo dục nghề nghiệp), hoặc ở mức vượt trình độ công nghệ của đất nước (như ở hệ CĐ nghề) như hiện nay.
Video đang HOT
Thêm một bất hợp lý dẫn đến lãng phí khi chúng ta không thực hiện được phân luồng là nhiều học sinh học hết THPT rồi lại đi học trung cấp, sơ cấp nghề – trình độ đào tạo mà đáng lẽ các em có thể rút ngắn để thực hiện ngay khi tốt nghiệp THCS từ ba năm trước.
Trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH
- Vậy để thực hiện cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân một cách hiệu quả, đâu là việc cần làm ngay, đâu là việc cần được đầu tư lâu dài, có tính chiến lược, thưa ông?
- Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục ĐH, để cùng với giáo dục ĐH truyền thống hình thành nên nền giáo dục sau trung học hoặc giáo dục bậc ba (tertiary education), góp phần quan trọng đưa giáo dục ĐH ở nhiều nước chuyển nhanh từ giai đoạn tinh hoa qua giai đoạn đại chúng và tiếp đó là giai đoạn phổ cập, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho sự ra đời một nền kinh tế tri thức ở những nước đó.
Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập nhau. Việc tách trình độ CĐ ra khỏi giáo dục ĐH để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó.
Vì vậy, để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế thì trước hết phải triển khai một loạt giải pháp cấp bách: trả trình độ CĐ về giáo dục ĐH; đổi tên, mục tiêu và chương trình của trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề; chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc thành CĐ thực hành hoặc trung học nghề; hợp nhất một bộ phận các trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.
Ngoài ra, cần quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng – thực hành. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm. Các trường địa phương và trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng ứng dụng – thực hành, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương và của ngành.
Về lâu dài phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường ĐH trọng điểm để hình thành các ĐH nghiên cứu, từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thật sự cho cơ sở giáo dục ĐH, chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục ĐH công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính.
Ngoài ra, rất cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học căn cứ vào sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương.
Phân luồng diễn ra hoàn toàn trái ngược
Thực tế, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục năm 2005 xác định sau giáo dục mầm non (dưới 6 tuổi) sẽ đến tiểu học (5 năm), THCS (4 năm), sau đó đến THPT (3 năm) hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, rồi CĐ, ĐH, sau ĐH.
Việc phân luồng này có vẻ tương đối hợp lý, nhưng trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp trung ương và cấp địa phương) lại mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng THPT và chặn luồng học lên đối với các hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.
Rõ ràng đối với Việt Nam, định hướng phân luồng từ sau THCS của hệ thống giáo dục đã thể hiện trong nhiều chủ trương, nhưng thực tiễn giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược. Cụ thể, theo thống kê giáo dục năm 2010 – 2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động.
Chính tỉ lệ nhập học THPT cao đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên ĐH, CĐ (mặc dù tỉ lệ nhập học ĐH của Việt Nam vẫn còn ở dưới mức trung bình của thế giới), cũng như nhiều rắc rối khác có liên quan tới sự quá tải của các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm.
GS.TS Trần Hồng Quân
Theo Ngọc Hà/Tuổi Trẻ
Thi tốt nghiệp, tuyển sinh không thể '2 trong 1'
Bộ GD&ĐT nhập hai kỳ thi quốc gia thành một kỳ thi chung duy nhất với mong muốn giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém.
Nhưng rốt cuộc, sau kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo phương án đổi mới, nhiều chuyên gia lại đề xuất tách kỳ thi "hai trong một", tại sao?
GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ:
- Tại sao phải ghép một kỳ thi mà hầu hết thí sinh đều sẽ đỗ tốt nghiệp với một kỳ thi chọn lựa, sàng lọc người đủ khả năng theo học đại học?
- Chúng ta cần giảm bớt áp lực, sự cồng kềnh, tốn kém của các kỳ thi, nhưng không có nghĩa là "cộng" hai kỳ thi quốc gia vào làm một. Hãy xem xét, đánh giá kỹ xem trong hai kỳ thi đó, cái nào là cần thiết, cái nào làm đến đâu là vừa. Với thông lệ hằng năm - hầu như đều biết trước kết quả đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95 - 99%, thì cần gì phải tổ chức một kỳ thi tầm cỡ quốc gia chỉ để xác nhận lại tỉ lệ này?
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại điểm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM.
- Những rắc rối, xộc xệch trong tổ chức thi THPT quốc gia, trong xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua liệu đã là minh chứng đầy đủ cho bất cập của kỳ thi "hai trong một", thưa ông?
GS Đào Trọng Thi.
- Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng chỉ là vấn đề phụ. Ngay cả những rối loạn trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ, cho rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật, có thể sửa chữa, điều chỉnh; chỉ vì bộ làm việc thiếu thận trọng, nóng vội quá, muốn đổi mới nhiều quá trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đầy những rắc rối về tổ chức, lẫn lộn về chức năng: sở GD&ĐT làm công tác của tuyển sinh, nhận hồ sơ, tiếp nhận đăng ký nguyện vọng của thí sinh thay cho các trường ĐH; còn trường ĐH lại tổ chức thi để sau đó chuyển cho sở GD&ĐT làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT...
Bất cập chính ở đây là triết lý của việc nhập hai kỳ thi vốn có mục tiêu, yêu cầu rất khác nhau vào làm một. Một bên là đánh giá học sinh có đạt được chuẩn nhất định để tốt nghiệp hay không, so sánh năng lực của thí sinh với chuẩn đầu ra nhất định, không có cạnh tranh, nên dù có đạt tỉ lệ 100% cũng được.
Còn lại, một bên là kỳ tuyển sinh mang nặng tính cạnh tranh, có hai em thi, một em giỏi hơn sẽ đỗ, em yếu hơn sẽ trượt; thậm chí nếu cả hai em cùng kém, không đạt mức sàn thì đều không chạm được ngưỡng trúng tuyển. Như vậy, khi nhập hai kỳ thi làm một, điều quan trọng nhất là liệu có ra được đề thi thống nhất chung cho cả hai mục đích ấy? Trong nhiều lần thảo luận, không ít ý kiến các chuyên gia đã khẳng định chúng ta chưa thể kết hợp hai mục tiêu ấy, vì không thể ra một đề thi đáp ứng cả hai nhu cầu.
- Vậy rốt cuộc, theo ông, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
- Trước mắt, vẫn nên duy trì thi tốt nghiệp THPT, nhưng giao về sở GD&ĐT và lâu dài giao hẳn cho các trường THPT tổ chức thực hiện. Nếu không thi, không xét tốt nghiệp THPT, 100% học sinh lớp 12 cùng đỗ tốt nghiệp thì không tạo được động lực cho các em học tập. Nhưng nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 90-95% thì hoàn toàn có thể giao cho trường THPT. Nếu để lọc ra 5-10% học sinh yếu kém, không thể đỗ tốt nghiệp thì trường THPT sẽ làm chính xác, đơn giản hơn, kể cả khi thi kết hợp với xét quá trình học tập.
Thật ra, theo quan điểm của tôi, cũng không nên để tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp dưới 90%, vì không thể để hơn 10% học sinh sau 12 năm học THPT không có bằng tốt nghiệp, không có gì chứng nhận các em đã hoàn thành kết quả học tập THPT.
Khi thi tốt nghiệp, do từng địa phương làm thì không lo bệnh thành tích vì không có cơ sở để so sánh giữa các cơ sở, giữa các địa phương nữa. Nếu một sở, thậm chí một trường tự tổ chức ra đề thi, chấm thi, thì tỉ lệ tốt nghiệp tỉnh này cao, tỉnh kia thấp hơn cũng chẳng đánh giá được gì, vì rất có thể tỉ lệ tốt nghiệp tại tỉnh này cao do đề thi dễ hơn và ngược lại.
- Theo ông, về lâu dài, có cách nào làm cho xã hội thật sự an tâm về những cải cách, đổi mới thi cử của ngành giáo dục?
- Việc cải tiến và đổi mới các kỳ thi không phải là không có triển vọng, mà có thể thực hiện tốt trong thời gian tới, với những điều kiện đi kèm đã sẵn sàng. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta vẫn đang sử dụng sách giáo khoa cũ vốn được xây dựng trên nền tảng truyền đạt kiến thức, mà chưa quan tâm phát triển năng lực người học.
Vì vậy, không thể ra đề thi mở, đánh giá năng lực hoàn toàn; không thể học một kiểu, thi một kiểu được. Việc bắt học sinh tự tổng hợp kiến thức để giải các bài tập đánh giá năng lực là quá sức với các em, đó là tố chất dành cho nhà nghiên cứu.
Triển vọng đổi mới không chỉ về cách thức tổ chức mà cả ở nội dung thi cử đang thật sự mở ra, khi chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực, tăng cường dạy học tích hợp kết hợp với phân hóa định hướng nghề nghiệp.
Hiện tại, ở cấp phổ thông có hàng chục môn học, nếu bắt các em môn gì cũng học thì quá cồng kềnh, nhưng nếu tích hợp chung vào bài thi thì rất đơn giản, gọn nhẹ. Thi bằng bài tích hợp đánh giá năng lực chính là cách ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2015. Họ đã xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn bị cho hình thức thi này trong cả chục năm qua.
Tuy nhiên, thời điểm này chưa phù hợp để áp dụng phương thức thi mới. Học gì thi nấy, phải chờ đến khi học sinh được học chương trình mới theo hướng đánh giá năng lực, thì mới có thể yêu cầu các em vận dụng những điều đã học để làm bài thi đánh giá năng lực được.
Bộ đã quá ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT
Rõ ràng trong kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một" vừa qua, Bộ GD-ĐT đã rất thận trọng với mối lo rủi ro về tỉ lệ tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ ấy thấp quá thì sợ bị đánh giá chung về chất lượng giáo dục, nhưng tỉ lệ tốt nghiệp cao quá, chẳng hạn lên 100% thì xã hội lại không tin tưởng.
Chính vì ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT ở kỳ thi chung, nên bộ buộc phải ưu tiên tỉ lệ câu hỏi trong đề thi dành cho mục tiêu ấy. Bộ GD&ĐT công bố có đến 60% số câu hỏi dùng để xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi còn lại để dành xét tuyển ĐH, CĐ; nhưng thực tế tỉ lệ dành cho các câu hỏi để xét tốt nghiệp THPT còn cao hơn.
Kết quả là tỉ lệ câu hỏi khiêm tốn còn lại dành xét tuyển ĐH, CĐ không đủ để phân hóa thí sinh. Chỉ có một số ít câu hỏi có tính nâng cao từ mức khá trở lên thì chỉ lọc được các em giỏi, còn tầng dưới học sinh trung bình và khá lẫn lộn hết. Vì vậy, đầu vào của các trường tốp giữa bị lẫn lộn.
Vấn đề không phải là có tuyển được đủ thí sinh hay không, mà điều quan trọng với các trường là có tuyển được người đúng năng lực như yêu cầu hay không. Vì vậy, với kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, dễ thấy mục tiêu dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT thì suôn sẻ, nhưng kết quả ấy dùng để xét tuyển ĐH, CĐ thì không ổn.
GS. Đào Trọng Thi
Theo Ngọc Hà/Tuổi Trẻ
Giáo sư Hoàng Tụy: Kỳ thi cho ta nhiều hy vọng GS Hoàng Tụy là người luôn đau đáu quan tâm đến những bước đi đổi mới giáo dục, vậy nên khi đặt vấn đề xin được hỏi những nhận định của ông về kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức vừa qua, câu đầu tiên ông nói: "Tôi vừa gửi thư chúc mừng ông Bộ trưởng về những thắng lợi của...