Cách tránh lây nhiễm đau mắt đỏ khi bùng nổ dịch
Dịch đau mắt đỏ đang xuất hiện ở rất nhiều nơi. Những cách tránh lây nhiễm đau mắt đỏ dưới đây sẽ giúp bạn tránh bị lây nhiễm khi đi vào vùng có dịch đau mắt đỏ.
Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ
Để tránh lây nhiễm đau mắt đỏ, bạn cần biết về triệu chứng của bệnh.
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, virut, viêm dị ứng gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng tháng 7-9, là những tháng mưa nhiều.
Triệu chứng ban đầu chỉ là mắt cộm (cảm giác có sạn trong mắt), ngứa, đỏ 1 hoặc cả 2 mắt. Mắt thường sưng tấy, đau nhức và đổ ghèn liên tục. Một số người còn bị nhức đầu, sốt nhẹ.
Thật ra, đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, không đi khám, điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng như viêm giác mạc, dẫn đến giảm thị lực, diễn biến nặng có thể dẫn đến mù mắt.
Thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày để loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể.
Hạn chế tiếp xúc nếu muốn tránh bị lây nhiễm đau mắt đỏ. Đừng hôn con những ngày này bạn nhé!
Cách tránh lây nhiễm đau mắt đỏ
Những việc nên làm để tránh lây nhiễm đau mắt đỏ:
1. Rửa tay thường xuyên
Video đang HOT
2. Uống nhiều nước
3. Nghỉ ngơi, thư giãn. Cho mắt nghỉ dưỡng.
4. Tránh khói bụi. Tránh các nơi công cộng.
5. Nên đeo khẩu trang, kính mát khi ra ngoài. Việc đeo kính mát sẽ giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói khi đi ra ngoài lúc có nắng (từ 9-10 giờ sáng đến 3-4 giờ chiều, thời điểm chứa nhiều tia cực tím).
6. Trước mỗi lần nhỏ thuốc mắt cần rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý. Nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô.
7. Khi rửa mắt không để đầu thuốc chạm vào mắt để tránh lây lan.
8. Mỗi lần đi bên ngoài về nên nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa sạch mắt. Sau đó nhắm kín hai mắt và xoa nhẹ vào hai nhãn cầu (khối cầu của mắt) khoảng 10-15 lần giúp các cơ được “thư giãn” và các mạch máu nhỏ cung cấp dưỡng chất cho mắt lưu thông tốt hơn. Dĩ nhiên phải rửa tay sạch với xà phòng trước khi thực hiện thao tác trên.
Những việc không nên làm để tránh lây nhiễm đau mắt đỏ
1. Không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt mà phải đến BS chuyên khoa thăm khám, tránh các biến chứng đáng tiếc cho giác mạc, thị lực.
2. Không nên sử dụng chung một lọ thuốc nhỏ mắt hoặc nước muối bởi nguồn bệnh có thể lây qua phần nắp lọ.
3. Tuyệt đối không nên tự ý pha nước muối để tra mắt bởi có thể bị bỏng, rát mắt nếu pha tỉ lệ không đúng.
Theo VNE
Chủ động ngừa bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) hiện tại vẫn chưa có xu hướng thuyên giảm mà ngày càng lan rộng ở cả miền Bắc và miền Nam.
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương, khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Tại BV Mắt TP. Hồ Chí Minh, có gần 2.000 lượt bệnh nhân (BN) đến khám trong 2 tuần gần đây. Các chuyên gia kết, giác mạc nhận định: năm nay, bệnh xuất hiện muộn hơn (thông thường, dịch xảy ra vào mùa mưa trong tháng 6, 7, 8 hàng năm) nhưng tiến triển nhanh và mức độ trầm trọng hơn. Làm thế nào để phòng tránh hiệu quả cũng như tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc? Xin giới thiệu bài viết của TS.BS. Phạm Ngọc Đông - Trưởng khoa Kết, giác mạc BV Mắt Trung ương về căn bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết viêm kết mạc cấp
Bệnh viêm kết mạc cấp hay dân gian gọi là đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè, thu, bệnh thường gặp hơn và có thể lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch viêm kết mạc cấp.
Viêm kết mạc cấp biểu hiện ban đầu bằng các triệu chứng như cộm mắt, ngứa, có tiết tố (rử mắt). Phần kết mạc (lòng trắng) đỏ dần, có thể đỏ toàn bộ mắt. Nặng hơn, mi mắt có thể sưng nề, đỏ. Bệnh nhân có thể thấy nước mắt chảy ra có màu hồng do các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết, thoát huyết tương. Phần kết mạc mi có thể có giả mạc trắng. Điểm đặc biệt trong viêm kết mạc cấp là bệnh nhân không bị giảm thị lực (khả năng nhìn trước và khi bị bệnh là như nhau). Bệnh nhân có thể khó nhìn do rử mắt che khuất, sau khi lau sạch rử, mắt lại nhìn được bình thường.
Viêm kết mạc cấp có thể do vi khuẩn hoặc virut gây ra.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Bệnh biểu hiện cấp tính hoặc bán cấp với các triệu chứng: đỏ mắt, có tiết tố, phù, chảy nước mắt, kích thích. Tiết tố có thể có mủ hoặc mủ nhầy: gồm các tế bào, vi khuẩn, bạch cầu. Giả mạc có thể gặp trong viêm kết mạc do vi khuẩn, thường do H. influenza, streptococcus pneumoniae, corynebacterium diphtheriae gây ra.
Viêm kết mạc do virut
Viêm kết mạc do Adenovirus: biểu hiện đặc trưng là có hột, dấu hiệu này thường không có trong viêm kết mạc vi khuẩn. Biểu hiện một trong các dạng sau:
- Viêm kết mạc có hột cấp tính: Adenovirus typ 1, 2, 4-6, 19. Bắt đầu ở 1 mắt, sau đó lan dần sang 2 mắt. Giai đoạn cấp kéo dài 21 ngày, phục hồi hoàn toàn sau 28 ngày.
- Viêm kết mạc họng hạch (PharyngonoConjuctival Fever) do Adenovirus týp 3, 7 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện sốt, viêm kết mạc, viêm họng, đau đầu, tiêu chảy, ban đỏ, nổi hạch. Bệnh kéo dài 10-14 ngày, khỏi không để lại di chứng.
Viêm kết mạc cấp xuất huyết: do Enterovius 70 gây ra với các triệu chứng tương tự như trên và kèm theo xuất huyết kết mạc.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, một số bệnh cũng có biểu hiện đỏ mắt nhưng lại không phải là viêm kết mạc cấp như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn. Vì vậy, khi có các dấu hiệu đỏ mắt, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán bệnh đúng và điều trị kịp thời.
Không tự ý điều trị để tránh những biến chứng đáng tiếc
Với các trường hợp viêm kết mạc cấp, cho dù do vi khuẩn hay virut gây ra thì bệnh nhân cũng vẫn cần dùng kháng sinh tra tại mắt nhằm loại trừ tác nhân gây bệnh (với viêm kết mạc do vi khuẩn) hoặc chống bội nhiễm (với viêm kết mạc do virut). Tùy theo mức độ viêm nặng hay nhẹ, các bác sĩ có thể cân nhắc dùng corticoid dạng tra mắt để làm giảm mức độ viêm, giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Việc dùng loại thuốc nào, với liều bao nhiêu phải do bác sĩ chuyên khoa mắt quyết định nhằm tránh các tác dụng phụ của thuốc, nhất là khi dùng corticoid tra mắt. Nếu được điều trị đúng, viêm kết mạc cấp sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì trong vòng 10 - 15 ngày điều trị.
Ảnh minh họa
Khi bị bệnh, không nên tự ý điều trị hoặc dùng thuốc của người khác vì một số bệnh nhân có thể có các biến chứng ở giác mạc. Tuyệt đối không được đắp lá, xông lá trầu không vì những biện pháp này không những không làm bệnh khỏi nhanh hơn mà còn có thể gây nhiễm khuẩn hoặc bỏng giác mạc, kết mạc.
Viêm kết mạc hoàn toàn có thể phòng tránh
Viêm kết mạc cấp, đặc biệt là viêm kết mạc cấp do virut có khả năng lây lan nhanh, làm cho nhiều người mắc bệnh. Viêm kết mạc cấp lây lan chủ yếu qua đường tay - mắt. Vì vậy, để phòng viêm kết mạc cấp, cả bệnh nhân và người chưa mắc bệnh cần phải có ý thức về phòng bệnh.
Với người đang bị viêm kết mạc cấp: cần rửa tay ngay bằng xà phòng sau mỗi lần lau mắt, tra thuốc. Khăn mặt, khăn trải gối cần được giặt sạch bằng xà phòng. Cần để riêng các giấy, bông lau mắt vì đây là nguồn nhiễm tác nhân gây bệnh quan trọng. Nếu có điều kiện, người bệnh nên cách ly (nghỉ học, nghỉ làm việc). Khi bị bệnh, cần đi khám để được điều trị kịp thời, rút ngắn thời gian mang bệnh cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Với người chưa mắc bệnh: hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nhân viên y tế sau khi khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ phải rửa tay ngay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn tay để tránh lây bệnh cho mình và cho những bệnh nhân khác. Cần chú ý xử lý tiệt khuẩn các dụng cụ khám mắt cho bệnh nhân viêm kết mạc cấp để tránh lây lan trong bệnh viện. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt bằng nước sạch. Có thể rửa sạch mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Theo PNO
Đau mắt đỏ: Dù không nặng cũng nên nghỉ Dịch đau mắt đỏ đang có diễn biến phức tạp và lan rộng trên cả nước. Nhiều người bị đau mắt đỏ buộc phải nghỉ học, nghỉ làm để phòng tránh lây lan. Lo sợ học sinh bị hổng kiến thức Theo chị Nguyễn Thị Bình (Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội) cả gia đình chị đều bị mắc bệnh đau mắt đỏ....