Cách ra đề thi môn Ngữ Văn như hiện nay đã lỗi thời
Người ra đề thi môn Ngữ Văn thường ngại ra đề mở vì khi chấm sẽ khó. Tuy nhiên cách ra đề kiểu này đã lỗi thời, không bắt kịp xu thế của thời đại.
Đề thi môn Ngữ Văn cần thoáng hơn, đa chiều hơn
Thời gian gần đây môn Ngữ Văn nói riêng và các môn học khác thường lồng ghép những sự kiện thời sự hay còn được gọi là hot trend vào trong đề thi. Điều này liệu có giúp học sinh hứng thú hơn trong việc làm bài?
Liên quan đến cách ra đề thi môn Văn trong các kỳ thi, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô giáo Phạm Thái Lê, trường Marie Curie ( thành phố Hà Nội).
Theo cô Lê đánh giá: Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn hiện nay chưa phù hợp với xu thế của thời đại, đề thi cần thoáng hơn, mở hơn và đa chiều hơn.
Cấu trúc và tỷ lệ như thế này không hợp lý và không bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.Cô Phạm Thái Lê nói: “Theo tôi nhớ không lầm thì hiện nay cấu trúc của đề thi môn Ngữ Văn Trung học Phổ thông Quốc gia dành 70-80% cho nghị luận văn học, còn lại là nghị luận xã hội.
Nhìn ra các nước xung quanh có nền giáo dục phát triển hoặc các nước láng giềng như Trung Quốc chúng ta thấy đề của họ 100% là đề nghị luận xã hội. Có rất nhiều bài luận của học sinh nước ngoài Âu – Mỹ là nghị luận xã hội.
Thông qua nghị luận xã hội mới có thể đánh giá hết được năng lực viết, năng lực tư duy cũng như khả năng diễn đạt ngôn ngữ của học sinh.
Điều này phản ánh toàn bộ hiệu quả của việc dạy và học Văn chứ không còn mang tính giáo điều”.
Theo cô Phạm Thái Lê: Cần thay đổi cấu trúc đề thi môn Văn hiện nay theo hướng tăng phần nghị luận xã hội, giảm phần nghị luận văn học:
“Tôi mong muốn nếu không thay đổi được một cách đột ngột thì chúng ta cũng nên từng bước thay đổi để bắt kịp xu hướng thời đại.
Cấu trúc đề thi môn Văn phải có ít nhất 50% nghị luận xã hội, 20% kiểm tra kiến thức và 30% phần nghị luận văn học.
Riêng phần nghị luận văn học ngữ liệu cũng phải thoát khỏi những cái dập khuôn trong sách giáo khoa.
Ví dụ khi nói về tác giả Nguyễn Minh Châu chúng ta không nói về Chiếc thuyền ngoài xa mà lấy một tác phẩm khác. Ngữ liệu cần linh hoạt hơn để tránh tình trạng học tủ, học lệch như hiện nay”.
Cô Phạm Thái Lê phân tích vì sao môn Ngữ Văn ngày càng kém hấp dẫn (Ảnh: NVCC)
Cũng theo cô Phạm Thái Lê cấu trúc đề thi như vậy giáo viên cũng sẽ dạy thoáng hơn và học sinh cũng rèn luyện được khả năng tư duy diễn đạt. Bên cạnh đó cô Lê cũng chỉ ra rằng: Cách ra đề văn như hiện nay là lỗi thời.
Cô Lê nói: “Khoảng độ 5-7 năm trở lại đây mới thêm phần nghị luận xã hội một cách khiêm tốn vào trong đề thi. Tôi nghĩ chắc người ra đề quan niệm rằng: Môn Văn là một môn liên quan đến tác phẩm văn học.
Người ta đánh giá một kỳ thi là kiểm tra những cái gì mà học sinh đã học. Cách ra đề như vậy là lỗi thời bởi năng lực văn chương không thể chỉ đánh giá qua một tác phẩm văn học mà cần phải mở rộng ra hơn phù hợp với điều kiện thực tiễn và sự phát triển của thời đại”.
Theo cô Phạm Thái Lê học sinh cũng cảm thấy hứng thú hơn với các đề thi mở, đề nghị luận xã hội: “Trước các kỳ thi học sinh giỏi hay thi Quốc gia trong các nhóm đội tuyển của tôi các bạn chỉ lo lắng về phần nghị luận văn học.
Bởi không biết phần nghị luận văn học sẽ rơi vào tác phẩm nào. Riêng phần nghị luận xã hội thì các bạn lại không lo lắng và cũng không phải chuẩn bị gì nhiều.
Phần nghị luận xã hội thể hiện năng lực văn chương của mỗi cá nhân, các bạn sẽ diễn đạt những gì mình nghĩ bằng năng lực ngôn ngữ.
Do vậy học sinh cũng hứng thú và chủ động hơn trong việc ôn thi phần nghị luận xã hội. Đó cũng là cách tiếp cận với một nền giáo dục tiến bộ”.
Đề thi môn Ngữ Văn càng thông thoáng, càng mở học sinh càng hứng thú (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
Trong một vài năm gần đây, đang có xu hướng lồng ghép các sự kiện thời sự vào đề thi môn Văn.
Đánh giá về cách ra đề này cô Lê cho biết: Bản thân tôi ủng hộ cách lồng ghép các sự kiện thời sự vào trong đề văn nhưng cần chú ý chọn lọc ngữ liệu đưa vào.
Cô Lê phân tích: “Tôi ủng hộ việc đưa các ngữ liệu đời sống và các sự kiện xã hội vào trong đề văn. Cách ra đề như thế này sẽ khiến người làm bài cảm thấy hứng thú hơn.
Bởi đối tượng ở đây là học sinh, các bạn trẻ cho nên các em sẽ dễ dàng tiếp nhận những vấn đề liên quan, gần gũi đến mình chứ không phải là những vấn đề cao siêu, xa vời.
Tuy nhiên việc chọn lọc ngữ liệu đưa vào đề Văn cũng cần thận trọng tránh tình trạng quá đà. Mình dùng ngôn ngữ thường ngày gọi là đú theo trend”.
Trong quan niệm của cô Lê: Đề Văn hay là để học sinh được nói tiếng nói của mình:
“Thời gian trước đây xã hội lên án đề thi của Hải Phòng hoặc đề học sinh giỏi nhưng tôi thấy các đề ấy khá là hay.
Học sinh phải được quyền nói lên tiếng nói của mình, các bạn có quyền được nói mặt trái, mặt xấu của một vấn đề chứ không nhất nhất là phải tốt, phải lý tưởng.
Do vậy phải có nhiều đáp án, nhiều hướng đánh giá để chấm chứ không chỉ theo một cách đánh giá đơn thuần được.
Người ta ngại ra đề mở vì đề mở thường khó chấm nhưng đề thi phải có tính nhân văn, có chiều sâu để học sinh bộc lộ tư duy.
Video đang HOT
Có những đề Văn người học sinh nhớ mãi. Chẳng hạn nhà văn Thạch Quý thầy vẫn nhớ đề Văn từ hồi đi học mà thầy năm nay 70 tuổi rồi.
Đề thi ấy gây ấn tượng mạnh bởi nó bàn được 2 mặt của vấn đề, cho cái nhìn đa chiều.
Những đề thi hay cần phải có tính khái quát cao, đưa được vấn đề có tính nhân văn lâu dài.
Những đề thi đó vừa có tính thời sự lại mang giá trị, hơi thở của thời đại, không bị lỗi thời”.
Thay đổi cấu trúc đề Văn mới thay đổi được phương pháp dạy học (Ảnh minh họa: Báo Bình Định)
Theo cô Lê: Cách ra đề chứng minh nhân định, câu nói của nhà phê bình bằng một tác phẩm văn học là lỗi thời.
“Mẫu ra đề đưa nhận định của nhà phê bình nào đấy và chứng minh bằng một tác phẩm là cách ra đề theo lối tư duy cũ.
Bởi vì một câu nói của cá nhân, nhân vật nó chỉ là một góc hẹp không thể áp đặt cho người khác, tác phẩm khác. Cách ra đề như này vừa lỗi thời, vừa áp đặt, chủ quan”.
Cuối cùng theo cô Lê, cấu trúc đề thi sẽ ảnh hưởng đến phương pháp dạy và cách học của học sinh:
“Xu hướng ra đề của những nền giáo dục hiện đại hoặc bài luận tiếng Anh hiện nay đều hướng đến tính mở hơn, thoáng hơn và đòi hỏi sự tư duy độc lập và không bị áp đặt cách nghĩ của người lớn vào trong đấy.
Muốn môn Văn trở nên hấp dẫn hơn, phương pháp dạy hay hơn, học sinh hứng thú hơn thì trước tiên phải thay đổi cấu trúc và cách ra đề thi”.
Văn học không phải là thứ đẹp đẽ để trưng bày mà cần đi vào cuộc sống
Nói về môn Ngữ Văn, theo cô Lê quan niệm đánh giá: Môn Ngữ Văn là một môn không đòi hỏi sự tư duy là một quan niệm sai lầm.
Cô Lê bày tỏ: “Đã đến lúc mọi người cần thay đổi quan niệm và cách đánh giá về môn Ngữ Văn. Môn Văn không chỉ đòi hỏi năng lực cảm thụ mà còn đòi hỏi cả tư duy.
Nhiều bạn theo học khối C nhưng có tư duy rất tốt ngược lại cũng có những bạn học tự nhiên có năng lực văn chương các bạn diễn đạt rất hay.
Học Văn hiện nay là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, cách viết, ngôn từ, cách diễn đạt cần giản dị nhưng sâu sắc hơn, lập luận có tính tư duy hơn”.Học Văn hiện nay không phải là cách học thuần túy theo kiểu văn chương trước đây đề cao lối viết ủy mị, sến súa dùng nhiều mỹ từ.
Trong con mắt của cô giáo Lê: Văn học không chỉ gói gọn trong các tác phẩm, trong trường học mà còn phải đi vào thực tiễn cuộc sống:
“Trong một tình huống ngoài đời nếu các bạn dùng năng lực văn chương, ngôn ngữ, lập luận để bảo vệ điều đúng đắn, bảo vệ lẽ phải thì đó là giá trị của văn học.
Văn học bây giờ không còn là thứ đẹp đẽ được trưng bày trong tủ kính nữa mà văn học cần đi vào cuộc sống.
Con người dùng văn học để diễn đạt những điều mình nghĩ, tạo lập những văn bản phục vụ công việc của mình, dùng văn học để lập luận, tư duy khúc chiết các vấn đề của cuộc sống.
Đối với những ai có năng lực thẩm thấu văn chương thì đó là năng khiếu. Mình chỉ nên đào tạo những gì đào tạo được.
Cho nên môn văn trong nhà trường cần phải đi vào tư duy văn học, đó cũng là xu thế. Những giáo dục của mình chưa bắt kịp được”.
Xây dựng bầu khí quyển của thời đại, tác phẩm trước khi giảng dạy để môn học này hấp dẫn hơn (Ảnh: Khánh Văn)
Theo đánh giá của cô Lê: Môn Văn rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người: “Môn Văn rất quan trọng, những người thành công trong cuộc sống họ đánh giá rất cao môn Văn.
Nhiều người nói giá như trước đây chăm chỉ học Văn hơn thì học còn thành công hơn nữa.
Môn Văn dạy học sinh 3 kỹ năng rất quan trọng: nói, viết, đọc cảm. Những kỹ năng này phục vụ công việc, cuộc sống sau này.
Việc bạn trình bày một văn bản, một bài phát biểu như thế nào cũng thể hiện được tư duy của người học Văn”.
Cô Lê cũng cho rằng: Để dạy môn Ngữ Văn tốt trong trường học cần phải linh hoạt trong các giảng dạy cũng như tạo được một bầu khí quyển mang hơi thở của tác phẩm trước khi dạy để học sinh cảm nhận và tư duy được.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn vì học sinh không được nói, viết suy nghĩ thật của mình
Ba kỹ năng quan trọng nhất của môn Văn: kỹ năng nói, viết, kỹ năng đọc cảm, học sinh không được học trong trường mà chỉ học những cái khuôn mẫu để đi thi.
Vì sao môn Ngữ Văn trong trường học lại đang kém hấp dẫn học sinh?
Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (thành phố Hà Nội).
Là giáo viên dạy môn Ngữ Văn lâu năm, cô Lê đã có nhiều chia sẻ quý báu dưới góc độ của một người giảng dạy môn học này.
Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn không phải ở chương trình học, sách giáo khoa hay phương pháp dạy
Theo cô Phạm Thái Lê: Không chỉ giáo viên môn Ngữ Văn mà bất kể giáo viên môn học nào đều mong muốn môn học mình dạy hấp dẫn với học sinh.
Tuy nhiên đối với môn Ngữ Văn không những đang kém hấp dẫn học sinh mà còn kém hấp dẫn cả với giáo viên.
Lý giải về điều này, cô Lê cho rằng mấu chốt nằm ở việc; dạy môn Văn xa rời thực tế, dạy học sinh nói những điều học sinh không nghĩ và rập khuôn theo barem điểm.
Cô Lê nói: "Theo tôi, mấu chốt của vấn đề này là chúng ta dạy học sinh để thi. Tại sao ở các lớp dưới (6,7,8,10,11) - không phải ở lớp cuối cấp, môn Văn vẫn hấp dẫn với cả giáo viên và học sinh.
Nhưng đến lớp phải thi (9,12) giáo viên phải gò học sinh ôn thi và dạy học sinh theo kiểu để thi, như thế môn Văn đã kém hấp dẫn đi rất nhiều.
Cô Lê đánh giá: Vấn đề ở đây không phải ở phương pháp dạy, chương trình học, sách giáo khoa mà nằm ở tiêu chí thi cử:Ví dụ như tôi dạy lớp 6,7,8,10,11 vẫn có thể dạy "thoáng", hướng học sinh vào những tiết học thú vị, được tranh luận nhưng đến lớp 9 và lớp 12 thì phải dạy học sinh để thi cử".
"Tiêu chí thi cử hiện nay vẫn hướng học sinh vào việc làm đủ ý theo đúng barem điểm thì bắt buộc giáo viên phải dạy theo cách rập khuôn.
Mà dạy như thế sẽ dẫn đến tình trạng đọc chép, học thuộc và học sinh phải nói những điều mà học sinh hoàn toàn không nghĩ, môn Văn sẽ kém hấp dẫn đi.
Cho nên dù có cải cách phương pháp giáo dục, sách giáo khoa như thế nào đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề này. Mấu chốt là phải thay đổi tiêu chí đánh giá của kỳ thi.
Nếu tiêu chí vẫn như hiện nay thì bắt buộc giáo viên phải dạy cho học sinh đi thi, học sinh học cũng chỉ để đi thi".
Cô Lê trăn trở: "Nếu chỉ tập trung cải cách sách giáo khoa hay phương pháp dạy vẫn không đi đến cùng của vấn đề.
Đối với giáo viên chúng tôi, tất cả những người có tâm huyết, có năng lực, chọn nghề giáo ai cũng mong muốn bộ môn của mình hấp dẫn với học sinh.
Nhưng bản thân cái môn học của mình có hấp dẫn học sinh được hay không thì ngoài phương pháp dạy, chương trình học, sách giáo khoa, năng lực của giáo viên thì cái quyết định đó là tiêu chí thi cử, cách đánh giá của kỳ thi.
Tôi từng trao đổi với thầy Đỗ Ngọc Thống và thầy Nguyễn Minh Thuyết khi bàn về đổi mới sách giáo khoa.
Tôi thấy đây là cái cốt lõi nhất chứ không phải nằm ở sách giáo khoa và chương trình.
Không chỉ môn Văn, môn Sử và môn Địa cũng rơi vào tình trạng này. Do kỳ thi của mình đánh giá như thế (theo barem điểm)".
Cái đau khổ nhất của việc học Văn là học sinh không được nói lên tiếng nói và thể hiện tư duy của mình
Bàn về cách dạy Ngữ Văn trong trường học cô Lê chỉ ra những khó khăn của học sinh và giáo viên để môn văn trở nên hấp dẫn hơn.
Cô Lê nói: "Môn Văn hiện nay, học sinh không được nói tiếng nói của mình; tiếng nói đó không được ghi nhận và không được đánh giá.
Học trò luôn phải nói những gì mình không nghĩ và không cảm thấy phù hợp với tư duy của các bạn ấy.
Cho nên muốn môn Văn được hấp dẫn, học sinh phải được cất lên tiếng nói của mình.
Trong các kỳ thi hiện nay bên cạnh việc đánh giá năng lực, tư duy của học sinh cũng dựa nhiều vào học thuộc. Trước kia thì đọc chép, bây giờ thì nhìn lên máy chiếu rồi chép lại và học thuộc.
Cách dạy của giáo viên cũng phụ thuộc và bị đánh giá bằng tiêu chí thi cử. Lấy ví dụ tôi có thể dạy rất sáng tạo ở lớp dưới nhưng đến cuối cấp phải dạy các con để đi thi".
Cô Phạm Thái Lê phân tích vì sao môn Ngữ Văn ngày càng kém hấp dẫn (Ảnh:NVCC)
Môn Ngữ Văn hấp dẫn hơn khi chú trọng đến năng lực phản biện xã hội của học sinh
Nói về tiêu chí đánh giá thi cử và cách ra đề, theo cô Lê: Mảng Nghị luận Xã hội đã được đưa vào đề thi nhưng còn rất dè dặt.
"Môn Văn đặc biệt cần phải đưa tư duy phản biện vào. Có năm tôi nhớ kỳ thi Quốc gia đưa sự kiện một bạn nam ở Đô Lương (Nghệ An) mất khi cứu bạn bị đuối nước.
Tôi thấy đưa các vấn đề thời sự vào đề văn rất nay. Nhưng khi đọc đáp án tôi cảm thấy rất thất vọng vì không có những ý kiến trái chiều, những quan điểm phản biện của học sinh.
Ví dụ có những em rất khâm phục hành động đó nhưng lại không có khả năng làm được như bạn ấy.
Nhưng chúng ta nhất nhất theo tiêu chí là phải cứu, phải hy sinh, phải ca ngợi mặc dù có nhiều trường hợp nó xa rời thực tế. Môn Ngữ Văn phải gắn liền với thực tế, với cuộc sống.
Học sinh sẽ cảm thấy những điều ấy là xa rời hiện thực, sẽ thấy môn này là giáo điều và học thuộc".
Lấy dẫn chứng về cách ra đề thi môn Ngữ Văn lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, cô Lê cho rằng: Cách ra đề an toàn không hướng đến sự sáng tạo của học sinh:
"Đề thi cuối cấp vào lớp 10 của Hà Nội theo tôi chưa có năm nào ra đề hay và hướng đến sự sáng tạo của học sinh.
Bởi khi ra đề người ta hướng đến sự an toàn để khi chấm không bị vênh (so với barem điểm).
Tuy nhiên cũng có một vấn đề là nếu không có cái khung cho mình căn cứ rất dễ xảy ra tình trạng mỗi người chấm một kiểu.
Thành phố Hồ Chí Minh đã từng đưa vào các bài nghị luận xã hội không liên quan đến tác phẩm nhưng lại nảy sinh ra tình trạng học sinh sẽ học các tác phẩm trong trường một cách hời hợt và đi học thêm tại nhà những thầy ra đề, học theo những cái "form" có sẵn. Nó cứ luẩn quẩn và rối bời như vậy".
Vì thế cần thiết phải có một cái khung và tiêu chuẩn đánh giá năng lực của văn chương của học sinh và chấm dựa trên cái chuẩn đấy, trên một khổ rộng hơn chứ không chỉ gói gọn trong bài học.
Tại sao phần nghị luận xã hội chúng ta chỉ đưa vào một cách dè dặt?
Con tôi bảo học viết văn tiếng Anh thích hơn học viết văn tiếng Việt."Đề thi cần phải hướng học sinh đến những cái thực tiễn hơn. Ví dụ một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Singapore...có những đề thi 100% bài luận xã hội.
Bởi viết văn tiếng Anh con được tự do, sáng tạo trên nhiều khía cạnh.
Chính những cái "thoáng" ấy mới làm nên sự sáng tạo trong văn học, tư duy trong văn học mới mở.
Cấu trúc đề thi cần phải đổi mới, tăng hàm lượng của Nghị luận xã hội, cái này sẽ thực hiện từng bước nhưng cần phải thay đổi.
Bao nhiêu năm chúng ta bàn thay đổi sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy nhưng cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên thì vấn đề nó vẫn còn đó.
Hoặc nghị luận xã hội chỉ đưa rón rén khoảng 20% cũng không thể kích thích tư duy văn chương của học sinh.
Thời gian vừa rồi trên mạng xã hội có hàng loạt bài luận của học sinh Trung Quốc, học sinh Việt Nam mình thấy rất thích vì đề hay, người viết có tư tưởng, tư duy lồng ghép vào trong đó".
Ba kỹ năng quan trọng nhất của môn Ngữ Văn lại không được dạy trong trường học
Cô Lê bày tỏ: "Tôi thấy có nhiều phụ huynh và học sinh nhận thức được vai trò của môn Ngữ Văn trong cuộc sống là rất quan trọng.
Nhưng văn học trong nhà trường lại không dạy học sinh những cái điều quan trọng đó.
Ba kỹ năng quan trọng nhất mà môn Ngữ Văn đem lại: kỹ năng nói, kỹ năng viết và kỹ năng đọc cảm. Ba kỹ năng đó sẽ theo học sinh đi suốt cuộc đời này.
Tôi vẫn thường nói với học sinh: Khả năng nóng, khả năng tạo lập văn bản sẽ thể hiện được nhận thức của các em.
Dù các em có là chính khách, thương gia hay một người bình thường...người ta sẽ đánh giá em ở cách em nói, cách em viết và lập luận một vấn đề.
Nhưng văn học trong trường của mình chưa dạy học sinh nói. Học sinh mình nói rất kém cho nên những giờ được nói, được đưa ra quan điểm của mình mà vẫn được cho điểm như nhau các em vô cùng hứng thú.
Lớp 9, tôi có dạy bài Chuyện người con gái Nam Xương. Tôi có cho học sinh lập luận theo 2 hướng: Nàng Vũ Nương tự tự rất đáng thương và nàng Vũ Nương tự tử cũng đáng trách.
Tôi phê phán đihều ấy qua đó muốn nhấn mạnh rằng: tự tử chưa bao giờ là một cách giải quyết vấn đề hay.
Nhưng có những giáo viên sẽ không dám nói điều ấy. Chúng ta dạy học sinh cô Vũ Nương tự tử là do xã hội, do người chồng đều là những nguyên nhân khách quan. Đây là một tư duy rất rập khuôn, giáo điều.
Thậm chí có cô giáo cũng nói: Ừ! Cũng một phần do cô Vũ Nương nhưng đi thi các con không được viết như vậy vì sẽ không có điểm. Do vậy giữa việc học và thi vẫn còn một khoảng cách xa vời vợi".
Học sinh ngày càng ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân)
Văn học chính là cuộc sống, đừng để văn học xa rời cuộc sống
"Việc dạy môn Ngữ Văn rập khuôn là một lối mòn hàng chục năm nay rồi. Những giáo viên vẫn dạy theo tư duy trước đây được dạy như thế nào thì dạy học sinh như vậy.
Người ta không dám đổi mới, không dám mở lối nên người ta mặc định trong trường chỉ dạy học sinh những điều dựa trên khuôn mẫu.
Trên thực tế cuộc sống sinh động hơn nhiều, nếu mình không gắn văn học với đời sống thực tế thì học sinh rất dễ nhàm chán.
Chúng ta đánh giá một tác phẩm văn học là một sản phẩm tròn trịa, không có điểm gì xấu.
Không! Chúng ta phải đánh giá một tác phẩm văn học là một câu chuyện ngoài đời thực; mình phải tìm những điểm chưa hay, chưa được của tác phẩm đấy, nhân vật đấy để rút ra bài học cho cuộc sống.
Hiện nay đang theo quan điểm bổ đôi: nhân vật chính diện hoàn toàn tốt, nhân vật phản diện hoàn toàn xấu. Tư duy này rất phiến diện trong khi cuộc sống nó đa dạng hơn rất nhiều.
Con người trong đời sống còn có lúc tốt, lúc không tốt, có hành vi được, hành vi không được. Cho nên không thể dạy học sinh theo hướng 1 chiều, khiên cưỡng và phiến diện giáo điều".
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Thầy giáo TP HCM chỉ bí kíp vượt qua thử thách môn Văn Thí sinh cần nắm rõ yêu cầu về nội dung và hình thức của các phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Sáng 25/6, 87.000 thí sinh cả nước bước vào môn thi đầu tiên - Ngữ văn, trong kỳ thi THPT quốc gia. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) chia...