Cách ngâm sấu giòn ngọt đơn giản
Nhiều người rất thích ăn sấu ngâm nhưng chưa biết cách làm, hãy tham khảo thêm cách ngâm sấu giòn ngọt và không bị nổi váng đơn giản dưới đây.
Nguyên liệu
1 kg sấu (không quá non cũng không quá già).
1 kg đường trắng (có thể thay thế bằng đường vàng tùy thích).
2 – 3 củ gừng.
1 lọ đựng bằng thủy tinh (không nên sử dụng lọ nhựa).
Chọn sấu bánh tẻ không quá non cũng không quá già. (Ảnh: B.L)
Cách sơ chế sấu
Muốn ngâm sấu giòn, ngon, không bị nổi váng thì ngoài việc chọn sấu đúng chuẩn thì bạn cần sơ chế sấu đúng cách.
Bước 1: Hòa loãng muối vào một chậu nước sạch, gọt vỏ sấu và ngâm vào chậu nước này để sấu không bị thâm vỏ. Sau khi cạo xong vỏ sấu thì bắt đầu rửa sạch và dùng dao nhỏ để khứa quanh quả sấu sao cho phần thịt không bị rời khỏi hạt. Như vậy, sấu sẽ ngấm đường nhanh hơn.
Bạn có thể khứa theo hình vòng tròn như cắt vỏ bưởi hay khứa theo hình múi cam đều được.
Đối với sấu non có thể khứa 2 đường bao quanh quả sấu và đem rửa với nước lạnh cho sạch. Khứa xong quả nào thì cho luôn vào nước muối loãng ngâm quả đó.
Bước 2: Chần sấu qua nước sôi khoảng 30 giây cho đến khi sấu ngả vàng thì tắt bếp. Tránh chần sấu quá lâu để sấu không bị mềm và mất đi độ giòn. Sau khi chần, đổ sấu ra rổ để nguội.
Khứa xung quanh quả sấu và ngâm trong nước muối rồi mới chần qua nước sôi. (Ảnh: T.H)
Video đang HOT
Cách ngâm sấu
Cách 1:
Cho từng lớp sấu và từng lớp đường xen kẽ nhau vào lọ thủy tinh. Để bình sấu ở nơi khô ráo khoảng 1 ngày cho đường tan hết và ngấm vào sấu. Phần đường chưa thể tan sẽ chìm xuống đáy lọ thủy tinh
Tiếp theo, bạn chắt nước sấu sau 1 ngày ngâm ra nồi và đun sôi với một chút muối và thả thêm gừng đập dập vào và đun trong khoảng 3 phút để dậy mùi rồi tắt bếp. Đợi đến khi nước sấu nguội thì đổ trở lại lọ thủy tinh ngâm sấu.
Cách 2:
Trước khi ngâm sấu trong lọ thủy tinh thì nấu sôi nước đường. Khi nước đường được đun sôi thì thả gừng đã làm dập vào nồi nước rồi tắt bếp
Đợi nước đường nguội hoàn toàn thì đổ vào trong lọ thủy tinh rồi mới thả sấu vào trong lọ và ngâm.
Như vậy, nếu làm đúng theo 2 cách ở trên, bạn sẽ có được một lọ sấu ngon, giòn, chua ngọt và thanh mát sau khoảng 3 – 4 ngày.
Một bình sấu ngâm hoàn chỉnh. (Ảnh: B.L)
Khi thưởng thức, bạn có thể hòa trộn theo tỉ lệ 4-5 thìa cà phê nước sấu và 3-4 quả sấu vào cốc thủy tinh. Sau đó cho thêm 200 – 300ml nước lọc hoặc cho thêm đá lạnh là có thể thưởng thức.
Ngâm sấu đường hay bị teo tóp, học chiêu này của mẹ đảm quả nào cũng căng mọng giòn tan, nước siêu thơm
Không những thế, quả sấu nào cũng lên màu vàng ươm, nước sấu ngọt thanh, thơm nức, khi uống thật đã miệng.
Sấu ngâm đường là thức uống giải khát quen thuộc của mùa hè được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, khi làm sấu ngâm, nhiều người phàn nàn rằng sấu hay bị teo tóp, ăn quả dai không ngon mà chẳng rõ vì sao. Chính vì vậy, để sở hữu một bình nước sấu ngâm vừa thanh mát, dịu ngọt mà quả giòn tan, căng mọng bạn hãy tham khảo cách làm của chị Song Anh (Hải Phòng) dưới đây, đảm bảo mẻ nào cũng ngon như ý.
Chị Song Anh (Hải Phòng).
Chuẩn bị:
- 1kg sấu.
- 1,5-1,6kg đường.
- 50g gừng.
- 1 quả dứa chín.
Cách làm:
Quả sấu sau khi cạo vỏ đem rửa sạch, đập dập bằng con dao nặng. Đập dập chỉ bằng một chưởng với lực vừa phải.
Hoặc bạn có thể khía sấu theo cách truyền thống.
Đập quả nào xong thì nhanh tay thả vào chậu nước muối pha đậm. Lưu ý, nhất định phải ngâm sấu trong nước muối đậm nhé và sử dụng muối hạt to.
Sau khi sấu đã ngâm muối vớt ra đem rửa sạch. Đun một nồi nước to cho sôi. Giữ lửa to nhất và múc từng mẻ sấu thả vào nồi nước sôi để chần. Sau vài giây sấu ngả vàng nhanh tay vớt sấu ra. Thả ngay sấu vào chậu nước đá thật to. Ước lượng sao cho đá phải gấp ba lần sấu. Điều này đảm bảo cho sấu đủ bị sốc nhiệt mà giòn vô cùng.
Sau khi sấu đã lạnh từ trong ra ngoài thì vớt ra khỏi nước đá và để thật ráo.
Đun một nồi nước đường. Tỉ lệ 1,5 - 1,6kg đường/1 lít nước/1kg sấu. Đun sôi, hớt bọt. Sau khi đường tan hết vẫn đun 20 phút nữa.
Thả gừng đập dập vào trước khi tắt bếp. Lượng gừng cho vào theo tỉ lệ 50gr gừng/1kg sấu.
Có thể thêm cả dứa khi ngâm sấu. Nếu cho dứa thì dứa sẽ được cho vào cùng lúc với gừng.
Đợi đến khi nước đường thật nguội. Có thể ngâm nồi nước đường vào một chậu nước đá cho nhanh nguội.
Cho sấu vào lọ thủy tinh sạch (đã được tiệt trùng bằng luộc trong nước sôi). Khi nước đường nguội rồi thì đổ nước đường vào lọ sấu.
Ấn cho sấu ngập trong nước đường, đậy nắp kín. Để ở nhiệt độ phòng. Sau 3 ngày là sấu chín. Tách nước riêng và quả để riêng. Bảo quản tủ mát.
Còn nếu để tránh sấu không bị lên men thì sau khi ngâm được 3 ngày. Lấy quả ra, đem tãi ra rồi hong khô trước gió quạt. Phần nước ngâm đem đun lại, chờ nguội rồi bỏ cả nước, cả quả lại vào hũ. Để đến tận 1 năm sau cũng được.
Sấu ngâm kiểu này vàng ươm đẹp mắt, giòn rôm rốp, quả căng mọng không hề nhăn nheo, ngọt thơm rất hấp dẫn. Nước sấu thanh mát, quyện lẫn mùi thơm của gừng, quả dứa khiến ai uống thử cũng thèm.
Khi thưởng thức nước sấu, cho đá lạnh vào cốc, rót nước sấu ngâm vào, thêm vào quả sấu ngâm, một sự mát lạnh thơm ngon tràn vào khoang miệng, thật sảng khoái.
Chúc các bạn thành công!
Xoa dịu cái nóng ngày hè với 3 món ngon từ quả sấu, nghe thôi đã ứa nước miếng Quả sấu không chỉ nổi tiếng với các món ô mai hấp dẫn mà nhờ vào vị chua thanh đặc trưng, được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon trong bữa cơm gia đình. Sấu là loại quả đặc trưng của mùa hè Hà Nội. Từ cuối tháng 5, người ta đã bắt đầu bán sấu. Chị em cũng trổ tài...