Cách nào đánh giá học sinh chính xác?
Cô Dương Thu Nguyệt, giáo viên Hóa, trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) đặt mục tiêu nhớ tên học trò mình phụ trách để cuối kỳ đánh giá chính xác.
Cô Nguyệt hiện dạy hai lớp 12 và bốn lớp 10 với gần 300 học sinh. Với lớp chủ nhiệm, việc nhớ học trò dễ dàng vì gắn bó với các em hàng ngày. Tuy nhiên, với các lớp chỉ dạy bộ môn, việc nhớ mặt, thuộc tên học sinh khó hơn nhiều.
Môn Hóa thường có 2-3 tiết mỗi tuần. Mỗi lần vào lớp, cô Nguyệt nhớ học sinh bằng cách xuống dưới lớp tương tác, kiểm tra bài vở. Khi gọi phát biểu, cô thường nhìn tên trên phù hiệu học trò. Việc thuộc tên giúp cô đồng hành sát sao với trò, nắm được tình hình học tập hoặc các vấn đề các em gặp phải. “Thế nhưng, việc nhớ toàn bộ học sinh các lớp không chủ nhiệm là gần như không thể. Mỗi lớp, tôi nhớ được khoảng 60%”, cô thổ lộ.
Những buổi học thư thả thời gian, cô cho học trò diễn kịch, làm thơ để học Hóa. Thay vì phải học thuộc những tính chất khô khan, cuộc thi chuyển nội dung bài học thành thơ lục bát, thậm chí phổ nhạc để học trò nhớ bài nhanh hơn. Hoạt động này giúp tiết học sôi nổi và cô Nguyệt cũng nhớ tên, điểm nội trội của học trò.
Trong tiết học, cô thường lồng ghép việc nhận xét, đánh giá bài làm ngay khi học sinh phát biểu. Việc này giúp trò nhận ra và nhớ lỗi của mình lâu hơn, cũng là căn cứ để giáo viên nhận xét cuối kỳ. “Những lỗi phổ biến, cảm thấy có thể nói trước lớp, tôi sẽ nói cho các em khác cùng rút kinh nghiệm, ngược lại những gì nhạy cảm, tế nhị sẽ nói riêng với học sinh” , cô Nguyệt nói.
Trong khi đó, cô Lê Thị Trúc Nhiều, giáo viên Sử, trường THPT Chu Văn An, huyện Phú Tân, An Giang, chủ yếu nhớ mặt, tên học trò thông qua các hoạt động làm việc nhóm. Khi chia lớp thành các nhóm và lên thuyết trình, giáo viên sẽ nắm được điểm nổi trội, mạnh yếu của từng em. Cách này cũng giúp cô tương tác với học trò để trò thuộc bài hơn.
“Tôi luôn lồng ghép tối đa nội dung, câu hỏi để học trò có thể tranh luận, trình bày quan điểm cá nhân, sau đó kết hợp nhận xét và nhớ tên, mặt các em. Việc có nhớ được học trò phụ thuộc vào giáo viên nỗ lực như nào”, cô Nhiều kể.
Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Lê Nam.
Dù cách đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020 khiến giáo viên vất vả hơn, nhiều thầy cô ủng hộ cách làm mới này bởi sẽ đánh giá toàn diện năng lực và khích lệ học trò tiến bộ.
Không đặt nặng việc nhớ mặt học sinh, thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM, thường chia các em theo từng nhóm, dựa vào năng lực học tập. Từ sổ điểm cá nhân, thầy Phương “bắt mạch” được sự phấn đấu cải thiện điểm số hoặc sa sút của học trò, từ đó có cách nhắc nhở, chỉnh đốn cũng như nhận xét học tập.
Với gần 300 học sinh mình phụ trách, nhớ hết từng em là không thể, nhưng những em giỏi nhất hoặc học dở nhất, đều gây ấn tượng với thầy. Đây cũng chính là những học sinh cần có những nhận xét đặc biệt, mang tính cá nhân để các em được động viên hoặc được nhắc nhở, đốc thúc học hành.
Video đang HOT
Cũng theo thầy Phương, nhận xét học sinh nên thẳng thắn, khách quan, có khen, có chê nhưng đều phải tế nhị, mang tính xây dựng. Bởi đây là căn cứ để giáo viên chủ nhiệm có cái nhìn tổng quan về các em, phê trong học bạ.
“Một người thầy dạy Toán dễ cảm tính khi đánh giá học sinh lực học trung bình hoặc yếu nếu chỉ nhìn vào điểm các môn Khoa học tự nhiên mà quên đi Văn, Sử, Địa, hoặc ngược lại. Nếu có những nhận xét khách quan ở từng môn, một học sinh có thể được đánh giá toàn diện hơn, chẳng hạn học trung bình Khoa học tự nhiên nhưng rất có khiếu Văn, Sử”, thầy nêu ví dụ.
Một giáo viên THPT khác tại TP HCM cùng quan điểm với thầy Phương là luôn phải quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu kém. Việc nhận xét không nhất thiết phải ghi vào sổ điểm mà giáo viên chỉ cần sử dụng lời nói động viên, khích lệ, khuyên nhủ… Cùng với đó, thầy cô bộ môn nên dành thêm thời gian quan tâm các em bằng cách nhắc nhở, chia sẻ những khó khăn sao cho thiết thực nhất.
Nhận xét học sinh yếu kém cũng không dễ, lời lẽ cần tế nhị để các em nhận ra hạn chế nhưng cũng không mất động lực học tập. Để tránh mỗi trường nhận xét một kiểu, kể cả giáo viên mạnh ai nấy làm, thầy giáo này đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán, trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cho rằng nhiều đồng nghiệp khác còn lúng túng đánh giá theo cách mới bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ nhà trường. Với Thông tư 26, công việc đánh giá của thầy cô không vất vả hơn bởi số cột kiểm tra đã được giảm, môn nhiều tiết tối đa chỉ 6 cột mỗi kỳ. Những môn thầy cô phải phụ trách nhiều học sinh, con số lên 1.000 như Công nghệ, việc nhận xét cũng nhẹ hơn các môn khác vì ít em yếu kém.
“Nếu nhẩm tính thời gian chấm bài kiểm tra, vào điểm và thời gian nhận xét thì thấy cách làm mới không mất nhiều thời gian hơn. Việc nhận xét học sinh cũng không phải quá mới, ai làm chủ nhiệm đều phải làm cuối năm vào học bạ”, thầy Chính nói. Thầy giáo đề xuất ngành giáo dục có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đi kèm với đó là các phương tiện đánh giá học sinh (phần mềm, ứng dụng…) để tăng tính hiệu quả của cách làm mới này.
Theo Thông tư 26/2020, có hiệu lực từ tháng 10/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, giáo viên đánh giá học sinh phải kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Trước đó, cách đánh giá này chỉ áp dụng cho môn Giáo dục công dân, các môn khác cho điểm.
Người thầy từng đạp xích lô, chống chọi với ung thư để lên bục giảng
36 tuổi vào đại học, 40 tuổi ra trường rồi lên bục giảng thì căn bệnh ung thư ập đến, dù vậy thầy Phạm Đông Phương vẫn là giáo viên Vật lý xuất sắc được học trò yêu mến ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 11.
Thầy Phương sinh ra ở Tiền Giang nhưng học tiểu học ở Bình Định, cấp 2-3 lại về học ở Tiền Giang. Thầy Phương kể gia đình có 7 anh em trai, thầy là con đầu. Nhà làm nông nhưng ruộng không nhiều, quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc. Thời cấp 3, ngày đi học, đêm thầy Phương ra Lò Đường vác trấu, bã mía phơi khô cho người nấu đường. Khi ghe mía đến thì vác mía lên bờ để kiếm thêm thu nhập. Suốt đêm quần quật làm thêm, ngày đến lớp thì buồn ngủ.
Dù vậy thầy Phương học khá tốt, đặc biệt môn Toán. Năm lớp 9, cậu học sinh Phạm Đông Phương đạt danh hiệu học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh Tiền Giang rồi thi học sinh giỏi Toán cấp Quốc gia. Khi học phổ thông, Phương được bầu làm lớp phó học tập và thỉnh thoảng được lên bảng sửa bài tập Toán, Lý cho các bạn.
"Tình yêu nghề dạy học của tôi được nhen nhóm từ đấy. Lúc chữa bài thấy các bạn thích thú, chú ý ngồi nghe tôi cũng thấy sướng"- thầy Phương kể.
Thầy Phạm Đông Phương được trao giải thưởng Võ Trường Toản vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Trong ký ức thầy Phương luôn nhớ những ngày mang bụng đói đi học. Nhiều hôm tan trường đi bộ 2 km về tới nhà thì mệt lử. Quanh năm chỉ độc 1 bộ quần áo, quần rách nhiều, thầy chủ nhiệm thương tình cho không sơ vin. Dù vậy thầy Phương biết ơn ba mẹ vì nghèo đói nhưng vẫn quyết tâm cho các con đến trường.
"Hàng xóm khuyên ba mẹ cho chúng tôi nghỉ học, đi làm kiếm tiền cho đỡ khổ, nhưng ba mẹ không chịu. Ba mẹ vẫn quyết cho anh em tôi học hết cấp 3"- thầy Phương nói.
Gác giấc mơ đại học làm thuê nuôi em
Học xong 12, thầy Phương không thi đại học mà lên Sài Gòn kiếm việc. "Tôi nghĩ phải cố làm để các em vào đại học. Các em lần lượt tốt nghiệp cấp 3, tôi đưa lên Sài Gòn thuê nhà ở. Tôi bắt các em phải học hành đàng hoàng".
Để nuôi em thầy Phương làm thêm đủ nghề từ bưng bê, đạp xích lô tới cửu vạn, phụ chở hàng ở chợ Bình Tây... Không phụ lòng anh trai, các em thầy Phương lần lượt vào đại học. Em đầu tiên đỗ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, 2 em kế đỗ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Một em đỗ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Năm 1999, các em tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, thầy Phương lập gia đình. Thầy Phương thổ lộ với vợ ước nguyện được đi học đại học. Được ủng hộ, thầy Phương nhận làm gia sư cho học sinh kiếm thêm thu nhập vừa ôn thi. Năm 2001, thầy Phương cùng lúc đón 2 niềm vui khi tháng 3 con gái đầu chào đời thì tháng 7 đậu vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ngành Vật lý điện tử hệ chính quy tập trung.
Học đại học ở tuổi 36, thầy Phương gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt. Đầu tiên là được các em cùng lớp gọi bằng chú. Việc học cũng không đơn giản. Trước đây giải một bài toán khó chỉ mất thời gian ngắn thì với người 36 tuổi cần có kiên nhẫn.
"Tôi dành thời gian nhiều cho việc học bởi mục đích là học để làm thầy nên phải nghiêm túc, học ra học, không dựa dẫm, không xin xỏ. Môn nào rớt tôi cố học để thi lại"- thầy Phương kể.
Kết thúc 4 năm đại học, thầy Phương tốt nghiệp ngành Vật lý điện tử với điểm trung bình 6,7.
Chống chọi với bệnh ung thư gan
Ra trường ở tuổi 40, thầy Phương dự tuyển viên chức và được nhận về giảng dạy ở Trường THPT Long Trường (Quận 9) cách nhà 20km. 7 năm sau thầy Phương được chuyển về giảng dạy ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 11).
Bất ngờ, tháng 11/2017, thầy Phương bị chuẩn đoán ung thư gan ác tính. Trải qua ca mổ cắt bỏ khối u bên phải, 9 tháng sau thầy Phương đối mặt khi khối u tái phát bên trái bắt buộc phải dùng thủ thuật Tace (bơm hóa chất vào bọc khối u, đồng thời ngăn máu lên nuôi khối u).
Từ đó đến nay thầy Phương đã làm 5 lần Tace, 2 lần dùng tia gama để "đốt" khối u. Điều sợ nhất hiện nay là căn bệnh đã di căn sang các cơ quan khác, phổi bắt đầu bị xơ hóa...
Dù mang trọng bệnh, thầy Phương không cho phép mình gục ngã. "Lúc phát hiện tôi rất buồn vì các con còn nhỏ. Nếu tôi mất không ai lo cho chúng. Bình tĩnh lại tôi an tâm vì các em trai của tôi chắc sẽ thay tôi lo cho các con"- thầy Phương tin.
Nhiều học sinh từ chống đối chuyển sang thương thầy
Ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thầy Phương là giáo viên Vật lý được nhiều học sinh yêu quý. Phương pháp sư phạm của thầy Phương là yêu thương hết mình nhưng cũng nghiêm khắc hết cỡ. Nhiều học sinh cá biệt lúc đầu chống đối thầy Phương ra mặt, hiểu ra thì ngoan ngoãn, thương thầy.
Có học sinh từng viết: "hồi lớp 11 không ưa thầy lắm vì khó tính quá, nghiêm khắc quá. Nhưng biết thầy chỉ muốn tốt cho học sinh. Ở thầy luôn toả ra sự nhiệt huyết và tận tâm, đó cũng là lý do mà mình từ anti-fan chuyển sang thương thầy lắm".
55 tuổi nhưng mới có 15 tuổi nghề, điều thầy Phương tiếc nuối là không bắt đầu công việc này khi còn trẻ. Nhưng năm tháng qua đã làm công việc tốt cho gia đình, các em học sinh mình dạy trưởng thành, hạnh phúc, có công việc ổn định, thầy Phương thầy mãn nguyện.
Theo thầy Phương nhà giáo phải có tình yêu thương học sinh, đó là yêu thương nhưng không ủy mị, không dễ dãi, không tạo uy tín giả tạo.
"Người thầy phải dạy học sinh thành người biết yêu thương cha mẹ, yêu mọi người xung quanh, phải dạy đầy đủ, đúng kiến thức khoa học của bộ môn được phân công để các em đủ sức học lên bậc cao hơn" - Thầy Phương nói.
Thầy Phạm Đông Phương đã đào tạo các học sinh đoạt 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ học sinh giỏi cấp Cụm; 1 HCĐ Vật lý 11 - Olympic chuyên; 1 HCV Vật lý 10, 3 HCĐ Vật lý 10, 1 HCB Vật lý 11, 3 HCĐ Vật lý 11 - Olympic không chuyên; 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 8 Giải Ba HSG môn Vật Lý 12 cấp Thành phố.
Liên tục được tập thể sư phạm nhà trường bình chọn danh hiệu "tiên tiến xuất sắc": 15 năm liền; Điển hình tiên tiến ngành giáo dục Thành phố giai đoạn 2015 - 2019.
Bài 1: Tiết học vật lý và những cuộc thi tài thú vị Không chấp nhận tụt hậu, nhiều giáo viên mạnh dạn "cởi bỏ" lối dạy truyền thống, xây dựng phương pháp dạy học tích cực để lôi cuốn học sinh vào bài học, thúc đẩy tinh thần chủ động tiếp cận kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh. Để học sinh chịu học, phải làm cho các em thích trước...