Cách khắc phục những tác dụng phụ khi dùng methadone
Việc dùng methadone cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, gia đình bệnh nhân và cho xã hội.
Tuy nhiên, loại thuốc này cũng gây ra một số tác dụng phụ khiến người dùng khó chịu. Vậy đâu là cách khắc phục?
1. Tác dụng của methadone
Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các CDTP khác (đồng vận) nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài (trung bình là 24 giờ) nên chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài.
Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, dưới dạng siro, được sử dụng theo đường uống. Methadon có thể giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C, đồng thời giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hòa nhập cộng đồng.
Methadone có thể giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, C.
Việc điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng methadone giúp:
- Giảm tác hại do nghiện các CDTP gây ra như: Lây nhiễm HIV, viêm gan B, C do sử dụng chung dụng cụ tiêm chích, tử vong do sử dụng quá liều các CDTP và hoạt động tội phạm.
- Giảm sử dụng các CDTP bất hợp pháp, giảm tỷ lệ tiêm chích CDTP.
- Cải thiện sức khỏe và giúp người nghiện duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, tăng sức sản xuất của xã hội.
2. Tác dụng phụ thường gặp và cách khắc phục
Hầu hết những người nghiện CDTP có ít tác dụng không mong muốn, tuy nhiên có thể gặp một số triệu chứng như táo bón, khô miệng, buồn ngủ, tăng tiết mồ hôi, rối loạn chức năng tình dục…
2. 1. Táo bón
Nhiều người khi dùng methadone bị táo bón. Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của loại thuốc này.
Khắc phục: Nên có chế độ ăn nhiều rau, hoa quả tươi, thức ăn nhiều chất xơ như khoai lang, chuối, đu đủ… đồng thời nên uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên.
Video đang HOT
Với những trường hợp bị táo bón nặng có thể uống thuốc trị táo bón như sorbitol, thụt tháo… Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.
Nên trao đổi với bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi uống methadone.
2. 2. Khô miệng
Methadone có thể khiến người dùng giảm tiết nước bọt, khô miệng… có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
Khắc phục: Giảm/không ăn các thức ăn có đường. Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày sau khi ăn sáng và tối; có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng; khám răng định kỳ.
Bên cạnh đó, có thể làm tăng tiết nước bọt bằng cách tăng cử động nhai như nhai kẹo cao su không đường và có chế độ ăn uống hợp lý.
2. 3. Tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi cũng là một tác dụng phụ khiến người dùng methadone khó chịu, đặc biệt khi gắng sức, xúc động hoặc sử dụng một số thuốc trầm cảm.
Lưu ý, nếu tăng tiết mồ hôi xuất hiện ở giai đoạn đầu của điều trị cần phân biệt giữa tăng tiết mồ hôi của hội chứng cai nghiện (lo âu, dễ cáu giận, sợ hãi, đau cơ, đau bụng, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, ngáp, chảy nước mắt, nổi da gà, đổ mồ hôi, chảy nước mũi, mệt mỏi, mất ngủ) với tác dụng không mong muốn của thuốc methadone.
Khắc phục: Nên trao đổi với bác sĩ để có thể giảm liều methadone hoặc dùng một số thuốc trị tăng tiết mồ hôi. Lưu ý, không được tự ý giảm liều methadone, vì có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
2. 4. Giảm khả năng tình dục
Methadone có thể gây giảm/mất ham muốn tình dục ở một số người dùng như rối loạn cương dương (ở nam giới), rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ).
Khắc phục: Trao đổi với bác sĩ để có hướng xử lý như tư vấn, giáo dục về sức khỏe tình dục, dùng các thuốc trị rối loạn cương ( viagra, cialist, thuốc đông y…) khi cần thiết.
2. 5. Buồn ngủ
Buồn ngủ, mệt mỏi cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp ở nhiều người khi dùng methadone. Nguyên nhân có thể do thời gian uống chưa phù hợp, do uống thuốc ngủ, uống rượu hoặc tái sử dụng các chất gây nghiện dạng thuốc phiện.
Khắc phục: Có thể thay đổi thời gian uống thuốc, điều chỉnh liều dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ điều trị. Ngoài ra, cần khuyến cáo tránh lạm dụng thuốc ngủ, không uống rượu, không tái sử dụng các chất gây nghiện dạng thuốc phiện.
6 cách chống mòn răng khi về già
Khi bạn già đi, các hoạt động nhai và xé hằng ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp gây mòn răng.
Tuy nhiên vẫn có nhiều cách để đảm bảo răng của bạn luôn trong tình trạng tốt. Tuân thủ các nguyên tắc dưới đây giúp bạn có thể cười tươi mỗi dịp sinh nhật tới.
1. Giảm thiểu nhai và xé
Răng của chúng ta vô cùng khỏe, tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị mòn đi. Các hành động như nhai, nghiền và xé thức ăn sẽ dần dần làm mòn đi men răng - lớp vỏ ngoài cứng cáp của hàm răng. Những hành động này cũng sẽ làm phẳng phần răng được dùng để nhai thức ăn.
Bạn không thể đảo ngược lại quá trình sử dụng răng để tiêu hóa thức ăn nếu như không có sự can thiệp của nha sĩ, tuy nhiên bạn có thể ngăn chặn quá trình đó trở nên tệ hơn. Đừng nhai đá và các loại đồ ăn cứng khác. Điều đó có thể khiến răng bị mẻ, thậm chí gãy hoàn toàn.
Răng cũng có thể bị ảnh hưởng nếu như bạn nhai một cách không bình thường. Việc này có thể dẫn tới phải sử dụng niềng răng và máng chống nghiến răng.
Cách tốt nhất để có thể giữ cho lợi của mình khỏe mạnh là đánh răng và làm sạch kẽ răng hàng ngày.
2. Giữ cho lợi của mình khỏe mạnh
Có các vi khuẩn luôn trong quá trình hình thành trên răng, gọi là các mảng bám hay bựa răng. Nếu như bạn không vệ sinh sạch sẽ chúng có thể gây đau buốt, sưng tấy và chảy máu ở lợi, thậm chí là viêm nhiễm tới xương sâu bên trong.
Bệnh này được gọi là nha chu và chúng được chữa bởi nha sĩ. Tuy nhiên nếu không phát hiện ra, nó có thể ảnh hưởng tới răng và lợi, dẫn đến mất răng.
Các dấu hiệu của bệnh nha chu bao gồm:
Chảy máu khi đánh răng
Lợi bị lùi dần khỏi răng
Răng lung lay
Hôi miệng
Cách tốt nhất để giữ cho lợi khỏe mạnh là chăm sóc tốt hàm răng. Hãy đánh răng và làm sạch kẽ răng hàng ngày. Thường xuyên gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra tình trạng hàm răng. Nếu như bạn đang hút thuốc thì hãy dừng lại.
3. Đừng để bị khô miệng
Nước bọt có chức năng làm sạch răng và chống sâu song khi chúng ta già đi, nước bọt được tiết ra ít hơn và nguy cơ sâu răng lại càng tăng lên. Một số loại thuốc cũng có thể gây khô miệng.
Để chống lại tình trạng này, hãy uống thật nhiều nước. Trước khi nuốt hãy để nước ở trong miệng một vài giây. Bạn cũng có thể ăn kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường. Nếu như bạn nghĩ nguyên nhân gây khô miệng là do thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ.
4. Hãy nhẹ nhàng với răng nhạy cảm
Men răng già, các bệnh về lợi và sâu răng đều có thể khiến răng trở nên nhạy cảm hơn. Bạn có thể cảm thấy đau khi uống đồ lạnh hoặc nóng, thậm chí kể cả khi đánh răng hơi mạnh hơn bình thường.
Chăm sóc răng tốt chính là cách ngăn ngừa tốt nhất. Hãy đánh răng, làm sạch kẽ và gặp nha sĩ thường xuyên. Nếu răng nhạy cảm, bác sĩ có thể kê loại kem đánh răng hoặc tiến hành các thủ thuật giúp bạn dễ chịu hơn.
Nước cam có nhiều acid, sau khi uống nước cam hãy sử dụng thêm sữa hoặc pho mát để "cân bằng" lại acid là cách bảo vệ men răng.
5. Cẩn thận với Acid
Các loại đồ uống có ga, trái cây họ cam quýt và các loại nước ép đều chứa acid. Các loại đồ ăn ngọt, có tinh bột sẽ khiến miệng bạn tiết ra acid. Tất cả đều khiến lớp men răng bị ăn mòn đi.
Đừng chỉ uống không các loại đồ uống này. Sau khi uống chúng hãy sử dụng thêm sữa hoặc pho mát để "cân bằng" lại acid. Ăn các thực phẩm ngọt và chứa tinh bột vào bữa chính chứ đừng ăn vặt vì đó là khi nước bọt được tiết ra nhiều nhất để làm trôi acid đi.
6. Hãy để ý tới ung thư
Khi già đi, có khả năng bạn sẽ phát triển ung thư ở miệng, họng, lưỡi và môi. Cách tốt nhất để ngăn chặn điều này là không hút thuốc, hạn chế đồ uống có cồn. Hãy sử dụng son dưỡng, kem chống nắng khi ra ngoài trời.
Các cơn đau không phải là triệu chứng xuất hiện từ đầu, vì vậy hãy gặp nha sĩ thường xuyên. Họ có thể tìm thấy vấn đề và xử lý chúng sớm. Những dấu hiệu bạn cần để ý bao gồm sưng, các vết đỏ hoặc trắng, cùng với các thay đổi lâu dài trong miệng...
Phát hiện mới về rủi ro sức khỏe khi thở bằng miệng Thở bằng miệng là mối lo ngại về sức khỏe nhưng lại thường bị đánh giá thấp nhất. Thở bằng miệng loại bỏ rào cản tự nhiên của miệng chống lại các vi sinh vật bằng cách làm khô miệng. (Ảnh: ITN) Thực tế, hầu hết mọi người không quan tâm nhiều đến kiểu thở và tác dụng phụ của nó. Bài viết...