Cách điều trị tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là một chứng bệnh rất thường gặp, có thể xảy ra ở hai giới nhưng chiếm đa số ở phụ nữ.
Ảnh minh họa: Internet
Tiểu không tự chủ là tình trạng không kiểm soát được sự bài tiết nước tiểu. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau từ rò rỉ một lượng nhỏ nước tiểu khi ho, hắt hơi… đến lượng nước tiểu thoát ra nhiều, ồ ạt khi có sự thôi thúc cấp bách.
Tiểu không tự chủ là một chứng bệnh rất thường gặp, có thể xảy ra ở hai giới nhưng chiếm đa số ở phụ nữ.
Bình thường khi bàng quang chứa đầy nước tiểu (300 – 400ml), sẽ gửi tín hiệu lên hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang và lập tức cơ vòng bàng quang sẽ giãn ra để nước tiểu thoát ra ngoài.
Sau khi tiểu xong, bàng quang xẹp xuống và cơ vòng bàng quang sẽ co lại không cho nước tiểu thoát ra. Ngoài cơ vòng bàng quang tham gia bài tiết nước tiểu, còn có sự phối hợp của cơ bàng quang và sự hỗ trợ của các cơ sàn chậu. Khi quá trình trên bị rối loạn do nhiễm trùng, chấn thương… sẽ gây ra tiểu không tự chủ.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ như:
- Bệnh lý đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến, bướu hay sỏi bàng quang…).
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang do tổn thương não hay tủy sống (bệnh Parkinson, Alzeimer, đột quỵ…).
- Do stress tạo áp lực, căng thẳng lên bàng quang.
- Cơ sàn chậu bị suy yếu do tuổi tác, mang thai…
- Bàng quang bị kích thích do bia, rượu, cà phê…
Video đang HOT
- Thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mang thai hay sau khi sinh hoặc sau thời kỳ mãn kinh…
Các yếu tố nguy cơ
Giới tính: phụ nữ có nhiều nguy cơ tiểu không tự chủ trong giai đoạn mang thai hay sau khi sinh hoặc sau thời kỳ mãn kinh.
Tuổi tác: khi lớn tuổi cơ bàng quang sẽ dẩn suy yếu đi, làm gia tăng nguy cơ tiểu không tự chủ.
Béo phì: trọng lượng cơ thể tăng làm gia tăng áp lực lên bàng quang và các cơ sàn chậu, gây ra tiểu không tự chủ.
Hút thuốc: hút thuốc lá nhiều cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra tiểu không tự chủ, do làm gia tăng áp lực lên bàng quang…
Phân loại
Tiểu không tự chủ được chia làm 4 loại khác nhau:
Do căng thẳng: xảy ra khi ho, hắt hơi, cười… tạo ra áp lực lên cơ vòng bàng quang đã suy yếu, thường gặp ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh hay sau thời kỳ mãn kinh.
Do thôi thúc: xảy ra khi có sự thôi thúc nhưng không thể kiểm soát việc đi tiểu, nước tiểu tự động thoát ra ngoài khi chưa đến kịp nhà vệ sinh!
Do ứ đọng: xảy ra khi nước tiểu không thể thoát hết ra khỏi bàng quang do bị tắc nghẽn, nước tiểu ứ đọng tạo áp lực lên bàng quang gây ra sự rò rỉ. Tiểu không tự chủ do ứ đọng thường gặp ở nam giới phì đại tiền liệt tuyến.
Dạng hỗn hợp: xảy ra khi có sự kết hợp các loại tiểu không tự chủ với nhau.
Thuốc điều trị tiểu không tự chủ
Có nhiều loại thuốc được sử dụng điều trị tiểu không tự chủ, các thầy thuốc sẽ chọn lựa loại thuốc nào tùy theo nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ.
Nhóm thuốc kháng sinh (nhóm beta-lactamin, quinolon…) được sử dụng trong điều trị tiểu không tự chủ do viêm nhiễm đường tiết niệu.
Nhóm thuốc kháng cholinergic (oxybutynin, tolterodin, darifenacin…) có tác dụng thư giãn bàng quang nên thường được sử dụng trong điều trị tiểu không tự chủ do thôi thúc.
Cần lưu ý: nhóm thuốc kháng cholinergic có thể gây ra tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, mờ mắt, đỏ bừng mặt…
Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (imipramin, duloxetin…) được sử dụng trong điểu trị tiểu không tự chủ do căng thẳng hay do thôi thúc.
Cần luu ý: nhóm thuốc này thường gây ra tác dụng phụ như : chóng mặt, ngủ gà, khô niệng, táo bón, bí tiểu…
Desmopressin có tác dụng tương tự hoóc-môn kháng lợi tiểu vassopresin nên được sử dụng trong điều trị tình trạng tiểu không tự chủ vào ban đêm.
Cần lưu ý: Desmopressin có thể gây ra tác dụng phụ đau đầu, đau bụng, buồn nôn…
Duloxetin: chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine, tác động lên hệ thần kinh trung ương gởi các tín hiệu kiểm soát cơ vòng bàng quang. Duloxetin thường được sử dụng trong điều trị tiểu không tự chủ do căng thẳng.
Cần lưu ý: Duloxetin có thể gây ra tác dụng phụ buồn nôn, khô miệng, mệt mỏi…
Estrogen: một nội tiết tố sinh dục nữ được bổ sung với liều thấp ở dạng kem thoa hay thuốc đặt âm đạo… thường được sử dụng điều trị tiểu không tự chủ ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh do thiếu hụt estrogen.
Cần lưu ý: estrogen có thể gây ra tác dụng phụ tăng huyết áp, hình thành huyết khối, ung thư vú…
Các thuốc điều trị tiểu không tự chủ thường gây ra các tác dụng phụ (có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe), nên người bệnh phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng
Bên cạnh việc dùng thuốc, cần kết hợp tăng cường luyện tập thể dục, thể thao (đi bộ, bơi lội…), thực hiện các bài tập cơ sàn chậu, tránh béo phì, thay đổi lối sống như không hút thuốc, tránh các chất kích thích (bia, rượu, cà phê…), tập thói quen đi tiểu đúng giờ… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị tiểu không tự chủ!
Theo Sức khỏe đời sống
8 món ngon trị rối loạn tiểu tiện sau sinh
Sau đẻ, cơ thể của chị em thay đổi nhiều, sức khỏe bị giảm sút, nhiều người tiểu tiện không bình thường như tiểu nhỏ giọt, bí tiểu hoặc tiểu tiện không tự chủ được.
Ảnh minh họa: Internet
Nguyên nhân là do rối loạn chức năng của bàng quang, do phế khí bị suy hư khiến đường tiểu không thông; hoặc do thận dương suy yếu, mệnh môn hỏa suy... Ngoài ra, chị em còn có những biểu hiện bụng dưới trướng đầy, nằm ngồi không yên, chân tay buồn bực, thở khó, sốt nhẹ... Xin giới thiệu một số món ăn nước uống chị em khắc phục được chứng bệnh này.
Bài 1: Cháo ngô: ngô non 250g, thịt lợn nạc 100g, mắm muối vừa đủ. Thịt lợn nạc rửa sạch, băm nhỏ, ướp mắm muối xào chín. Ngô non dùng dao cắt khỏi lõi, đem giã giập, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ. Khi ngô chín, cho thịt vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 2 lần lúc đói, cần ăn liền 5 ngày.
Bài 2: Cháo hành: hành tươi 5 củ, gạo 100g, mắm muối vừa đủ. Gạo xay thành bột, quấy thành cháo loãng. Hành rửa sạch lấy củ, lá cắt nhỏ cho vào cháo thêm mắm muối quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 2 lần, cần ăn liền 3 - 5 ngày.
Bài 3: Cháo cá chày: cá chày 1 con (250 - 300g), gạo 100g, hạt tiêu, mắm muối vừa đủ. Cá chày làm sạch, đem nướng trên than hồng, khi cá chín vàng, gỡ lấy thịt nạc ướp mắm muối tiêu, xương cá giã nhỏ lọc lấy nước. Gạo xay thành bột, cho vào nước cá đun nhỏ lửa, cháo chín,, cho thịt cá vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 5 ngày.
Bài 4: Lòng gà xào: lòng gà 2 bộ, rượu gạo 1 thìa canh, hạt tiêu mắm muối vừa đủ. Lòng gà làm sạch thái miếng vừa, ướp hạt tiêu, rượu, mắm muối khoảng 20 phút, đem xào chín. Ăn ngày 1 lần lúc còn nóng, cần ăn liền 5 ngày.
Tôm xào hẹ. Ảnh minh họa: Internet
Bài 5: Tôm xào hẹ: tôm tươi 250g, hẹ 100g, dầu thực vật, mắm muối hạt tiêu vừa đủ. Tôm tươi nhặt sạch, bỏ vỏ, ướp mắm muối, hạt tiêu, xào chín bằng dầu thực vật. Hẹ rửa sạch cắt thành đoạn vừa miếng cho vào tôm, xào tiếp, hẹ chín là được. Chia 2 lần ăn trong ngày, ăn với cơm, cần ăn liền 5 ngày.
Bài 6: Hạt sen hấp thịt lợn nạc: hạt sen 50g, củ súng 20g, thịt lợn nạc 200g, mắm muối vừa đủ. Hạt sen, củ súng xay thành bột. Thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ ướp mắm muối, trộn đều với bột hạt sen, củ súng, đem hấp cách thủy cho chín. Ăn ngày 2 lần lúc đói, cần ăn liền 5 ngày.
Bài 7: Canh giá đỗ xanh: giá đỗ xanh 200g, thịt lợn nạc 100g, dầu thực vật, mắm muối vừa đủ. Thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ ướp mắm muối, xào chín bằng dầu thực vật. Giá đỗ xanh rửa sạch, khi thịt xào chín, cho giá đỗ xanh vào đảo đều cho chín tái là được. Ăn ngày 2 lần trong bữa cơm, cần ăn liền 5 - 7 ngày.
Bài 8: Nước đậu xanh: đậu xanh 30g, chè khô 5g, rễ cây đinh lăng 10g. Rễ đinh lăng rửa sạch thái nhỏ, phơi khô sao vàng cùng đậu xanh, chè khô cho vào nồi, thêm 400ml nước đun sôi kỹ chắt lấy 200ml nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống liền 5 ngày.
Theo SKDS
Khắc phục chứng đau thắt lưng Đau thắt lưng là một chứng bệnh của nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau thắt lưng gặp chủ yếu ở người trưởng thành và gây không ít phiền toái cho người bệnh cả trong cuộc sống, cả về sức khỏe. Phải xác định được căn nguyên Mọi người đều có thể mắc triệu chứng đau thắt lưng ngay cả khi tuổi còn rất...