Cách dạy nhằm lấp đầy khoảng trống trong giáo dục phổ thông
Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, giáo viên phổ thông và cha mẹ nên dạy sâu những gì cần cho cuộc sống và giúp trẻ có độ nhạy trực giác.
Sau bài chia sẻ về bốn khoảng trống trong giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Chí Hiếu tiếp tục đưa ra quan điểm về việc dạy để lấp đầy những khoảng trống đó.
Mỗi ngày đi qua, càng nhiều trường học, thầy cô và bố mẹ chỉ chăm chăm vào điểm số, kỳ thi, giải thưởng mà không hiểu thật sự điều gì đang diễn ra trong đầu học sinh. Chúng nạp cái gì vào đầu, nạp vào bằng cách nào, nạp rồi thì cái gì nằm lại, cái gì thật sự có ích cho ngày mai?
Có lẽ đã đến lúc cần nhìn thật sâu xem chúng ta đã và đang làm gì với lũ trẻ, để từ đó biết cách dạy thế nào cho chúng thật sự thành những cánh chim tự lập, tự tin và tự do đập cánh tung trời mai kia nơi biển lớn.
Cái gì cần cho cuộc sống thì dạy
Khoảng trống số 1: Học gì mà bắn đại bác vẫn chưa tới đánh đúng căn bệnh thâm niên của phần lớn trường phổ thông trên thế giới. Học sinh như bị “cướp đoạt” thời gian, không gian, trí lực và năng lượng, chỉ để nạp vào đầu những thứ kiến thức mà hơn 95% sẽ không sờ đến trong tương lai.
Vì lẽ đó, khi thiết kế chương trình học hay dạy con trẻ ở nhà, người lớn nên tập trung dạy trẻ kiến thức, đặt câu hỏi, ra đề bài mà chúng thật sự cần đến cho cuộc sống mai kia. Những thứ quá phức tạp, cao siêu thì hãy gác qua một bên và để dành cho đại học hay cao học giải quyết.
Nếu giáo dục phổ thông dạy cho tụi nhỏ kiến thức nền tảng, năng lực tư duy, các kỹ năng xã hội và định hướng phát triển tính cách, giá trị sống thì quá tuyệt.
TS Nguyễn Chí Hiếu có phần chia sẻ trong một buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ chương trình Eisenhower Fellowships diễn ra tại Mỹ. Ảnh: NVCC
Đại học Harvard (Mỹ) đang thiết kế lại chương trình khoa Sư phạm để đào tạo thế hệ giáo viên tương lai những thứ này: cảm thụ mỹ thuật, văn hóa và đạo đức, lập luận toán học (chứ không phải giải toán), xã hội của thế giới, thế giới tự nhiên và thế giới vật chất, bối cảnh phát triển toàn cầu.
Trong khi đó, không ít trường ở châu Âu đang định hướng dạy cho học sinh ý nghĩa bản thân, sức khỏe thể chất, phát triển bền vững, tồn tại trong cộng đồng, các kiểu biểu đạt sáng tạo, hệ thống và hình thức giao tiếp, dự báo và giải quyết vấn đề, cách kết nối với các môi trường quanh ta.
Tuy vậy, số lượng trường học, thầy cô và bố mẹ tiên tiến được như thế thật ra đếm trên đầu ngón tay so với bạt ngàn những tư duy cũ kỹ. Thế thì đừng trách vì sao con em mình điểm trên trường 12 năm cao chót vót, huy chương, giải thưởng đầy mình nhưng lại quá non nớt khi một mình bước ra thế giới.
Đừng dạy nông mà hãy dạy sâu
Khoảng trống số 2: Cần gì học, chỉ cần… bấm chuột là ra chỉ rõ rằng phần lớn kiến thức đang được dạy trên trường lớp là những thứ Google giỏi và biết nhiều hơn thầy cô “lão làng”.
Vì vậy, nếu cách dạy theo kiểu thầy giảng – trò chép chỉ chăm chăm nhắm vào sự kiện, con số, thông tin thì 90% thời gian học ở lớp là vô bổ. Tụi nhỏ sẽ bước ra khỏi trường lớp với lượng kiến thức quá nông và hoàn toàn không có cái nhìn sâu sắc bên dưới mỗi đơn vị kiến thức.
Tụi nhỏ biết rất nhiều chi tiết về các sự kiện lịch sử, tên gọi hoặc lý thuyết hiện tượng khoa học, đặc điểm địa lý vùng miền, tiểu sử tác giả, bối cảnh ra đời tác phẩm, nhưng những cái gạch đầu dòng đó hoàn toàn không đủ. Chúng khó có thể phân tích nguồn cơn của các cuộc chiến xuyên suốt lịch sử loài người, ảnh hưởng của những hiện tượng khoa học đến đời sống và tương lai, vì sao mỗi vùng đất lại được hình thành như thế và đâu là triết lý nhân văn về bản chất con người hay cuộc sống ẩn dưới từng câu chữ, lời văn.
Để lấp đầy khoảng trống ấy, giờ đây không ít trường học tiên tiến trên thế giới đã mạnh mẽ cắt gọt chương trình một cách “thô bạo”, với phương châm cho tụi nhỏ học ít thôi nhưng học cái gì cũng phải sâu và kỹ, học cách tìm tòi và nghiên cứu, học cách lập luận và tư duy, học cách trăn trở với mỗi kiến thức ngày qua ngày để đi đến tận cùng vấn đề. Đó mới là cách mạng giáo dục.
Có trường ở Nhật Bản cho học sinh lớp 4 cả một năm học chỉ “vật lộn” với một tác phẩm mỹ thuật; có trường ở Mỹ cho học sinh cấp 3 một năm chỉ “soi mói” một cuộc chiến; học sinh lớp 7 học khoa học cả một kỳ chỉ toàn lực, toàn ý, và toàn tâm “xây đắp” một hệ thống sông ngòi. Chúng có thể biết ít hơn học sinh bao nơi khác, nhưng chúng biết sâu và biết rõ.
Video đang HOT
Và quan trọng hơn cả, với cách lật tung mỗi đơn vị kiến thức như thế, chúng “vô tình” bỏ túi một cái kim chỉ nam thật lợi hại. Để mai kia, chúng biết cách tự lật tung bất kỳ kiến thức nào trong một thế giới mà nhiều thông tin hầu như đã có sẵn, chỉ cần biết cách tìm, đọc, tư duy và lý luận để tự chuyển biến kiến thức thành nội hàm của bản thân.
Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa, ông bà ta ngày xưa tư tưởng tiến bộ hơn nhiều người thời nay.
Dạy sao cho tụi nhỏ có độ nhạy của trực giác
Khoảng trống số 3: Tham vọng dạy học sinh thành “đa chuyên gia” đang đem hàm lượng kiến thức theo phong cách nhà nghiên cứu đè bẹp đôi vai, ánh mắt, tâm trí và nhiều khi là cả tâm hồn của lũ trẻ. Chúng phải tính Toán, học Hóa, làm Văn, giải Lý, phẫu Sinh, phân tích Anh, nhẩm Sử, chép Địa… như những nhà nghiên cứu, chuyên gia.
Đến thi học kỳ là mỗi đứa một xấp đề cương ôn tập, mỗi môn không ít hơn 10 trang. Còn trong năm thì quá nhiều, chỉ thấy xót cho tụi nhỏ. Các siêu sao lắm lúc còn thấy đuối hơi mệt não thì nói chi đến phần lớn học sinh.
Với cách tiếp cận kiểu “chuyên nghiệp tập thể” ấy, học sinh giờ đây nhiều lúc cứ như cỗ máy. Dẫu có nạp vào đầu nhiều điều đao to búa lớn, độ nhạy trực giác của chúng với hiện thân của các môn học trong đời sống rất kém. Khi cách dạy và kiểm tra tập trung quá nhiều vào điều kiện giả định, những dạng bài tập phi thực tế, chúng ta cũng sẽ nhào nặn ra những cái máy giải đề, càng giải càng xa rời thực tế, và đánh mất đi cái trực giác vốn dĩ rất tự nhiên của con người mà lẽ ra giáo dục nên giữ gìn và phát triển.
Dạy học sinh thật nhiều bài toán phương trình bậc 2 để làm gì, trong khi cái trực giác về xác suất của chúng gần như bằng 0? Dạy cho học sinh một đống bài tập rối rắm về cơ học để làm gì, trong khi chúng nhìn vào một cái đồng hồ cũng không biết động cơ bên trong chạy thế nào? Dạy cho học sinh một đống bài tập tiếng Anh nhấn trọng âm, chế biến ngữ pháp, viết lại mẫu câu, chuyển đổi từ vựng để làm gì, trong khi chúng không viết nổi một bài văn ra hồn…
Học đi đôi với hành, có lẽ “hành” mà ông bà ta nói đến không chỉ là “thực hành giải bài tập”. “Hành” ở đây, tôi nghĩ và tin là hãy để mọi thứ chúng học được bước ra từ cuộc sống và đi vào trong cuộc sống.
Triết lý giáo dục chân chính là…
Khoảng trống số 4: Ngộ nhận một rừng triết lý có lẽ là cái điểm chết người nhất của giáo dục thời nay. Khi mà nhiều người đang làm giáo dục còn chưa nhận ra hoặc chưa biết làm gì để lấp đầy ba khoảng trống trên thì một rừng “nhà giáo dục”, “công ty, tổ chức giáo dục” nhảy vào để tung ra một rừng sản phẩm, khóa học, công nghệ, đổ thêm vào một đống tiền quảng cáo và tiếp thị cốt để làm sao “cách mạng” giáo dục nhanh nhất và nhiều tiền nhất.
Muốn dạy cho tụi nhỏ thật sự thành những người giỏi và sống có ích, thành công và hạnh phúc theo cách riêng của chúng và sống tốt giữa cái thế giới hỗn tạp, biến đổi không ngừng này, có lẽ trước hết nhà trường, thầy cô và bố mẹ cần dừng chân đủ lâu, đọc thật sâu, nghĩ thật kỹ và cảm thật nhiều để hiểu giáo dục cuối cùng là gì?
Đem về quá nhiều nguyên vật liệu và thảy tất cả vào nồi hầm, chưa chắc nước lèo đã có chất. Nhiều khi ta mất công hầm thật lâu để rồi phải đem đi vứt bỏ vì nước lèo quá tạp nham. Đôi khi, một bó rau muống giản đơn đem đi luộc nước trong thôi cũng có thể cho ra một bát canh mát, chất lừ và khó quên.
Giáo dục đôi khi là vậy, giống như người xưa vẫn dạy: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Có những vật dụng chỉ cần chất gỗ tốt thì vẫn đi cùng năm tháng và sáng màu giữa tạp nham cuộc đời. Giá trị của chất gỗ đó chỉ tăng qua thời gian, chứ không hề giảm đi.
Trong một xã hội mà niềm tin và yêu thương lắm lúc đã bị xói mòn trước sự lên ngôi “đáng rùng mình” của đồng tiền, giáo dục giờ đây cứ như bị biến thành một rạp xiếc. Người ta đào tạo cho những con vật diễn được bao trò hay ho, nhưng lại đi ngược với bản năng và sự phát triển tự nhiên của chúng, cốt chỉ để người người trầm trồ, nhà nhà vỗ tay khen hay.
Giáo dục mà không nhìn thật nhiều, nghĩ thật sâu, làm thật kỹ và cảm nhận, yêu thương thật tình thì những cái vỏ bên ngoài, dẫu có lung linh cách mấy, cũng sẽ âm thầm lấy đi rất nhiều điều tốt đẹp của đám trẻ. Để rồi thời gian trôi nhanh, đến một lúc nào đó, người ta mới nhận ra thì có khi đã trễ.
“Lành dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Có lẽ, “dạy con thông minh cho ngày mai” là như vậy. Cứ hy vọng và cứ làm, bước từng bước trong niềm tin vững chãi và tấm lòng an yên.
Đã chọn cái nghề và nghiệp mang tên “giáo dục” thì chắc trước sau gì, ai cũng sẽ mong được trở về và neo đậu mãi với một chữ không dễ gì gìn giữ trong cuộc đời này. Đó là chữ “Tâm”.
Nguyễn Chí Hiếu
Theo VNE
Tiến sĩ Stanford chia sẻ bốn khoảng trống trong giáo dục phổ thông
Tham vọng dạy trẻ thành đa chuyên gia, dạy những thứ chỉ cần tìm hiểu qua cái "bấm chuột" là những điều giáo dục cần thay đổi.
Dưới đây là bài chia sẻ của thầy Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tốt nghiệp từ Đại học Stanford (Mỹ).
Vì sao nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thành tích huy chương đầy mình, nhưng khi vào đại học thì cứ như gà mắc tóc? Vì sao những ngôi sao sáng thời phổ thông, đại học được báo chí địa phương ca tụng, nhưng khi bước ra đời thì loay hoay, hoang mang và lạc lõng?
Vì phần lớn những gì trẻ được học trong trường và ở nhà đang đi chậm hơn so với mức độ phát triển của thế giới tầm chục năm. Tụi nhỏ tốn 12 năm học phổ thông để rồi bước vào đại học và ra đời lắm lúc trong sự ngỡ ngàng, sụp đổ. Bao nhiêu "súng ống" thầy cô, bố mẹ chuẩn bị cho trong 12 năm qua chẳng có mấy thứ dùng được hiệu quả, trong khi đó những thứ cần để "sống sót" ngày mai nơi biển lớn lại trống huơ trống hoắc trong bộ đồ nghề xách tay của chúng.
Tất cả cũng do ba khoảng trống trong giáo dục phổ thông hiện tại mà David Perkins, một trong những người sáng lập của Project Zero - trung tâm nghiên cứu giáo dục "đỉnh" nhất của Đại học Harvard và của Mỹ, kể ra và một khoảng trống mà tôi đang nhìn thấy như cơm bữa mỗi ngày.
TS Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: Dương Tâm
Khoảng trống số 1: Học gì mà bắn đại bác chưa tới
Với sự "nở nang" của tầng lớp trung lưu trong xã hội, người ta đầu tư mạnh tay vào giáo dục. Đầu tư nhiều thì ai cũng muốn "thu lời" nhiều. Cũng vì lẽ đó, sự mong đợi càng ngày càng cao chín tầng mây, dẫn đến trào lưu thị trường phải đẻ ra nhiều cơ hội cho học sinh đạt được điểm số, giải thưởng, huy chương, thành tích... ngay và luôn để bố mẹ và nhà trường yên tâm rằng đầu tư vào con trẻ đang có lời ngay tức thời.
Thế nhưng ít ai chịu nhìn sâu để thấy rằng, kiến thức, kỹ năng đang rèn cho tụi nhỏ trong cuộc chạy đua theo bao điểm số, giải thưởng, huy chương, thành tích đó, hóa ra lại chưa chắc là những thứ chúng cần để thành công sau phổ thông và trong cuộc sống. Thậm chí cái túi đồ nghề tụi nhỏ thu lượm được lại khác một trời một vực với những công cụ chúng cần sở hữu trong tương lai - nơi mà thế giới cũng sẽ thay đổi rất khác với tư duy của những người đẻ ra các kỳ thi, giải thưởng, chuẩn hóa đó.
Thử ví dụ cho dễ hiểu, giờ đây tụi nhỏ vẫn học tiếng Anh mệt nghỉ, từ cấp 2 lên cấp 3, chắc phải hàng chục tờ phiếu bài tập mỗi tuần, chỉ để nhớ mấy cái tên gọi ngữ pháp khó nhằn hay mẫu câu rập khuôn, rồi đi thi cầm về huy chương rủng rỉnh. Để rồi, xác suất chúng phải sử dụng mấy ngữ pháp đó trong đời chắc là ít hơn 1%.
Trong khi đó, kiến thức, tư duy để nói và viết tiếng Anh cho có tí "chất" cũng không thấy tỷ lệ thuận mấy theo số phiếu bài tập ngữ pháp, đánh trọng âm mà ngày ngày chúng đang quần quật căng mắt ra làm.
Và khoảng trống "bắn đại bác không tới" này hầu như là lù lù "kiên trì bám đất" ở tất cả môn học, vì tư duy của chương trình và người dạy, thậm chí của các bố mẹ, cứ y như đã đóng băng từ chục năm trước. Trong khi dòng chảy vận hành của thế giới thì đã bỏ đi xa thật xa.
Khoảng trống số 2: Cần gì học, chỉ cần... bấm chuột là ra
Giờ đây lên lớp, nhiều giáo viên gần như giảng thao thao bất tuyệt kiến thức mà theo David Perkins là dễ tìm, nhanh quên, và hời hợt - tạm gọi là kiến thức "dạm ngõ". Giáo viên có thể bỏ chục phút, thậm chí một tiếng chỉ để giải thích định nghĩa và vai trò của chất cholesterol, ngữ pháp thì hiện tại hoàn thành, hay một chiến dịch lịch sử với những mẫu thông tin mà thật ra một đứa trẻ lớp 4-5 có thể tìm ra trong 15 giây bằng cách hỏi thăm chàng Google biết tuốt và miễn phí.
Vậy là với lượng kiến thức dạm ngõ có thể tự học trong 15 giây trong kỷ nguyên số, tụi trẻ bị "giam cầm" trong bốn bức tường cả tiếng. Để rồi những gì thầy cô giảng theo phương pháp thầy giảng trò chép gần như bị quên sạch sau vài tiếng bước ra khỏi lớp học. Khi kiểm tra, thi cử, chúng nhai đi nhai lại quá khuya, chỉ để ráng nhớ thứ kiến thức dạm ngõ hời hợt đó, để rồi lại quên.
Trong khi đó, chúng bất lực, lúng túng, mù tịt trước những câu hỏi lớn, tư duy lớn mà lẽ ra cần được "kết duyên" thật sâu trước khi bước ra khỏi ghế nhà trường. Chúng thuộc làu làu ngày tháng, lịch sử, sự kiện diễn ra từng chi tiết một, tên tướng lĩnh dẫn binh, số người chết trận, nhưng không phân tích nổi đâu mới là ngọn nguồn, bản chất của chiến tranh và hòa bình. Và nếu được hỏi các cuộc chiến trên thế giới qua bao thời kỳ có kết nối, xâu chuỗi thế nào và hình thành trật tự thế giới ra sao thì chúng đờ mặt.
Chúng làm bài tập tính toán nhiễm sắc thể cao siêu, thuộc rõ ràng đặc trưng của nhiều họ thực vật, động vật, nhưng moi móc mãi cũng không có lấy một luận điểm nào đủ chất để phân tích cái được mất của việc hoàn thành dự án bản đồ gen loài người. Thậm chí chúng cũng không biết đến dự án này, đừng nói chi là phân tích hay bình luận, hỏi sâu rộng chút là nhiều đứa ngó lơ luôn.
Chúng phân tích các thủ thuật văn học trong hàng rừng bài thơ tình và chép thuộc làu làu bối cảnh ra đời tác phẩm, tiểu sử cuộc đời tác giả. Nhưng nếu hỏi chúng tình yêu là gì và nó chiếm vai trò thế nào trong cuộc đời và thế giới, xã hội loài người và tâm hồn bản thân, chúng cũng ngắt ngư tắt đài.
Những thứ chúng đang được nhồi nhét hàng ngày, chỉ cần click chuột vài lần là ra ngay, cần gì nhớ như in. Để rồi cái "xô" đầu óc của lũ trẻ mỗi ngày càng chật kín chỗ với những điều mà cái thế giới mạng Internet còn quá thừa chỗ để chứa. Còn với những thứ mà chưa chắc hỏi anh Google là ra ngay thì cái "xô" đầu óc của chúng cứ y như bị mù chữ.
Khoảng trống số 3: Tham vọng dạy học sinh thành "đa chuyên gia"
Bao nhiêu năm qua, chương trình, nội dung, phương pháp, bài tập, kiểm tra đánh giá của nhiều môn học ở bậc phổ thông được truyền đạt đến học sinh cứ y như là 100% học sinh đều sẽ trở thành các nhà toán học, vật lý học, sinh học, ngôn ngữ học... Để rồi càng ngày, nội dung, dạng bài tập, câu hỏi càng bị phức tạp hóa, đánh đố hơn mức cần thiết, cứ y như là đang chuẩn bị cho một học sinh thành đa chuyên gia - nhà nghiên cứu cho tất cả môn học.
Vậy là đứa nào cũng căng não ra để ráng tiêu hóa theo kiểu nuốt ực, không cần nhai nội dung, bài tập đúng chất của các "nhà XYZ học". Thật ra cũng có một nhóm nhỏ học sinh thật sự ưu tú có thể dung nạp kiểu đó. Nhưng thậm chí, những học sinh ưu tú đó nhiều khi cũng rập khuôn và chưa chắc có thể gắn kết những thứ đã học vào trong cuộc sống.
Còn phần đông học sinh, chắc phải hơn 95%, đang được dạy dỗ theo kiểu đa chuyên gia, cuối cùng chẳng dùng đến mấy thứ phức tạp đánh đố đó trong đời là bao. Vì có phải ở đời làm cái gì cũng cần đến mấy cái "đa chuyên gia" đó đâu.
Khoảng trống 4: Ngộ nhận một rừng "triết lý"
Trò chuyện với David Perkins một buổi, nghe về ba khoảng trống ông nghiệm ra, tôi "mạnh dạn" xin phép ông cho bổ sung một khoảng trống. Ông vừa nghe vừa nghĩ trầm ngâm, rồi gật đầu.
Trong một thời gian dài, giáo dục là một trong những ngành "đói" nhất vì nó ít đột phá nhất. Vậy là trong những năm gần đây, khi đời sống tốt hơn, thế giới cạnh tranh hơn, người ta cũng chú trọng giáo dục hơn. Và đó là cơ hội vàng cho một rừng "triết lý giáo dục" mọc lên như nấm sau mưa, mà phần lớn xã hội, tổ chức giáo dục đều cứ khư khư hiểu nhầm hay ngộ nhận: Sản phẩm, dịch vụ giáo dục nào nghe kêu kêu cũng có triết lý giáo dục.
Trong khi đó, chẳng một ai hiểu được rõ ràng giáo dục thật sự là gì, từ phương diện triết lý cho đến cơ sở khoa học. Một công nghệ hiện đại có thật sự giúp học sinh học tốt hơn và có tác dụng phụ đâu đó hay không khi mà chính những người đẻ ra nó còn không hiểu để một kiến thức vào đầu đứa trẻ, chúng ta cần mở những cánh cổng nào? Thầy cô và bố mẹ giờ đây cứ hay dựa dẫm, bám víu vào công nghệ mà quên mất rằng lắm lúc giáo dục tốt nhất trên thế giới này đang diễn ra ở những nơi không có lấy một thứ công nghệ nào.
Hàng chục bộ sách lung linh, đắt tiền được tậu về và quăng cho học sinh làm đi làm lại, hay chinh chiến bao trại hè, khóa học kỹ năng ngang dọc theo đúng tinh thần "không bổ ngang cũng bổ dọc". Nhưng không mấy ai chịu hiểu nhiều khi những bộ sách, khóa học, trại hè đó cũng được thiết kế theo tư duy cũ, trong khi bố mẹ, thầy cô lúc nào cũng đòi hỏi cho những đứa trẻ phải có bao nhiêu thứ thật hiện đại, kiểu như thế kỷ 21 này kia.
Hàng trăm trường học mọc lên để phục vụ nhu cầu bức bách đổi mới giáo dục của bố mẹ và của xã hội, rồi vơ tay gom về rất nhiều sản phẩm, chương trình và cứ thế đắp vào trong khung học vốn dĩ đã rất ít giờ chơi, lắm giờ học mỗi ngày của lũ trẻ. Thế nhưng, chẳng mấy ai biết rằng không phải cứ có nhiều chương trình, tên gọi hay ho là có thể làm cho tụi nhỏ chuyển hóa được hết thành tài sản lâu dài. Cứ hình dung, dắt một đứa trẻ vào trung tâm mua sắm và thả nó ở đó cả ngày, mỗi cửa hàng một kiểu lợi ích ưu tiên, chẳng ai đồng lòng trông chừng đứa trẻ và nó thật sự cần gì, thì xem thử nó có đi lạc hay gặp tai nạn ở đâu đó không?
Ôm về một rừng triết lý mà chúng ta không hiểu bản chất của việc học, tư duy đón nhận kiến thức thế nào, động lực học của trẻ đến từ đâu, giáo dục thật sự cần tiếp cận hướng gì... thì sự thật là, cái gì nhìn tụi nhỏ cũng có, nhưng thật ra chẳng có cái gì thật sâu. Mọi thứ phết lên người đứa trẻ cứ y như là cho nó chạy một vòng Color Run, chạy xong về nhà là trên người có một đống màu lung linh rất đẹp, chụp ảnh đưa lên mạng chắc cũng được "triệu like", nhưng đi tắm vài phút ra là bao nhiêu màu lại bay đi đâu mất.
Giáo dục giờ đây nhiều khi nó "trống" như thế đó.
Chính những khoảng trống to đùng này trong nhận thức của không ít nhà trường, thầy cô, bố mẹ và thậm chí là truyền thông mới dẫn đến việc giáo dục phổ thông, thậm chí là bậc đại học, giờ đây đang không bắt kịp tốc độ vận hành và thay đổi của thế giới.
Vì vậy, đầu óc của nhiều đứa trẻ giờ đây cứ y như là không nạp được cái gì khác ngoài kiến thức thi rồi là quên, thủ thuật giải đề xong là hết, và những kỹ năng phẩm chất gắn mác lên người chúng như đi gom hàng xả Tết.
Và rồi khi chúng thật sự ra biển lớn hay bước vào đời, cái thế giới mai kia mà chúng phải sống và hy vọng làm chủ lại như là một thứ ngôn ngữ mà chúng chẳng biết học thế nào. Tất nhiên, rồi chúng cũng phải gồng mình lên mà học thôi, nhưng khi học hành thành thạo rồi thì lúc đó thế giới lại ra một kiểu khác.
Nguyễn Chí Hiếu
Theo VNE
Nỗi khổ học nhiều, vận động ít của học sinh Việt Chương trình học thiết kế khô cứng và ít ỏi, phụ huynh, học sinh dồn sức cho các môn học chính... thể dục học đường ở Việt Nam đang bị 'bỏ rơi' trong khi thể lực học sinh có nhiều điều đáng bàn. Tiết học thể dục với nội dung nhảy qua xà của lớp 9/9 Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình...