Cách dạy con của bố mẹ có thể khiến trẻ “đánh mất bản thân mình” như thế nào?
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình trở thành “ai đó” khi chúng lớn lên, là bác sĩ, là doanh nhân, là người thành đạt, hay đơn giản là người hạnh phúc. Thế nhưng, trước khi trở thành “ai đó”, hãy để con được là chính con cái đã!
Là mẹ của hai em bé 8 tuổi và 3 tuổi, tác giả sách thiếu nhi Phạm Thị Hoài Anh còn có nhiều bài viết chia sẻ về nuôi dạy con cái gần gũi và nhận được sự đồng cảm của nhiều cha mẹ. Mẹ&Bé xin chia sẻ một bài viết của chị về chủ đề lắng nghe và tôn trọng con như thế nào, để trong hành trình nuôi dạy con, bố mẹ có thể trở thành người đồng hành tin cậy, giúp con nuôi dưỡng những giá trị, niềm tin ở bản thân mình, để chúng được là “chính mình”.
Buổi sáng, Nit thường chơi ở sân cát suốt mấy tiếng, thằng bé chuẩn bị rất kĩ “đồ nghề”, cái xe máy xúc, xe bồn xịt nước, thìa xúc cát làm bánh, mấy cái nắp chai và vài hòn đá. Nó vui vẻ chơi tha thẩn như thế từ ngày này qua ngày khác, ngày nào cũng hào hứng như thể đó là ngày đầu tiên nó phát hiện ra cái sân chơi này.
Thi thoảng, sự thư giãn và cảm giác “ta là vua xứ này” của thằng bé bị phá vỡ. Đó là khi một số nhóm trẻ ở các trường trong khu hoặc nơi khác đến sân cát chơi. Nit không khó chịu vì có “kẻ lạ mặt”, nó sẽ vẫn cứ thư giãn và hì hụi với cái khoanh đất nhỏ của nó, làm đường, đào hố hay làm bánh nếu như những đứa trẻ mới đến không bị thu hút bởi mấy thứ “đồ nghề” xịn sò của nó. Thằng bé rất cảnh giác khi có bạn nào đó đến gần, ngồi xuống gần, nhìn chằm chằm vào mấy món đồ chơi hay thậm chí là không “nhịn” được sờ vào một tí. Nó sẽ lừ mắt mà bảo: “Không được động vào, đây là đồ chơi của tớ!”
Thế giới riêng của mỗi em bé là một thế giới luôn cần được bảo vệ và tôn trọng bằng rất nhiều sự tỉnh thức, kiên nhẫn và bao dung của cha mẹ. (Ảnh: NVCC)
Hôm vừa rồi cũng là một ngày như thế. Mình để bọn trẻ con tự “xử lý” với nhau một hồi, nhưng tình hình có vẻ căng. Xong thấy Nit bắt đầu hét lên khi các bạn “lấn tới”, mình bắt đầu thấy bực, thấy Nit “ki bo”, thấy thằng bé thật là không biết chia sẻ, nó cũng chẳng thân thiện gì cả. Mình bực lắm, nhưng vẫn cố bình tĩnh, chậm rãi ngồi cạnh Nit và bắt đầu thuyết phục:
- Nit à, con có nhiều đồ chơi mà con chỉ đang chơi một thứ. Con có thể chia sẻ những món khác cho các bạn chơi cùng không?
- Đồ chơi của con mà. Con đang chơi. Con không muốn chia sẻ với bạn.
- Nếu con chia sẻ, con sẽ có bạn chơi cùng, chơi với bạn sẽ vui hơn chơi một mình đấy.
- Con không thích! Con chơi một mình con cũng vui!
- Nhưng đây là sân chơi chung. Con có thấy tất cả các bạn cùng chia sẻ sân chơi này với nhau không?
- Nhưng đây là ĐỒ CHƠI CỦA CON. Con không muốn chia sẻ với các bạn.
- Thôi được rồi (mình lúc này đã nóng gáy vô cùng, tông giọng đã tăng lên mấy bậc)! Vậy thì con có hai sự lựa chọn. Một là, nếu con chia sẻ đồ chơi với bạn, mình sẽ ở đây chơi tiếp. Hai là, nếu con không chia sẻ đồ chơi, mình sẽ đi về nhà. Con chọn đi!
- Con muốn đi về nhà!
Mình bực mình lắm, cố “ thuyết giảng” đủ thứ mà nó thì vẫn một mực với quyết định của nó. Mình mới giận dỗi đứng lên bỏ đi trước, bảo “thôi mình về, mẹ rất buồn vì Nit không biết chia sẻ”. Thằng bé chạy cuống cả lên theo mẹ, hai mẹ con vào khu vệ sinh rửa xe cộ, chân tay, mặt mình xị ra, còn giọng thì dằn dỗi nó.
Ảnh minh họa
Nit lặng thing không nói gì cả. Mình cũng biết là mình đã sai rồi khi vô cớ ép uổng và giận dỗi nó như thế. Xong xuôi, hai mẹ con dắt nhau ra ghế, ngồi dưới tán cây mát lịm, mình ôm nó rồi bảo: “Dù mẹ rất buồn khi Nit không chia sẻ đồ chơi với bạn, nhưng mẹ vẫn rất yêu Nit, Nit ạ. Đồ chơi của con nên con tự quyết định là đúng rồi. Mẹ xin lỗi Nit nhé!”. Thằng bé ôm chặt cổ mẹ, giọng lúc này mới rơm rớm bảo: “Nit xin lỗi vì mẹ buồn. Nhưng khi nào Nit SẴN SÀNG thì Nit sẽ chia sẻ với các bạn. Có hôm đi chơi với ông, Nit vẫn chia sẻ với bạn mà!”
Mình thấy ân hận quá. Mình nhớ đến những lúc thằng bé hào phóng với bạn bè, thân thiện mọi người, những lúc nó SẴN SÀNG, vui vẻ và hợp tác. Mình nhận ra rằng, cho dù có cố gắng thế nào, thì trong một vài khoảnh khắc nào đó, mình vẫn tự cho mình quyền “áp đặt” lên con, muốn con phải cư xử theo cái “chuẩn mực” mà mình cho là đúng, và nếu nó có “phản đối” thì mình sẽ khó chịu, ấm ức vô cùng.
Video đang HOT
Hôm nay mình đọc được một bài viết trên trang Unschool Vietnam về việc, chỉ khi lớn lên, nhiều người chúng ta mới giật mình với câu hỏi, thế cuối cùng mình là ai, mình muốn gì và mình tồn tại trong cuộc đời vì lý do gì? Đó có thể là vì, trong suốt những năm tháng tuổi thơ chúng ta đã “đánh mất bản thân trong lúc được giáo dục”.
… “Nếu trong suốt 13 năm tuổi thơ, mỗi tuần 5 ngày, bạn phải làm những điều người khác bảo bạn làm, học những điều người khác bảo bạn học, nghĩ những điều người khác bảo bạn nghĩ, thì chuyện bạn không biết mình thực sự là ai cũng không phải là điều khó hiểu, phải không?
Nếu bạn luôn được người khác bảo phải chú tâm vào môn học này môn học kia, trong thời gian bao lâu, thì bạn còn thời gian đâu để khám phá niềm đam mê thực sự của bản thân nữa?
Cơ hội được dành tuổi thơ để khám phá ra mình là ai, để học các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của riêng mình, để lớn lên thành người mà mình sinh ra để trở thành, là một điều tôi ước mong cho tất cả mọi trẻ em. Chúng cũng có những quyền như người lớn trong việc tự kiểm soát tâm trí mình, tự kiểm soát điều gì chúng quan tâm, điều gì chúng muốn học, điều gì chúng muốn làm, phải không? Có lẽ nếu nhiều trẻ em có được cơ hội đó hơn thì số người trẻ cần phải đi “tìm chính mình” ở tuổi 17 sẽ ít hơn chăng?”…
Đó cũng là điều mà mình vẫn đang tiếp tục nhắc nhở bản thân và cố gắng mỗi ngày, chỉ để trở thành một người dẫn lối và đồng hành độc lập, bao dung và yêu thương của con.
Theo Helino
10 bí quyết nuôi dạy trẻ thành người hạnh phúc
Bố mẹ nên đặt kỳ vọng hợp lý cho con, tránh nuông chiều quá mức và cần giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
Theo Verywell Family, nuôi dạy trẻ trở thành người hạnh phúc không phải là mang lại cho chúng niềm vui nhất thời hoặc sự hài lòng ngay lập tức. Trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại.
Những đứa trẻ hạnh phúc được trang bị đầy đủ kỹ năng cho phép chúng tận hưởng cảm giác vui vẻ lâu dài trong cuộc sống. Chúng có thể vượt qua cám dỗ trước mắt để đạt được mục tiêu lớn hơn.
10 bí quyết dưới đây giúp phụ huynh đồng hành cùng con trong quá trình tạo dựng và phát triển những kỹ năng đó.
1. Khuyến khích vui chơi ngoài trời
Nhiều phụ huynh đánh giá thấp vai trò của việc vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, chạy nhảy trên bãi cỏ, trèo cây, ngồi xích đu và đào đất được chứng minh là những hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho trẻ.
Ảnh: Babyology
Các nghiên cứu cho thấy mùi hương của thiên nhiên như mùi cây thông, cỏ mới cắt và hoa oải hương có thể thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Vì vậy, bạn có thể khuyến khích con đọc sách hoặc làm bài tập về nhà ngoài hiên.
Vui chơi ngoài trời cũng có thể cải thiện các kỹ năng xã hội ở trẻ em. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Journal of Science and Medicine in Sport cho thấy khi tăng thời gian hoạt động ngoài trời, trẻ đồng thời tăng mức độ đồng cảm, gắn kết và tự kiểm soát.
Với kỹ năng xã hội tốt, trẻ có thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy nhóm trẻ này có khả năng vào đại học cao gấp đôi và ít có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện, bị béo phì hay hành động bạo lực.
Vì vậy, bạn hãy biến vui chơi ngoài trời thành thói quen hàng ngày cho con. Ngay cả khi thời tiết không lý tưởng, trẻ vẫn có thể đi xe đạp, chơi với những đứa trẻ hàng xóm và chạy loanh quanh ngoài trời.
2. Giới hạn thời gian dùng thiết bị điện tử
Trẻ có thể thấy vui khi chơi video game hàng giờ liền. Tuy nhiên, về lâu dài, việc dùng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Emotion cho thấy những thanh thiếu niên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động không liên quan đến thiết bị điện tử như chơi thể thao, làm bài tập về nhà... sẽ hạnh phúc hơn nhóm còn lại.
Nếu mua điện thoại thông minh cho trẻ, bạn hãy yêu cầu trẻ không dùng khi tham gia các hoạt động cùng gia đình như ăn cơm tối hoặc vui chơi bên ngoài, đồng thời giới hạn thời gian xem TV và sử dụng máy tính, điện thoại trong ngày.
3. Thực hành lòng biết ơn
Nếu biết ơn những điều giản dị trong cuộc sống, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa lời cảm ơn do ép buộc và lời cảm ơn thật tâm.
Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ em thực hành lòng biết ơn là làm gương cho chúng. Nếu thấy bố mẹ thường xuyên cảm ơn người khác một cách chân thành, trẻ có xu hướng làm điều tương tự.
Để thực hành, bạn hãy biến nó thành thói quen của gia đình. Chẳng hạn, vào giờ ăn tối hoặc trước khi đi ngủ, mỗi người trong gia đình có thể xác định ba điều mình cảm thấy rất biết ơn và kể với những người khác.
4. Đặt kỳ vọng cao, nhưng không quá cao
Mặc dù việc dành hàng giờ để ôn thi hoặc tập đàn có thể không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui, kết quả mà sự chăm chỉ mang lại sẽ khiến trẻ ngập tràn hạnh phúc.
Sự mong đợi của bạn tác động lớn đến việc trẻ có sẵn sàng thử thách bản thân hay không. Các nghiên cứu cho thấy khi cha mẹ có kỳ vọng cao đối với việc học của con ở trường, trẻ sẽ học tốt hơn và kiên trì hơn khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn.
Điều quan trọng cần lưu ý là không nên mong đợi sự hoàn hảo. Đặt kỳ vọng quá cao cho con có thể phản tác dụng, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý.
5. Dạy cách tự kiểm soát
Ăn thêm một chiếc bánh quy, bỏ bài tập về nhà để đi chơi với bạn bè, xem TV say sưa thay vì làm việc vặt trong nhà... có thể mang lại cho trẻ niềm vui nhất thời. Nhưng, về lâu dài, việc thiếu tự chủ gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Journal of Personality cho thấy những người có khả năng tự kiểm soát tốt sẽ có tâm trạng vui vẻ hơn. Họ không thường xuyên đặt mình vào những tình huống cám dỗ như người khác.
Bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để dạy con:
- Đặt một chiếc giỏ trong nhà, quy định con phải để điện thoại vào đó khi làm bài tập về nhà để không bị xao nhãng.
- Tất cả thiết bị điện tử của cả gia đình phải được đặt vào khu vực chung trước khi đi ngủ. Dần dần, trẻ sẽ thắng được cám dỗ sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại khi nằm trên giường ngủ.
- Mua thực phẩm lành mạnh để dự trữ trong nhà. Nếu bạn có một số đồ ăn vặt không lành mạnh, hãy đặt ở vị trí khó nhìn thấy hoặc khó tiếp cận đối với trẻ.
6. Giao việc trong nhà
Một nghiên cứu cho thấy việc cho những đứa trẻ biết làm việc lặt vặt trong nhà từ 3, 4 tuổi có nhiều khả năng thành công trong tương lai. Chúng vui vẻ khi được tham gia cùng người lớn và cảm thấy gắn kết hơn với gia đình. Sự kết nối đó sẽ giúp trẻ duy trì tinh thần mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn của cuộc sống.
Việc nhà cũng dạy cho trẻ em nhiều bài học cuộc sống, chẳng hạn trách nhiệm đối với tập thể. Dọn giường hay lau sàn nhà có thể mang lại cho trẻ cảm giác hoàn thành nhiệm vụ, thấy hài lòng khi bản thân có khả năng tạo ra sự khác biệt.
7. Ăn tối cùng nhau
Nhiều gia đình thường mua đồ ăn dọc đường cho con để tiện với lịch học ngoài giờ hoặc hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, việc cả nhà ngồi quây quần để ăn cùng nhau là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả tốt nhất khi bạn muốn nuôi dạy trẻ trở thành người hạnh phúc. Trẻ ăn cùng bố mẹ cũng ít có khả năng thừa cân hoặc bị rối loạn ăn uống.
Nghiên cứu cho thấy việc thanh thiếu niên dùng bữa thường xuyên cùng gia đình có mối liên hệ chặt chẽ tới tâm trạng tích cực. Ngoài ra, nhóm thanh thiếu niên này còn có quan điểm tích cực hơn về tương lai.
Nếu gia đình không thể ăn tối cùng nhau trong suốt cả tuần, bạn đừng lo lắng quá nhiều. Hầu hết nghiên cứu chứng minh rằng chỉ vài buổi tối ăn cùng bố mẹ mỗi tuần có thể mang lại lợi ích cho trẻ.
8. Tránh việc quá nuông chiều con
Mua cho con rất nhiều quà vào các ngày lễ hoặc đáp ứng mọi đòi hỏi của con không phải là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc. Thực tế, những đứa trẻ quá được nuông chiều thường cảm thấy bất mãn, không phân biệt được thứ mình cần và thứ mình muốn, đo đếm hạnh phúc bằng vật chất.
Vì vậy, phụ huynh nên chống lại ham muốn cung cấp cho trẻ mọi thứ chúng muốn, như điện thoại thông minh đời mới nhất, quần áo hàng hiệu hay xe đạp đắt tiền. Thay vào đó, bạn hãy tạo cơ hội để chúng giành được phần thưởng xứng đáng nhờ chăm chỉ học tập và lao động.
Hãy tập trung vào trải nghiệm hơn mọi thứ khác. Các nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy hạnh phúc nhất thường dành thời gian và tiền bạc để tạo ra những kỷ niệm, không phải để mua thêm những món đồ hào nhoáng.
9. Tập thể dục cùng gia đình
Đi dạo cùng nhau mỗi tối, tập thể dục theo video ở phòng khách có thể khiến mọi người trong gia đình hạnh phúc hơn, đồng thời tạo ra những ký ức tích cực.
Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Journal of Happiness Studies, bạn tập bài nào không quan trọng. Thể dục nhịp điệu, các bài tập giãn cơ, giữ thăng bằng hay nâng tạ đều mang lại cảm giác hạnh phúc, nhất là khi các thành viên trong gia đình tập cùng nhau.
10. Khuyến khích giúp đỡ người khác
Lòng vị tha được chứng minh có liên kết chặt chẽ với cảm giác hạnh phúc. Bạn có thể áp dụng một số ý tưởng dưới đây để bồi dưỡng lòng vị tha của con:
- Thách thức mọi người trong gia đình thực hiện ít nhất một hành động tử tế mỗi ngày và chia sẻ những gì bạn đã làm trong bữa tối.
- Chọn một tổ chức từ thiện để quyên góp mỗi năm, cả gia đình tham gia từ thiện vài giờ mỗi tuần.
- Dành một khoản trợ cấp cho con mỗi tuần, khuyến khích con quyên góp hoặc mua quà tặng những người khó khăn.
Ngoài 10 bí quyết trên, bạn cần nhớ trẻ không cần cảm thấy hạnh phúc mọi thứ. Chúng cũng cần trải nghiệm những cảm xúc khó chịu như buồn chán, giận dữ, sợ hãi và thất vọng, học cách tự đối phó và xoa dịu bản thân.
Điều tốt nhất bạn có thể làm để nuôi dạy trẻ trở thành người hạnh phúc là cung cấp cho chúng một môi trường tràn ngập tình yêu thương.
Thùy Linh
Theo VNE
Nhà tâm lý học tiết lộ vì sao cha mẹ chỉ nên mua cho trẻ đồ chơi vừa đủ, quần áo hạn chế 5 món đồ chơi, 5 bộ quần áo các loại... đó là lời khuyên các nhà tâm lý đưa ra khi bố mẹ lựa chọn mua cho trẻ. Bởi lẽ, trao cho trẻ quá nhiều lựa chọn không hề mang lại hạnh phúc cho con như phụ huynh vẫn tưởng. Xã hội hiện đại và điều kiện kinh tế tốt hơn nên trẻ...