Các trường xét điểm thi năng lực ra sao?
Từ ngày 4-5 đến 15-6, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ở cả hai đợt thi vào các trường thành viên của ĐH này.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1-2021 – Ảnh: HOÀNG AN
Trong khi đó, rất nhiều trường ngoài ĐH Quốc gia cũng đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực.
Với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021, nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm nhận đăng ký xét tuyển. Ngược lại, cũng có trường không quy định điểm này khiến thí sinh lúng túng.
ĐH Quốc gia TP.HCM: thấp nhất 600 điểm
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay trường dành 60% chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
“Trường không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, thí sinh cần có điểm thi năng lực năm nay đạt từ 700 trở lên mới nên nộp vào trường” – ông Thắng nói.
Tương tự, ThS Trần Nam – trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay năm nay trường dành 35-50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
“Trường cũng không quy định điểm sàn đối với phương thức này. Điểm chuẩn đánh giá năng lực của trường năm 2020 các ngành là từ 600-880 điểm. Do vậy, thí sinh muốn xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực phải đạt ít nhất từ mức điểm này trở lên mới có cơ hội trúng tuyển vào trường” – ông Nam lưu ý.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng công bố nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển phương thức xét kết quả thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 từ 600 điểm.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 30-60% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông nhà trường, cho biết: “Với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, trường sẽ xét tuyển điểm của cả hai đợt thi. Trường quy định điểm sàn xét kết quả thi đánh giá năng lực đối với từng ngành/nhóm ngành của trường là 650 điểm trở lên”.
Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Video đang HOT
“Trường xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của thí sinh đăng ký vào các ngành/chương trình. Điểm sàn dự kiến điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2021 phải đạt tổng từ 700 điểm trở lên” – ThS Nguyễn Hải Trường An, giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh nhà trường, cho hay.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành tối đa 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – phó hiệu trưởng nhà trường, điểm sàn phương thức này của trường là 600 điểm. Trong khi Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dành 30% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành dành cho phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực.
Nhà trường không quy định điểm sàn xét tuyển phương thức này nhưng yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển cần thỏa điều kiện phải có học lực năm lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Các trường khác: từ 500 đến 900 điểm
Với các trường ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, phần lớn đều công bố điểm đăng ký xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021 nhưng cũng có trường không quy định điểm sàn.
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết: “Trường không quy định điểm sàn đăng ký xét tuyển phương thức kết quả thi đánh giá năng lực. Các hồ sơ hợp lệ được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp theo kết quả thi đánh giá năng lực năm 2021 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Hội đồng tuyển sinh căn cứ theo đó lấy đến khi đủ chỉ tiêu. Đến nay mới có hơn chục hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức này nộp vào trường”.
Bên cạnh đó, đến nay đã có nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm nay từ 500 đến 900 điểm (thang điểm 1.200).
Cụ thể: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại cơ sở TP.HCM từ 650 điểm; tại phân hiệu Quảng Ngãi từ 600 điểm; Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM từ 650 điểm; Trường ĐH Ngoại thương từ 850 điểm; Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM từ 700 điểm; thí sinh đăng ký dự thi ngành năng khiếu, điểm thi môn năng khiếu (do trường tổ chức năm 2021) đạt từ 5,0 trở lên.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM từ 700 điểm; kết quả học tập học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 phải đạt từ 6,5 trở lên; Trường ĐH Sài Gòn từ 700 điểm (các ngành ngôn ngữ Anh, kinh doanh quốc tế, kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin).
Các ngành còn lại 650 điểm. Trường ĐH Thủ Dầu Một từ 500 điểm. Trường ĐH Nha Trang từ 650 điểm.
Trường ĐH Tây Nguyên với nhóm ngành sức khỏe là y khoa từ 850 điểm, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học và các ngành sư phạm (trừ ngành giáo dục thể chất) từ 700 điểm. Các ngành khác từ 600 điểm; Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngành dược từ 725 điểm; còn lại từ 650 điểm; Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM từ 650 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ 600 điểm. Riêng khối ngành sức khỏe sẽ áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Văn Lang từ 650 – 750 điểm, ngành răng – hàm – mặt, dược học từ 750 điểm, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học từ 700 điểm. Các ngành còn lại từ 650 điểm; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn từ 600 – 650 điểm; Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu: từ 650 – 750 điểm tùy ngành; Trường ĐH Gia Định: từ 600 – 650 điểm tùy ngành; Trường ĐH Hoa Sen: từ 600 điểm; riêng ngành dược học đạt từ 900 điểm.
Chỉ sử dụng kết quả thi năm 2021
Theo quy định đối tượng, điều kiện đăng ký của ĐH Quốc gia TP.HCM, đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực: thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 trở về trước, dự thi và có kết quả thi kỳ kiểm tra năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021 (không sử dụng kết quả năm 2020 trở về trước).
Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị (trường/khoa/phân hiệu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), không giới hạn số đơn vị (có phân biệt thứ tự nguyện vọng, nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Thí sinh đăng ký trực tuyến tại cổng đăng ký xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM, địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/. Dự kiến các trường xét tuyển và công bố kết quả xét tuyển trước 28-7.
ĐHQG TP.HCM tuyển thẳng học sinh giỏi nhất THPT như thế nào?
Năm 2021, ĐH Quốc gia TP.HCM lần đầu tiên dành tối đa 1.000 chỉ tiêu (5%) ưu tiên xét tuyển thẳng những thí sinh giỏi nhất ở các trường THPT.
Theo đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay là năm đầu tiên ĐH này áp dụng phương thức tuyển sinh mới là ưu tiênn xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2021.
Chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này khoảng 1.000 em (5% tổng chỉ tiêu). cho 10 đơn vị trực thuộc: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre, Viện Đào tạo Quốc tế IEI.
Trong đó, mỗi đơn vị chỉ đưa ra chỉ tiêu từ 1% đến 5%. Như Trường ĐH Công nghệ thông tin tuyển tối đa 5% trong tổng chỉ tiêu khoảng 1.800 đại học chính quy.
Trường ĐH KHXH&NV cũng tuyển thằng 1% đến 5% trong tổng số gần 3.500 chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế chỉ tuyển 1% tổng trong hơn 3.000 chỉ tiêu vào trường. Trường ĐH Bách khoa xét 1% đến 5% trong gần 5.000 chỉ tiêu.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi tư vấn trong ngày hội tư vấn tuyển sinh. ẢNH: PA
Phương thức này áp dụng cho các trường THPT bao gồm: trường Tiểu học - THCS - THPT, trường THCS-THPT và trường THPT (không bao gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên).
Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu sẽ giới thiệu một thí sinh giỏi nhất trường THPT theo các tiêu chí: Đảm bảo hai tiêu chí chính là học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong ba năm THPT và điểm trung bình cộng học lực ba năm THPT thuộc nhóm ba học sinh cao nhất.
Ngoài ra, các tiêu chí kết hợp sẽ gồm: giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố giải nhất, nhì, ba (chọn giải thưởng cao nhất đạt được ở THPT); Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT.
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, hội đồng tuyển sinh các đơn vị sẽ xem xét bổ sung thêm tiêu chí kết hợp phù hợp trong quá trình xét tuyển và quy định các ngành/nhóm ngành, tiêu chí kết hợp trong xét tuyển áp dụng cho phương thức này.
Thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa ba nguyện vọng ngành/nhóm ngành vào một trường đại học thành viên, khoa và phân hiệu trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM (chỉ giới hạn một đơn vị). Thời gian đăng ký xét tuyển từ ngày 15-5 đến 15-6-2021
Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm:
- Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu). Hiệu trưởng/Ban Giám hiệu trường THPT giới thiệu một thí sinh giỏi đảm bảo các tiêu chí xét tuyển.
- Học bạ THPT (bản sao hoặc xác nhận trường THPT).
- Giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố (bản sao hoặc xác nhận trường THPT).
- Bài luận viết tay của thí sinh về nguyện vọng xét tuyển vào ngành/nhóm ngành.
- Giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT.
- Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (nếu có).
Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển trực tiếp về trường đại học thành viên, Khoa và Phân hiệu trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thời gian xét tuyển, công bố kết quả và thí sinh xác nhận nhập học dự kiến 28-7 đến trước ngày 10-8-2021.
Học phí đại học: Tăng sao cho hợp lý? Những trường đại học đã được phê duyệt đề án tự chủ sẽ thực hiện việc tăng học phí từ năm học 2021-2022 tới. Học phí đại học (ĐH) ngày càng tăng cao đang là vấn đề "nóng" trong dư luận hiện nay, nhất là với các phụ huynh có con em bước vào mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2021 này....