Các trường không nên đổ thừa cho nhau vì thí sinh ảo
Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, lượng thí sinh ảo là điều dễ hiểu. Vì vậy, các trường không nên lo lắng và đổ thừa lẫn nhau, làm cho xã hội hoang mang.
Từ thực trạng hiện tượng thí sinh ảo trong hai đượt xét tuyển đầu tiên và bổ sung, PGS.TS Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ – đã nêu lên quan điểm và khắc phục hiệu quả. Zing.vn xin giới thiệu bài viết của ông:
Trước tiên cần phải ôn lại lịch sử thi “3 chung” để hiểu rõ việc thi và xét tuyển năm nay. Trước đây sau khi thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học tự tổ chức thi để tuyển sinh viên vào học. Các trường tự tổ chức nên thí sinh muốn vào trường nào phải dự kỳ thi do trường đó tổ chức.
Cách thi này làm cho thí sinh phải thi nhiều lần nếu lần đầu không đậu, hoặc không có khả năng đậu vào trường khác. Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi 3 chung để giải quyết các khó khăn này.
PGS.TS Đỗ Văn Xê và học trò.
Vấn đề rắc rối nằm ở khâu dùng kết quả của kỳ thi 3 chung vào việc xét tuyển ĐH, CĐ. Sau gần 15 năm tổ chức thi 3 chung, mặc dù vẫn còn xảy ra một số điều cần phải điều chỉnh, nhìn chung điểm của kỳ thi này đạt mức độ tin cậy cao, thể hiện sát năng lực của thí sinh và có thể dùng làm cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ.
Nếu so với cách thi “đánh giá năng lực học ĐH của Mỹ” (American College Test – ACT) do Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tổ chức thì kết quả của kỳ thi 3 chung có thể sử dụng một cách tương xứng.
Kể từ năm 2015, kỳ thi 3 chung được kết hợp thành thi tốt nghiệp THPT và dùng điểm thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ, tạo thuận lợi cho thí sinh hơn trước vì thí sinh biết điểm thi trước khi đăng ký xét tuyển, so với trước đây thí sinh phải nộp hồ sơ dự thi vào chọn ngành trước khi biết điểm thi.
Cách tổ chức đăng ký xét tuyển của kỳ thi này đã tạo sự tự điều chỉnh ngành và trường đăng ký xét tuyển để thí sinh có thể tăng khả năng trúng tuyển; tránh được tình trạng điểm cao mà rớt do rủi ro nộp vào ngành có nhiều thí sinh có điểm cao cùng nộp hồ sơ, hoặc điểm thấp mà đậu do may mắn nộp hồ sơ vào ngành đa số người nộp hồ sơ có điểm thấp.
Tóm lại cách xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 tạo được sự công bằng, thí sinh đậu hay rớt là do chính điểm thi quyết định. ĐH Cần Thơ đã tuyển được đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu với điểm chuẩn cao hơn năm trước từ 2-3 điểm. Không có hiện tượng thí sinh ảo vì mỗi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào một trường.
Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên thực hiện xét tuyển tự do nên cả thí sinh, phụ huynh lẫn cách trường gặp không ít lúng túng trong việc nộp, chuyển đổi hồ sơ. Việc trả hồ sơ của các trường chậm trễ, cộng với việc mỗi thí sinh được chọn 4 ngành tạo ra lượng hồ sơ ảo rất lớn làm cho thí sinh và phụ huynh hoang mang, ứng xử bằng cách chuyển đổi hồ sơ liên tục, quá mức cần thiết.
Video đang HOT
Hiệu ứng này tạo nên sự rối loạn và tạo tâm lý bất ổn trong xã hội. Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục còn cho rằng, được nộp hồ sơ vào nhiều trường cùng lúc là quyền của thí sinh, Bộ GD&ĐT không được hạn chế quyền này.
Quy chế tuyển sinh năm nay được điều chỉnh dựa trên việc rút kinh nghiệm năm trước và ghi nhận đầy đủ ý kiến đóng góp của xã hội, các chuyên gia giáo dục, các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc. Bộ GD&ĐT cũng gửi dự thảo quy chế các trường góp ý trước khi ban hành. Quy chế mới có hai thay đổi cơ bản là:
- Thí sinh không được thay đổi sau khi nộp hồ sơ. Dĩ nhiên là kèm theo việc không cho phép thay đổi hồ sơ thì thí sinh không được cung cấp thông tin về tình hình thí sinh nộp hồ sơ để bảo đảm sự công bằng giữa nộp hồ sơ trước và sau.
- Thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào tối đa hai trường, mỗi trường được chọn tối đa hai ngành.
Vì các trường đều đồng ý theo phương án đó có nghĩa là đồng ý chấp nhận thí sinh ảo và chấp nhận sự kém công bằng trong kết quả xét tuyển. Không có giải pháp nào hoàn chỉnh đến mức làm hài lòng tất cả khi chọn phương án này thì phải chấp nhận đánh đổi ưu điểm của phương án khác.
Ngay từ khi quyết định ban hành quy chế tuyển sinh 2016, Bộ GD&ĐT đã lường trước rằng sẽ không thể tránh khỏi tình trạng thí sinh ảo và chuẩn bị sẵn phương án khắc phục như đề ra phương án tuyển sinh theo nhóm trường, xây dựng phần mềm xử lý ảo.
Nhưng vì có rất nhiều trường nên không thể liên kết dữ liệu được nên các trường không đồng ý theo đề xuất của Bộ G&ĐT. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cũng không thể ép được vì theo luật giáo dục xét tuyển là quyền tự chủ của các trường.
Khi đã quyết định như vậy, cả Bộ GD&ĐT và các trường đều chuẩn bị cho đợt xét tuyển bổ sung. Cho đến nay, việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đang tiến triển thuận lợi theo đúng dự kiến.
Mặc dù số lượng hồ sơ nộp không được dồi dào lắm nhưng vẫn còn thời gian một ngày nữa nên thí sinh cần cân nhắc trước khi quyết định. Vì vậy, các trường không nên lo lắng và đổ thừa lẫn nhau làm cho xã hội hoang mang.
Tôi là người trực tiếp làm công tác tuyển sinh từ nhiều năm qua nên tôi nhận thấy sự cố gắng nỗ lực của Bộ GD&ĐT và có được sự tiến bộ qua từng năm.
Cụ thể là hệ thống dữ liệu chung đã hoàn chỉnh, phần mềm hỗ trợ đăng ký xét tuyển online hoạt động thông suốt, phần xét tuyển của Bộ GD&ĐT vận hành chính xác giúp các trường xét tuyển đợt 1 rất thuận lợi. Các thành tựu này không thể không ghi nhận.
Theo Zing
Đại học không đủ chỉ tiêu: Thí sinh trúng tuyển đi đâu?
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 396.496 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT lý giải, do tỷ lệ "thí sinh ảo".
Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường đại học top đầu thiếu chỉ tiêu phải xét nguyện vọng bổ sung. ĐH Y Hà Nội lần đầu tiên trong lịch sử tuyển thiếu chỉ tiêu. Trường thông báo xét tuyển bổ sung 206 chỉ tiêu thuộc 7 ngành đào tạo. ĐH Y Dược TP HCM xét tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu vào 12 ngành.
Các trường đại học trong nhóm GX, kể cả ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng tuyển sinh chưa đủ. Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy thí sinh đi đâu? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ về vấn đề này.
- Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, 75% thí sinh đồng thời đăng ký hai trường cùng lúc, chứng tỏ tỷ lệ "ảo" cao. Bộ GD&ĐT có thể lý giải nguyên nhân và đã có giải pháp gì hỗ trợ các trường?
- Ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào Quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời hai trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển, vấn đề "thí sinh ảo" đã được nhìn nhận là khó khăn các trường phải xử lý.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào đại học tương đối ổn định, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.
Mặt khác, việc phân luồng sau trung học phổ thông cũng đạt được những kết quả nhất định. Thông tin về thị trường lao động, thất nghiệp và việc làm đầy đủ hơn, là những kênh tham khảo hữu ích cho người học.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn ở mức hạn chế, thông tin về thị trường lao động gần đây cũng đã tác động đến quyết định nhập học đại học của một số thí sinh.
Để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, Quy chế tuyển sinh năm nay cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước. Mẫu Phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục "Có đăng ký xét tuyển trường khác" không và "Tên trường đăng ký xét tuyển" để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc "ảo" và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...
Trước khi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống "ảo" như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết đại diện các trường chấp nhận khó khăn để thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển.
Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ "thí sinh ảo" để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển... Đúng là rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu và không được tuyển vượt để thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Việc khó nhưng không phải không trường nào làm được. Một số trường như ĐH Luật TP HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), ĐH Y tế Công cộng... đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học.
- Có ý kiến băn khoăn về việc đủ nguồn tuyển cho các trường không? Nếu Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định là đủ thì thí sinh đi đâu?
- Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển đại học là 404.282, trong khi tổng tiêu là 317.639, hệ số dư là 1,27.
Năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của 120 cụm thi (bao gồm 70 cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD&ĐT và Cục Nhà trường chủ trì) đều được các cụm thi công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.
Vấn đề không tuyển đủ chỉ tiêu do "thí sinh ảo" và một số nguyên nhân khác đã được đề cập, phân tích ở trên và có thể vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp.
- Để xử lý căn bản vấn đề thí sinh ảo, các trường phải có những biện pháp gì, thưa bà?
- Các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Để nâng cao chất lượng thì phải hạn chế tối đa việc tăng quy mô. Hiện nay, chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa được phép tuyển.
Trong đó, nhiều trường chỉ tập trung năng lực cho công tác đào tạo, chưa bố trí nhân lực cần thiết cho công tác khoa học, công nghệ để phát triển trường theo hướng chất lượng bền vững. Chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà.
Việc xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo..., mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số "ảo" có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
Việc tư vấn tuyển sinh cũng chủ yếu dựa vào chỉ tiêu và Quy chế tuyển sinh, chưa chú trọng tư vấn nghề nghiệp, tư vấn để lựa chọn trường, ngành có chất lượng đào tạo thực tế đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội...
Theo Zing
Hạ điểm chuẩn: Bất công! Để thu hút thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển trong các đợt xét tuyển bổ sung, nhiều trường đã hạ điểm nhận hồ sơ với mức điểm thấp hơn nguyện vọng 1 từ 2 đến 3 điểm. Với lượng thí sinh ảo nhiều hơn dự kiến, nhiều trường thậm chí chỉ tuyển được khoảng hơn 50% chỉ tiêu trong đợt xét tuyển...