Các trường học ở Hà Tĩnh tư vấn tâm lý học đường cho học sinh
Những vấn đề liên quan đến tâm lý, giới tính, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên… mà nhiều học sinh gặp phải trong cuộc sống đã được tổ tư vấn tâm lý học đường tại các trường học ở Hà Tĩnh quan tâm, can thiệp kịp thời.
Mỗi tuần, ngoài giờ lên lớp, cô Phan Thị Việt Hà, giáo viên môn Văn – Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cùng 3 thành viên thường trực trong Tổ Tư vấn tâm lý học đường (gọi tắt là tổ tư vấn) phân công nhau trực tại phòng tư vấn.
Cô Việt Hà lắng nghe chia sẻ của học sinh về các vấn đề trong học tập, cuộc sống.
Cô Việt Hà cho biết: “Tổ tư vấn được thành lập tháng 10/2018 với các thành viên là những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, nắm bắt tâm lý học sinh, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các giáo viên chủ nhiệm. Học sinh THPT ở lứa tuổi có nhiều biến chuyển về tâm sinh lý nhưng lại không dễ dàng chia sẻ với người khác. Do đó, những ngày đầu mới thành lập, chưa có nhiều học sinh mạnh dạn đến gặp trực tiếp, trao đổi tại phòng tư vấn.
Nhưng với sự sẻ chia, thấu hiểu tâm lý, tình yêu thương của các thầy cô, các em đã dần mạnh dạn, cởi mở hơn. Nhiều vấn đề khúc mắc trong cuộc sống gia đình, việc học tập, các mối quan hệ thầy cô, bạn bè, tình cảm của các em đã được thầy cô lắng nghe, chia sẻ, gợi ý giải pháp trên nguyên tắc giữ bí mật, tôn trọng quyền quyết định của học sinh”.
Cùng với tư vấn tâm lý, gỡ rối tâm tư, tổ tư vấn còn là nơi các em tìm lời khuyên hướng nghiệp, định hướng cho tương lai. Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng nghìn lượt học sinh được tư vấn trực tiếp, qua điện thoại; mỗi năm, tổ tư vấn tổ chức 2 chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa.
Em Đặng Thị Khánh Lâm (lớp 10A9) cho biết: “Các thầy cô rất tâm lý, gần gũi nên khi cần lời khuyên, chúng em sẽ mạnh dạn giãi bày, thoải mái chia sẻ như với những người bạn”.
Giờ học của giáo viên, học sinh Trường THPT Thành Sen.
Tổ tư vấn của Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) cũng là địa chỉ tin cậy của hơn 800 học sinh nhà trường. Với đặc thù có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn (nhà nghèo, mồ côi, cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, các em sống với ông bà…) hơn các trường trên địa bàn thành phố, việc giáo dục, tư vấn tâm lý cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Video đang HOT
Thầy Hồ Việt Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu phối hợp cùng tổ tư vấn, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh. Đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ vật chất, sát sao về tinh thần để quản lý, động viên các em trong cuộc sống cũng như học tập”.
Học sinh Trường THPT Thành Sen được các thầy, cô giáo tư vấn tâm lý, hướng nghiệp. (Ảnh tư liệu).
Không chỉ làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý, tổ tư vấn của nhà trường còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa với khách mời là những người có ảnh hưởng xã hội, chuyên gia tâm lý; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, pháp luật… Những hoạt động này thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.
Thông qua hoạt động bổ ích, các em được cung cấp kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, kiến thức pháp luật để nâng cao nhận thức, tự điều chỉnh hành vi không đi lệch chuẩn.
Tổ tư vấn cũng phối hợp với Câu lạc bộ “Người mẹ thứ hai” của trường thường xuyên quan tâm, động viên học sinh, đặc biệt là những em có bố mẹ đi vắng, sống cùng ông bà, họ hàng.
Theo báo cáo của Sở GD & ĐT, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 660 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, mô hình “”Sức khỏe vị thành niên” trong các trường THCS, THPT. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD & ĐT về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và công tác xã hội trong trường học, đã có 388 trường thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường; gần 300 giáo viên được tập huấn về lĩnh vực này.
Trong năm học 2020 – 2021, các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm diễn đàn tư vấn tâm lý, trang bị kiến thức cho học sinh (Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ kiến thức về sức khỏe sinh sản cho học sinh của huyện Nghi Xuân). Ảnh tư liệu.
Với sự hoạt động tích cực, trách nhiệm của thành viên các tổ tư vấn, CLB trong trường học, năm học 2020-2021, đã có 150 diễn đàn phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường được tổ chức với gần 90.000 học sinh tham gia.
Các trường học phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức hội thi “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” thu hút gần 10.000 học sinh của 7 trường THPT trên địa bàn TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên tham gia.
Ấm lửa thiện nguyện ở Trường THPT Lý Tự Trọng
Viết tiếp truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, nhiều thế hệ giáo viên và học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã có những việc làm thiết thực giúp học sinh nghèo vượt khó.
Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng tham quan triển lãm tranh do Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trưng bày và giới thiệu tại nhà trường. Ảnh tư liệu
Năm 1996, anh Hà Quang Dần - cựu học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng đã xây dựng quỹ học bổng dành cho học sinh nhà trường gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với số tiền 100 triệu đồng. Số tiền này được trao thưởng cho học sinh vào cuối mỗi năm học.
Từ năm 2016 đến nay, quỹ học bổng của nhà trường nhận được rất nhiều sự đóng góp của học sinh cũ. Trong đó, học sinh lớp 12B, khoá 1994 -1997 dành tặng nhà trường số tiền 100 triệu đồng; anh Bùi Bá Thanh (học sinh khóa 1996 - 1999) tặng 100 triệu đồng; học sinh các khóa tặng 200 triệu đồng. Tất cả số tiền này đang được nhà trường gửi ngân hàng để trao thưởng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các em đạt kết quả cao trong các kì thi học sinh giỏi. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn đối với giáo viên và học sinh nhà trường.
Đại diện nhà trường thay mặt học sinh cũ trao tiền hỗ trợ học sinh tháng 10/2021.
Năm 2021, với sự kết nối của giáo viên, các em học sinh cũ của nhà trường lại tiếp tục hành trình "cùng em viết tiếp ước mơ" bằng nhiều hành động thiết thực. Qua lời kêu gọi của giáo viên nhà trường về việc hỗ trợ thường xuyên cho các trường hợp cụ thể, từ tháng 10/2021, nhiều học sinh cũ của trường đã đề nghị được hỗ trợ cho các em học sinh nghèo. Và, người đâu tiên là anh Võ Tá Công - cựu học sinh khoá 42.
Anh Công hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy gia cảnh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng là người đã từng được nhận sự hỗ trợ của giáo viên trong trường nên anh muốn tri ân bằng việc nhận hỗ trợ thường xuyên cho 1 em học sinh lớp 10 mỗi tháng 500.000 đồng và sẽ cố gắng duy trì cho đến khi tốt nghiệp THPT.
Câu lạc bộ Thiện nguyện xanh Lý Tự Trọng tổ chức "Vui Trung thu" tại Làng Trẻ mồ côi Hà Tĩnh năm 2018.
Hành động của anh Công đã tạo sự lan tỏa rộng rãi đối với học sinh cũ của trường. Từ sự chia sẻ, kêu gọi của giáo viên, nhiều học sinh đã nhận hỗ trợ các học sinh nghèo. Đó là anh Lê Tuấn Anh - cựu học sinh khoá 45, hiện đang sinh sống tại Úc, nhận hỗ trợ 3 em học sinh cho đến khi các bạn ra trường (mỗi em 500.000 đồng/tháng); chị Lê Thị Bích Diệp - cựu học sinh khoá 46, hiện đang làm việc tại Mỹ, nhận hỗ trợ 4 bạn trong 9 tháng của năm học 2021 - 2022 .
Đặc biệt, chị Phương Thùy - cựu học sinh khoá 45, đang là du học sinh ở Nhật, dù cuộc sống ở xứ người khá vất vả nhưng vẫn nhận hỗ trợ 1 học sinh từ tháng 10/2021 cho đến khi ra trường.
Thùy là một trong những học sinh đã từng nhận học bổng của anh Hà Quang Dần khi đang học tập tại trường, nay em quay lại hỗ trợ học sinh và xem như đây là sự tri ân đến ngôi trường em từng theo học...
Anh Võ Tá Công chia sẻ: "Tôi từng trải qua cuộc sống khó khăn, được thầy cô cưu mang nên rất hiểu sự chia sẻ cần thiết như thế nào trong cơn hoạn nạn. Vì thế, tôi muốn được giúp đỡ một em học sinh nghèo, sau này, khi điều kiện kinh tế tốt hơn, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với nhiều hoàn cảnh hơn nữa".
Để chia sẻ được nhiều hơn với những hoàn cảnh khó khăn trong trường, các giáo viên cũng tích cực kết nối với các tổ chức thiện nguyện. Hiện nay, nhà trường đang nhận được hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng từ quỹ "Tết làm điều phúc" do cô giáo Đinh Thuỷ Bích - giảng viên trường Đại học Thương mại Hà Nội kêu gọi từ cựu sinh viên dành cho 4 em học sinh của Trường THPT Lý Tự Trọng.
Chương trình "Bánh chưng xanh ngọt lành nhân ái" được tổ chức hằng năm đã lan toả ngọn lửa thiện nguyện đến nhiều giáo viên, học sinh cũ và các tấm lòng thiện nguyện hướng về người nghèo.
Nhà trường còn thành lập câu lạc bộ "Thiện nguyện xanh Lý Tự Trọng" (năm 2016) với phương châm: "Trải nghiệm, sáng tạo, kết nối, sẻ chia". Đây là nơi kết nối các thế hệ học sinh cũ về với nhà trường qua những hoạt động ý nghĩa như: "Bánh chưng xanh ngọt lành nhân ái" , "Vui Trung thu cùng trẻ em khiếm thị", các hoạt động chia sẻ ở Làng Trẻ mồ côi Hà Tĩnh... CLB là cầu nối các thế hệ học sinh cũ của nhà trường và những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ cho những hoàn cảnh kém may mắn, động viên tinh thần các em...
Trong niềm vui với những thành tựu "trồng người" suốt 55 năm qua của nhà trường, chúng tôi luôn tự hào vì nhiều thế hệ giáo viên, học sinh đã thắp lên ngọn lửa thiện nguyện. Những chia sẻ ấm áp và chân thành của các giáo viên, học sinh đã chắp cánh cho các em học sinh nghèo học giỏi đến được chân trời mơ ước. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi và duy trì các hoạt động này nhằm giúp các thế hệ học sinh nhà trường vượt qua khó khăn, nỗ lực chinh phục ước mơ.
Thầy Phan Quang Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng
120 thí sinh lọt Vòng chung kết quốc gia cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới 3 nhà vô địch của Vòng chung kết quốc gia sẽ trở thành đại diện của Việt Nam tham gia tranh tài tại Vòng chung kết Thế giới, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11/2021. Sáng nay (3/10), vượt qua gần 1.800 thí sinh đến từ 175 đội tuyển các trường THCS, THPT, Cao đằng, Đại học, Học viện tại Vòng loại...