Các trường đồng loạt đổi phương thức xét tuyển và mở nhiều ngành học mới
Nhiều trường đại học ở TP.HCM và Hà Nội công bố các phương án tuyển sinh trong năm tới với nhiều điểm mới về cách xét tuyển và ngành học.
Theo công bố mới nhất, Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM sẽ tuyển khoảng 4.000 chỉ tiêu cho 35 ngành đào tạo bằng đồng thời 4 phương thức. Trường cũng mở mới 6 ngành học là Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện.
Các phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ THPT và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2022 của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đáng chú ý ở phương thức xét học bạ, năm nay trường chỉ xét kết quả học tập của 3 học kỳ THPT (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) thay cho việc xét từ 5 học kỳ đầu THPT của năm 2021 nhằm nâng cao chất lượng xét tuyển đầu vào.
Với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.
Sinh viên y khoa thực hành. (Ảnh minh hoạ: HIU)
Điểm mới trong danh mục tuyển sinh năm tới của Đại học Quốc tế Hồng Bàng là tiếp tục đầu tư cho khối ngành sức khỏe với dự kiến mở thêm 2 ngành là Y học cổ truyền và Sức khỏe răng miệng. 7 ngành đang đào tạo gồm: Y đa khoa, Răng – Hàm – Mặt, Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Phục hồi chức năng, Hộ sinh. Ngoài ra, khoa Kinh tế quản trị mở mới ngành Thương mại điện tử, Viện Giáo dục và đào tạo giáo viên mở thêm ngành Giáo dục tiểu học.
Năm 2022, trường tiếp tục áp dụng 6 phương thức để tuyển sinh cho tất cả các ngành học trình độ đại học chính quy, đặc biệt nhà trường vẫn tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh.
6 phương thức tuyển sinh năm 2022 bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, xét kết quả học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường, kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test), xét tuyển thẳng và xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM.
Video đang HOT
Theo công bố của Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), năm 2022 trường tuyển khoảng hơn 3.600 chỉ tiêu với 6 phương thức trong đó ưu tiên nhiều nhất dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Năm sau, trường dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới như: Công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính và ngành Quản lý tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, trường còn đào tạo 1 chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng. Cũng trong năm học này, trường bắt đầu thực hiện về đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học.
Về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (chiếm chỉ tiêu xét tuyển tối đa 4%). Xét tuyển theo quy định dành cho học sinh giỏi các trường chuyên và các trường THPT chiếm từ 10% – 15%. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm từ 15% – 50%.
Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức chiếm từ 40%- 70%. Tuyển thí sinh có quốc tịch Việt Nam học trường nước ngoài tại Việt Nam (chiếm tối đa 3% tổng chỉ tiêu xét tuyển). Tuyển học bạ (chiếm chỉ tiêu 5% – 10%).
Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra phương thức tuyển sinh dự kiến hệ đại học chính quy năm 2022. Theo đó, trường tuyển sinh bằng 3 phương án và thay đổi đáng kể về chỉ tiêu. Trường dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.
Đại diện Đại học Giao thông Vận tải cũng cho hay, trường sẽ duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm ngoái gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40 – 50%), kết quả học bạ THPT (20 – 30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1 – 2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5 – 10%).
Trường cũng dành 20- 30% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.
Đại diện Đại học Thủy lợi cho biết, dự kiến năm 2022 trường sẽ tuyển khoảng khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo. Ngoài 3 phương thức truyền thống: xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập 3 năm THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm nay trường áp dụng thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Năm 2022, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu bằng 4 phương thức là xét tuyển thẳng và kết hợp, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dự kiến tuyển sinh 3.100 sinh viên qua 4 phương thức, gồm: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập THPT.
Đại diện Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, phương thức tuyển sinh của trường là dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thông báo sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT vào tháng 5/2022 để làm phương thức tuyển sinh. Thời gian tới, trường sẽ công bố số lượng chỉ tiêu và tỷ lệ xét tuyển theo từng phương thức xét cụ thể.
Tuyển sinh đại học 2022: Tỉnh táo chọn phương án phù hợp
Giữa đa dạng phương thức xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà các trường đang áp dụng, thí sinh cần chủ động lựa chọn phương án phù hợp và có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, thay vì chỉ trông chờ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ảnh minh họa.
Lợi thế chứng chỉ, học bạ
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trước đây các trường đều dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh viên là chủ yếu thì hiện nay, hầu hết các trường đều mở rộng phương án tuyển sinh. Bao gồm: Xét học bạ, xét thành tích học sinh trường chuyên, xét theo thành tích học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi địa phương hay học sinh đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng kết quả điểm thi các chứng chỉ SAT, IELTS,... trong những năm gần đây khá rõ khi đầu vào của sinh viên dù xét tuyển theo khối thi, ngành học nào cũng vẫn đảm bảo khả năng ngoại ngữ.
Tận dụng cơ hội này, mùa tuyển sinh 2021 ghi nhận có những tập thể lớp 12 có tới hơn nửa lớp trúng tuyển các trường ĐH danh tiếng trước khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử như 29/50 cựu học sinh lớp 12D4, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã trúng tuyển ĐH nhờ xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó 15/29 em trúng tuyển Học viện Ngoại giao, 4 em trúng tuyển ĐH Sư phạm Hà Nội. Các em khác trúng tuyển ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Luật Hà Nội, Học viện Tài chính... Nhiều em còn trúng tuyển 2-4 trường.
Tương tự, 34/51 cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm được tuyển thẳng vào ĐH nhờ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, TOEFL iBT và chứng chỉ SAT.
Rõ ràng, việc trang bị cho mình các chứng chỉ, thành tích qua các cuộc thi không chỉ đem lại cơ hội cọ xát, nhìn lại quá trình học tập đã đạt được đến đâu theo chuẩn đã có và được công nhận trên thế giới, ở Việt Nam mà còn đem đến cho các thí sinh cơ hội vào ĐH mong muốn một cách ít áp lực hơn hẳn việc chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Vào ĐH bằng học bạ cũng là một trong những phương án được nhiều thí sinh lựa chọn vì đảm bảo tính an toàn và quan trọng, đó là quá trình phấn đấu trong nhiều năm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường có xu hướng giảm dần khi các trường đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh và giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc học trực tuyến ở nhiều địa phương đặt ra yêu cầu giảm tải nội dung, kiến thức ở các cấp học, trong đó có lớp 12. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vì thế vẫn là một hướng đi để thí sinh cân nhắc sử dụng xét tuyển vào ĐH nhưng không nên là hướng duy nhất mà nên chuẩn bị cho mình các phương án khác, tránh bị động.
Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục đó là hiện nay nhiều trường tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, như ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để chọn các ứng viên phù hợp nhất. Thí sinh có thể đăng ký tham gia các kỳ thi này để có thêm cơ hội vào các trường. Thi một lần, đỗ nhiều trường sẽ rất thuận lợi cho thí sinh.
Thí sinh giảm áp lực, trường chọn đúng người cần
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, Bộ đã khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự đa dạng của các phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ hiện nay.
Trường chủ động chọn được thí sinh phù hợp trong khi thí sinh cũng định hướng rõ mục tiêu mình cần gì, muốn gì và có gì để đáp ứng ngành học đó khi ứng tuyển thay vì nộp đại hồ sơ vào trường nào đó mà thiếu sự chuẩn bị về kiến thức, hiểu biết.
Từ hiện tượng một số năm gần đây, có những thí sinh 29,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng vào trường tốp đầu, ông Khuyến cho rằng, thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp giữa một "rừng" phương thức xét tuyển của các trường hiện nay.
Đồng thời, đề xuất để tập trung, tránh tốn kém thì các trường ĐH cùng khối ngành hoặc chung khối thi nên sử dụng chung kết quả của nhau, đơn cử như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH và ĐH đã nêu trên là hoàn toàn đáng tin cậy.
Điều này cũng làm giảm bớt áp lực cho các thí sinh ở nông thôn hoặc vùng sâu chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế hoặc không có điều kiện tham gia nhiều cuộc thi với chi phí tốn kém, đi lại vất vả, khó khăn.
Thay đổi cách tuyển sinh ĐH cũng là một cách các trường lựa chọn nhân tài. Thí sinh cũng không học ngày học đêm, hết lò luyện này tới lớp học thêm kia để đạt 30 điểm thi tốt nghiệp mà thay vào đó là tự mình chuẩn bị hành trang vào đời bằng những năng lực, kỹ năng tổng hợp cần thiết mà đôi khi, sách vở không thôi là chưa đủ.
MỚI: THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đề xuất phương án xét tuyển lớp 6 khác mọi năm Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2021-2022 theo hình thức xét tuyển, thay vì kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực như mọi năm. Tháng 5/2021, theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có chỉ tiêu tuyển sinh...