Các trường đại học xét tuyển bài thi đánh giá năng lực ra sao?
Nhiều thí sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu băn khoăn về kỳ thi THPT và xét tuyển đại học đã được giải đáp trong chương trình Tư vấn mùa thi tổ chức hôm qua (21.3).
Thủ khoa các trường ĐH tham gia tư vấn cho học sinh H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu – ĐÀO NGỌC THẠCH
Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức, được trực tuyến trên các kênh của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Xét bao nhiêu chỉ tiêu, có xét tuyển đợt 2 ?
Tham gia chương trình, nhiều học sinh (HS) đặt câu hỏi về kỳ thi và cách xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tổ chức, diễn ra vào sáng 28.3 tới. Đợt 1 kỳ thi này thu hút gần 70.000 thí sinh và dự kiến được 70 trường ĐH sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Liên quan đến kỳ thi năng lực, nhiều trường ĐH công bố thông tin nhận hồ sơ xét tuyển theo cách thức khác nhau. Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường sẽ xét đồng thời dựa vào 2 tiêu chuẩn: đạt từ 700/1.200 điểm trở lên, có kết quả học tập 3 học kỳ (học kỳ 1 và 2 năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 6,5 điểm trở lên. Ông Vũ cho biết trường chỉ sử dụng kết quả thi đợt 1 của kỳ thi này năm nay.
Thạc sĩ Trần Thị Mộng Loan, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng xét điểm kỳ thi này. Trường dự kiến nhận hồ sơ vào đầu tháng 4 với mức điểm từ 650 trở lên. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Markting, cũng xét 15% chỉ tiêu kỳ thi này và bắt đầu nhận hồ sơ đầu tháng 4. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này. Trong khi đó, Trường ĐH Việt Đức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng vào tháng 5, thí sinh đăng ký trực tuyến trên hệ thống của trường.
Lưu ý gì khi đăng ký chuyên ngành?
Một HS Trường THPT Nguyễn Trãi (H.Châu Đức) băn khoăn về việc chọn ngành và chuyên ngành khi hỏi: “Có người khuyên em không nên chọn học chuyên ngành. Lời khuyên này có đúng không?”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào ngành, không được đăng ký trực tiếp vào chuyên ngành (khi đã trúng tuyển, các trường sẽ hướng dẫn cách thức đăng ký chuyên ngành).
Thạc sĩ Tư lưu ý thêm cho HS: “Bằng cấp sau khi tốt nghiệp, sinh viên nhận được chỉ ghi tên ngành học, còn tên chuyên ngành cụ thể được ghi trong bảng điểm. Ví dụ, ngành khoa học máy tính của trường có 6 chuyên ngành, khi chọn chuyên ngành kỹ thuật phần mềm thì ra trường nhận bằng ĐH khoa học máy tính và bảng điểm ghi chuyên ngành kỹ thuật phần mềm. Thí sinh chú ý tránh tình trạng nhầm lẫn giữa ngành và chuyên ngành khi làm hồ sơ dự thi”.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, bổ sung các trường ĐH sẽ có lộ trình đào tạo kiến thức khác nhau qua từng năm. Phần chuyên ngành chủ yếu được các trường tập trung đào tạo ở năm cuối cùng, các năm trước đó gồm kiến thức đại cương và cơ sở ngành. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho người học khi ra trường có thể thích ứng nhiều vị trí công việc khác nhau trong cùng lĩnh vực, thay vì chỉ có thể đáp ứng từng việc cụ thể. Do vậy, thí sinh không nên quá lo lắng khi lựa chọn giữa ngành và chuyên ngành.
Chương trình Tư vấn mùa thi năm nay được sự tài trợ của Vingroup, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức gồm: Vietravel, Công ty CP xây dựng DIC Holdings và Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong chương trình, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã trao 5 suất học bổng và Công ty TNHH Cali Green Park trao 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho học sinh vượt khó, học giỏi.
Chọn tổ hợp môn xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển bằng học bạ
Phương thức tuyển sinh đầu vào dựa trên kết quả học bạ đang ngày càng phổ biến với các trường đại học, kể cả những trường công lập thu hút nhiều thí sinh quan tâm.
Học sinh lớp 12 năm học 2020 - 2021 tại TP.HCM - ĐÀO NGỌC THẠCH
Điểm mới trong phương thức này năm nay là đa dạng cách tính điểm và cho phép người học linh hoạt trong chọn tổ hợp môn.
Nhiều cách tính điểm tổ hợp môn
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Xét học bạ là phương thức xét tuyển dựa vào bảng điểm học sinh (HS) đạt được trong quá trình học tập bậc THPT. Với sự đa dạng trong cách tính điểm của các trường khi sử dụng phương thức này, thí sinh (TS) cần đặc biệt lưu ý việc chọn tổ hợp môn để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tùy theo trường mà tổ hợp môn của xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp là giống nhau hay khác nhau.
Nếu xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp, mỗi ngành TS chỉ được chọn 1 trong 4 tổ hợp để nộp hồ sơ thì ở phương thức xét học bạ một số trường không giới hạn số lượng tổ hợp này. Nhưng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khi ưu tiên xét tuyển dựa vào học bạ chỉ sử dụng tối đa 4 tổ hợp cho mỗi ngành và các tổ hợp này giống với tổ hợp xét điểm thi tốt nghiệp.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng quy định TS được chọn tối đa 4 tổ hợp xét tuyển theo phương thức học bạ. Trong trường hợp này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, khuyên rằng TS nên chọn tổ hợp mình có tổng điểm cao nhất để nộp hồ sơ.
Trường ĐH Việt Đức cũng sử dụng phương thức xét học bạ năm nay. Bên cạnh điểm trung bình năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, trường còn tính điểm trung bình theo trọng số 6 môn học đạt từ 7,5 điểm trở lên. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng, lưu ý TS khi nộp hồ sơ cần để ý chi tiết trọng số điểm các môn học theo ngành. Cụ thể, nhóm ngành kỹ thuật và kiến trúc có trọng số 3 môn toán, lý, hóa chiếm 75% và sinh, văn, ngoại ngữ chiếm 25%. Với nhóm ngành tài chính và kế toán, quản trị kinh doanh thì các môn văn, toán có trọng số 67% và 4 môn còn lại chỉ chiếm 33% trong tổng số điểm.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng việc chọn tổ hợp để xét tuyển học bạ hoàn toàn chủ động sao cho có lợi nhất và không liên quan đến việc chọn bài thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điều quan trọng trước nhất vẫn là chọn được ngành yêu thích rồi tính toán tổ hợp có điểm thi tốt trong số các tổ hợp trường sử dụng để xét tuyển. Tránh tình trạng người học quá chú tâm tới việc sử dụng tổ hợp điểm cao để trúng tuyển vào ngành học chưa thực sự yêu thích.
Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý: "Cách tiếp nhận hồ sơ học bạ cũng khác nhau tùy trường. Trong khi một số trường khá linh hoạt khi tiếp nhận hồ sơ và sẽ tự lọc tổ hợp môn điểm cao nhất khi xét tuyển từng ngành cho TS để tăng cơ hội trúng tuyển, thì ngược lại nhiều trường vẫn yêu cầu TS phải tự chọn tổ hợp cho mình".
Lưu ý xét học bạ kèm tiêu chí khác
Bên cạnh hầu hết các trường chỉ xét dựa vào điểm học bạ thì có những trường đồng thời sử dụng điểm học bạ kết hợp thêm các tiêu chí khác.
Nhiều năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện ưu tiên xét tuyển với HS một số trường THPT cụ thể. Có thể xem đây là một hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT mà không cần qua kỳ thi tuyển sinh. Các trường xét đồng thời trên tổng điểm trung bình các môn theo tổ hợp xét tuyển 3 năm lớp 10, 11 và 12 kèm theo bài luận của TS, thư giới thiệu của giáo viên. Tuy nhiên ĐH này chỉ áp dụng với HS giỏi hoặc thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia các trường chuyên, năng khiếu và tốp trường có điểm cao kỳ thi tốt nghiệp trong 3 năm liên tục.
Từ năm 2020, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét tuyển HS giỏi và xét dựa vào quá trình học tập theo tổ hợp môn. Trong đó cả 2 hình thức đều có tiêu chí bắt buộc dựa vào điểm quá trình học tập với cách tính khác nhau. Năm nay, xét tuyển HS giỏi ngoài điều kiện cần là học lực giỏi, hạnh kiểm tốt còn xét điểm trung bình học lực các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12. Phương thức xét quá trình học tập theo tổ hợp môn có điều kiện cần là điểm trung bình các môn tổ hợp đăng ký từ 6,5 trở lên và xét tuyển dựa vào điểm trung bình các tổ hợp môn đó trong 5 học kỳ.
Tuy nhiên, một điểm khá đặc biệt trong cách xét của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là việc kết hợp các tiêu chí không bắt buộc để tính thành tổng điểm xét tuyển (gồm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải thưởng kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh và thành phố, HS trường chuyên/năng khiếu). Nếu TS có thêm điểm từ các tiêu chí này sẽ lợi thế hơn khi xét tổng điểm.
Trong khi đó cũng ưu tiên xét tuyển dựa vào học bạ nhưng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có những cách tính khác. Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, trường chia thành 4 nhóm TS riêng biệt được xét tuyển bằng hình thức này và ưu tiên theo thứ tự từ 1 - 4. Cụ thể gồm: nhóm 1 cho TS dự kỳ thi HS giỏi quốc tế, quốc gia và tỉnh/thành phố; nhóm 2 cho người có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đánh giá năng lực quốc tế; nhóm 3 HS giỏi trường chuyên/năng khiếu; nhóm 4 HS khá trở lên, điểm 3 môn tổ hợp từ 20 trở lên, điểm trung bình môn tiếng Anh 6,5 trở lên (chỉ tính điểm 3 học kỳ).
Trước sự đa dạng của các trường công trong xét học bạ, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng TS cần đọc kỹ các quy định riêng của từng trường để không bị nhầm lẫn.
Học kinh tế, ngân hàng ra trường có thể làm việc được ở đâu? Là một trong những nhóm ngành được nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn. Vậy học khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật... ra trường bạn có thể làm việc được ở những nơi nào? Ảnh minh họa Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân...