Các trường đại học xét điểm đánh giá năng lực như thế nào?
Không chỉ điểm sàn, điểm chuẩn đánh giá năng lực dự báo ở một số ngành học năm nay cũng sẽ tăng mạnh hơn.
Từ ngày 4-5, ĐH Quốc gia TP.HCM đã bắt đầu mở cổng đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) bằng điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2021. Các trường/khoa trong và ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã lần lượt công bố điểm sàn (điểm nhận hồ sơ) với mức điểm nhỉnh hơn so với năm trước.
Chỉ trúng tuyển một nguyện vọng
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2021 sẽ có hai đợt thi ĐGNL. Đợt 1 đã diễn ra vào ngày 28-3 vừa qua với hơn 68.400 thí sinh dự thi. Đợt 2 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 18-7.
Tuy nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ mở cổng đăng ký xét tuyển vào 11 đơn vị thành viên của ĐH này trong một đợt duy nhất, từ ngày 4-5 đến hết 15-6 qua cổng thông tin của kỳ thi. Kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được dùng để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
Các đơn vị xét tuyển gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH An Giang, Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre, Viện Đào tạo quốc tế IEI, Khoa y và Khoa chính trị – hành chính.
Phía ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết mỗi thí sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng (NV)/đơn vị và không giới hạn số lượng đơn vị đăng ký.
Riêng đối với các thí sinh dự thi cả hai đợt, kết quả đợt nào cao điểm hơn sẽ được hệ thống chọn xét tuyển đợt đó.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lưu ý các NV phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là NV cao nhất). Thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất trong danh sách các NV đã đăng ký.
Về việc điều chỉnh NV, theo ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh được điều chỉnh NV như thêm, hủy hoặc thay đổi thứ tự NV trong quá trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ thực hiện được trước khi thí sinh quyết định thanh toán lệ phí. Do đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng các NV đăng ký.
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, thời gian công bố kết quả xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL dự kiến sẽ từ ngày 28-7 đến 10-8.
TS Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết năm 2021, ĐH Quốc gia TP.HCM dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành/chương trình cho phương thức này.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2021 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ảnh: PHẠM ANH
Video đang HOT
Đ iểm sàn nhiều ngành 750-850 điểm
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có 72 trường ĐH-CĐ đăng ký sử dụng điểm thi ĐGNL để xét tuyển đầu vào năm nay. Trong đó có 11 đơn vị của ĐH Quốc gia TP.HCM và năm trường CĐ.
Được biết, kết quả thi của hơn 68.000 thí sinh trong đợt 1 vừa qua khá cao. Điểm trung bình là 688 điểm (theo thang điểm 1.200), có 2.776 thí sinh đạt trên 900 điểm và có hơn 9.600 em đạt từ 801 đến 900 điểm.
Vì vậy, với các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, do mỗi trường dành khá nhiều chỉ tiêu, trung bình 15%-70% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm này nên các mức điểm sàn đưa ra không biến động nhiều. Tuy nhiên, các trường cũng dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ tăng mạnh ở những ngành “hot” và bằng hoặc tăng nhẹ ở các ngành thường so với những năm trước.
Như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xét tuyển 30%-60% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành cho phương thức xét điểm ĐGNL.
ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – truyền thông của trường, cho biết năm nay điểm nhận hồ sơ của trường ở các ngành/nhóm ngành của trường từ 650 điểm.
Theo ThS Phùng Quán, hiện nay chưa có số liệu về đăng ký xét tuyển nhưng với số lượng hơn 70 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả này để tuyển sinh năm nay sẽ khiến san sẻ một số lượng thí sinh. Tuy nhiên, năm nay số lượng thí sinh đạt 800-1.200 điểm tăng nhiều so với các năm 2019, 2020. Do đó, dự báo điểm chuẩn ĐGNL của các trường trong ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng đặc biệt.
“Các thí sinh có xu hướng tập trung vào các ngành “hot” như nhóm ngành công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, báo chí, truyền thông, tâm lý học, các ngành nhóm ngôn ngữ… nên khả năng điểm chuẩn tiếp tục giữ ngôi đầu. Và còn thi ĐGNL đợt 2 nên điểm chuẩn các ngành còn lại có thể thay đổi tăng nhưng sẽ không tăng nhiều lắm” – ThS Quán nhận định.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Điểm sàn dự kiến cũng từ 700 điểm. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng chỉ nhận hồ sơ xét tuyển có kết quả ĐGNL năm 2021 từ 600 điểm. Trường ĐH Công nghệ thông tin xét từ 600 điểm.
Riêng các trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển trung bình chỉ 5%-15% tổng chỉ tiêu. Do đó, nhiều trường đã đưa ra mức điểm sàn khá cao và còn kèm những tiêu chí khác.
Như Trường ĐH Ngoại thương, đây là năm đầu tiên trường xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM và của ĐH Quốc gia Hà Nội với chỉ tiêu dự kiến là 7%.
Do đó, trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển từ thí sinh có kết quả bài từ 850/1.200 điểm và của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 105/150 điểm. Ngoài ra, thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7.0 trở lên.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhận hồ sơ từ 700 điểm và yêu cầu điểm thi năng khiếu năm 2021 từ 5.0 trở lên.
Còn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận hồ sơ từ 700 điểm, kèm với kết quả học tập học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 phải đạt từ 6.5 trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đưa ra hai mức điểm sàn. Trong đó, cơ sở tại TP.HCM từ 650 điểm và Phân hiệu Quảng Ngãi từ 600 điểm.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng đưa ra điểm sàn cho ngành dược từ 725 điểm, các ngành còn lại từ 650 điểm.
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, thời gian đăng ký thi ĐGNL đợt 2 năm 2021 kéo dài đến hết ngày 15-6.
Kỳ thi sẽ diễn ra vào sáng Chủ nhật, 18-7 tới và được tổ chức tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và An Giang. Những thí sinh đã dự thi ở đợt 1 có thể đăng ký thi tiếp ở đợt 2.
ĐHQG TP.HCM tuyển thẳng học sinh giỏi nhất THPT như thế nào?
Năm 2021, ĐH Quốc gia TP.HCM lần đầu tiên dành tối đa 1.000 chỉ tiêu (5%) ưu tiên xét tuyển thẳng những thí sinh giỏi nhất ở các trường THPT.
Theo đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay là năm đầu tiên ĐH này áp dụng phương thức tuyển sinh mới là ưu tiênn xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2021.
Chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này khoảng 1.000 em (5% tổng chỉ tiêu). cho 10 đơn vị trực thuộc: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại Bến Tre, Viện Đào tạo Quốc tế IEI.
Trong đó, mỗi đơn vị chỉ đưa ra chỉ tiêu từ 1% đến 5%. Như Trường ĐH Công nghệ thông tin tuyển tối đa 5% trong tổng chỉ tiêu khoảng 1.800 đại học chính quy.
Trường ĐH KHXH&NV cũng tuyển thằng 1% đến 5% trong tổng số gần 3.500 chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế chỉ tuyển 1% tổng trong hơn 3.000 chỉ tiêu vào trường. Trường ĐH Bách khoa xét 1% đến 5% trong gần 5.000 chỉ tiêu.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi tư vấn trong ngày hội tư vấn tuyển sinh. ẢNH: PA
Phương thức này áp dụng cho các trường THPT bao gồm: trường Tiểu học - THCS - THPT, trường THCS-THPT và trường THPT (không bao gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên).
Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu sẽ giới thiệu một thí sinh giỏi nhất trường THPT theo các tiêu chí: Đảm bảo hai tiêu chí chính là học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong ba năm THPT và điểm trung bình cộng học lực ba năm THPT thuộc nhóm ba học sinh cao nhất.
Ngoài ra, các tiêu chí kết hợp sẽ gồm: giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố giải nhất, nhì, ba (chọn giải thưởng cao nhất đạt được ở THPT); Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT.
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, hội đồng tuyển sinh các đơn vị sẽ xem xét bổ sung thêm tiêu chí kết hợp phù hợp trong quá trình xét tuyển và quy định các ngành/nhóm ngành, tiêu chí kết hợp trong xét tuyển áp dụng cho phương thức này.
Thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa ba nguyện vọng ngành/nhóm ngành vào một trường đại học thành viên, khoa và phân hiệu trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM (chỉ giới hạn một đơn vị). Thời gian đăng ký xét tuyển từ ngày 15-5 đến 15-6-2021
Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm:
- Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu). Hiệu trưởng/Ban Giám hiệu trường THPT giới thiệu một thí sinh giỏi đảm bảo các tiêu chí xét tuyển.
- Học bạ THPT (bản sao hoặc xác nhận trường THPT).
- Giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố (bản sao hoặc xác nhận trường THPT).
- Bài luận viết tay của thí sinh về nguyện vọng xét tuyển vào ngành/nhóm ngành.
- Giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT.
- Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (nếu có).
Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển trực tiếp về trường đại học thành viên, Khoa và Phân hiệu trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thời gian xét tuyển, công bố kết quả và thí sinh xác nhận nhập học dự kiến 28-7 đến trước ngày 10-8-2021.
4 trường đại học của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ điều chỉnh học phí Từ năm 2021, bốn trường đại học (ĐH) là ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Quốc tế sẽ được điều chỉnh học phí theo cơ chế tự chủ. Ngày 29-12, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức Hội nghị thường niên năm 2020 với chủ đề "Mô hình tự chủ - vươn tầm thế...