Các trường CĐ, ĐH ngoài công lập họp bàn ứng dụng công nghệ trong đào tạo
Ngày 31/10, tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng), Câu lạc bộ các trường ĐH,CĐ ngoài công lập (thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong giáo dục ĐH, CĐ”, nhằm bàn giải pháp đưa công nghệ vào trong hoạt động đào tạo bậc ĐH, CĐ.
Quang cảnh Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học, cao đẳng” do Câu lạc bộ các trường ĐH,CĐ ngoài công lập tổ chức tại Đà Nẵng
Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; TS. Lê Trường Tùng – Chủ nhiệm CLB các trường ĐH,CĐ ngoài công lập, cùng hơn 50 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH,CĐ ngoài công lập trong cả nước.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ hy vọng hội thảo sẽ là “vết dầu loang” trong khối các trường ĐH,CĐ về cập nhật, phát triển những giải pháp đưa công nghệ vào trong hoạt động giáo dục ĐH.
Theo TS. Lê Trường Tùng – Chủ nhiệm CLB các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, công nghệ trong giáo dục có thể được khái quát hóa gồm công nghệ giáo dục, công nghệ thông tin và công nghệ quản lý.
Đây là nền tảng công nghệ để các trường phát triển và làm tốt vai trò dẫn dắt xã hội, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp số, chuyển đổi số đang tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và tất cả các lĩnh vực đều đứng trước thách thức cần phải thay đổi.
“Đây cũng vừa là cơ hội cho hệ thống giáo dục áp dụng công nghệ, để hi vọng vào những thay đổi hết sức nhanh chóng và cũng là trách nhiệm, để giáo dục giành lại vị thế dẫn dắt xã hội, chứ không còn chạy theo và thu mình trong “tháp ngà”, bằng lòng với những thành tựu mang tính tinh hoa như ngày trước” – TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại sự kiện
Tại sự kiện, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục nhấn mạnh vai trò của tự chủ trong giáo dục ĐH, nhất là tự chủ về học thuật, quyết định chương trình cũng như công nghệ đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, các chuyện gia cũng chia sẻ nhiều giải pháp nâng cao năng lực tự học cho sinh viên, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tích hợp công nghệ AI, máy học,… nhất là khai phá dữ liệu, nhằm giải các bài toán về dự báo trong giáo dục ĐH, chuẩn hóa quy trình vận hành trong hoạt động giáo dục ĐH phù hợp xu thế số hóa của cách mạng công nghiệp 4.0, giúp sinh viên bắt kịp với sự phát triển chung của xã hội.
Theo viettimes
Sách giáo khoa mới được xây dựng công phu
Chỉ một thời gian ngắn nữa, kết quả thẩm định bộ SGK phổ thông mới sẽ được Bộ GD&ĐT công bố.
Quá trình thẩm định đã được tổ chức và diễn ra ra sao? SGK mới phải có những tiêu chí gì để đáp ứng CTGDPT mới?... vẫn là những thông tin được xã hội quan tâm trước khi SGK mới được ban hành. TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề trên.
Ảnh minh họa/ INT
- Ông có thể cho biết rõ hơn về quy trình biên soạn, thẩm định SGK phổ thông mới. Những tiêu chuẩn SGK đáp ứng CTGDPT mới là gì?
- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Thông tư số 33) và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (Thông tư số 32 kèm theo) cụ thể như sau:
Quy trình biên soạn SGK là: Tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký và nộp bản thảo SGK đến nhà xuất bản. Đơn vị đề nghị thẩm định SGK là Nhà xuất bản (NXB) được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập NXB. NXB tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK.
Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định. NXB có SGK được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK hoàn thiện bản mẫu SGK sau thẩm định. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.
Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Ảnh minh họa/ INT
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 7 người. Mỗi thành viên Hội đồng là những người "có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định SGK; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định" và tham gia vào các hoạt động liên quan đến đổi mới chương trình, SGK.
Tiêu chuẩn SGK đáp ứngCTGDPT mới đòi hỏi: Nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các bài học trong SGK tạo điều kiện cho GV vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của HS làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi HS. Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của HS và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Cấu trúc SGK có đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản sau: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng...
Dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu gồm các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm về CTGDPT, trong lĩnh vực biên soạn và thẩm định SGK; các nhà quản lý giáo dục, các GV đang trực tiếp giảng dạy, các chuyên gia quốc tế để phân tích và xây dựng hệ thống các minh chứng cần đạt trong SGK khi tiến hành thẩm định.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)
- Vậy tiến trình tổ chức thẩm định SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT mới đã diễn ra tới đâu?
- Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 544/KH-BGDĐT ngày 24/6/2019 về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1 và Thông báo số 543/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Đến hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bản mẫu SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM.
Qua quá trình rà soát, kiểm tra và đối chiếu với quy định tại Thông tư số 33 đối với từng hồ sơ của mỗi bộ SGK, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 như sau: Môn Tiếng Việt: 6 bản thảo; Môn Toán: 6 bản thảo; Môn Đạo Đức: 6 bản thảo; Môn Tự nhiên - Xã hội: 5 bản thảo; Môn Giáo dục thể chất: 4 bản thảo; Môn Nghệ thuật (Âm nhạc): 5 bản thảo; Môn Nghệ thuật (Mĩ thuật): 5 bản thảo; Hoạt động trải nghiệm: 6 bản thảo; Môn Tiếng Anh: 6 bản thảo.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất kì phản ánh chính thức nào từ các đơn vị đề nghị thẩm định (NXB), từ các tác giả về kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định và quy trình làm việc của ban tổ chức thẩm định. Hầu hết, đơn vị đề nghị thẩm định có bản mẫu SGK xếp loại "Không đạt" đều có nguyện vọng và gửi đơn đề nghị về Bộ GD&ĐT để được chỉnh sửa, biên soạn lại để tiếp tục trình tự thẩm định.
Quy trình làm việc của Hội đồng gồm: Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập (15 ngày); Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận, 7 ngày gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK, thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có).
Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt, Đạt nhưng cần sửa chữa, Không đạt. Đối với bản thảo được Hội đồng đánh giá là "Đạt nhưng cần sửa chữa", các tác giả chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng và đề nghị thẩm định vòng 2. Những bản thảo SGK được đánh giá là "Không đạt", các tác giả có quyền chỉnh sửa theo góp ý đánh giá của Hội đồng để trình thẩm định lại như thẩm định lần đầu...
- Khi nào Bộ GD&ĐT dự định công bố kết quả thẩm định của các Hội đồng để các địa phương lựa chọn SGK theo đúng thẩm quyền của mình, thưa ông?
Hiện nay, hội đồng thẩm định SGK quốc gia đã kết thúc làm việc theo kế hoạch và bàn giao cho Bộ GD&ĐT 38 bản thảo SGK của 9 môn học lớp 1. 38 bản thảo này đã được hội đồng quốc gia đánh giá các nội dung mạch kiến thức theo Thông tư 32 về công bố CTGDPT 2018; và đảm bảo về tiêu chí, cấu trúc, quy định theo Thông tư 33.
Do SGK là tài liệu quan trọng đối với quá trình thực hiện CTGDPT và là tài liệu quan trọng đối với quá trình dạy học, liên quan đến nhiều luật quan trọng (Luật Giáo dục; Luật Xuất bản; Luật Sở hữu trí tuệ và nhiều văn bản pháp luật khác) nên các vụ, cục chức năng của Bộ GD&ĐT đang thực hiện bước cuối cùng rà soát lại những căn cứ pháp lý một cách đầy đủ đối với các quy định về SGK trước khi trình Bộ trưởng ký quyết định công nhận thẩm định SGK.
- Cảm ơn ông!
Có nhiều tác giả tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng với tinh thần chăm lo cho thế hệ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã nghiên cứu và biên soạn các bản thảo SGK theo Chương trình mới. Nhiều bản mẫu SGK có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và HS tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính "mở", linh hoạt, tạo điều kiện cho GV phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và qui định của CTGDPT mới...
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)
Đức Trí (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Rào cản nào với ứng dụng công nghệ trong giảng dạy? Trong khi công nghệ đang phát triển như vũ bão, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, một bộ phận giáo viên (GV), giảng viên, thay vì "lợi dụng" sức mạnh công nghệ lại lo sợ và chối bỏ chúng. Ảnh minh họa/ INT Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 10 công nghệ đã và đang có những tác động...