Các sản phẩm sữa TH đã được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận
Chia sẻ tại Tọa đàm “ Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức tại Hà Nội .
Ngày 14/11, bà Hoàng Thị Thanh Thủy – Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH cho biết, ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có thông cáo chính thức cho phép nhập khẩu sữa từ Việt Nam. Hiện, các sản phẩm sữa của TH true milk đã được phân phối chính ngạch tại Trung Quốc, được người Trung Quốc đón nhận và đánh giá sản phẩm sữa TH rất ngon. Đây là trái ngọt của sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ NNPTNT và Tập đoàn TH.
Toàn cảnh Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” tại Hà Nội ngày 14/11.
Thu trái ngọt
Giữa tháng 10 vừa qua, những lô sữa đầu tiên của Việt Nam, cụ thể là sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK đã được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc – thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới – theo Nghị định thư vừa được hai nước ký kết tháng 4 vừa qua.
TH true MILK là thương hiệu đầu tiên được các cơ quan chức năng phía Trung Quốc cấp mã số, cho phép nhập khẩu sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hồ sơ của 4 doanh nghiệp sữa Việt Nam khác đang chờ bước cuối cùng là cấp mã số xuất khẩu.
Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, khả năng nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế chúng ta mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường còn lớn.
Vừa qua, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sữa tươi Việt Nam, thực tế từ năm 2013 Trung Quốc đã mở cửa thị trường, 6 năm qua, Bộ NNPTNT mà đầu mối là Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đã phối hợp chặt với phía Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tham dự Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngày 22/10 tại Hà Nội.
Ông Hòa cho biết, hiện mới có sữa tươi của TH True milk được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang xem xét các doanh nghiệp khác, quá trình có thể mất thêm một thời gian nữa. Việc Tập đoàn TH xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lớn lao hơn là việc đơn thuần xuất khẩu một sản phẩm sữa, bởi thực tế TH True Milk đã làm rất tốt vấn đề thị trường, vấn đề giám sát an toàn thực phẩm, đây cũng là thương hiệu rất nổi tiếng của Việt Nam.
Một sản phẩm sữa đi vào con đường chính ngạch, xuất khẩu vào Trung Quốc, từ đó, chúng ta cũng mở ra hướng đi lớn hơn về các sản phẩm khác, các thị trường khác nữa.
Việc Tập đoàn TH xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc đã đánh dấu bước ngoặt trong việc chúng ta sẽ đàm phán tiếp, giải quyết các vấn đề về giám sát xuất khẩu. Bản thân Bộ NN PTNT đã hết sức cố gắng trong việc xây dựng các chương trình giám sát dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm.
“Như vậy, không chỉ những tập đoàn lớn như TH mới có thể vượt qua những hàng rào kỹ thuật mà ngay những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể. Vấn đề là họ nắm bắt cơ hội và những chính sách của nước sở tại thay đổi như thế nào”, ông Hòa khẳng định.
Video đang HOT
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy – Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn TH cho rằng: Có thể nói, từ những ngày đầu thành lập, Công ty TH True Milk đã vạch ra con đường đi rất rõ ràng đó là “Vì sức khỏe cộng đồng” và “Hoàn toàn từ thiên nhiên”. Chúng tôi cung cấp những sản phẩm tươi, sạch, không chỉ cho người tiêu dùng Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam mà chúng tôi còn có khát vọng đưa sữa tươi sạch chinh phục thị trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm quan gian hàng sữa TH tại buổi lễ ký kết Lễ Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường, tiêu thụ các sản ph ẩm thực phẩm, nông sản và sữa, các sản phẩm từ sữa tươi, sạch, hữu cơ giữa TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) với đối tác Wuxi Jinqiao International Food City Co Ldt (Công ty thương mại Quốc tế Kim Kiều) – đơn vị sở hữu Trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc tháng 4/2019 tại Trung Quốc. Ảnh: I.T
Từ 2015, bà Thái Hương – người sáng lập Tập đoàn TH, với sự đồng hành của Chính phủ, Bộ NNPTNT liên tục tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư và tham gia các hội chợ quan trọng ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh… để nâng cao nhận diện thương hiệu của TH True Milk. Chúng tôi cũng tham gia các diễn đàn, cuộc họp trong nước cùng Bộ NNPTNT, đề xuất với Chính phủ coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhằm khai thông xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đến năm 2016, chúng tôi đã có cơ hội ngồi cùng phía Trung Quốc và lắng nghe các yêu cầu về sữa để có thể xuất khẩu. Phía TH cũng liên tục đề xuất với Chính phủ cần có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm quốc gia theo đáp ứng yêu cầu của quốc tế, đưa nông sản Việt Nam đưa ra các thị trường trên thế giới. Chúng tôi nghiên cứu kỹ hành vi tiêu dùng, thói quen tập quán của nước bản địa.
Năm 2017, chúng tôi thành lập Công ty TH Quảng Châu, cũng trong năm này đăng ký bảo hộ thương hiệu TH tại Trung Quốc, xuất khẩu sữa dưới 80% sang thị trường này, phủ sóng loại sữa dưới 80% tại các siêu thị. Tháng 6/2018, Đoàn Hải quan Trung Quốc sang thăm trang trại TH, họ tìm hiểu quy trình sản xuất và các điều kiện an toàn vệ sinh, số lượng đàn bò. Chúng tôi đã giải đáp rất kỹ càng cho phía Trung Quốc.Tháng 11/2018, chúng tôi tham gia hội chợ xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải, rất nhiều khách hàng đã quan tâm tới sản phẩm của TH.
Ngoài việc tham gia hội chợ, triển lãm thì chúng tôi tìm các đối tác tiềm năng phân phối sản phẩm. Ngày 25/4/2019, chúng tôi đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thị trường các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa hữu cơ với đơn vị sản xuất hàng hóa lớn nhất Trung Quốc.
Bà Thủy cho biết thêm, TH tâm niệm trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt cùng với công nghệ cao đầu mối của thế giới là chìa khóa thành công của TH. Tôi tin tưởng rằng, doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được công thức này để chinh phục thị trường khó tính của thế giới.
“Thực tế là, tài nguyên thiên nhiên Việt rất phong phú, trí tuệ Việt không thua kém quốc gia nào, cuối cùng là ứng dụng công nghệ cao đưa sản phẩm của mình đạt đầy đủ chỉ tiêu theo quy trình tốt nhất theo phê chuẩn quốc tế.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho ngành sữa của Việt Nam, bà Thủy cho rằng: Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ để không chỉ chinh phục thị trường đông dân nhất mà còn là các thị trường tiềm năng khác, với khát vọng đưa ly sữa tươi sạch Việt vươn xa thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ cần có những quy chuẩn, quy định quốc gia về các mặt hàng nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, khi có tiêu chuẩn rồi thì chúng ta sẽ tự tin đưa sản phẩm của mình vươn tầm quốc tế”, bà Thủy bày tỏ. Tiếp đến là, cần có những quy định minh bạch hơn về thị trường sữa.
Hiện nay, sản phẩm sữa có sữa tiệt trùng nhưng hiện người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn, chưa phân biệt là sữa tươi. Cho nên, chúng tôi rất mong sẽ ghi là sữa tươi tiệt trùng khi đó người tiêu dùng sẽ không nhầm lẫn sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại.
Người dân Trung Quốc tiêu dùng sữa TH tại Trung Quốc. Ảnh: I.T
Cần tháo gỡ nhiều vấn đề
Trao đổi với các đại biểu tham dự tọa đàm, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Việc Việt Nam đã xuất khẩu được sữa tươi vào Trung Quốc, cụ thể là sữa tươi của TH True Milk, theo con đường chính ngạch theo tôi là có 4 ý nghĩa.
Một là, khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên trục xuất khẩu nông sản là đúng hướng. Khi đã ưu tiên cho trục nông sản xuất khẩu thì đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để tổ chức lại sản xuất. Thành công của TH true milk cho thấy sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực và lao động đã đạt đến mức đi xa vào thị trường khó tính. Ở đó, doanh nghiệp, nông dân, và nhà khoa học dẫn dắt được chuỗi giá trị của Việt Nam.
Hai là, sự kiện này mở đường cho nông sản xuất khẩu, vừa là cánh kéo về mặt khối lượng, giá trị, vừa là cánh kéo để mở đường cho nông sản của vùng miền để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Việc Việt Nam đưa được sản phẩm sữa tươi vào thị trường Trung Quốc có thể khẳng định là doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đủ năng lực, khả năng để đáp ứng với các tiêu chuẩn theo hợp đồng của bên khách hàng đặt.
Thứ ba, thúc đẩy liên kết ngang giữa doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và cùng thức đẩy liên kết dọc theo đường đi của nông sản; đồng thời thúc đẩy cả liên kết giữa địa phương và trung ương.
Thứ 4, xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ là hoạt động đòi hỏi sự cách tân của nhà nước, đòi hỏi sự cách tân của những người làm chính sách, đòi hỏi sự cách tân của người làm giao thương, làm thương mại. Nếu không cách tân thì không thể nói là sự mở đường cho sự phát triển.
Sự cách tân và sự vào cuộc của bộ, ngành, nhà nước sẽ phát triển tốt hơn, đây cũng là sức ép của những người và cơ quan làm luật. Quốc hội tới đây phải giải quyết vấn đề đất đai, tháo gỡ được thì các sự cố gắng khác sẽ chỉ dậm chân tại chỗ vì mã vùng Trung Quốc cấp đòi hỏi phải có 10ha.
“Từ bốn ý nghĩa này nếu doanh nghiệp lớn nhận thức ra thì đó chính là vấn đề thay đổi cách nghĩ, cách làm của Việt Nam, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy khẳng định.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, ĐBQH An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: Tôi rất khâm phục hành trình của Tập đoàn TH. TH đã sớm bắt nhịp để có sản phẩm xâm nhập ngay vào thị trường Trung Quốc nhờ vào sự chuẩn bị bài bản từ khâu đầu đến cuối. Phải khẳng định không nhiều doanh nghiệp làm được như vậy.
Nói thêm về thành tích của Tập đoàn TH, bà Tuyết cho rằng: TH true milk ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rất nhiều, nhưng tôi ngạc nhiên là khảo sát của Bộ Công thương cho thấy 61% doanh nghiệp không biết gì về công nghệ 4.0, 21% cho rằng mới bắt đầu áp dụng, thì thành quả, cách làm của TH True Milk là tấm gương cho doanh nghiệp khác đi theo.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trước hết chúng ta thấy Tập đoàn TH không đơn thuần là một doanh nghiệp xuất khẩu, mà là một nhà sản xuất, đồng thời gắn với vùng nguyên liệu. Như vậy bản thân Tập đoàn TH họ đã hình thành một chuỗi sản xuất hàng hóa từ khâu nuôi trồng, khâu giống cho đến khâu sản xuất chế biến đến tìm hiểu thị trường và bán ra thị trường.
“Ở đây chúng ta thấy bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc là nếu không nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nếu không có khoa học công nghệ để áp dụng từ khâu đầu và chứng minh sản phẩm bảo đảm chất lượng trong chuỗi sản xuất thì tính cạnh tranh và khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật mà các nước đang xây dựng là rất khó”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo Danviet
Ca-mơ-run mong muốn hợp tác toàn diện với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại châu Phi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm làm việc Cộng hòa Ca-mơ-run (the Republic of Cameroon) từ 1 đến 2-11 và đã có buổi hội đàm với Thủ tướng Giô-dép Đi-ông Gút-tê (Joseph Dion Ngute)...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam còn thăm Hạ viện và Thượng viện Quốc hội Ca-mơ-run và có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Hạ viện Ê-tông Giốc I-la-ri-ông (Etong Nzok Hilarion) và Phó Chủ tịch Thượng viện La-mi-đô A-bu-ba-ca-ry Áp-đu-la (Lamido Abubakary Abdulaye).
Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Ca-mơ-run Giô-dép Đi-ông Gút-tê đã chào mừng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn Việt Nam lần đầu tiên thăm chính thức Ca-mơ-run kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972.
Ngài Giô-dép Đi-ông Gút-tê khẳng định Ca-mơ-run là người bạn thân thiết của Việt Nam đồng thời nhấn mạnh cá nhân Thủ tướng, Ngài Tổng thống Pôn Bi-a (Paul Biya) và các lãnh đạo Ca-mơ-run rất coi trọng quan hệ hữu nghị với Việt Nam, hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau, đặc biệt trong các diễn đàn đa phương và Liên hợp quốc.
Đồng thời, Thủ tướng Ca-mơ-run rất quan tâm đến sự phát triển năng động của kinh tế khu vực Đông Nam Á trong thời gian gần đây và mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Ca-mơ-run với Việt Nam cũng như Ca-mơ-run và các nước Đông Nam Á khác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thủ tướng Ca-mơ-run.
Thủ tướng Ca-mơ-run bày tỏ khâm phục nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước thời gian qua với việc tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức 6 đến 7% / năm trong thời gian dài kể từ khi bắt đầu quá trình đổi mới 1986, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân tăng nhanh, là một hình mẫu về giảm nghèo và phát triển bền vững; sự phát triển của Việt Nam là một kỳ tích và mong muốn được tìm hiểu và học tập mô hình phát triển của Việt Nam.
Ngài Thủ tướng khẳng định Ca-mơ-run mong muốn hợp tác toàn diện với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư và đồng thời tập trung vào các lĩnh vực mà Ca-mơ-run có nhiều tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, trong đó các ngành điều, khai thác và chế biến gỗ, cà-phê...
Về phần mình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đến thăm đất nước Ca-mơ-run; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, tình cảm hữu nghị của Chính phủ Ca-mơ-run và cá nhân Ngài Thủ tướng dành đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông báo cho các lãnh đạo Ca-mơ-run về tình hình kinh tế xã hội và những phát triển quan trọng mà chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong từ khi tiến hành đổi mới, mở cửa, đồng thời khẳng định chủ trương của Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó có Ca-mơ-run, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại trên cơ sở sự tin cậy về mặt chính trị cũng như truyền thống hữu nghị, sự ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Chuyến thăm của Phó Thủ tướng lần này là một minh chứng quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa chủ trương đó.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng để tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh đàm phán, sớm đi đến ký kết những Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác song phương, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giao thương cũng như mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Trên tinh thần đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cần thiết sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của Quốc hội hai nước, nhất là trong việc giám sát và lập pháp, để tạo điều kiện cho hai Chính phủ đẩy mạnh đàm phán và ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận song phương, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giao thương. Phó Thủ tướng cũng cho rằng hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành, của Chính phủ, Quốc hội cũng như các Hiệp hội kinh doanh và nhân dân hai nước. Trên tinh thần đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chuyển lời chào và mời thăm của các Lãnh đạo Việt Nam đến Tổng thống, Thủ tướng và các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Ca-mơ-run.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và thể thao, mở rộng giao lưu nhân dân và cho rằng hai bên có thể trao đổi các hoạt động giao hữu bóng đá, là môn thể thao yêu thích của nhân dân hai nước, và tin rằng qua các hoạt động đó là sự khởi đầu tốt cho tăng cường giao lưu, mở rộng hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thủ tướng Ca-mơ-run cũng trao đổi về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Nexttel, Liên doanh của Tập đoàn Viễn thông quân đội với đối tác Ca-mơ-run, làm ăn tại Ca-mơ-run. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực và đề nghị Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Ca-mơ-run tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các khó khăn cho Doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Ca-mơ-run trên tinh thần tôn trọng pháp luật hai nước cũng như tập quán, thông lệ kinh doanh quốc tế, và mong muốn Chính phủ Ca-mơ-run tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của hai nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác cũng có buổi nói chuyện với các cán bộ, nhân viên Liên doanh Nextel của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tại Ca-mơ-run. Tại buổi nói chuyện, Phó Thủ tướng đã thông báo cho các cán bộ, nhân viên Liên doanh Nextel về những hoạt động nổi bật của Chính phủ và Quốc hội thời gian qua cũng như về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh những nỗ lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các cán bộ, nhân viên Liên doanh Nextel đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của sở tại, đồng thời đánh giá cao tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của các cán bộ nhân viên Việt Nam tại Liên doanh Nexttel.
Gia Nguyễn
Theo PL&XH
Xác lập khuôn khổ pháp lý về hợp tác kinh tế Việt Nam- Nigeria Nigeria hoan nghênh và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam mở rộng quan hệ với các quốc gia thành viên ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU). Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hoà Liên bang Nigeria chiều 30/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã có cuộc...