Các môn thi trắc nghiệm học trò không biết gì cũng có thể được 2 điểm
(GDVN) – Với kỳ thi “2 trong 1″ thì học sinh chỉ cần học thật giỏi một môn tự luận như môn Toán hoặc môn Văn là đã ung dung đỗ Tốt nghiệp THPT.
LTS: Nếu như các năm trước, quy định điểm liệt trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT là 0 thì năm nay Bộ quyết định mức điểm liệt là từ dưới 1.
Vấn đề đang được quan tâm hiện nay là ở các môn thi trắc nghiệm thí sinh không biết gì về kiến thức nhưng có thủ đoạn cũng có thể được từ 2 điểm trở lên.
Với tư cách là những người đã -đang trong nghề, Nhóm tác giả Việt Cường lại mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về những bất cập trong dự đoán kết quả môn thi trắc nghiệm và cách xét tốt nghiệp trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả quan điểm này.
Qua tìm hiểu của chúng tôi về kết quả chấm trong kỳ thi Hai trong một năm nay, các môn thi trắc nghiệm có thể rất ít điểm liệt (1 trở xuống).
Điểm liệt chủ yếu rơi vào hai môn Toán và Văn là các môn tự luận.
Video đang HOT
Lý do vì cách ra đề, đáp án và hệ thống câu hỏi các môn trắc nghiệm đã tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho học sinh làm bài.
Chúng tôi đã nghiên cứu đáp án các môn: Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh từ vài năm trước và cả năm nay, nhận thấy hầu hết chỉ yêu cầu học sinh tích vào các ô trắc nghiệm có đánh dấu A – B – C – D.
Nếu học sinh chỉ tích vào ô A trong tất cả các câu hỏi thì cũng đã đạt từ 2 điểm trở lên. Ô B – C – D cũng vậy.
Như thế, chỉ cần học sinh biết đọc, biết viết, tức là trình độ lớp 1 lớp 2 vào thi tốt nghiệp THPT, cứ tích bừa vào một ô A – B – C hoặc D ở tất cả các câu hỏi thì các môn trắc nghiệm cũng được hơn 2 điểm.
Học sinh chỉ cần học thật giỏi một môn tự luận như môn Toán hoặc môn Văn là đã ung dung tốt nghiệp THPT. (Ảnh: giaoduc.net)
Trong khi đó, điểm 1 trở xuống theo quy định của Bộ mới là điểm liệt. Như thế, các môn trắc nghiệm này không cần học, thậm chí không biết gì cũng đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.
Học sinh chỉ cần học thật giỏi một môn tự luận như môn Toán hoặc môn Văn là đã ung dung tốt nghiệp THPT.
Theo cách xét tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT năm nay, học sinh được cộng rất nhiều điểm theo kết quả học tập ghi trong học bạ, theo các chứng chỉ học nghề và các loại ưu tiên khác.
Bốn môn thi tốt nghiệp lấy tổng điểm chia trung bình, mỗi môn chỉ cần hơn 3 điểm là đã tốt nghiệp rồi.
Hiện tại, đã có dư luận rằng có trường hợp một số Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng ở các trường THPT chỉ đạo giáo viên nâng điểm học tập cho học sinh ở tất cả các môn để tạo ra các “học bạ đẹp”, giúp tất cả học sinh trường mình được cộng thêm điểm để xét tốt nghiệp.
Có hay không sự việc trên thì cần phải chờ cơ quan có trách nhiệm vào cuộc điều tra, kiểm tra. Nhưng, Nhóm tác giả chúng tôi, bằng chính những điều được biết thì e ngại rằng: Nếu xã hội được biết điểm trung bình các môn trong học bạ của học sinh thi tốt nghiệp năm nay thì có lẽ tất cả mọi người sẽ giật mình sửng sốt. Học bạ xấu, điểm trung bình các môn thấp hầu như không có. Điều này có phải là một thực trạng rất đáng báo động hay không?
Chúng tôi đặt ra một giả định: thí sinh thi bốn môn Toán – Văn – Anh – Lý (hoặc Hóa). Môn Lý, Hóa, Anh không cần học, cứ nhắm mắt tích bừa vào một ô từ đầu đến cuối là đã được 2 điểm trở lên rồi.
Chỉ cần môn Văn 1,5 điểm, môn Toán 10 điểm hoặc môn Toán 2 điểm, môn Văn 9 điểm cũng đủ điều kiện để Tốt nghiệp THPT.
Mặc dù có quy định: trong bài thi trắc nghiệm, học sinh không được tích vào một ô từ đầu đến cuối. Ví dụ 50 câu hỏi không được tích hết vào ô A hoặc ô B, nhưng chỉ cần tích một câu vào ô khác là đã không phạm luật.
Ví dụ: 49 câu ô A, 1 câu ô B hoặc 49 câu ô B, một câu ô C… Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy dù tích như vậy ở tất cả các môn thi trắc nghiệm, học sinh vẫn có thể đạt từ 2 điểm trở lên.
Do đó, kỳ thi Hai trong một năm nay, riêng môn Tiếng Anh có thêm phần tự luận 2 điểm, nhiều giáo viên chấm thi ở các cụm cho biết: phần này có rất nhiều điểm 0 (không).
Thế nhưng môn Tiếng Anh cũng rất ít điểm liệt vì phần trắc nghiệm có thể tích bừa theo một ô mà vẫn đạt điểm 1.
Câu hỏi đặt ra là việc thi trắc nghiệm như thế này liệu có cần thiết không? Có đạt được mục tiêu thi cử không? Nhóm tác giả chúng tôi mong nhận được góp ý từ cơ quan quản lý giáo dục; các chuyên gia và bạn đọc xa gần.
Theo GDVN