Các loại thuốc điều trị bệnh viêm dây thần kinh thị giác
Bệnh nhân bị viêm dây thần kinh thị giác cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự điều trị để tránh gặp các biến chứng nghiêm trọng.
1. Danh mục thuốc điều trị bệnh viêm dây thần kinh thị giác
Việc điều trị viêm dây thần kinh thị giác thường tập trung vào việc giảm viêm, phục hồi thị lực và giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng này (nếu có).
1.1. Thuốc Corticosteroids ( Thuốc chống viêm mạnh)
Corticosteroids là thuốc chính trong điều trị viêm dây thần kinh thị giác, giúp giảm viêm nhanh chóng và cải thiện phục hồi thị lực.
1.1.1. Methylprednisolone
Thuốc hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch và giảm viêm trong cơ thể. Methylprednisolone có tác dụng tương tự như hormone cortisol tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất, nhưng mạnh hơn và được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau như các bệnh viêm nhiễm và dị ứng, điều trị các bệnh tự miễn, điều trị viêm dây thần kinh thị giác, điều trị viêm hệ thần kinh trung ương…
Tác dụng phụ: Tăng huyết áp, tăng đường huyết, loãng xương, suy giảm hệ miễn dịch, loét dạ dày, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tâm trạng hay rối loạn lo âu, …
Chống chỉ định: Nhiễm trùng nặng không kiểm soát, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, loét dạ dày tá tràng tiến triển, nhiễm nấm toàn thân, loãng xương nặng, tiểu đường không kiểm soát…
Việc điều trị viêm dây thần kinh thị giác thường tập trung vào việc giảm viêm, phục hồi thị lực và giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh.
1.1.2. Prednisone
Thuốc thường dùng để điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến viêm, dị ứng và rối loạn tự miễn dịch. Prednisone hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch và giảm viêm trong cơ thể. Nó tương tự như hormone cortisol, một hormone tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất. Thuốc thường dùng để điều trị các bệnh viêm nhiễm, ức chế hệ miễn dịch trong cấy ghép tạng,
Tác dụng phụ: Tăng cân, giữ nước, tăng đường huyết, loãng xương, suy giảm hệ miễn dịch, tăng huyết áp, loét dạ dày…
Chống chỉ định: Nhiễm trùng toàn thân đặc biệt là nhiễm nấm, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, loét dạ dày tá tràng, nhiễm trùng lao đang hoạt động…
1.2. Thuốc ức chế miễn dịch
Trong các trường hợp viêm dây thần kinh thị giác liên quan đến các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis) hoặc các bệnh tự miễn khác, các thuốc ức chế miễn dịch có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát.
1.2.1. Interferon beta (Rebif, Avonex, Betaseron)
Điều chỉnh hệ miễn dịch và giảm viêm trong hệ thần kinh trung ương, giúp làm giảm các tổn thương thần kinh do bệnh đa xơ cứng gây ra. Giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các đợt tái phát (các đợt bùng phát triệu chứng) trong bệnh đa xơ cứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng, giúp ngăn chặn hoặc làm chậm lại tổn thương dây thần kinh và sự thoái hóa vỏ myelin (lớp bao bọc dây thần kinh) trong hệ thần kinh trung ương. Giảm số lượng tổn thương xuất hiện trên não và tủy sống và điều chỉnh hệ miễn dịch, ngăn cản các tế bào miễn dịch tấn công vỏ myelin bao dây thần kinh. Glatiramer acetate (Copaxone) Mycophenolate mofetil (Cellcept), Azathioprine, Rituximab (Rituxan).
Người bệnh cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc, giảm liều.
Tác dụng phụ: Ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và đau khớp, đau, sưng, hoặc khó chịu tại chỗ tiêm, ảnh hưởng đến chức năng gan, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tâm trạng…
Chống chỉ định: Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, suy gan nặng, động kinh không kiểm soát, suy tim nặng hoặc rối loạn tâm thần trầm trọng…
1.2.2. Glatiramer acetate (Copaxone)
Giảm tần suất các đợt tái phát, giúp bệnh nhân ít gặp phải các đợt bùng phát triệu chứng như yếu cơ, mất thăng bằng, mệt mỏi và các vấn đề về thị lực. Làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, có tác dụng ngăn ngừa tổn thương thần kinh thêm và giảm thiểu sự thoái hóa của vỏ myelin. Giảm số lượng tổn thương thần kinh, làm giảm sự hình thành của các tổn thương trong não, được kiểm tra qua chụp cộng hưởng từ (MRI).
Tác dụng phụ: Đỏ, đau, ngứa hoặc sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc đau cơ sau khi tiêm, tức ngực hoặc khó thở, phát ban…
Chống chỉ định: Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tim mạch hoặc nhiễm trùng cấp tính, mạn tính cần đặc biệt chú ý khi sử dụng…
1.2.3. Mycophenolate mofetil (Cellcept), Azathioprine, Rituximab (Rituxan)
Thuốc ức chế miễn dịch, được sử dụng để ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch vào các mô và cơ quan trong cơ thể. Thường được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn, nơi mà hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô và cơ quan của chính cơ thể như Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), bệnh đa xơ cứng, viêm tủy thần kinh thị (NMO), MOG…
Tác dụng phụ: Suy giảm hệ miễn dịch, buồn nôn, tiêu chảy, tăng nguy cơ mắc ung thư, rối loạn máu…
Video đang HOT
Chống chỉ định: Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai, phụ nữ cho con bú, nhiễm trùng nặng không kiểm soát…
Người bệnh viêm dây thần kinh thị giác tuyệt đối tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
1.3. Thuốc bổ sung Vitamin B12
B12 là cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA, đặc biệt trong quá trình phân chia tế bào. Điều này rất quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì tế bào. Đây cũng là vitamin vai trò quan trọng trong việc sản xuất tế bào hồng cầu, duy trì sức khỏe hệ thần kinh.
Tác dụng phụ: Đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy hoặc khó chịu dạ dày…
Chống chỉ định: Dị ứng với Vitamin B12 hoặc Cobalt, bệnh nhân có u ác tính…
1.4. Thuốc giảm đau và điều trị triệu chứng
Là thuốc giảm đau hạ sốt thường được dùng để điều trị đau và sốt nhẹ tới trung bình.
Ví dụ: Paracetamol, ibuprofen…
Tác dụng phụ: phản ứng dị ứng, bao gồm phát ban, ngứa, sưng, chóng mặt, hoặc khó thở, tổn thương gan…
Chống chỉ định: Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, suy gan nặng, loét dạ dày tá tràng tiến triển, suy thận nặng…
1.5. Các loại vitamin và dưỡng chất khác
Khuyến nghị bổ sung thêm các loại vitamin A, C, E, và Omega-3 để hỗ trợ sức khỏe thị lực và hệ thần kinh.
Vitamin A: Giúp duy trì thị lực, tăng cường hệ miễn dịch, duy trì sự phát triển và phân chia tế bào…
Vitamin C: Chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sản xuất collagen…
Vitamin E: Chống oxy hóa, hỗ trợ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch, bảo vệ sức khỏe mắt, bảo vệ tế bào thần kinh…
Omega-3: Cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm viêm, hỗ trợ sức khỏe mắt, hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa…
2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh viêm dây thần kinh thị giác
Khi điều trị viêm dây thần kinh thị giác, việc sử dụng thuốc, đặc biệt là corticosteroids như methylprednisolone hoặc prednisone, cần phải được theo dõi và quản lý cẩn thận.
2.1. Tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ
Không tự ý điều chỉnh liều lượng, dùng đúng liều lượng và tần suất theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý tăng, giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy tuyến thượng thận.
Sử dụng thuốc đúng thời gian, Corticosteroids thường được dùng vào buổi sáng để giảm thiểu tác dụng phụ lên giấc ngủ và giảm nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến thượng thận.
2.2. Giảm liều từ từ
Không ngừng thuốc đột ngột, nếu đang sử dụng corticosteroids liều cao hoặc dài hạn, việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây suy thượng thận, một tình trạng nguy hiểm. Do đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn giảm liều từ từ để cơ thể thích nghi.
Quá trình điều trị người bệnh nên bổ sung đầy đủ vitamin.
2.3. Theo dõi tác dụng phụ
Sử dụng thuốc corticosteroids có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi dùng liều cao hoặc trong thời gian dài. Cần theo dõi các tác dụng phụ sau:
Tăng đường huyết: Corticosteroids có thể làm tăng đường huyết, đặc biệt ở những người có tiền sử tiểu đường. Nên kiểm tra đường huyết thường xuyên.
Tăng huyết áp: Corticosteroids có thể làm tăng huyết áp, vì vậy cần kiểm tra huyết áp định kỳ.
Đau dạ dày: Corticosteroids có thể gây viêm dạ dày, loét dạ dày hay xuất huyết tiêu hóa trên. Do đó cần uống kèm thuốc bảo vệ dạ dày trong quá trình điều trị.
Loãng xương: Corticosteroids làm giảm mật độ xương, gây nguy cơ loãng xương và gãy xương. Nếu phải dùng thuốc trong thời gian dài, bác sĩ có thể kê thêm canxi và vitamin D để hỗ trợ sức khỏe xương.
Suy giảm hệ miễn dịch: Thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cần tránh tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu hoặc cúm.
Rối loạn giấc ngủ và thay đổi tâm trạng: Corticosteroids có thể gây mất ngủ, lo âu, hoặc thay đổi tâm trạng. Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp phải những triệu chứng này.
2.4. Kiểm tra chức năng gan, thận và mắt
Dùng corticosteroids lâu dài có thể ảnh hưởng đến gan và thận, do đó bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm định kỳ để kiểm tra chức năng của các cơ quan này.
Viêm dây thần kinh thị giác có thể liên quan đến các vấn đề mắt khác, đặc biệt là khi sử dụng corticosteroids trong thời gian dài, có thể gây đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp. Bạn cần kiểm tra mắt định kỳ để đảm bảo không có biến chứng về thị lực.
2.5. Dinh dưỡng và chế độ ăn uống
Để ngăn ngừa loãng xương, nên bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D, như sữa, cá hồi, hạt chia, hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
Corticosteroids có thể làm tăng khả năng giữ nước và tăng đường huyết. Nên giảm tiêu thụ thực phẩm giàu muối và đường, đồng thời tránh các loại đồ ăn nhanh, thức uống có đường.
2.6. Tránh nhiễm trùng
Tăng cường vệ sinh cá nhân, sử dụng corticosteroids có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Vì vậy, bạn nên rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng, nếu bạn bị sốt, ho, đau họng, hoặc bất kỳ triệu chứng nào cho thấy nhiễm trùng, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
2.7. Hạn chế căng thẳng
Viêm dây thần kinh thị giác có thể liên quan đến các bệnh tự miễn và căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát. Nên thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng.
2.8. Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc khác
Corticosteroids có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác, bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc điều trị tiểu đường và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Hãy thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn.
2.9. Theo dõi tác dụng lâu dài của thuốc
Viêm dây thần kinh thị giác đôi khi liên quan đến các bệnh lý tự miễn như đa xơ cứng (MS), lupus ban đỏ hệ thống (SLE), hoặc bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu bạn mắc phải các bệnh này, bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều lượng thuốc và phương pháp điều trị để giảm nguy cơ tái phát viêm và tổn thương dây thần kinh.
Thuốc điều trị hồng ban nút
Hồng ban nút là tổn thương mô mỡ dưới da, gây đau và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
1. Mối nguy khi mắc hồng ban nút
Hồng ban nút là một loại viêm mô mỡ dưới da, có thể xảy ra ở mọi dân tộc, giới tính và độ tuổi, nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ từ 25 đến 40. Tỷ lệ mắc ở phụ nữ gấp 3-6 lần so với nam giới. Mặc dù một tỷ lệ lớn bệnh nhân mắc không rõ nguyên nhân, nhưng đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh toàn thân ở một số bệnh nhân.
Hồng ban nút là phản ứng quá mẫn không rõ nguyên nhân ở 55% các trường hợp, có thể là dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng, nhạy cảm với thuốc hoặc mang thai.
Hồng ban nút biểu hiện bằng các nốt ban đỏ dưới da, thường gặp ở cẳng chân trước, đầu gối, cánh tay và hiếm khi ở mặt và cổ. Đường kính nốt ban 3-20 cm, phát ban trong một đến vài tuần, kèm theo sốt và đau khớp. Ở 50% trường hợp, mắt cá chân bị sưng và đau trong vài tuần.
Bệnh gây ảnh hưởng đến đầu gối và các khớp khác. Hồng ban nút có thể kéo dài hoặc tái phát, thậm chí có thể trở thành mạn tính và bùng phát từng đợt, nhưng không gây sẹo vĩnh viễn.
Hồng ban nút là một loại viêm mô mỡ dưới da, ảnh hưởng đến lớp mỡ dưới da.
2. Các thuốc điều trị hồng ban nút
Tùy theo tình trạng bệnh có các lựa chọn dùng thuốc khác nhau:
2.1. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Tác dụng: Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) là liệu pháp điều trị đầu tay phổ biến nhất cho hồng ban nút nhẹ. Các thuốc NSAID có sẵn và dễ sử dụng như ibuprofen, indomethacin, naproxen...
Tác dụng phụ của NSAID thường gặp ở đường tiêu hóa (ợ nóng, đau, buồn nôn, viêm loét dạ dày) hoặc phát ban da. Cần thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột, vì những loại thuốc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
2.2. Kali iodide
Tác dụng: Kali iodide có hiệu quả hơn trong việc làm giảm triệu chứng nếu bắt đầu dùng ngay khi xuất hiện ban đỏ dạng nốt.
Tác dụng phụ: Liệu pháp kali iodide thường được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày.
Lưu ý: Cần thận trọng khi sử dụng kali iodide cho những bệnh nhân mắc bệnh lao. Các triệu chứng ngộ độc iod hoặc kali có thể xuất hiện khi sử dụng kéo dài. Suy giáp và cường giáp cũng có thể xảy ra. Thuốc chống chỉ định trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
Hồng ban nút có thể kéo dài hoặc tái phát, thậm chí có thể trở thành mạn tính và bùng phát từng đợt. Mặc dù đây là bệnh lành tính, nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm: Viêm tĩnh mạch sâu, viêm phổi, bệnh viêm cần thận cấp...
2.3. Corticosteroid
Tác dụng: Thuốc corticosteroid được sử dụng cho bệnh nhân hồng ban nút không đáp ứng với NSAID và kali iodide hoặc xuất hiện các triệu chứng suy nhược nghiêm trọng cần cải thiện nhanh chóng. Có thể dùng prednisolone, triamcinolone acetonide...
Lưu ý: Cần loại trừ nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc bệnh ác tính trước khi sử dụng corticosteroid. Bệnh nhân mắc bệnh lao không nên được điều trị bằng corticosteroid toàn thân.
Đối với những trường hợp hồng ban nút bị tái phát nhiều lần hoặc mắc bệnh lao không đáp ứng đủ với NSAID có ther dùng dapsone, colchicine và hydroxychloroquine.
- Colchicine: Colchicine có hiệu quả trong các trường hợp liên quan đến hội chứng Behet. Thuốc giúp chống viêm, giảm đau.
Tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn và các tác dụng phụ ít phổ biến hơn là bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh cơ và ức chế tủy xương.
- Dapsone: Được sử dụng thận trọng do các tác dụng phụ tiềm ẩn của nó, bao gồm tăng methemoglobin huyết, tan máu, mất bạch cầu hạt và bệnh thần kinh vận động ngoại biên.
Lưu ý: Dapsone nên tránh dùng ở những bệnh nhân bị dị ứng với sulfone hoặc những bệnh nhân mắc bệnh tim phổi nặng.
Bệnh nhân hồng ban nút cần được khám sớm để có các điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
- Hydroxychloroquine:Thuốc có thể hữu ích đặc biệt đối với hồng ban nút mạn tính hoặc tái phát liên quan đến bệnh viêm ruột.
Tác dụng phụ đáng lo ngại nhất của hydroxychloroquine là tổn thương mắt. Thuốc có thể gây bệnh võng mạc không hồi phục và thay đổi thị lực. Cần phải kiểm tra nhãn khoa ban đầu và định kỳ khi sử dụng lâu dài.
3. Lưu ý khi điều trị
Để việc điều trị an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
- Nên nâng cao chân khi nằm, không tạo áp lực, đè vật nặng lên chân/vùng khớp có hồng ban nút.
- Có thể chườm lạnh tại chỗ có vết tổn thương.
Do nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng nên rất khó để ngăn ngừa tất cả các trường hợp hồng ban nút. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ bùng phát bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
- Thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ đối với bất kỳ tình trạng bệnh lý nào mắc phải.
- Nếu có thể, hãy tránh dùng thuốc gây ban đỏ dạng nút.
- Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Nếu mắc bệnh viêm ruột, không ăn những thực phẩm khiến các triệu chứng bùng phát.
- Khi mắc bệnh hồng ban nút, nâng cao chi, sử dụng vớ nén hoặc băng để giúp giảm sưng và đau, nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh.
Cách phòng ngừa đau dạ dày do dùng thuốc giảm đau chống viêm Một trong những tác dụng phụ của thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây đau - loét dạ dày, thậm chí xuất huyết dạ dày. Vậy có cách phòng ngừa được mối nguy hiểm này không? 1. Nguy cơ gây đau dạ dày do uống thuốc giảm đau chống viêm Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) như...