Các cụm thi THPT quốc gia Cần Thơ, Tiền Giang hoàn tất công tác chuẩn bị
GD&TĐ – Đến thời điểm này, các trường đại học phía Nam được giao chủ cụm thi tỉnh đã cơ bản hoàn tất và sẵn sàng chờ ngày trống điểm trường thi.
Trường Đại học Cần Thơ được giao chủ trì cụm thi số 33, gồm các thí sinh đến từ TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và huyện đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang. Hiện cụm này có 23.953 hồ sơ đăng ký dự thi.
Theo lãnh đạo nhà trường, cụm thi sẽ có 28 địa điểm tổ chức thi với 742 phòng thi, trong đó, Trường ĐHCT có 13 điểm thi với 308 phòng thi. Các điểm thi được bố trí toàn bộ trong Quận Ninh Kiều và không sử dụng trường tiểu học làm điểm thi.
Video đang HOT
Để chuẩn bị cho công tác coi thi, Hội đồng tuyển sinh đã huy động 2.383 cán bộ, viên chức và sinh viên tham gia kỳ thi. Trong đó, có 1.513 viên chức từ các Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y – Dược Cần Thơ, và viên chức đang công tác tại các điểm thi.
Ngoài ra, sẽ 120 cán bộ bảo vệ kỳ thi gồm: Công an, Thanh tra Giao thông, và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy của TP. Cần Thơ.
Cùng với đó Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ sinh viên Trường đại học Cần Thơ đã huy động gần 900 sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi tại các điểm thi bao gồm: Đội Tư vấn hỗ trợ trực tiếp tại các điểm thi, ký túc xá, bến xe; đội tư vấn trực tuyến và trực đường dây nóng (0710.3830.309 ; 0710.3872.109); đội xe gần 400 xe ôm giá rẻ đưa đón thí sinh và dự kiến miễn phí cho khoảng 20% thí sinh khó khăn.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng chuẩn bị 10.000 cẩm nang tư vấn phục vụ cho thí sinh; bố trí 22 điểm tư vấn hỗ trợ thí sinh tại các điểm thi của Hội đồng tuyển sinh cụm Trường đại học Cần Thơ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ sinh viên đã huy động hơn 30.500 chỗ trọ, trong đó, có 500 chỗ trọ miễn phí. Ngoài ra, thí sinh còn được chuẩn bị 21.000 suất ăn miễn phí từ các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm trên địa bàn TP.
Tại Cụm thi số 36 do Trường Đại học Tiền Giang chủ trì sẽ mở 31 điểm thi (trong đó có 26 điểm thi thuộc tỉnh Tiền Giang và 5 điểm thi thuộc tỉnh Bến Tre), được bố trí tại TP Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây và tại Trường Đại học Tiền Giang (thuộc tỉnh Tiền Giang); huyện Châu Thành và TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre).
Khu vực được bố trí nhiều phòng thi là TP Mỹ Tho và Trường Đại học Tiền Giang (với 449 phòng thi), trong đó điểm có nhiều phòng thi nhất là Trường đại học Tiền Giang (cơ sở chính), được bố trí 65 phòng thi, với 2.260 TS.
Điểm thi lớn thứ 2 của khu vực này là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, được bố trí 45 phòng thi, với 1.080 TS. Theo khảo sát ban đầu, 2 điểm thi này đã đáp ứng được các điều kiện: Trống (chuông), bàn ghế, ánh sáng, quạt và vệ sinh.
Bên cạnh đó nhân lực tổ chức coi thi đã được huy động từ rất sớm. Cụ thể, trưởng các điểm thi có 31 người (trong đó 8 người thuộc Trường Đại học Tiền Giang, 10 người thuộc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và 13 người thuộc Sở GD-ĐT).
Ngoài ra, mỗi điểm thi còn được bố trí 1 phó điểm thi phụ trách cơ sở vật chất và 1 phó điểm thi phụ trách chuyên môn. Các phó điểm thi là cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị: Trường Đại học Tiền Giang, Sở GD-ĐT, các trường THCS và THPT (của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre)
PGS.TS Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang – cho biết: Cụm thi đã huy động 1.722 người là cán bộ, giáo viên, nhân viên của 6 đơn vị đã được huy động, trong đó nhiều nhất là đơn vị Sở GD-ĐT Tiền Giang (830 người); tiếp đến là các trường THPT và THCS của tỉnh Bến Tre (280 người); Trường Đại học Tiền Giang (271 người), các trường THCS (227 người)…
Ngoài ra, đơn vị tổ chức kỳ thi cũng đã huy động các thành viên liên quan như: Thư ký điểm thi (139 người), cán bộ giám sát (90 người), bảo vệ điểm thi (từ 4 – 5 chiến sĩ công an ở mỗi điểm thi do Công an Tiền Giang bố trí lực lượng), nhân viên bảo vệ và nhân viên y tế (2 nhân viên y tế trực gồm: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng do Sở Y tế điều động)…
Theo GD&TĐ