Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi
Sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở thành các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi. Những yếu tố nguy cơ già hóa bệnh lý đã hình thành phát triển ngay từ giai đoạn tuổi chuyển tiếp và là những “buến chứng” của các chứng bệnh nội khoa.
Kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi. Ảnh: corbis
Biểu hiện các chứng bệnh thần kinh
Các chứng bệnh thần kinh ở người cao tuổi khá phức tạp, đa dạng, thường có các biểu hiện:
Chứng đau nhức: thường là nhức đầu, nhức nửa đầu, nhức nửa mặt, đau thần kinh hông. Thường phối hợp với các chứng đau mình mẩy, đau chân, đau bả vai.
Chứng run, co giật: thường run chân tay, đi đứng run rẩy, loạng choạng hoặc nói run run. Có thể có cơn co giật kiểu động kinh. Có cơn động kinh và rối loạn tâm thần, rối loạn điều hòa các cử động…
Rối loạn nuốt, phát âm: có thể có hiện tượng nghẹn đặc, sặc lỏng và đi đứng khó khăn.
Rối loạn trí nhớ: người bệnh cảm thấy quên nhiều và lẫn hoặc có hiện tượng nhớ nhầm, ngộ nhận…
Một số bệnh hay gặp
Tai biến mạch máu não: thường gặp là tắc mạch, lấp mạch gây nhồi máu não, thiếu máu não cục bộ… Các trường hợp chảy máu não, chảy máu màng não, viêm màng não, thường là viêm màng não mủ, viêm màng não do lao.
Bệnh Parkinson…
Chẩn đoán
Cần có kế hoạch theo dõi cho lứa tuổi “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”, phát hiện kịp thời những chứng bệnh thần kinh thường gặp. Những biểu hiện như chứng đau nhức ở thần kinh (đau đầu, đau nửa mặt, đau kiểu thắt lưng hông…), chứng co giật, run chân tay, chóng mỏi ở hai chân đặc biệt là chứng cứng cơ khi cử động… chứng quên lẫn, nhớ nhầm, ám ảnh, lo sợ. Khi có những triệu chứng kể trên thì nên kết hợp các phương pháp thăm dò chức năng không nguy hại cho người cao tuổi để chẩn đoán như siêu âm tim mạch, siêu âm xuyên não, ghi điện não, chụp cắt lớp vi tính và các test thần kinh tâm lý.
Video đang HOT
Điều trị
Do đặc điểm cơ thể người cao tuổi (tuổi già, sức yếu…) nên điều trị các chứng bệnh thần kinh phải toàn diện: toàn diện cho tính chất đa bệnh lý, toàn diện giữa thuốc với nuôi dưỡng cơ thể, nâng cao thể trạng, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp phục hồi chức năng.
Sử dụng thuốc điều trị
Cơ thể người cao tuổi hấp thụ, chuyển hóa và thải trừ kém nên phải thận trọng khi sử dụng thuốc. Cần cho thêm các thuốc nâng cao thể trạng, các loại vitamin nhất là vitamin nhóm B. Nên kết hợp thuốc Đông y với những ưu việt dành cho người cao tuổi.
Phục hồi chức năng thần kinh
Phục hồi chức năng thần kinh là một phương pháp điều trị tích cực, tổng hợp, toàn diện nhất là vận dụng các phương pháp dưỡng sinh, thiền, khí công, luyện khí… Phục hồi chức năng vận động, tâm lý chú ý tới khí công, xoa bóp, bấm nắn, tất cả đều tĩnh tâm và thường phối hợp với thời khắc trong ngày… Tác động tâm lý giữ phần quan trọng trong công tác điều trị chứng bệnh thần kinh ở người cao tuổi. Điều đó giúp người bệnh tự xác định, chịu khó tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Sự quan tâm của cộng đồng, cơ quan, gia đình, bạn bè, góp phần quan trọng cho việc điều trị có hiệu quả. Luôn luôn quan tâm tới chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cho người bệnh cao tuổi.
Phòng bệnh
Cần phải có kế hoạch theo dõi phát hiện những thay đổi về tim mạch, huyết áp, hô hấp, tiết niệu (phù…) những thay đổi về giác quan (ví dụ mắt nhìn có ruồi bay, mờ mắt, nghe o o trong tai, nghe kém, ăn thì nghẹn, uống nước thì sặc…) hoặc những rối loạn tâm lý…
Các trung tâm y tế cơ sở phối hợp với bác sĩ chuyên khoa thần kinh, theo dõi có ghi chép những thay đổi về thần kinh của những người cao tuổi ở khu vực dân cư của đơn vị. Tổ chức phổ biến kiến thức thông thường về phòng chống các chứng bệnh thần kinh cho cán bộ y tế cũng như cho người cao tuổi trong cộng đồng.
Theo SKDS
Bệnh thần kinh ngoại biên
Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm tất cả các dây thần kinh không nằm ở não và tuỷ sống. Bệnh của hệ thần kinh ngoại biên gây rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não và cơ, da, nội tạng và mạch máu, gây ra các triệu chứng như đau hoặc tê bì.
Dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng tổn thương dây thần kinh cảm giác như đau, tê bì, cảm giác kiến bò, yếu cơ, bỏng rát hoặc mất cảm giác. Nhưng triệu chứng này thường bắt đầu từ từ. Ở một số người triệu chứng có thể rất nhẹ và không nhận thấy. Ở một số người khác, triệu chứng trở nên dai dẳng và gần như không thể chịu đựng nổi, nhất là về ban đêm.
Nếu dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị yếu hoặc liệt các cơ do dây thần kinh đó kiểm soát. Còn nếu tổn thương xảy ra ở các dây thần kinh thuộc hệ thần kinh tự động, bệnh nhân có thể bị rối loạn đại tiểu tiện, giảm tiết mồ hôi hoặc liệt dương, tụt huyết áp khi đứng gây choáng ngất.
Nguyên nhân
Tổn thương ở một dây thần kinh có thể do chấn thương hoặc chèn ép ở người bị bó bột hoặc phải dùng nạng lâu ngày, ở lâu trong một tư thế không tự nhiên như đánh máy tính, hoặc có khối u ở xương
Nguyên nhân hay gặp nhất là tiểu đường. Những nguyên nhân khác gồm nghiện rượu, HIV/AIDS, một số bệnh di truyền, nhiễm bột, thiếu vitamin, các bệnh như bệnh tự miễn, bệnh gan, bệnh thận và nhược giáp, tiếp xúc với một số chất độc và thuốc, nhất là thuốc điều trị ung thư, và nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Xét nghiệm và chẩn đoán
· Khám bệnh bao gồm hỏi bệnh sử, khám thực thể và khám thần kinh để kiểm tra phản xạ gân xương, cơ lực và trương lực cơ, cảm giác, tư thế và phối hợp động tác.
· Xét nghiệm nồng độ vitamin B12 trong máu, phân tích nước tiểu, xét nghiệm chức năng tuyến giáp và điện cơ. Xét nghiệm đo độ dẫn truyền thường được sử dụng để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay và các rối loạn thần kinh ngoại vi khác.
Điều trị
Mục tiêu điều trị là xử lý căn nguyên gây ra bệnh, sửa chữa thương tổn và giảm nhẹ triệu chứng.
Điều trị căn nguyên:
· Điều trị tiểu đường.
· Bổ sung vitamin.
· Điều trị các rối loạn tự miễn.
· Giảm chèn ép dây thần kinh.
· Ngừng tiếp xúc với các chất hoặc thuốc gây độc.
Thuốc: có tác dụng làm giảm triệu chứng, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống co giật, cao dán lidocain và các thuốc khác, bao gồm thuốc giảm đau opioid.
Các liệu pháp:
· Kích thích điện dây thần kinh qua da.
· Phản hồi sinh học.
· Châm cứu.
· Thôi miên.
· Các kỹ thuật thư giãn.
Phòng bệnh
· Điều trị những chứng bệnh có thể dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên.
· Ăn uống lành mạnh, nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên cám, những thực phẩm giàu vitamin B12
· Tránh những động tác lặp đi lặp lại, tư thế bó buộc và hóa chất độc.
Theo SKDS
Những dạng bệnh thần kinh đáng sợ nhất Bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh đối với mỗi người. Tuy nhiên, trên thế giới còn tồn tại không ít những dạng bệnh hiếm gặp còn đáng sợ hơn cả những căn bệnh nan y hiện nay. Đó là những chứng bệnh đôi khi biến con người thành những người hoàn toàn khác biệt hoặc gây ra những đau đớn đáng sợ...