Cá voi mõm khoằm ghi kỷ lục lặn liên tục 3 giờ 42 phút
Các nhà khoa học vẫn chưa biết làm thế nào mà loài thú có vú này có thể lặn lâu như vậy.
Mới đây, một con cá voi mũi khoằm đã lặn liên tục gần 4 giờ đồng hồ dưới biển, tức là lâu gấp gần 7 lần những gì các nhà khoa học cho rằng đặc điểm cơ thể và trao đổi chất của chúng có thể cho phép.
Nhà sinh vật học biển của Trường đại học Duke, Mỹ, Tiến sĩ Nicola Quick nói rằng “chúng là những thợ lặn đáng nể”. Những con cá voi mõm nhọn này thường thường sống ở vùng nước sâu nhất thế giới và có thể thực hiện những cú lặn sâu nhất và lâu nhất trong số các động vật có vú, chúng có thể xuống đến tận độ sâu 3.048 mét dưới mặt nước biển.
Tiến sỹ Quick vừa công bố một nghiên cứu cho biết kỷ lục lặn gần đây nhất của loài cá voi này là 3 giờ 42 phút, dài gần gấp 7 lần so với ước tính của các nhà khoa học về khả năng lặn của loài động vật có vú này dựa trên hiểu biết khoa học về kích thước và tốc độ chuyển hóa trong cơ thể của chúng.
Hầu hết mọi người đều không thể nhịn thở quá 1 – 2 phút, mặc dù Sách Kỷ lục Thế giới đã ghi nhận một thợ lặn không cần ngoi lên lấy hơi trong suốt 24 phút.
Những cú lặn kỳ thú của cá voi mõm khoằm luôn đi kèm với khả năng săn mồi của chúng. Bằng cách lao mình xuống tầng nước sâu đến mức ánh sáng gần như không lọt xuống nổi, những con vật này có thể phát hiện và thưởng thức bữa ăn là những đàn cá hoặc đàn mực, trong khi hầu hết các loài ăn thịt khác không thể xuống sâu như vậy.
Nhưng cũng vì đặc điểm sinh sống dưới tầng nước sâu như vậy nên cá voi mõm khoằm cũng nằm trong số những loài thú có vú ít được tìm hiểu nhất. Mặc dù chúng cũng có lúc nổi lên mặt nước, nhưng thường thì chỉ một vài phút, vừa đủ để hít vài hơi không khí trong lành.
Mặc dù vậy, bằng một số thao tác nhanh nhẹn, Tiến sỹ Quick và đồng nghiệp vẫn có thể gắn thẻ đánh dấu cho hơn 20 con cá voi mũi khoằm ở gần Cape Hatteras ở Bắc Carolina, Mỹ. Từ năm 2014 đến 2018, nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự di chuyển của chúng và ghi nhận 3.689 cú lặn kiếm ăn của những con thú này.
Video đang HOT
Các tính toán trước đây cho thấy cá voi mõm khoằm trưởng thành có thể nặng đến 2.268 kg và dài 6,1 mét. Chúng có thể hít một hơi và lấy đủ oxygen để lặn suốt 33 phút dưới mặt nước biển. Nhưng đa số những cú lặn mà nhóm của Tiến sỹ Quick ghi được đều kéo dài khoảng 1 giờ, với một vài lần đặc biệt lâu hơn 2 giờ.
Thật đáng ngạc nhiên là những con cá voi này không hề hấn gì với những kỳ tích lặn đó. Gần như không có gì liên quan giữa thời gian chúng lặn với thời gian nổi lên mặt nước để lấy không khí.
Thậm chí một con cá voi kỳ quặc đã thực hiện 2 cú lặn, một lần dài 2 giờ 53 phút và lần khác là 3 giờ 42 phút. Tiến sỹ Quick nói rằng những con số này thật đáng kinh ngạc so với giới hạn sinh lý của loài động vật này, nhưng bà cũng nói thêm rằng rất có thể đây chỉ là một vài con vô cùng đặc biệt. Cả hai lần lặn này được ghi nhận trong những tuần sau khi con cá này tiếp xúc với tín hiệu siêu âm của Hải quân, một âm thanh được cho là làm phiền các loài động vật dưới biển.
Ít nhất đã có những biểu hiện thích ứng với môi trường giúp cho loài thú có vú này tồn tại và sống sót trong những lần lặn sâu. Một là có thể cá voi chuyển dòng máu không đi vào gan, thận và ruột để giải phóng oxygen cho não, tim và cơ bắp – là những tế bào thiết yếu trong việc lặn sâu; và hai là chúng hạ thấp nhịp tim để giảm trao đổi chất.
Bà Lucía Martina Martín López, nhà sinh thái học động vật có vú dưới biển của Trường đại học St. Andrew, Anh, cho rằng có thể cá voi mõm khoằm có cấu tạo cơ đặc biệt khiến cho các tế bào ít phụ thuộc vào oxygen hơn. Do đó, khi các kho chứa oxygen cạn kiệt, loài vật này có cách chịu đựng được các hóa chất độc hại đang tích tục trong các cơ bắp đã làm việc mệt mỏi.
Những cú lặn kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ có thể vượt quá sức tưởng tượng của con người. Nhưng với cá voi mõm khoằm, với đặc điểm sinh lý độc đáo của chúng, những hành trình dưới biển sâu có thể chỉ là một chuyến bách bộ trong công viên. Điều đó cho thấy đặc điểm sinh lý của các loài thú có vú thật kỳ diệu.
Bí ẩn đằng sau hiện tượng cá voi mắc cạn hàng loạt
Lực lượng cứu hộ Australia đang nỗ lực giải thoát một bầy cá voi hoa tiêu vây dài mắc cạn trên đảo Tasmania.
Cá voi hoa tiêu mắc cạn tại New Zealand. Ảnh: AFP
Khoảng 470 con cá voi được cho là đã trôi dạt vào bờ biển hòn đảo và hơn nửa trong số đó đã chết.
Nguyên do cá voi mắc kẹt hàng loạt?
Đây là câu hỏi liên tục làm đau đầu giới khoa học nghiên cứu sinh vật biển trong nhiều năm qua. Vanessa Pirotta, một nhà khoa học chuyên về động vật hoang dã làm việc tại Sydney cho biết: "Các mối quan hệ giữa các vụ cá voi mắc cạn hàng loạt trên thế giới cho đến giờ vẫn là một bí ẩn".
Mặc dù các nhà khoa học không biết lý do chính xác là gì song họ hiểu rõ cá voi và cá heo là những động vật rất hòa đồng và luôn có xu hướng sinh hoạt theo bầy đàn. Chúng bơi cùng nhau theo nhóm, thường theo một con đầu đàn và hay tụ tập xung quanh những con cá voi bị thương hoặc gặp nạn.
Nhà khoa học hàng hải của Chính phủ Australia Kris Carlyon cho biết: "Có nhiều yếu tố dẫn đến tình huống cá voi mắc cạn hàng loạt. Thường thì đó đơn giản là hành vi sai lầm của một hoặc hai con đầu đàn, kéo theo những con còn lại trong bầy lao theo".
Tiến sĩ Mike Double - làm việc cho nhóm nghiên cứu Nam Cực giiar thích có thể con đầu đàn đi sai hướng hoặc cả đàn săn đuổi con mồi không để ý đã bơi vào vùng nước nông. Một lý giải khác hiếm gặp là đàn cá voi bị mất phương hướng vì các vụ động đất dưới biển.
Phần lớn các con cá voi bị mắc cạn là cá voi hoa tiêu vây dài kích thước 7 m nặng gần 3 tấn.
Olaf Meynecke - một nhà nghiên cứu cá voi tại Đại học Griffith (Australia) - cho hay cá voi hoa tiêu sử dụng sóng âm thanh để tìm mồi và định hướng. Vì vậy, một số giả thuyết cho rằng sự thay đổi của trường điện từ có thể làm nhiễu sóng âm thanh. "Những thay đổi này có thể xuất phát từ bão mặt trời hoặc các hoạt động địa chấn", chuyên gia Meynecke kết luận.
Nhân viên cứu hộ giúp một con cá voi trở lại biển. Ảnh: AFP
Công tác cứu hộ cá voi mắc cạn
Hồi sinh những con cá voi mắc cạn trên các bãi biển là một nhiệm vụ tốn nhiều công sức, khó khăn và nguy hiểm.
Mỗi con cá voi cần nhiều nhân viên đẩy chúng trở lại vùng nước sâu hơn khi thủy triều lên. Dây nịt và cáng cũng được sử dụng để gắn cá voi vào thuyền và kéo ra biển.
Về phần những con cá voi đã chết, xác của chúng dù là kéo thả ra biển khơi hoặc chôn trong bờ đều là những nhiệm vụ vất vả.
New Zealand và Australia là những điểm nóng về tình trạng cá voi mắc cạn hàng loạt trên thế giới do số lượng lớn cá voi hoa tiêu sống tại đây.
Vụ cá voi mắc cạn hàng loạt lớn nhất trong lịch sử xảy ra vào năm 1918. Khi đó 1.000 con cá voi đã bị đánh dạt vào bờ biển của Quần đảo Chatham, một phần lãnh thổ của New Zealand ở Thái Bình Dương.
Cá voi hoa tiêu thường bị mắc kẹt tại Farewell Spit - một dải cát hẹp trải dài 26 km từ điểm phía Bắc South Island của New Zealand đến biển Tasman. Năm 2017, khoảng 600 con cá voi hoa tiêu đã dạt vào dải cát này.
Trong khi đó, tại Australia, vụ việc gần đây nhất là khoảng 150 con cá voi hoa tiêu vây ngắn dạt vào bờ biển phía Tây nước này vào năm 2018. Vụ cá voi hoa tiêu mắc cạn lớn nhất tại quốc gia này là vào năm 1996 với 320 con.
Mũi đất Cape Cod (bang Massachusetts, Mỹ) - một bán đảo hình móc câu ở Đại Tây Dương - cũng chứng kiến trên 200 con cá voi, cá heo mắc cạn mỗi năm.
Chạy đua với thời gian để giải cứu đàn cá voi mắc cạn Lực lượng cứu hộ Australia đã giải cứu được 25 trong số 270 con cá voi mắc cạn trên bờ biển phía tây của đảo Tasmania, trong khi đã có tới 90 con khác đã tử vong. Hiện các nhà chức trách Tasmania đã huy động 60 người và một số thuyền để cố gắng giải thoát cho hơn 200 con cá voi...