Ca sĩ Ánh Tuyết: ‘Nhiều ca sĩ phô trương hình thức để lấp liếm thực tài’
“Ca sĩ tập trung vào tiếng hát để kể cho người nghe câu chuyện của tác giả. Hiểu được thì sẽ đọng lại. Hát không đọng lại thì chỉ là coi chứ không nghe” – ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ.
Khi trò chuyện, ca sĩ Ánh Tuyết luôn nhắc về thời đi hát – Ảnh: TRẦN MẶC
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online trong ngôi nhà cổ ở phố cổ Hội An, ca sĩ Ánh Tuyết hào hứng kể về thời ở Sài Gòn, cuộc sống yên bình ở xứ Quảng và suy ngẫm về nghề ca sĩ.
Khi hỏi, cô còn nhớ sân khấu không, người nghệ sĩ bảo: “Nhớ chứ. Bây giờ ngồi dưới sân khấu nào đó tôi cũng ức, cũng thèm và máu điên muốn nhảy lên. Thấy họ làm hay quá tôi cũng muốn nhảy lên làm theo họ, hoặc nếu làm không tới thì tôi cũng ngứa tay”.
Hội An cho tôi sự dịu dàng
* Rời Sài Gòn về Hội An sinh sống, bỏ lại nhiều điều không vui trong âm nhạc, hiện tại cô đã cảm thấy thoải mái với cuộc sống?
- Cuộc sống ở Sài Gòn hằng ngày phải tranh đấu, phải nghĩ ra cái này, cái kia để làm tốt. Cái đầu mình lúc nào cũng phải suy nghĩ, vừa làm công ty vừa phòng trà, vừa làm vợ vừa làm mẹ. Căng thẳng nhiều thứ lắm. Và Sài Gòn như mọi người đều biết, không có đi chậm được.
Tất nhiên Sài Gòn cho tôi nhiều, nuôi tôi lớn lên gần 30 năm trời. Sài Gòn cho tôi cuộc sống, để tôi có cái tên Ánh Tuyết rộng lớn hơn. Sài Gòn cũng cho tôi trưởng thành, đời hơn về nhiều thứ.
Sài Gòn cũng cho tôi những người bạn, chân tình có, xấu cũng có, nhưng tôi cảm ơn tất cả những điều xảy ra trong cuộc đời mình, kể cả điều xấu lẫn điều tốt. Bởi vì đó là những điều đã tôi luyện tôi.
Hồi trẻ tôi hay sân si, hơn thua nhưng chính những cái đó đã dạy cho tôi bình tâm và biết nhường nhịn hơn.
Cuộc đời như vậy, sân si cho lắm cũng thế thôi. Càng cố sân si thì chính bản thân mình càng mệt. Và hơn rồi để làm gì? Chẳng để làm gì cả.
* Thế Hội An đã dạy cô điều gì?
- Cũng nhiều chứ. Sự dịu dàng, nhẹ nhàng, đoan trang, kín đáo. Ở Sài Gòn, khi tôi điều quân khiển tướng, tôi dữ lắm. Ban nhạc mà lạng quạng là tôi đuổi luôn, đêm đó tôi sẵn sàng hát một mình mà không có ban nhạc. Tất nhiên khi đó mọi người vẫn thấy tôi hiền, vì ngoài công việc ra tôi vẫn bình thường.
Ánh Tuyết chăm sóc đàn chó, đàn ngỗng trong vườn nhà ở Hội An – Ảnh: TRẦN MẶC
Mình tôi đi ngược
* Ngày đó, cô tạo dựng tên tuổi mình thế nào?
- Khi tôi mới vào Sài Gòn, dòng nhạc bolero quê hương, dòng nhạc trẻ tràn ngập. Mọi người chen nhau, đánh nhau để hát những bài nhạc đó. Thế là tôi hát một dòng nhạc mà không ai tranh giành gì hết, một mình một cõi.
Cho nên tôi hay nói là, cứ người ta rủ nhau đi xuôi thì sẽ một mình tôi đi ngược. Còn người ta rủ nhau đi ngược tôi sẽ cứ vậy đi xuôi. Chỉ có như vậy mình mới nhìn thấy được lại mình, mới nhìn toàn diện được mình. Và người ta mới nhìn thấy mình được.
Video đang HOT
Có khi nhiều người nói tôi khùng. Ngẫm lại, người ta áo này quần nọ đủ thứ thay đổi, còn tôi chỉ một chiếc áo dài trắng. Người ta hổng nhớ tên mình thì cũng nhớ cái cô mặc áo dài trắng.
Ngoài ta tôi cũng cố gắng hát hết giọng nữ cao chót vót. Để làm gì? Để người ta không nhớ nhỏ này thì cũng nhớ giọng nhỏ cao chót vót. Tôi chọn cách đó để đi và không dựa vào ai.
Ánh Tuyết và con chó cưng cô nuôi – Ảnh: TRẦN MẶC
* Bây giờ bolero vẫn tồn tại ở nhiều phòng trà tại TP.HCM. Có những dòng nhạc tưởng chừng xưa cũ nhưng vẫn có đất sống.
- Tôi sinh ra trong thập niên nhạc bolero tràn ngập Việt Nam. Mọi người nói nghe nhạc bolero là sến. Tầm bậy! Trong âm nhạc không có chuyện sang hay sến, chỉ có hay hoặc dở thôi.
Trước đây khi tôi đưa quân ra diễn ở ngoài Bắc, có một bạn hỏi tôi, chị nghĩ như thế nào mà đưa các bạn sinh viên đi hát dòng nhạc già. Tôi nói, trong âm nhạc không có chuyện già hay trẻ, chỉ có hay và dở thôi. Và yếu tố hay dở này phụ thuộc vào tai nghe và cảm nhận của mỗi người.
Tôi đùa với bạn ấy, có lẽ theo cách nói của em, những dòng nhạc mới đẻ, mới sáng tác và hát qua được vài lần là chết nên được gọi là nhạc trẻ. Còn mấy bài hát này ra mà sống hoài cho tới bây giờ, không biết bao nhiêu đời rồi cũng còn sống, nó già theo nhạc sĩ nên được gọi là nhạc già.
* Nhiều ca sĩ trẻ ngày nay bị xem là bản sao của các ngôi sao khác, cô nghĩ sao về điều này?
- Nhiều người nói ca sĩ này giống người này người kia. Tại sao phải như vậy? Mình làm một chương trình chơi cho vui thì khác.
Nhưng để bắt những người này đi trên con đường nghệ thuật lâu dài mà làm bản sao của người khác là sai lầm. Con đường họ đi sẽ không dài bởi vì họ là cái bóng của người khác.
* Ngày trước, sân khấu của các nghệ sĩ thường đơn giản với vài ba nhạc công nhưng để lại dấu ấn trong lòng khán giả, trái ngược với nhiều ca sĩ hiện nay. Có phải những gì càng đơn giản càng dễ đi vào lòng người?
- Khi chúng tôi làm là tập trung vào tiếng hát và nghệ thuật. Tập trung vào tiếng hát để kể cho người nghe câu chuyện của tác giả. Mà để cho người nghe hiểu được thì sẽ đọng lại. Còn khi hát không đọng lại thì chỉ là đi coi chứ không đi nghe.
Sân khấu chúng tôi làm đơn giản để đi nghe là chính, còn đi xem là xem con người. Tức là người ta đến xem bằng da bằng thịt người nghệ sĩ.
Ngày đó mọi người không quan trọng sân khấu, tất nhiên, đẹp thì mới được nhưng không phải phức tạp hóa như bây giờ. Bây giờ gọi là hình thức lấp nghệ thuật. Họ phô trương hình thức để lấp liếm đi thực tài.
Nghệ sĩ thực thụ luôn muốn đẹp về nhân cách
* Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, cô chiêm nghiệm gì?
- Nhiều người buồn cười lắm, lâu lâu gặp tôi, họ hỏi còn ở với ông đó không? Nhiều người cứ nghĩ nghệ sĩ là thay tình như thay áo.
Nghệ sĩ là bộ mặt nổi người ta dễ nhìn thấy. Họ là người được công chúng yêu thích, vì đó người ta muốn dành riêng cái hình ảnh người nghệ sĩ đó vẫn luôn như vậy.
Nhưng họ quên rất nhiều người còn xấu xa và bẩn gấp ngàn lần. Nhưng không ai thấy vì họ không phải người nổi tiếng. Còn người của công chúng đụng đến là nhắc hoài. Ác. Tôi nói ác. Gán cho người ta như vậy tội lắm.
Ánh Tuyết song ca cùng Kyo York sau 10 năm rời sân khấu – Ảnh: Neo Michael
Người nghệ sĩ thực thụ lúc nào người ta cũng muốn làm đẹp mình đối với công chúng. Chính vì điều đó, đẹp cả tiếng hát và đẹp cả đời, cả người, cả nhân cách. Tất nhiên, ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên. Môi trường nào cũng có người nọ người kia.
Ánh Tuyết vẫn hát, để lại cho đời
* Cô có dự định gì mới với âm nhạc?
- Sau khi mọi thứ đã yên ổn, tôi muốn dưỡng sức làm album là chính chứ không đi diễn nữa. Thành thật mà nói, sức khỏe tôi không tốt, đi lại cũng khó khăn.
Bất kể là âm nhạc của ai, tôi thấy hợp thì tôi hát, như để lại cho đời và cho những người yêu thích mình vậy thôi. Thậm chí, nếu các bạn trẻ muốn xem đó là vốn liếng để học hỏi thì có thể dùng nó. Tôi cố gắng làm những gì tốt nhất, truyền tải những gì sâu sắc nhất, dễ hiểu hơn trong từng ca khúc.
Ca sĩ Ánh Tuyết ở tuổi 62: Tận hưởng thú vui điền viên bên ông xã người Pháp trong nhà vườn ở Hội An
Nhiều năm qua, Ánh Tuyết không xuất hiện trên sân khấu vì thích cuộc sống bình dị, yên ả ở Hội An.
Nàng thơ "cuối đời" của nhạc sĩ Văn Cao
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nên từ nhỏ Ánh Tuyết đã ảnh hưởng âm nhạc từ cha và anh. Chị bắt đầu bộc lộ năng khiếu hát từ khi 3 tuổi. Đến 17 tuổi, Ánh Tuyết trúng tuyển vào Đoàn Dân ca kịch và ca múa nhạc của Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó, chị học khoa thanh nhạc của ĐH Nghệ thuật Huế.
Dù đi hát từ sớm nhưng phải ngoài 30 tuổi Ánh Tuyết mới thành danh. Năm 1993, chị nổi tiếng khi hát đúng hai ca khúc Buồn tàn thu và Thiên thai trong chương trình của nhạc sĩ Văn Cao. Khi ấy, vị nhạc sĩ tài hoa đã nói rằng Ánh Tuyết thấu hiểu tác phẩm của ông và hát theo cách làm ông hài lòng nhất.
Ca sĩ Ánh Tuyết được mệnh danh là nàng thơ "cuối đời" của nhạc sĩ Văn Cao
Sau này, Ánh Tuyết được mệnh danh là nàng thơ "cuối đời" cố nhạc sĩ. Lúc sinh thời, Văn Cao từng rơi lệ khi nghe Ánh Tuyết hát Trương Chi. Ông từng nói với chị: "Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết".
Bản thân Ánh Tuyết cũng chia sẻ: "Chỉ cần nhắc đến Văn Cao, chỉ cần cất lên giai điệu thì tự nhiên trong tôi điều gì đó tuôn trào, âm nhạc của ông như quyện quánh vào tâm hồn.
Âm nhạc của Văn Cao như đẩy tôi bay, ở cõi nào đó rất cao, khi nhắc đến ông chỉ có hai hình ảnh, dáng dấp con người, những câu nói, cách nói chuyện làm cho tôi không thể nào quên được. Tôi yêu quý và trân trọng ông vô cùng".
Song Ánh Tuyết không chỉ thể hiện thành công các nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, mà những tên tuổi lớn như Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Phạm Duy... đặc biệt là Trịnh Công Sơn cũng tán thưởng tiếng ca của chị.
Lần nào Ánh Tuyết hát Đường xa vạn dặm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng khóc. Nữ ca sĩ kể có lần vừa hát xong, Trịnh Công Sơn đã kéo chị lại, chìa ra 4 cái khăn giấy trên tay và nói: " Anh ướt hết 4 cái khăn rồi ni".
Mới đây, Ánh Tuyết bất ngờ tái xuất sau nhiều năm vắng bóng trên sân khấu âm nhạc
Tuy vậy, nhiều năm qua, Ánh Tuyết vắng bóng trên các sân khấu âm nhạc để tận hưởng cuộc sống tuổi xế chiều. Mới đây, trong đêm nhạc của ca sĩ Kyo York, nữ ca sĩ mới hiếm hoi tái xuất và trình bày lại các ca khúc gắn bó với tên tuổi như Dòng sông xanh, Ô mê ly, Đường xa vạn dặm...
Dù vắng bóng đã lâu nhưng Ánh Tuyết tâm sự chị chưa bao giờ từ bỏ nghề hát. Sắp tới, chị sẽ bắt tay thực hiện album với những ca khúc mới. Nữ ca sĩ bày tỏ mong muốn thế hệ sau có thể học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thanh nhạc qua sản phẩm của chị.
Tuổi xế chiều tận hưởng cuộc sống điền viên ở Hội An
Không chỉ thành công trong âm nhạc, Ánh Tuyết còn rất "mát tay" trong lĩnh vực bất động sản. Chị được xem là "đại gia ngầm" của showbiz, sở hữu khối tài sản không hề nhỏ. Khoảng giữa thập niên 2000, chị mua rất nhiều đất, thấy rẻ thì mua, thậm chí mua mà không đi coi đất.
Đến nay, nữ ca sĩ nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản, trong đó phải kể đến khu nhà vườn rộng 7.000 m2 ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, hay căn nhà vườn hiện tại gia đình chị đang ở tại Hội An...
Sở hữu nhiều bất động sản, Ánh Tuyết được coi là "đại gia ngầm" của showbiz, chị hiện đang sống cùng gia đình tại một nhà vườn rộng rãi ở Hội An
Dù vậy, Ánh Tuyết không nghĩ mình giàu có. Nhiều năm qua, chị không xuất hiện trên sân khấu vì thích cuộc sống bình dị, yên ả ở Hội An. Chồng của Ánh Tuyết là kỹ sư người Pháp, Michel Jarnier. Chuyện tình xuyên biên giới của họ khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ.
Ánh Tuyết và ông xã nên duyên từ những lần nữ ca sĩ đi hát tại phòng trà. Thuở ấy, Michel Jarnier rất mê tiếng hát của Ánh Tuyết. Sau nhiều lần nghe và "phải lòng"cô ca sĩ người Việt, ông chủ động đến gặp người chủ của phòng trà để tìm hiểu về Ánh Tuyết.
Vì sự chân thành và kiên trì của Michel Jarnier, chủ phòng trà đã "ngầm" giúp ông có cơ hội gặp "người trong mộng" ngoài quán ăn. Nào ngờ, ngay trong cuộc gặp đầu tiên, chàng kỹ sư Pháp đã bày tỏ muốn cưới Ánh Tuyết làm vợ.
Ánh Tuyết tìm thấy sự bình yên bên ông xã người Pháp
Thấy Michel Jarnier hiền lành, chân thành, yêu mình và yêu cả nhạc Việt nên Ánh Tuyết quyết định cho ông và cũng là cho mình cơ hội tìm hiểu nhau. Sau khi quen biết một thời gian và tìm hiểu kỹ về lai lịch của Michel Jarnier ở quê nhà, nữ ca sĩ nhận lời làm vợ ông.
Đến giờ, vợ chồng Ánh Tuyết đã gắn bó bên nhau vài thập kỷ. Chị bảo bản thân thấy bình yên khi ở bên chồng. Bước vào tuổi xế chiều, cả hai cùng có thú vui điền viên. Họ đi đến những khu vườn xung quanh học hỏi cách trồng, tìm thêm nhiều loại, cây rau mới mang về trồng.
Ánh Tuyết chia sẻ chị có khoảng bốn, năm mảnh vườn ở quê nhà - nơi gia đình trồng các loại rau, thảo dược, cây trái, nuôi gà, vịt, chó, heo. " Bây giờ tôi thành người nông dân thứ thiệt - công việc mang lại niềm vui cho tôi lúc này", nữ ca sĩ nói.
Ở tuổi xế chiều, vợ chồng Ánh Tuyết thích tận hưởng cuộc sống thanh bình, vui thú điền viên
Ngoài làm vườn, thi thoảng, Ánh Tuyết còn mời bạn bè về nhà nấu ăn, giao lưu trò chuyện hoặc cùng ông xã đi du lịch, thăm thú nhiều nơi.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Bỏ showbiz ở ẩn, tuổi già bệnh tật nhưng giàu có, sở hữu biệt thự 7000m2 Sở hữu nhiều bất động sản và tài sản như vậy nhưng nữ ca sĩ không nghĩ mình giàu có. Tuổi 61, Ánh Tuyết sống những ngày bình yên bên người bạn đời và cả đàn thú cưng ở Hội An. Ở tuổi 61, ca sĩ Ánh Tuyết có sự nghiệp viên mãn và cuộc sống đủ đầy. Thế nhưng, đằng sau hào...