Cả nước xôn xao, Bộ GD-ĐT ở đâu trong vụ tiếng Việt công nghệ giáo dục?
Trong khi dư luận xã hội trong và ngoài nước sôi sục với câu chuyện tiếng Việt công nghệ giáo dục, một chương trình đã tồn tại 40 năm qua, với nhiều ý kiến trái chiều mà trong đó chủ yếu là chỉ trích gay gắt thì chưa thấy sự giải thích cặn kẽ, thấu đáo nào từ Bộ GD-ĐT.
Các cá nhân nỗ lực giải thích cho dư luận hiểu về chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục
Mặc cho cái sai, sự nhầm lẫn thao túng
Sau nhiều ngày, khi báo chí truy vấn, chỉ một trả lời ngắn gọn từ Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học rằng tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học, bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai.
Vậy thôi. Sau đó mặc cho xã hội muốn hiểu thế nào thì hiểu, thậm chí hiểu sai. Mặc cho “cơn bão” chỉ trích, phê phán… diễn ra gần như hằng ngày trong gần 2 tuần qua kể từ khi clip đầu tiên được một phụ huynh ở Phú Quốc (Kiên Giang) đưa lên mạng xã hội và được một số báo chí đăng lại việc phụ huynh hoang mang vì cô giáo dạy cách đánh vần “lạ”.
Mặc cho sau đó dư luận đẩy vấn đề xa hơn khi xỉ vả cả “cha đẻ” của chương trình này đến bàn luận việc độc quyền phát hành sách giáo khoa công nghệ… Bộ vẫn tiếp tục im lặng.
Các báo chính thống, bằng nỗ lực của mình, đã liên tục đưa tin bài nhằm giúp dư luận hiểu rõ vấn đề. Những người đã từng học Chương trình Thực nghiệm trong 40 năm qua kiên nhẫn lên mạng xã hội chứng minh rằng đây không phải là hủy hoại tiếng Việt như nhiều người nghĩ.
Các giáo viên tiểu học, ngữ văn, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học… góp sức bằng nhiều cách giải thích nhằm mong xã hội hiểu đúng. Mỗi người mỗi cách nhưng đều đứng ở góc nhìn của mình nên không thể bao quát, toàn diện để làm dịu dư luận.
Dường như mọi thứ đã quá muộn khi đến giờ các thông tin lệch lạc, sai vấn đề đã xâm chiếm mạng xã hội và đã len lỏi vào trong suy nghĩ của từng người khiến họ giữ nguyên định kiến.
Cái sai, sự nhầm lẫn khi được mạng xã hội lan truyền theo cấp số nhân thì dần trở thành… đúng khiến những nỗ lực “dân sự” bị chìm lấp trong những định kiến chưa đúng sự thật. Điều này khiến không chỉ phụ huynh năm nay “hoang mang” mà cả phụ huynh các năm trước cũng “hốt hoảng”, không chỉ người bình dân mà cả giới trí thức cũng thấy đầy ngờ vực.
Mới cuối tháng 8 chỉ có phụ huynh Phú Quốc lo âu thì nay ngay sau ngày khai giảng, phụ huynh ở Cần Thơ đã kéo đến trường đòi giải thích về tiếng Việt công nghệ giáo dục. Nếu không khéo, “đám cháy” này có thể còn lây lan ở gần 50 tỉnh, thành đang thực hiện chương trình này giống như một hai năm trước, phụ huynh tẩy chay mô hình trường học mới VNEN.
Cần sự giải thích thỏa đáng chính thống
Nếu lãnh đạo Bộ GD-ĐT có trách nhiệm hơn thì nên có buổi gặp mặt báo chí để giải thích cho rõ ngọn nguồn với dư luận, một clip phát biểu công khai minh bạch về câu chuyện này.
Khi tình hình đã đến mức này, dư luận cần nghe những phân tích thấu đáo cả mặt ưu điểm và hạn chế của chương trình này. Phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại liệu đến nay có còn phù hợp, có điểm nào đã lạc hậu, chỗ nào là hạn chế sau 40 năm…? Những ưu điểm nào của chương trình cần phát huy? Việc triển khai chương trình như thế nào? Những điều gì cần lắng nghe dư luận?… Không ai khác ngoài lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải xông vào giải thích với xã hội.
Dù đây là chương trình do một cá nhân thiết kế nhưng được Bộ GD-ĐT thẩm định và đưa vào sử dụng thì Bộ phải có trách nhiệm khi nó gặp sự cố, chứ không thể để mặc dư luận muốn nghĩ sao cũng được.
Theo Hong.vn
Bộ Giáo dục đã chấp nhận cách đánh vần "lạ" cho học sinh lớp 1
Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay cách đánh vần mà nhiều phụ huynh cho là "lạ" so với trước đây được học là theo chương trình Công nghệ giáo dục theo hướng ngữ âm học và thực tế đã được tổ chức, triển khai dạy học nhiều năm nay, chứ không phải năm nay mới có.
Như VietNamNet đưa tin, mới đây một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đang hút sự quan tâm của nhiều người với những tranh luận trái chiều vì cho rằng khó hiểu.
Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy "ngờ ngợ" và có vẻ khác thường.
Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh vần này không giống với cách đánh vần thông thường mà trước đây các phụ huynh từng được học.
Nhiều người đã hướng sự chỉ trích về cách dạy học của cô giáo trong đoạn clip.
Để làm rõ vấn đề này, VietNamNet đã liên hệ tới ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT).
Trao đổi với VietNamNet, ông Hữu cho hay, "cái lạ này" xảy đến bởi các phụ huynh trước đây quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành. Nhưng tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại thì đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì"
Cô giáo trong đoạn clip hướng dẫn phụ huynh để có thể hỗ trợ con khi ở nhà. "Thế nhưng dạy theo chương trình Công nghệ Giáo dục thì cách đánh vần và phát âm khác với chương trình đại trà hiện hành nên khiến nhiều phụ huynh xôn xao".
Theo ông Hữu, thực tế có nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh sau khi tiếp cận chương trình này cũng đánh giá là bình thường, không vấn đề gì.
"Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là "lạ" với cách của chương trình đại trà hiện hành", ông Hữu giải thích.
Bộ GD-ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học.
"Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục", ông Hữu nói.
Thanh Hùng
Clip: Lê Cheryl
Theo vietnamnet.vn
Sinh viên CĐ sư phạm chưa được đào tạo để đáp ứng thực tế? Những năm gần đây, việc tuyển sinh - đào tạo giáo viên cho cấp THCS ở nhiều trường CĐ sư phạm gặp khó khăn nhưng phần lớn vẫn duy trì hoạt động. Sinh viên ngành mầm non một trường cao đẳng sư phạm - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH Nhìn vào thực trạng tuyển sinh năm 2018 cũng thấy rõ điều này. Song, điều...