Ca mắc COVID-19 đầu tiên có thể xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 10/2019
Nghiên cứu mới của Anh cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan ở Trung Quốc vào đầu tháng 10/2019.
Hôm 25/6, Đại học Kent của Anh công bố nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học PLOS Pathogens cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan ở Trung Quốc vào đầu tháng 10/2019 – hai tháng trước khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được xác định ở thành phố Vũ Hán.
Theo đó, bằng phương pháp được sử dụng trong khoa học bảo tồn – phương pháp xác định thời điểm một loài sinh vật tuyệt chủng, các nhà nghiên cứu từ Đại học Kent ước tính virus SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện trong khoảng đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2019.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kent của Anh cho rằng, virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan ở Trung Quốc vào đầu tháng 10/2019. (Ảnh: Reuters)
Các nhà nghiên cứu ước tính thời điểm virus có khả năng xuất hiện lớn nhất là vào ngày 17/11/2019 và virus có thể đã phát tán ra toàn cầu vào tháng 1/2020.
Theo công bố của Trung Quốc, ca mắc COVID-19 đầu tiên của nước này là vào tháng 12/2019, có liên hệ tới chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Thế nhưng, một số trường hợp nhiễm bệnh thời gian đầu không có liên hệ với chợ Hoa Nam. Điều này có nghĩa virus SARS-CoV-2 đã phát tán trước đó.
Kết quả nghiên cứu chung được Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào cuối tháng 3 cũng thừa nhận, có thể đã có những ca nhiễm bệnh ở người trước khi bùng phát ở chợ Vũ Hán.
Trong tuần này, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đã khôi phục được dữ liệu về trình tự gen của các ca nhiễm virus được xác định giai đoạn đầu ở Trung Quốc. Trình tự gen của các ca bệnh này đã bị xoá khỏi dữ liệu khoa học trực tuyến.
Video đang HOT
Theo dữ liệu được khôi phục, các mẫu bệnh phẩm vật lấy từ chợ Hoa Nam “không đại diện” tổng thể cho virus SARS-CoV-2. Đây chỉ là biến thể của một trình tự gốc, lây lan và phát tán tới các vùng khác của Trung Quốc trước đó.
Stuart Turville, phó giáo sư tại Viện Kirby, một tổ chức nghiên cứu y tế của Australia, cho biết các mẫu huyết thanh vẫn cần được kiểm tra để xác định rõ hơn nguồn gốc của COVID-19.
“Trước áp lực hiện tại về giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm và sự nhạy cảm trong việc thực hiện các nghiên cứu tiếp theo ở Trung Quốc, có lẽ phải mất một thời gian nữa chúng ta mới thấy được những báo cáo như vậy”, ông Turville nói.
Chuyên gia kêu gọi lật lại cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán
Giới khoa học kêu gọi các nhà điều tra phỏng vấn lại các tiểu thương tại chợ Hoa Nam, Trung Quốc để tìm ra nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19.
Đội vệ sinh khẩn cấp xuất hiện tại chợ Hoa Nam vào tháng 1/2020 (Ảnh: AFP).
"Vì động vật hoang dã có nguy cơ lớn nhất, nên nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên ưu tiên khu chợ (Hoa Nam)", giáo sư Eddie Holmes, chuyên gia về tiến hóa và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney (Australia), nhận định.
Trước đó, ông Holmes từng chứng kiến động vật hoang dã được bán tại chợ Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi năm 2014.
Nhiều người vẫn cho rằng chợ Hoa Nam là trung tâm của đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên và virus đã lây nhiễm từ một loài động vật sang người. Ngày 31/1, một nhóm các nhà khoa học do WHO dẫn đầu đã đến thăm khu chợ này. Tuy nhiên, theo báo cáo của WHO, chỉ có 2 tiểu thương trong chợ được phỏng vấn và cả hai đều không tham gia buôn bán động vật hoang dã.
"Tôi không chắc ai là người kiểm soát lịch trình làm việc của WHO nên có thể (chợ Hoa Nam) nằm ngoài lịch trình của họ. Nhưng ít nhất thì các tiểu thương tại khu chợ này cần được phỏng vấn lại trong bất kỳ cuộc điều tra bổ sung nào về nguồn gốc virus", chuyên gia Holmes nhấn mạnh.
Chợ Hoa Nam thuộc sở hữu của Yu Tian, con gái của Yu Zhusheng - ông trùm xây dựng và bất động sản ở Vũ Hán và là người có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nhân và chính quyền thành phố. Con gái ông Yu là người điều hành khu chợ vào thời điểm dịch bùng phát. Đế chế kinh doanh của gia đình ông Yu gồm khoảng 60 công ty, với tổng vốn đăng ký khoảng nửa tỷ USD.
Gia đình doanh nhân Yu cũng sở hữu một khu chợ khác lớn hơn nhiều ở Vũ Hán, Four Seasons Beautiful Market, cách chợ Hoa Nam khoảng nửa giờ lái xe. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của WHO không đến thăm khu chợ này.
Một nhân viên của Tập đoàn Hoa Nam, nơi có trụ sở văn phòng bên cạnh chợ Hoa Nam, nói với Guardian rằng cả hai cha con ông Yu đều có mặt khi nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến thăm chợ Hoa Nam, nhưng không có ai trong nhóm của WHO nói chuyện với họ.
Virus có thể bắt nguồn từ động vật hoang dã?
Các thành viên của nhóm điều tra WHO tới chợ Hoa Nam vào tháng 1/2021 (Ảnh: AFP).
Vào thời điểm dịch bắt đầu bùng phát, truyền thông Trung Quốc cho biết chợ Hoa Nam có bán động vật hoang dã trước khi bị đóng cửa.
Một báo cáo của WHO từ tháng 11 năm ngoái cũng cho biết, tính đến cuối tháng 12/2019, 10 tiểu thương trong chợ Hoa Nam đã buôn bán động vật hoang dã sống gồm sóc chuột, cáo, gấu trúc, lợn rừng, kỳ nhông, nhím và hươu sao. Chợ cũng bán các động vật hoang dã được nuôi khác gồm rắn, ếch, chim cút, chuột tre, thỏ, cá sấu và lửng.
Theo báo cáo chung mới nhất của WHO và Trung Quốc, không có động vật hoang dã nào được phát hiện trong chợ khi các nhà chức trách Vũ Hán tới kiểm tra vào ngày 31/12/2019, trước khi chợ bị đóng cửa vào ngày 1/1/2020.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin 10 tiểu thương tại chợ Hoa Nam đã được cơ quan giám sát thị trường Vũ Hán cấp giấy phép buôn bán động vật hoang dã sống.
Peter J Li, chuyên gia về quyền động vật và buôn bán động vật hoang dã thuộc nhóm vận động Humane Society International của Trung Quốc, cho biết động vật hoang dã được buôn bán ở chợ Hoa Nam trong vài năm và vẫn còn được bán cho đến ít nhất là tháng 11/2019.
"Khi dịch mới bắt đầu bùng phát, mọi người vẫn còn thấy các biển quảng cáo (bán động vật hoang dã) còn được trưng bày ở đó, nhưng sau đó họ dỡ bỏ chúng. Nếu đúng như quảng cáo, ở đó chắc chắn phải có động vật hoang dã", ông Li nói.
"Bước quan trọng là phải xác định những động vật nào, đặc biệt là động vật hoang dã, đã xuất hiện ở chợ từ tháng 8 đến tháng 12/2019. Cần phải công bố đầy đủ thông tin này. Sau khi những động vật này đã được xác định, nguồn gốc xuất xứ của chúng - các trang trại, lái buôn, thậm chí các khu vực có động vật hoang dã - cần phải được truy tìm và tất cả động vật tại những địa điểm đó phải được kiểm tra bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau", chuyên gia Holmes nhận định.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào tháng 4 năm ngoái cho thấy, các loại virus như virus gây đại dịch Covid-19 có khả năng lây lan cao nhất từ các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, mà số lượng của chúng đã giảm đáng kể do hoạt động săn bắn, buôn bán trái phép và mất môi trường sống.
Trung Quốc đã công bố lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã vào tháng 2/2020.
Sau khi kết thúc cuộc điều tra tại Vũ Hán, nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã công bố báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo đưa ra 4 giả thuyết chính, trong đó giả thuyết "nhiều khả năng" nhất là virus lây từ động vật hoang dã như dơi sang người thông qua một động vật trung gian. Báo cáo cũng kết luận rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".
Tuy vậy, các quan chức Mỹ và một số chuyên gia vẫn để ngỏ khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần bác bỏ giả thuyết này.
Kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 nóng trở lại gần đây sau khi truyền thông tiết lộ một báo cáo tình báo Mỹ nói rằng, một số nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện hồi tháng 11/2019 không lâu sau khi Trung Quốc công bố các ca Covid-19 đầu tiên. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này cũng chỉ thị cộng đồng tình báo tìm ra câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đại dịch trong vòng 90 ngày.
Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19 Một chuyên gia y tế của WHO đã kêu gọi Mỹ chia sẻ bất kỳ thông tin tình báo nào mà họ có về nguồn gốc dịch COVID-19 với tổ chức và cộng đồng khoa học. Tuần trước, tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ các cơ quan tình báo Mỹ cho biết 3 nhân viên tại một phòng thí nghiệm ở...