Cả lớp được khen, cháu nào cũng giỏi, cha mẹ hoang mang
Nhiều phụ huynh hoang mang khi con được giấy khen (ảnh minh họa).
Thực hiện thông tư 30 của Bộ GD – ĐT trong năm học 2014 – 2015 vừa qua, hiệu trưởng các trường tiểu học tự quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình và tự đặt tên gọi cho các thành tích trên. Việc cháu nào cũng được khen và mỗi nơi khen một kiểu đang gây tâm lý hoang mang ở nhiều phụ huynh.
Giấy khen, mỗi nơi ghi một kiểu
Video đang HOT
Theo tinh thần của Thông tư 30 có 3 tiêu chí để nhận xét học sinh trong suốt năm học gồm: Học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện. Ở một số trường sẽ xem xét học sinh tích cực về mặt học tập dựa trên căn cứ có 4-5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập còn em nào có ý thức tốt thì tuyên dương về năng lực phẩm chất.
Cách làm như trên dẫn đến tình trạng mỗi trường có cách gọi khác nhau khi ghi nhận thành tích cho học sinh. Cụ thể cùng đánh giá một học sinh có thành tích học tập tốt nhưng lại có nhiều cách biểu đạt khác nhau như: “Đạt thành tích nổi bật trong học tập; Hoàn thành tốt nội dung học tập; Đạt danh hiệu học sinh giỏi; Học sinh tiêu biểu …”.
Riêng chị Phùng Thị Quỳnh (Gò Vấp) cầm trên tay tờ giấy khen của con với dòng thành tích ghi “Đạt thành tích vượt bậc so với năm học trước” lại bày tỏ cảm xúc: “Tôi cảm thấy lo lắng, những năm học trước con mình học điểm số luôn nằm trong khoảng trung bình – khá trở lên mà tại sao năm học vừa qua cô giáo nhận xét có thành tích vượt bậc, nhận xét như thế chẳng phải con mình trước đây học lực kém hay sao”.
Mỗi trường một cách ghi thành tích khác nhau.
Trước những băn khoăn của phụ huynh khi đọc nhận xét học tập của con, cô P.A – Phó hiệu trưởng một trường Tiểu học quận 7 (TP HCM) giải thích: “Giấy khen nhà trường phát cho học sinh năm học vừa qua chủ yếu 2 phần gồm: Một là học sinh có thành tích nổi bật toàn diện và hai là học sinh có sự tiến bộ vượt bậc áp dụng cho những em hoàn thành tốt mặt nào sẽ khen thưởng mặt đó. Vì thế sẽ có nhiều dạng khen thưởng mang tính chất động viên, khích lệ”.
Cùng quan điểm giáo dục như trên, cô Thùy- giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Tân Bình – TP HCM) chia sẻ: “Việc nhận xét cụ thể từng học sinh giúp phụ huynh bỏ thói quen chỉ nhìn bên ngoài hiện tượng mà đi thẳng vào bản chất vấn đề trong việc theo dõi sự tiến bộ của học sinh trong năm học. Phụ huynh yên tâm là khi bỏ thói quen định lượng bằng mức độ hạnh kiểm như trước kia nhưng giáo viên vẫn nắm chắc tình hình học tập của học sinh”.
Phụ huynh cần thích nghi dần
Khi áp dụng phương pháp mới trong nhận xét, đánh giá học sinh nhằm giảm áp lực ganh đua điểm số, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện nhưng việc “cả lớp con đều được giấy khen” khiến ông Hoàng Minh Huy, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Phú Lâm (TP HCM) lo lắng: “Tôi thấy mức xếp loại giống các năm trước giúp phụ huynh dễ theo dõi tình hình học tập của con hơn. Bản thân các em cũng hứng thú hơn khi cuối buổi học có thể biết được kết quả của mình thông qua điểm số cụ thể. Học sinh có học lực tốt hãy khen thưởng để tạo động lực phấn đấu cho những em còn lại”.
Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề ghi thành tích học tập cho các em tiểu học.
Giải tỏa tâm lý điểm số trong năm học, ông Lê Ngọc Điệp – nguyên trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM chia sẻ: “Nếu dùng căn cứ xếp loại cũ để đánh giá một cái mới là không phù hợp. Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tư 30 và có sự thay đổi tư duy để thích nghi với cái mới. Phụ huynh nghĩ rằng quá nhiều học sinh giỏi thì giấy khen không còn giá trị nhưng cốt lõi thông qua nhận xét trên giấy khen giúp phụ huynh biết con mình đã học tốt cái gì, phẩm chất và năng lực nó được thể hiện như thế nào”.
Với câu hỏi có cần thiết phải tìm ra một tên gọi thống nhất chung cho thành tích học tập của học sinh tiểu học không, ông Điệp cũng cho biết: “Mục tiêu của thông tư 30 là phát triển năng lực học tập của học sinh nhằm loại bỏ hình thức đạt một danh hiệu cụ thể thông qua xếp thứ tự xếp hạng. Cần phải thông cảm cho phụ huynh vì đó là một thói quen định lượng xếp hạng từ hạng nhất tới hạng chót trong lớp. Nhưng thay đổi sẽ giúp chúng ta tôn trọng một đứa bé dù chưa đạt được kết quả học tập cao nhưng có kết quả tốt ở kiến thức kỹ năng, phẩm chất”.
Theo laodong.com.vn