Cá gỏi kiến vàng Kon Tum: Đặc sản nức tiếng vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên
Cá gỏi kiến vàng được chế biến từ ‘lộc trời ban’ ở Tây Nguyên, mỗi năm chỉ có một mùa vào khoảng cuối tháng 5 – đầu tháng 6.
Nghe tên gọi “ cá gỏi kiến vàng” có vẻ độc lạ, hấp dẫn nhưng nhìn cách bà con chế biến, hẳn nhiều người sẽ không dám ăn. Tuy nhiên, nếu lỡ nếm thử một lần, chắc chắn thực khách sẽ bị cuốn hút bởi sự thơm ngon, bổ dưỡng và hương vị vô cùng đặc biệt của món ăn này.
Người Rơ Măm thường dùng trứng kiến để nấu canh chua, trộn gỏi, xào thịt (Ảnh: Trần Hiền)
Người Rơ Măm là dân tộc rất ít người ở Việt Nam, với gần 160 hộ (khoảng 460 nhân khẩu) sinh sống chủ yếu ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Là tộc người cổ sống từ lâu trong rừng sâu nên bà con Rơ Măm có nhiều món ăn rất kì dị, khác thường, ít ai có thể thưởng thức được. Người Rơ Măm thường dùng kiến vàng và trứng kiến để nấu canh chua, trộn gỏi, xào thịt hoặc làm gia vị chấm.
Cá gỏi kiến vàng được chế biến từ “lộc trời ban” (Ảnh: Trần Hiền)
Tuy nhiên, hương vị thơm ngon, tinh túy nhất phải kể đến món cá gỏi kiến vàng được chế biến từ “lộc trời ban”, mỗi năm chỉ có một mùa, vào khoảng cuối tháng 5 – đầu tháng 6. Quanh khu vực cư trú của người Rơ Măm có rất nhiều kiến vàng nhưng theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, kiến vàng ngon phải là những ổ kiến non hoặc có thật nhiều trứng.
Cá gỏi kiến vàng là một trong những đặc sản nức tiếng của vùng đất bạt ngàn nắng gió Tây Nguyên chính bởi vị ngon, lạ và nét độc đáo không hề trộn lẫn. Hơn nữa, sức hấp dẫn của món cá gỏi kiến vàng lại không thể hiện ở hình thức bên ngoài.
Sức hấp dẫn của món cá gỏi kiến vàng không thể hiện ở hình thức bên ngoài (Ảnh: mia)
Video đang HOT
Để chế biến được món cá gỏi kiến vàng cần trải qua nhiều công đoạn cầu kì, tỉ mỉ. Muốn giữ đúng hương vị đặc trưng của món cá gỏi, người Rơ Măm thường chọn cá suối với phần thịt săn chắc, vảy đều, tươi ngon. Như vậy, món ăn sẽ có vị ngọt, dai, mùi thơm tự nhiên và không hề bị tanh.
Còn đối với nguyên liệu thứ hai, bà con sẽ tìm kiếm những tổ kiến thật to, khối lượng trứng lớn bởi trứng kiến vàng rất thơm, ăn lại bùi, chế biến cùng cá suối cho vị ngọt thơm của cá, ngậy của trứng và chua của kiến.
Cá suối lọc thịt rồi băm nhuyễn, vắt cạn nước để khử mùi tanh (Ảnh: mia)
Theo kinh nghiệm đi rừng của đồng bào Rơ Măm truyền lại, khi lấy được tổ kiến vàng, họ thường đặt phía dưới một chậu nước, lấy cán dao gõ cho kiến rơi ra rồi nhẹ nhàng tách đôi, nhặt lấy trứng kiến. Trứng kiến vàng thường to bằng hạt gạo, có màu trắng đục và mùi thơm nhẹ.
Khi chọn được cá suối đạt tiêu chuẩn thì đem về làm sạch, lọc thịt rồi băm hoặc giã nhuyễn, vắt cạn nước để khử mùi tanh. Tương tự như cá suối, phần thịt kiến và trứng kiến cũng được làm nhuyễn rồi đem phơi dưới nắng cho se lại.
Cá gỏi kiến vàng cuốn với lá rừng như lộc vừng, xoài non, lá sung (Ảnh: Phạm Hoàng)
Công đoạn kế tiếp chính là nêm gia vị, trộn chung cá với kiến cùng muối hột, tiêu rừng, ớt xanh, có thể thêm chút thính gạo cho dậy mùi và nhớ phải trộn thật đều tay, để trong khoảng 30 phút. Theo tiếng dân tộc, bà con gọi món cá gỏi kiến vàng là Plat, còn trộn thêm thính gạo vào thì gọi là Trót IagLia, vừa có vị ngọt của cá, vị chua của kiến và vị béo ngậy đặc trưng của trứng kiến.
Không biết món cá gỏi kiến vàng ra đời từ khi nào nhưng theo các già làng thì món ăn được cha ông truyền lại. Trải qua bao đời, cá gỏi kiến vàng trở thành đặc sản lúc nào không hay. Người Rơ Măm thường làm cá gỏi kiến vàng trong dịp Tết, ngày lễ quan trọng của làng hoặc gia đình thiết đãi khách quý. Hiện nay, những người lớn tuổi thạo chế biến món này vẫn thường truyền dạy cho lớp trẻ kinh nghiệm và bí quyết để gìn giữ món ăn truyền thống của dân tộc mình.
Món ăn có vị ngọt của cá, vị chua của kiến, vị béo ngậy của trứng kiến (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)
Thưởng thức cá gỏi kiến vàng cuốn với lá rừng như lộc vừng, xoài non, lá sung…, uống chung rượu ghè (rượu cần) là một trong những nét văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Vị ngọt của cá suối quyện cùng vị chua chua, béo ngậy của kiến, vị cay xé của tiêu ớt, thêm một chút đắng của các loại lá rừng tạo cho cá gỏi trứng kiến một hương thơm khác lạ, không thể trộn lẫn với bất kì món gỏi cá nào.
Thưởng thức đặc sản nướng thơm nức mũi, ngọt lịm người chỉ có ở Tây Nguyên
Gà nướng Bản Đôn, thịt nai nướng Đắk Lắk, bò nướng ống tre Gia Lai vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Hội kỷ lục gia Việt Nam) công nhận là món ăn thuộc Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022).
Gà nướng Bản Đôn (Đắk Lắk)
Theo Tổ chức kỷ lục Việt Nam, mỗi tỉnh Tây Nguyên đều có món gà nướng với cách bí quyết và cách chế biến khác nhau. Tuy nhiên, nhờ chú trọng vào khâu nuôi và chọn gà, gà nướng Bản Đôn được đánh giá là ngon nhất.
Để làm món ăn này, gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Gà cũng phải là loại gà mới lớn với trọng lượng chỉ hơn 1kg. Nếu chọn phải gà quá lớn hay quá nhỏ thì đều khiến món ăn mất ngon.
Cách chế biến gà cũng vô cùng đặc sắc. Sau khi làm sạch, gà sẽ được mổ dọc theo ức rồi bẻ dẹt ra. Sau đó, ướp cùng muối ớt, nước xả và thêm ít mật ong rừng. Đặc biệt, người dân sẽ giã cây sả rồi lọc lấy nước để ướp chứ không dùng tới xác. Càng nhiều nước sả, vị gà càng ngon.
Sau khi ướp khoảng 30 phút, gà sẽ được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ béo ngậy.
Để ăn gà nướng Bản Đôn chuẩn vị thì phải chấm với muối ớt hoặc muối sả. Mà dù chấm cùng loại muối nào thì cũng phải được giã với những trái ớt rừng xanh giòn thơm.
Vào những buổi chiều se lạnh đậm chất núi rừng Tây Nguyên, xé miếng gà nướng thơm phức, chấm thêm tí muối cay cay rồi lại uống miếng rượu cần, kèm thêm phần cơm lam chấm muối lạc hay muối mè thì lại càng không chê vào đâu được. Trải nghiệm tuyệt vời này sẽ khiến du khách nhớ mãi không quên.
Thịt nai nướng (Đắk Lắk)
Tìm món nai nướng tại núi rừng Tây Nguyên không khó. Nhưng ở Đắk Lắk, món ăn này lại là ngon nhất vì cách chế biến của người Đắk Lắk rất khác biệt, giản dị nhưng lại hết sức tỉ mỉ và đầy tinh tế.
Khi làm thịt nai nướng, người dân nơi đây sẽ chọn những mảng thịt nai tươi ngon nhất, mang đi thái mỏng rồi ướp gia vị. Đợi đến khi gia vị đã thấm vào thớ thịt thì sẽ mang đi nướng trên lửa củi hoặc lửa than rồi trở đều tay khi nướng cho thịt chín đều ở hai mặt.
Miếng thịt nai nướng ngon sẽ một miếng thịt không dai vì chín quá mà cũng không bở vì quá tái. Khi ăn, nhờ hương vị đậm đà, thực khách có thể thưởng thức ngay khi lấy từ bếp nướng xuống mà không cần nước chấm.
Vị ngọt dịu của miếng thịt hòa cùng các loại gia vị, thơm nồng, cay nhẹ. Ăn xong, dư vị vẫn còn lưu lại nơi đầu lưỡi, ấm áp cổ họng. Món ăn này đặc biệt hơn khi được ăn kèm với gừng nướng, tạo hương vị độc đáo và kích thích vị giác.
Không chỉ nướng, thịt nai cũng còn có thể chế biến theo 6 cách khác là thịt nai xào, thịt nai nhúng mẻ, sườn nai rán, giấm nai lúc lắc, cháo bao tử nai và khô nai. Món nào cũng ngon, cũng khiến thực khách muốn ăn nữa.
Bò nướng ống tre (Gia Lai)
Tuy được chế biến đơn giản nhưng bò nướng ống tre sẽ lại mang đến hương vị cực kỳ độc đáo. Để mang đến hương vị tuyệt vời nhất, người dân Gia Lai sẽ chọn loại bò tơ, thịt mềm.
Đem thịt bò thái thành từng miếng vừa ăn, đem trộn ướp với các loại gia vị đã được giã nát như sả, lá é... Ướp thịt được 30 phút thì cho vào ống nướng. Ống ướng thịt thường là những ống tre hoặc nứa tươi còn non và to khoảng bằng cổ tay người lớn. Lấy lá dứa bịt kín lại rồi nướng trên đống lửa than.
Thịt bò nướng trong ống tre sẽ không có mùi khói. Thay vào đó, vị ngon, ngọt và mềm của thịt sẽ cùng hòa quyện với hương vị của thiên nhiên một cách tinh tế.
Đổ thịt ra khỏi ống, những miếng thịt chín đều, thơm phức ăn cùng với các của các loại rau rừng sẽ khiến món ăn càng trở nên hấp dẫn. Có thêm muối lá é, cơm lam thì còn gì bằng. Những ai lần đầu thưởng thức món này đều khó quên, thậm chí là mê mẩn.
12 món ngon nghe lạ tai, ăn lạ miệng ở Kon Tum 12 món ngon nghe lạ tai bạn khó có thể bỏ qua những món đặc sản do người dân tộc nơi đây chế biến khi đến thăm vùng đất này. Gỏi lá Đến Kon Tum mà chưa ăn gỏi lá thì coi như chưa đến. Quả đúng như tên gọi, món gỏi lá này toàn... lá. Chỉ một món ăn mà bày kín...