Buồn vui lò luyện thi… cấp tốc mùa World Cup
Mặc dù kì thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc được gần 1 tuần nhưng lượng sĩ tử đổ về Hà Nội luyện thi khá “đìu hiu”. Có lẽ biết trước được xu hướng này nên rất ít các trung tâm mở ra các lò luyện thi cấp tốc.
Dưới cái nắng gay gắt của Hà Nội, với vai là sĩ tử đi tìm “lò luyện”, tôi phải mất vài vòng lượn quanh khu phố Tạ Quang Bửu gần ĐH Bách khoa Hà Nội thì mới tìm ra được một bàn thông báo mở lớp luyện thi cấp tốc. Niềm nở “đón khách”, cô nhận viên đưa tôi tờ rơi quảng cáo với những thông tin khá ấn tượng (Toán thầy P (ĐHXD)- thầy N (ĐHCD); Lý thầy T (ĐHSP); Hóa thầy C (ĐHBK). Lớp chất lượng cao dưới 50 học sinh, phòng học thoáng mát…) sau đó chỉ tôi về khu ký túc xá X của ĐH Bách khoa Hà Nội và nói: “Lớp mới mở hôm 7/6, chiều nay ôn luyện môn Hóa hữu cơ, 16h bắt đầu học. Anh cứ đến khu X sẽ có người đưa lên”.
Một lớp luyện thi cấp tốc ở khu Tạ Quang Bửu.
Liếc nhìn đồng hồ đã là 15h55 phút, tôi chạy một mạch đến khu X vì sợ trễ giờ. Đặt chân lên đến nơi cũng là lúc công đoạn thu tiền học sắp “khóa sổ”, tôi vội vàng rút 25.000đ để đăng ký học thử và buổi luyện thi cấp tốc của tôi bắt đầu…
“Công nghệ” cấp tốc
Vô tình gặp thầy C (ĐHBK) – người phụ trách ôn luyện môn Hóa trước hành lang lớp học cùng với tập đề thi trắc nghiệm dày cộp trong tay, tôi lân la hỏi: “Phương pháp ôn luyện của mình là như thế nào vậy thầy? Liệu với khoảng thời gian hơn 3 tuần liệu có ôn tập kịp?”
Khẽ mỉm cười với đứa “học trò” mới từ tỉnh lẻ lên (vì tôi không phải là người Hà Nội), thầy C. giải thích: “Em không cần phải lo, chắc chắn là kịp. Ở đây mình ôn luyện theo hình thức bám sát cấu trúc đề thi tuyển sinh của Bộ, tập trung vào những phần trọng điểm hay được ra trong đề. Bên cạnh đó thầy cũng sẽ cung cấp cho các em các kỹ năng làm bài như tính toán nhanh, giải bài toán “mò” từ đáp số lên…”.
“Sĩ tử thời nay cũng sướng. Môn Hóa không như trước kia là phải ôn tập thi theo hình thức tự luận mà bây giờ thi theo hình thức trắc nghiệm nên cũng dễ dàng hơn. Chỉ cần biết cách và mẹo thì kiểu gì cũng làm được bài tốt”, khẽ đặt tay lên vai tôi, thầy C động viên.
Phòng luyện thi ở khu X khá “hoành tráng”, với thiết bị ánh sáng và quạt mát đầy đủ. Ngày thường thì đây là phòng tự học của sinh viên ở trọ kí túc xá X nhưng đến đợt cao điểm như thế này thì do đa số sinh viên đã nghỉ hè nên phòng được cho thuê để tổ chức luyện thi.
Trong căn phòng hơn 80m2 gần 70 con người đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau hào hứng chờ đợi buổi học cấp tốc đầu tiên về Hóa hữu cơ do thầy C dạy. Một sĩ tử đến từ Hà Nam chia sẻ khi bắt gặp tôi bước vào lớp: “Chẳng biết thầy dạy thế nào? Lúc sáng cậu có đi học hóa vô cơ không?” Tôi khẽ lắc đầu rồi đi xuống dãy bàn cuối lớp chọn một vị trí thích hợp để “ôn luyện”.
Theo lịch trình thì buổi học sẽ kéo dài từ 16h cho đến 18h kém 15p. Trong khoảng thời gian này thầy C sẽ phải “đánh gọn” toàn bộ phần đại cương Hóa hữu cơ.
Video đang HOT
Khác với những gì mà thầy C tâm sự với tôi trước giờ vào lớp, thầy “ề à” nêu ra các kiến thức trọng điểm mà được cho rằng chắn chắn sẽ có trong đề thi.
“Đề thi nó chỉ nằm gọn trong các kiến thức tôi nêu ra, các em chỉ cần nhớ là chắc chắn làm bài được. Thời gian không cho phép tôi ghi gì các em cứ chép thế và tôi sẽ không giải thích cụ thể”, thầy C nhấn mạnh
Gần 70 con người như một cái máy, thầy ghi đến đâu trò chép đến thế. Cuộc hành trình “tập luyện” chữ viết kéo dài đến tận 17h30 mà vẫn chưa thấy cuộc chiến làm quen với bài tập đầu. Bên cạnh đó do lớp học nằm ở trong khuôn viên ký túc xa nên tiếng nhạc từ đài phát thanh, từ phòng của sinh viên “át” luôn tiếng thầy (cho dù chủ lò luyện đã khép bớt cửa sổ) nên trong khoảng thời gian này không ít sĩ tử ngao ngán và ngáp ngủ liên tục.
“Biết luyện thi cấp tốc kiểu này thì ở nhà ngủ cho xong. Tưởng lên Hà Nội gỡ gạc tí kiến thức, ai dè…” - Đạt, một thí sinh đến từ Thái Bình than thở với tôi.
Khi tôi đề cập nếu học chán thế này thì ra rút tiền lại ở nhà ôn luyện cho khỏi tốn kém Đạt lắc đầu ngán ngẩm: ” Nộp tiền rồi không cho rút lại ông ạ. Mất tiền thì cứ đến ngồi nghe được cái gì thì được, chứ bây giờ bỏ mà không học thì phí lắm…”.
Và kế hoạch luyện thi cùng… World Cup
Đang mắt nhắm mắt mở vì buồn ngủ do thất vọng lại cộng thêm với cảnh buồn chán luyện thi, Quân – thí sinh đến từ Hải Dương giật mình bởi có tin nhắn điện thoại. Lôi điện thoại từ túi quần ra Quân háo hức khoe: ” Thằng bạn ở quê nhắn tin là sắp tới có xem World Cup không. Mà này ông có thích xem bóng đá không thế?“
Tôi hăm hở tiếp chuyện: “Thích chứ, bóng đá là tôi ham lắm. Nhưng mà bận ôn thi thế này chắc là không xem được rồi”.
Bĩu môi nhìn tôi, Quân gằn giọng: “Ôn luyện cả năm, chứ mấy ngày này nhằm nhò gì. Như tôi đây này, nếu ở nhà thì chắc chắn bị cấm xem nên xin bố mẹ lên Hà Nội làm chuyến luyện thi vừa du lịch lại vừa được thả phanh để xem bóng đá”
Trước câu chuyện World Cup, mấy sĩ tử bên cạnh cũng hồ hởi tham gia: “Thế ông có biết nơi nào xem màn ảnh rộng không, xem như thế mới sướng!”.
Chưa từng quen biết nhau nhưng giờ đây các sĩ tử cho nhau số điện thoại không phải là mục đích để cùng nhau “ôn luyện” mà thay vào đó là những cuộc hẹn hò cùng đi xem…World Cup.
Không chỉ có cánh mày râu mà ngay cả các sĩ tử nữ cũng bị lôi cuốn. Huyền, thí sinh đến từ Hưng Yên ngồi bàn kế trước tôi chia sẻ: ” Người yêu em đang học trên này. Anh ấy nhắn tin là hôm nào có bóng đá sẽ qua phòng trọ đón để đi xem cùng. Ở nhà em thích xem bóng đá lắm”.
Thấy vẻ mặt hơi ngạc nhiên của tôi, Huyền mỉm cười thanh minh: “Em cũng muốn ôn luyện lắm nhưng học không vào. Lấy cớ lên ôn luyên thôi chứ chủ yếu là gặp người yêu và đi xem bóng đá là chính. Ở nhà thì làm sao mà xem được”.
Câu chuyện World Cup bị gián đoạn giữa chừng bởi buổi học đã kết thúc. Trong khi thầy C. đến tận nơi phát cho mỗi học viên một đề thi trắc nghiệm để tối còn ôn luyện thì không ít sĩ tử đã “nhẹ nhàng” rời khỏi phòng thi tiếp tục cuộc “hẹn hò”.
Theo Dân Trí
Học 'lò' - bao nỗi đa đoan
Chỉ gần hai tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào kì thi đại học. Đây là thời điểm các lò, lớp dạy thêm tăng cường hoạt động.
Nhiều năm qua, báo chí vẫn phản đối chuyện học thêm. Tuy nhiên, cứ đến dịp ôn thi, các lò, lớp ngoài trường vẫn hoạt động tưng bừng. Điều này có thể tạm thời lí giải: cầu sinh ra cung. Khi mà các sĩ tử vẫn tha thiết với chuyện học thêm, và phụ huynh vẫn chăm bẵm cho việc học thêm của con em mình thì các lò luyện thi còn được dịp nở rộ.
Chen chúc chờ mua thẻ vào học luyện thi tại lò luyện cạnh Trường ĐH KHXH&NV
Những bạn tìm đến lò nếu không vì sức học đuối, thì cũng là những bạn muốn thi trường cao nhưng không tự tin vào lực học của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít thủ khoa, á khoa các trường đại học thổ lộ về việc học lò của mình. Hoài, sinh viên Học viện Tài chính đã tâm sự: "Bản thân mình ngại học thêm nhưng thiên hạ đổ xô đi học chả lẽ mình làm ngơ mãi. Chỉ sợ không học thêm, đến lúc thi trượt mọi người lại đổ cho mình chủ quan, lười biếng...".
Học lò cũng lắm cái hay!
Kể ra học lò cũng có nhiều tác dụng. Ở những trung tâm luyện thi nổi tiếng đa số giáo viên đều là những người có uy tín. Ỏ nhiều nơi như Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ, Nam Định..., giáo viên được các lò mời phần lớn đang dạy ở các trường chuyên, trường có chất lượng đào tạo tốt (tất nhiên không tránh khỏi những trường hợp trung tâm lén "mượn" tên những thầy dạy danh tiếng nhằm câu học sinh). Còn nhớ dạo học lớp 12, giống như nhiều học sinh khác, tôi cũng mon men đến lò học. Học chủ yếu vì nghe danh thầy dạy đã lâu, mà thầy dạy hay không học cũng tiếc. Những tên tuổi như thầy C. dạy văn, cô L. dạy sử, thầy H. dạy lí, thầy H., thày Ch. dạy Hóa,...đã lôi cuốn bao học trò đến lò.
Nhiều bạn cho rằng học ở lò tập trung hơn ở lớp. Nghe thật lạ. Xét về điều kiện học tập, tất nhiên trên lớp ăn đứt ở lò rồi, thế nhưng có thể lí giải khác đi rằng: học lò là tự nguyện đăng kí, nghỉ buổi nào xót tiền buổi đấy nên nhiều bạn tỏ ra có ý thức nghe giảng hơn. Và xem ra nhiều bạn học đôi khi lại làm tăng khí thế học tập. Học lò giúp ta biết thêm nhiều bạn mới ngoài lớp, ngoài trường, giúp ta có cơ hội trao đổi, hỏi han nhiều người. Như bạn Nguyễn Thủy - vốn là học sinh lớp Văn nhưng lại chọn thi ban A, nhờ học lò mà trở nên thân thiết với nhiều bạn lớp Lí, Hóa, Tin. Điều này giúp cô bạn thuận lợi rất nhiều trong việc hỏi han bài vở. Học lò bạn cũng có cơ hội luyện nhiều đề hay, sát với chương trình thi. Ngoài ra, có ý kiến phản ánh rằng, nhiều thầy cô dạy ở lò dường như tận tình, trách nhiệm với học sinh hơn là dạy trên lớp. Đó cũng là một nguyên nhân khiến các bạn đổ xô đi học lò.
Học lò thật lắm gian nan!
Tuy nhiên học lò cũng có không ít điều nan giải.
Chóng mặt về lò! Đấy là nhận xét của nhiều bạn khi học lò. Chóng mặt trước hết ở mục đăng kí phiếu học. Không phải ai có tiền cũng vào được lò. Ở những lò có thầy dạy uy tín, học sinh phải nhanh chân mua phiếu. Nếu chậm trễ sẽ không còn lớp học bởi ở các lò luôn diễn ra tình trạng quá tải. Nhiều lò còn áp dụng biện pháp ép học sinh phải mua một phiếu ghi ít nhất hai môn học, khiến nhiều bạn chạy ngược xuôi tìm người thỏa thuận học chung phiếu.
Cảnh chen chúc thường thấy trong các lò luyện thi.
Chóng mặt vì đông! Ai đã đi học lò mới hiểu cái tên Lò - luyện - thi quả không sai. Như đã nói ở trên, một thời cuối lớp 12 tôi đã từng theo chân bạn đi nếm vị lò. Dù đã hơn một năm trôi qua nhưng những ấn tượng về các lò luyện thi thật khó phai trong tôi. Ấn tượng đầu tiên: lò là những căn phòng khoảng 15-20 mét vuông, có 1-2 cửa ra vào rộng không quá 1 mét cùng vài cửa số. Điều đáng nói là những căn phòng ấy chứa tới hơn 60 người. Trong cái nóng hầm hập, cái nắng như nung của tháng 5, tháng sáu, hàng mấy chục người gần có, xa có, đi bộ có, ròng rã đạp xe hàng hơn chục cây số từ quê lên cũng có, mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi giọt ngắn giọt dài nhỏ trên trán, xô lấn nhau vào lò. Vì quá đông nên để tranh được một chỗ tạm thời chấp nhận được học sinh thường phải đến trước khoảng ba mươi phút, thậm chí cả tiếng nhận chỗ. Bàn học là những mảnh gỗ ghép, chiều ngang không đặt vừa quyển vở. Mỗi bàn chen chúc 5-7 người. Hầu hết phải gấp đôi quyển vở, rúm người, co tay, nghiêng mình để ghi bài. Giá thử chẳng may ai đó chểnh mảng với cái dép, để chúng văng ra khỏi chân, hoặc lỡ có làm rơi bút thước thì cũng khó lòng ngồi quờ được. Trong tiếng quạt trần đập phành phạch hết công suất, tiếng bàn ghế xô lộc cộc, thầy cầm mic nói sang sảng ở trên, học trò lúi húi chật vật ghi ở dưới. Do không gian chật chội, những bàn trên thường kê gần sát bục giảng khiến học sinh rất khó nhìn lên bảng, thường thì phải mỏi cố, hoa mắt nghển lên nhìn. Tuy nhiên với những bàn thứ mười mấy trở xuống thì việc học xem chừng còn vất vả hơn. Một phần là do cách xa thầy, khó nhìn, khó nghe giảng. Một phần cũng do nhiều học sinh lấy cớ đi học để chuyện trò bàn tán ồn ào, khiến nhiều bạn khác khó tập trung vào bài học.
Chóng mặt vì học lò nhiều! Nhiều bạn quá lo lắng cho kì thi đại học nên đã dành cho lò một thời gian dày đặc. Cũng như Thủy, và nhiều bạn khác, Thu (một học sinh ở Thái Bình) đã có ngày học dồn dập năm ca ở lò: từ 7- 9 giờ, 10-12 giờ, 13-15 giờ, 16-18 giờ, 19- 21 giờ. Những bạn ở quê lên thành phố trọ học còn có thể thương lượng thời gian về phòng với chủ nhà. Còn đối với những bạn học trường Chuyên ở kí túc, chỉ còn cách làm đơn gửi nhà trường hoặc đến ca học tối đành khăn gói đến trú nhờ nhà bạn.
Và hậu quả...
Nhiều bạn học thêm căng thẳng quá không còn đủ thời gian sức lực để học bài trên lớp hay tự học ở nhà. Nhiều bạn đánh mất khả năng tự học, trở nên thụ động với mớ kiến thức khổng lồ, không biết mình mạnh yếu chỗ nào để tự điều chỉnh thời gian cho phù hợp với từng phần.
Học lò ít nhiều đều mang lại cảm giác an tâm cho các bạn. Tuy nhiên chính vì an tâm (bởi mình được học nhiều kiến thức hơn những bạn khác) nên không ít bạn chủ quan, học hành chểnh mảng. Trong khi đó, những bạn không học thêm, học lò, do lo lắng nên tự thúc đẩy mình cố gắng hơn. Nhờ thế những kiến thức các bạn tự tiếp nhận được có khi còn lớn hơn những bạn học thêm nhiều.
Học nhiều là một điều tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải luôn chú ý đến sức khỏe của mình, tránh tình trạng chạy đôn chạy đáo tới các lò khiến sức khỏe kiệt quệ, ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài. Xin kể một trường hợp vui về Mai Trang - cô bạn tôi, người cũng từng tất bật với việc học lò. Cô bạn vốn thắc mắc không biết cảm giác ngất như thế nào, luôn muốn thử một lần bị ngất. Cuối cùng Trang cũng được "toại nguyện" ở lò học Lí. Sự oi nồng của những ngày hè, không khí chật chội, ngột ngạt của lò khiến Trang ngất tại chỗ. Không chỉ riêng Trang mà nhiều bạn khác cũng từng phải bỏ lò ra về với khuôn mặt trắng bệch, mệt mỏi, uể oải.
Kết luận
Khi được hỏi về chuyện học lò, hầu hết các bạn đã chiến đấu và đang chiến đấu với lò đều trả lời không muốn học, nhưng vì bố mẹ thúc giục, vì số đông đi học, vì kết quả thi đại học nên không có lựa chọn nào khác. Tuy vậy cũng không ít những bạn tự học đạt hiệu quả. Theo bạn Huyền - một học sinh lớp 12 Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) thì học lò là không cần thiết. Huyền cho biết lớp bạn cũng ít nói đến chuyện đi học lò. Hầu hết đều chỉ học trên lớp và tự học ở nhà.
Học lò là một nhu cầu chính đáng trong học đường. Tuy nhiên, khả năng tự học vẫn có vai trò quan trọng nhất. Mong rằng dù học gì đi nữa, các bạn lớp 12 cũng cần biết phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lí, dành một khoảng thời gian tự học nhất định, để chủ động trong quá trình ôn luyện. Kì thi đại học sắp đến, chúc các chú cá chép 12 vượt vũ môn thành công!
Theo Dân trí
Teen 12 và "lò luyện siêu tốc" Giờ đây khi thời gian không còn nhiều cho các kì thi sắp tới, họ tìm đến các lò luyện siêu tốc để cứu vãn tình thế, với hy vọng đánh nhanh thắng nhanh. Liệu các teen này có đạt được những gì mình mong muốn tại các lò luyện này? 1. Cấp tốc = siêu tốc độ! Sau nhiều tháng còn nấn...