“Bùng nổ” nhóm lớp độc lập tư thục
Thu tiền giữ thấp, có thể kéo dài thời gian trông trẻ đến tối muộn, phù hợp với điều kiện lao động của công nhân… là những lý do khiến các điểm giữ trẻ tự phát có điều kiện phát triển rầm rộ cho dù chứa đựng nhiều hiểm hoạ tiểm ẩn.
Một số nhóm lớp độc lập tư thục nhận sự hỗ trợ từ Đề án 404 để cải thiện các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.
“Cung” bung theo “cầu”
Đà Nẵng là một trong những địa phương có loại hình giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập (NCL) phát triển sớm so với cả nước – từ những năm 1988 – 1990. Tốc độ phát triển các trường mầm non NCL ở Đà Nẵng cũng khá nhanh; nếu toàn TP có 210 trường mầm non kể cả công lập và NCL thì số lượng nhóm lớp độc lập tư thục (NLĐLTT) đã lên đến 1.033 nhóm.
Trong số này, NLĐLTT có quy mô từ 8 – 50 trẻ có 629 nhóm, NLĐLTT dưới 7 trẻ có 404 nhóm. Tuy nhiên, có lẽ con số thực tế còn cao hơn thế, bởi theo như thừa nhận của nhiều CBQL ngành học mầm non thì các nhóm trẻ thiếu sự ổn định, có khi mang tính thời vụ hoặc chủ yếu là trông trẻ cho một số gia đình thân cận rồi nhận là con, cháu nên rất khó cập nhật và quản lý.
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Qua tìm hiểu thực tế thì đa phần các doanh nghiệp không có xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo vì không có quỹ đất, không có kinh phí và khó khăn nhất là không thể tổ chức được bộ máy giáo viên MN được đào tạo chính quy để lo việc tổ chức, quản lý nhà trẻ, mẫu giáo. Nhiều doanh nghiệp và người lao động đều bức xúc khi tỷ lệ lao động nữ không có nơi để gửi con nên phải nghỉ việc khá cao.
Do các nhóm lớp mầm non tư thục phát triển nhanh, trong đó nhiều nhóm lớp chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Thực tế cho thấy, một số vụ bạo hành trẻ chủ yếu xảy ra ở các nhóm, lớp chưa được cấp phép và nạn nhân hầu hết là con của công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX), gây bức xúc trong dư luận xã hội và tâm lý bất an trong phụ huynh HS”.
Ngoài một số cơ sở được cấp phép nuôi dạy trẻ có chất lượng và chuyên môn, không ít cơ sở tự phát hoạt động không phép dưới hình thức gia đình, trông giữ dưới 5 trẻ, người giữ trẻ không có nghiệp vụ chăm sóc trẻ. “Việc phát hiện những điểm giữ trẻ như thế này ở các khu dân cư là rất khó khăn. Chính quyền, tổ dân phố có đi kiểm tra thì họ thường nói đang giữ con, cháu trong nhà nên cũng khó” – cán bộ phụ trách văn hóa – xã hội của một phường trên địa bàn Q. Liên Chiểu cho biết.
Video đang HOT
Sau 6 tháng nghỉ thai sản, hầu hết các bà mẹ phải trở lại tiếp tục với công việc của mình, và không có lựa chọn nào khác là tìm người trông giúp con hoặc phải mang con đi gửi trẻ. Thế nhưng, rất khó để có thể gửi trẻ chưa đầy một tuổi, thậm chí là 18 tháng tuổi vào các trường mầm non công lập hoặc tư thục với lý do trường “không có điều kiện tổ chức lớp cho nhóm trẻ ăn bột”.
Các nhóm trẻ gia đình tự phát là một lựa chọn của các gia đình có thu nhập thấp khi có thể nhận trẻ từ sáng sớm và kéo dài thời gian trông trẻ đến tối muộn, phù hợp với điều kiện lao động ca kíp của công nhân, mức thu tiền trông giữ trẻ lại thấp. Như phường Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu) dù đã có 1 trường MN công lập, 4 trường tư thục và 36 NLĐLTT được cấp phép nhưng các điểm giữ trẻ tự phát dưới quy mô 5 cháu là khá nhiều.
Số lượng tiếp nhận trẻ của các cơ sở mầm non công lập còn khiêm tốn. Ảnh minh họa/ INT
Rộng cửa trường công cho trẻ dưới 18 tháng
Hiện nay, Đà Nẵng có 3 trường mầm non chủ yếu tiếp nhận đối tượng trẻ là con em công nhân vào học, đều tập trung ở quận Liên Chiểu gồm Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục One Sky Đà Nẵng, Trường MN tư thục Ánh Dương, MN tư thục Nốt Nhạc Xanh. Ngoài Trung tâm One Sky đang nhận được tài trợ của tổ chức Half the Sky Foundation nên cha mẹ HS chỉ phải đóng 800.000 đồng/tháng thì mức thu của 2 trường tư thục còn lại là tương đối thấp, từ 1,4 – 1,6 triệu/tháng. Tuy nhiên, số lượng tiếp nhận trẻ của 3 cơ sở này là khá khiêm tốn nếu so với số lượng trẻ ra lớp của con em công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong nỗ lực đáp ứng yêu cầu cho trẻ dưới 18 tháng tuổi tiếp cận trường MN công lập, ngày 24/10/2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4906/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng trường MN thí điểm nhận trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Bước đầu, thành phố thực hiện thí điểm tại 17 trường MN công lập tại 7 quận, huyện, gồm các trường: Mầm non 20-10, Bình Minh, Anh Đào (quận Hải Châu); Cẩm Nhung, Tuổi Hoa (quận Thanh Khê); Hoàng Cúc (quận Sơn Trà); Bạch Dương, Hoàng Anh, Hoàng Lan (quận Ngũ Hành Sơn), 1 tháng 6, Hướng Dương, Tuổi Ngọc (quận Liên Chiểu); Hương Sen, Bình Minh (quận Cẩm Lệ); Hòa Tiến, Số 2 Hòa Phong, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), với tổng mức kinh phí đầu tư gần 75 tỷ đồng.
Trong đó, mỗi trường sẽ có bình quân từ 2 – 4 nhóm trẻ ở độ tuổi dưới 18 tháng tuổi và ưu tiên nhận giữ trẻ có cả cha, mẹ là công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã đầu tư gần 24 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị – đồ chơi cho trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi tại các trường MN công lập.
Chị Phan Thị Thùy Trang – phụ huynh bé Bùi Ngọc Gia Linh không giấu được niềm vui khi là một trong những hồ sơ đầu tiên được Trường Mầm non Hoàng Cúc (P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà) duyệt tuyển sinh. “Việc nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi này sẽ giúp cho các bà mẹ bỉm sữa không phải lo lắng chuyện ai giữ con, gửi con ở đâu để đi làm. Em bắt đầu tìm kiếm thông tin việc làm để tính đến chuyện đi làm trở lại” – chị Trang cho biết.
Từ khi có Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/5/2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN-KCX, hoạt động đầu tư xây dựng trường mầm non ở KCN-KCX trên địa bàn Đà Nẵng được quan tâm và đẩy mạnh. Đà Nẵng đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ xây dựng 1 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục, nâng cấp 2 trường mầm non tư thục từ nhóm trẻ độc lập tư thục.
Hà Nguyên
Theo GDTĐ
Vừa dạy vừa "chạy" tuyển giáo viên
Năm học 2019-2020 đã qua hơn 2 tháng nhưng nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM chưa hoàn tất công tác tuyển dụng giáo viên.
Tình trạng số lượng ứng viên trúng tuyển không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng năm nào cũng tái diễn, nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ.
Giờ dạy tiếng Anh của giáo viên nước ngoài tại Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)
Đỏ mắt tìm ứng viên
Đầu tháng 10 vừa qua, Phòng GD-ĐT quận 1 đã công bố quyết định bổ sung kết quả xét tuyển viên chức ngành giáo dục năm học 2019-2020, trong đó bổ sung thêm 15 người (gồm 9 giáo viên mầm non, 4 giáo viên tiểu học và 2 giáo viên THCS). Trước đó, vào cuối tháng 8-2019, địa phương này đã phê duyệt kết quả trúng tuyển viên chức đối với 99 ứng viên. Như vậy, các ứng viên trúng tuyển theo danh sách bổ sung sẽ nhận nhiệm sở trễ hơn 2 tháng so với các đồng nghiệp đã nhận quyết định trúng tuyển trước đó.
Phó hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở quận 1 cho biết, bổ sung thêm giáo viên khi năm học mới đã bắt đầu sẽ ít nhiều gây xáo trộn công tác tổ chức tại các trường học. Tuy nhiên, việc bổ sung là cần thiết, nhất là với các trường mầm non, nhằm giúp giải quyết bài toán quá tải sĩ số và công việc cho giáo viên.
Tương tự, tại quận Thủ Đức, kết quả xét tuyển viên chức đầu năm học vừa qua có 173 ứng viên đủ điều kiện trúng tuyển. So với tổng nhu cầu giáo viên và nhân viên cần tuyển mới cho năm học này là 258 người, địa phương cần tuyển thêm 85 ứng viên. Theo một cán bộ Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, đây là tình trạng không mới, đã diễn ra nhiều năm nay do áp lực lớn về nhu cầu chỗ học cho người dân. Dự kiến trong thời gian tới, sau khi các trường sắp xếp và ổn định nhân sự, quận Thủ Đức sẽ tổ chức thêm các đợt xét tuyển giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các đơn vị.
Thời điểm cuối tháng 10, nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM đồng loạt công bố quyết định phê duyệt kết quả xét tuyển viên chức năm học 2019-2020. Cụ thể, tại quận 4, ứng viên trúng tuyển bắt đầu nhận nhiệm sở kể từ ngày 25-10. Sau đó 3 ngày, quận 9 cũng có quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức năm học 2019-2020 đối với 116 trường hợp. Kết quả trúng tuyển công bố trễ hơn kế hoạch tuyển dụng đã đề ra trước đó, do sau khi kết thúc thời gian đăng ký, số lượng hồ sơ ứng viên dự tuyển ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng nên quận này đã phát đi văn bản gia hạn thời gian đăng ký. Quận Tân Phú cũng căn cứ vào chỉ tiêu tuyển dụng và số lượng hồ sơ đăng ký, nên quyết định gia hạn thời gian nộp phiếu đăng ký dự tuyển để thu hút thêm ứng viên.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở vùng ven cho biết, tuyển dụng giáo viên liên quan đến công tác phối hợp giữa phòng GD-ĐT và phòng nội vụ, chưa kể còn bị chi phối bởi các kế hoạch phân bổ, tinh giản nhân sự. "Dù muốn đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên trước khi bắt đầu năm học mới, nhưng lực bất tòng tâm. Địa phương ưu tiên những đơn vị vừa xây mới, hoặc thiếu nhiều nhân sự, các trường hợp còn lại vừa dạy vừa bổ sung thêm giáo viên", vị này thông tin.
Cần chính sách thu hút đội ngũ
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn thực hiện tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường trong các trường trung học từ năm học 2019-2020. Văn bản nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nhà trường có thể sử dụng giáo viên người nước ngoài (giáo viên bản ngữ), thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường với thời lượng 1-2 tiết/tuần hoặc toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT lưu ý, trong suốt giờ giáo viên người nước ngoài giảng dạy phải có giáo viên tiếng Anh phụ trách lớp cùng đồng giảng. Các trường phải có kế hoạch giảng dạy cụ thể ngay từ đầu năm học, phối hợp phân chia công việc giữa giáo viên nước ngoài và giáo viên tiếng Anh phụ trách lớp để đảm bảo giờ dạy hiệu quả theo đúng chương trình được quy định. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết: "Yêu cầu có thêm một giáo viên Việt Nam đồng giảng trong giờ dạy của giáo viên nước ngoài sẽ khiến các trường gặp khó trong vấn đề phân bổ nhân sự và nguồn tiền trả lương đồng giảng cho giáo viên".
Tháo gỡ khó khăn này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết tiếng Anh tăng cường là chương trình tổ chức dựa trên mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh, việc chi trả lương cho giáo viên không lấy từ nguồn ngân sách. Mặt khác, khi tổ chức triển khai, nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung, phương pháp và chất lượng giảng dạy, không được khoán trắng giờ dạy cho giáo viên nước ngoài hoặc trung tâm ngoại ngữ. "Yêu cầu đồng giảng có thể thực hiện theo 2 hình thức: trực tiếp như dự giờ hoặc gián tiếp thông qua theo dõi, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên", đại diện Sở GD-ĐT cho biết.
Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ hiện nay còn hạn chế nên nhiều vị trí tuyển dụng như giáo viên tiếng Anh, nhân viên thư viện, y tế... tại các trường thường xuyên biến động. Cụ thể, nếu giáo viên tiếng Anh có xu hướng "chảy máu chất xám" qua khu vực trường tư và ngoài công lập thì các vị trí nhân viên thư viện, y tế rất ít ứng viên dự tuyển. Nguyên nhân là do hiện nay, với quy định của Bộ GD-ĐT, 4 chức danh kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ chỉ được bố trí 2 nhân sự, khiến công tác tuyển dụng gặp khó, các trường phải bố trí lao động kiêm nhiệm. Thời gian tới, song song với các chính sách thu hút đội ngũ, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT tháo gỡ khó khăn về định biên nhân sự, giúp trường học chủ động hơn về nguồn tuyển cũng như thu hút ứng viên.
MINH QUÂN
Theo sggp
Đà Nẵng: Đến năm 2020, ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản về việc thực hiện Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025. Đề án nhằm mục tiêu phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non, đầu tư bổ sung các trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng...