Bùng nổ hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới
Hàng loạt nhà máy chế biến nông sản được xây dựng, rồi xu hướng trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, việc thành lập hợp tác xã (HTX) là một tiêu chí bắt buộc để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới… Đó là những nhân tố mới khiến nhu cầu hợp tác, liên kết thị trường gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây.
Hợp tác giúp tăng thu 10-15%
Vốn sống dựa chủ yếu vào rừng trồng, nhưng người dân và các chủ rừng ở xã Thanh Thủy ( Thanh Chương, Nghệ An) luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra. Về đầu vào, người dân phải mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Giá cả cũng vậy, lúc thì 500 đồng/cây, lúc tăng lên 1.500-2.000 đồng/cây, thậm chí đến mùa trồng rừng thì lại không có cây giống.
Trong khâu đầu ra, người dân lệ thuộc vào vài ông chủ lậu, giá thị trường 1ha gỗ rừng trồng khoảng 100 triệu đồng nhưng họ chỉ trả 60-70 triệu đồng, không có ai mua thì người dân vẫn phải bấm bụng để bán.
Đó chính là những lý do để 128 thành viên, gồm các hộ dân và chủ rừng đã tập hợp lại, thành lập HTX Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy do ông Nguyễn Sỹ Bình làm Giám đốc. “HTX liên kết tạo đầu ra ổn định; thứ hai tự sản xuất giống tốt, phục vụ người dân bất cứ lúc nào cần; HTX cũng có trạm vật tư, thậm chí còn hỗ trợ giá mua cho các thành viên” – ông Bình cho biết.
HTX Cam Vĩnh Phúc (tỉnh Hà Giang) giới thiệu sản phẩm. (ảnh: Khương Lực)
Không chỉ có vậy, HTX đang tính đến việc phát triển rừng gỗ lớn, được cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC) để ổn định đầu ra và tăng thu nhập ít nhất 10-15%. Theo ông Bình, HTX hiện đang triển khai 2 mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn, theo đó chủ rừng cắt tỉa thưa bớt rừng keo trồng 4-5 năm, chỉ để mật độ khoảng 600-800 cây trong 5-6 năm nữa. Khi đó, mỗi cây khai thác giá trị sẽ tăng gấp 10 lần, từ 60.000 đồng/cây tăng lên 600.000 đồng/cây.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, Công ty Scansia Pacific đang mở rộng liên kết trồng rừng FSC từ Quảng Trị tới Phú Yên. “Riêng tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa rồi toàn bộ câu lạc bộ chủ rừng giờ chuyển thành 20 HTX – là vùng nguyên liệu cho các nhà máy lớn. Tại Phú Yên, đã thành lập HTX cấp tỉnh về trồng rừng, cả tỉnh dồn vào 1 HTX làm đầu mối cho Công ty Scansia Pacific” – ông Thịnh cho biết.
Video đang HOT
Tăng nhanh ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, trong năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 6 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.
Đáng lưu ý, trong 2 năm gần đây, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, số lượng HTX nông nghiệp tăng nhanh trong 2 năm liền nhưng hiệu quả cũng tăng mạnh. “Nét mới là hai vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên trước đây phát triển ì ạch, chậm chạp thì nay bình quân vùng này mỗi tỉnh tăng 40 HTX nông nghiệp” – Thứ trưởng Nam nhận định.
Lý giải về sự gia tăng HTX này, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, hai vùng này có sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp và đánh đúng nhu cầu liên kết, khâu nối nông dân với thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.
Cùng với đó, một loạt các nhà máy chế biến lớn đã được đầu tư và đi vào hoạt động ở vùng này, tạo ra nhu cầu liên kết để phát triển vùng nguyên liệu. Theo Bộ NNPTNT, năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng nhắc đến vai trò chủ động vào cuộc của các địa phương và việc bắt buộc phải có HTX thì mới xét công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới đã khiến HTX nông nghiệp tại các vùng này có sự gia tăng mạnh.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, HTX giúp thu nhập nông nghiệp của các hộ thành viên tăng trung bình 14% nhờ việc giảm giá vật tư, phân bón đầu vào và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Theo Danviet
Rau củ, thủy sản xuất sang Trung Quốc vẫn "mắc cạn"
Tác động của dịch Covid - 19 lên hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã quá rõ khi nhiều mặt hàng giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ?
Rau quả, thủy sản "mắc cạn"
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 1/2019. Xuất khẩu rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và tác động của dịch cúm do Covid - 19.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.
Thanh long là mặt hàng chịu tác động rõ rệt nhất của dịch Covid - 19. Ảnh: P.V
Tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020. Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19.
Thủy sản cũng là mặt hàng chịu nhiều tác động của dịch Covid - 19. Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2020 đạt 491,6 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 12/2019 và giảm 33,2% so với tháng 1/2019. Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm từ 10% trong tháng 1/2019 xuống còn 8,9% trong tháng 1/2020. Từ tháng 2/2020, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc càng rõ nét hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc theo đường biên giới đất liền, có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng do tác động hạn chế giao thương qua cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020. Điều này đã có tác động rõ rệt đến thị trường, trong 2 tuần đầu tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang và giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đã giảm.
Điều tiết việc đưa hàng lên biên giới
Ngày 21/2, tỉnh Lạng Sơn đã đàm phán thành công với phía Trung Quốc để cửa khẩu Chi Ma hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới chỉ có hàng nông sản có hợp đồng mua bán với phía Trung Quốc trước đó được làm thủ tục thông quan ngay, còn hàng trao đổi cư dân biên giới vẫn chưa được phép thông quan.
Xuất khẩu nông sản, trái cây qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ được thực hiện trên cơ sở có hợp đồng mua bán, đồng thời doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tên mặt hàng (chủng loại hàng hóa), thông tin về xe hàng, tên người khai báo; xuất trình các giấy tờ theo quy định về hợp đồng thương mại (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), hóa đơn, đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại.
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới và theo các văn bản, khuyến cáo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, tránh hiện tượng ách tắc, ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch Covid - 19 là động lực để ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường. Riêng đối với ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, trước mắt làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long.
Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng trái cây phù hợp với các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác như: Mỹ, các thị trường trong khối EU, Nhật Bản, Úc...
Theo Danviet
An Giang phát động phong trào thi đua năm 2020 Năm 2020 là năm cuối triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát động phong trào thi đua năm 2020: phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo trong công tác, lao động, sản xuất và học tập, lập thành tích chào mừng các...