Bức thư gửi mẹ và lời sám hối muộn màng của gã chồng giết vợ
Do mâu thuẫn vợ chồng, Linh dùng búa đinh đánh nhiều nhát vào đầu vợ, ngay trong ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 2013.
“Mẹ kính mến! Hơn một năm đã trôi qua mà con vẫn bàng hoàng tưởng như mới ngày nào. Đêm đêm trong những giấc ngủ chập chờn, những ký ức về gia đình ập đến giày vò tâm hồn con trong nỗi ân hận xót xa vô bờ, đau khổ tột cùng của một người con bất hiếu, một người chồng bất lương và một người cha tồi tệ…”.
Từ những dòng thư chất chứa nỗi ân hận day dứt ấy, tôi đã quyết định tìm đến gặp chủ nhân của nó. Tác giả bức thư là phạm nhân Nguyễn Cảnh Linh, kẻ đã gây ra vụ án mạng chấn động xứ Nghệ, ngay ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 2013. Nạn nhân mà Linh nhẫn tâm ra tay sát hại chính là người đã “má ấp môi kề” với gã hơn 10 năm.
Bi kịch đằng sau một bức thư xin lỗi
Hàng nghìn bức thư hưởng ứng phong trào phạm nhân viết thư “Viết thư xin lỗi” tại trại giam số 6 (Tổng cục VIII – Bộ Công an), mỗi lá thư là một câu chuyện. Từ sự giới thiệu của các cán bộ quản giáo, người viết được đọc một bức thư rất xúc động. Đó là lá thư đẫm nước mắt gửi tới mẹ của phạm nhân Nguyễn Cảnh Linh, hiện đang thụ án 12 năm tù về tội giết người, tại phân trại số 2. Từ những dòng thư chất chứa nghẹn ngào, ân hận ấy, tôi quyết định tìm gặp Linh.
Trước đó, do mâu thuẫn vợ chồng, Linh dùng búa đinh đánh nhiều nhát vào đầu vợ, ngay trong ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 2013. Vợ chết, chồng vào tù để lại hai đứa con nhỏ nheo nhóc cho bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Linh tự nhận mình là đứa con trai bất hiếu, người chồng bất nhân, người bố tồi. Từ trong trại giam, những lời thư day dứt đã được gửi đi.
Được biết, năm 2002, Nguyễn Cảnh Linh (SN 1980) và Nguyễn Thị Hoa (SN 1982), cùng trú tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) quyết định làm đám cưới, nên duyên vợ chồng sau một thời gian yêu nhau. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên gấp bội, khi cũng trong năm đó, họ vừa chào đón sự ra đời đứa con gái đầu lòng, vừa được bố mẹ cho đất làm nhà ở riêng. Hai năm sau, họ hạ sinh đứa con trai thứ hai, “đủ nếp, đủ tẻ”.
Tuy nhiên, trên con đường mưu sinh, họ gặp không ít vất vả. Dù hai vợ chồng chịu khó làm ăn, thắt lưng buộc bụng, nhưng khi hai cháu Nguyễn Thị H. và Nguyễn Cảnh L. đến tuổi tới trường, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại càng đè lên đôi vai họ. Sau nhiều đêm trằn trọc, bàn bạc, hai vợ chồng quyết định gửi các con lại nhờ ông bà nội – ngoại chăm sóc giùm, để vào Nam, ra Bắc làm thuê. Mỗi năm chỉ về quê sum họp một lần vào dịp tết dân tộc.
Nguyễn Cảnh Linh tại phiên tòa.
Đầu năm 2012, nhờ vay mượn mỗi nơi một ít, vợ chồng Linh thuê mặt bằng bên cạnh bệnh viện 103 (Hà Nội) để kinh doanh ăn uống. Sau một thời gian chắt chiu, làm lụng, họ cũng có chút vốn gửi về quê mua một mảnh đất ngay sát trung tâm xã Quỳnh Tân. Miếng đất này, vợ chồng định bụng mở thêm một quán ăn phục vụ nhu cầu cho bà con quê nhà. Tết năm đó, khi họ đóng quán về quê ăn tết cùng các con thì bi kịch đau lòng đã xảy ra.
Theo lời kể của Linh, ngày 29 Tết Quý Tỵ 2013, giữa hai vợ chồng xảy ra chút xung đột, cãi vã vì chuyện trong gia đình. Chị Hoa đã bồng dắt hai đứa con bỏ về nhà ngoại. Muốn các con giảng hòa, để đón tết sum vầy, vui vẻ, mẹ Linh khuyên con trai sang nhà ngoại xin lỗi, rồi đưa vợ con về.
Thế nhưng, khoảng 10h30 ngày 10/02/2013 (tức ngày mồng 1 Tết Nguyên đán), khi sang, Linh nói hết lời mà Hoa vẫn nhất mực không chịu, cứ “cố thủ” ở nhà mẹ đẻ, mâu thuẫn vợ chồng càng lớn hơn. Trong lúc nóng giận vì thái độ của vợ, không làm chủ được lý trí, Linh đã chạy đi lấy chiếc búa đinh đánh liên tiếp vào đầu chị Hoa. Mặc cho người thân và bà con có mặt ở đó can ngăn, Linh vẫn không buông tay, cho đến khi nạn nhân gục ngã giữa nền nhà.
Sau khi sự việc xảy ra, mọi người đưa chị Hoa đi cấp cứu, còn Linh nhanh chân trốn khỏi hiện trường vụ án mạng.
Video đang HOT
Do vết thương quá hiểm, gây chấn thương sọ não nên chị Hoa đã trút hơi thở cuối cùng sau đó không lâu. Nghe tin vợ đã tử vong, chiều tối cùng ngày, Nguyễn Cảnh Linh tự đến cơ quan Công an huyện Quỳnh Lưu để đầu thú hành vi phạm tội của mình. Bản án 12 năm tù giam là cái giá Linh phải trả cho việc làm mất nhân tính ấy.
Khi kể lại câu chuyện cũ của mình, phạm nhân Nguyễn Cảnh Linh bảo: “Cho đến bây giờ, chưa bao giờ tôi thôi ước có hai từ “giá như”. Giá như lúc ấy tôi bình tĩnh hơn, kiên trì thuyết phục vợ hơn; giá như Hoa đừng cố chấp như thế, thì có lẽ mọi chuyện không đi quá xa như vậy. Giờ đây mọi việc cũng đã xảy ra rồi, càng ân hận day dứt bao nhiêu, tôi lại càng cố gắng cải tạo tốt bấy nhiêu. Để ngày về được rút ngắn, khi đó tôi mới có cơ hội chuộc tất cả lỗi lầm mình gây ra”.
Ngôi nhà từng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình Linh.
Những dòng tâm thư
Sau khi trao đổi với các cán bộ quản giáo trại giam số 6 và tác giả, tôi xin được đăng tải một đoạn trong bức thư của phạm nhân Nguyễn Cảnh Linh gửi mẹ mình để độc giả cả nước được biết.
Thư có đoạn: “Con mạnh dạn viết những dòng thư trải lòng mình cùng lời xin lỗi muộn màng tới mẹ và gia đình ta. Nếu ngày ấy con hiểu được rằng hạnh phúc gia đình là quý giá và thiêng liêng vô cùng, thì con đâu để sự ích kỷ nhỏ nhen và tàn nhẫn chế ngự trái tim con để rồi gây ra tội lỗi tột cùng… Cho dù vết thương lòng không dễ gì có thể chữa lành được, nhưng con tin rằng với sự sám hối và quyết tâm hướng thiện của mình, con sẽ bù đắp phần nào nỗi đau của gia đình mà con đã gây ra”.
Trên tinh thần của phong trào “Viết thư xin lỗi”, bức thư đẫm nước mắt của Nguyễn Cảnh Linh đã được ban giám thị trại giam gửi về tận nhà cho mẹ hắn.
Cầm bức thư chất chứa nỗi niềm của đứa con trai lầm đường lạc lối, người mẹ này đã khóc rất nhiều. Mới đây, bà đã vào trại thăm nuôi Linh và đồng ý tha thứ lỗi lầm cho hắn, đồng thời, động viên Linh cố gắng cải tạo cho tốt để sớm trở về với các con.
Trước khi ra về, bà nắm tay Linh dặn: “Con ạ, mẹ già rồi, có thể trong quãng đời còn lại của mình, mẹ không cần con chăm sóc nữa. Nhưng hai đứa con con, chúng mất mẹ rồi nên rất cần có bố. Bởi vậy, mẹ mong con cố gắng cải tạo thật tốt, để bố con sớm đoàn viên. Hai đứa nó cũng bảo không trách gì bố cả”. Nhắc lại những lời dặn dò của mẹ cho tôi nghe, Linh vẫn bật khóc nức nở như một đứa trẻ.
Linh chia sẻ thêm: “Khi trại giam phát động phong trào “Viết thư xin lỗi”, người tôi nghĩ đến đầu tiên là vợ mình, vì tôi có lỗi rất lớn với cô ấy. Nhưng chính tôi đã tước đi quyền sống của Hoa. Rồi tôi nghĩ đến mẹ mình. Sau vụ việc động trời ấy xảy ra, gia đình ly tán, mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai mẹ. Bà phải chăm sóc cả hai đứa con của tôi và Hoa đang tuổi ăn, tuổi học. Từ bé đến lớn, tôi chưa một ngày nào mang lại niềm vui cho mẹ, chỉ đem đến toàn chuyện rắc rối, buồn phiền”.
Cháu H. và L. – Hai đứa con của Linh trước nỗi đau mất mẹ, bố đi tù.
Khi tôi hỏi: “Nếu được phép viết thư lần nữa, Linh sẽ viết cho ai?”, không một chút suy nghĩ, Linh bảo: “Nhất định tôi sẽ viết cho hai đứa con. Chính tôi là người đã phá tan mái ấm hạnh phúc của các con, tôi không xứng đáng làm một người bố. Thế nhưng, các con tôi không trách cứ tôi một lần mà còn bảo sẽ đợi tôi về đoàn viên. Chính đó là sự động viên rất lớn để tôi cải tạo tốt”.
Khi tôi gặp Linh ở trại giam số 6, gã mới thụ án được một năm, con đường 11 năm phía trước vẫn dài dằng dặc. Nhưng sau khi xốc lại tinh thần, Nguyễn Cảnh Linh cho biết: “Hồi đầu vào tôi rất chán nản, bi quan, không dưới hai lần nghĩ tới cái chết, để kết thúc sự giày vò của tòa án lương tâm. Nhưng nghĩ đến các con, lại được sự động viên, phân tích của các cán bộ quản giáo ở đây, tôi đã dần lấy lại niềm tin để sống và cải tạo”.
*Tên nạn nhân đã được thay đổi
Loan Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Cuộc đấu trí với những "bà trùm" ma túy Tây Bắc
Do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lý "đắc địa" nên từ thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước cho đến nay, Tây Bắc luôn được coi là địa bàn nóng bỏng nhất về hoạt động của tội phạm ma tuý.
Qua thống kê, trung bình mỗi năm số vụ án ma tuý (trọng điểm là Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) chiếm từ 60 - 65% các vụ án Công an các địa phương thụ lý điều tra. Đáng lo ngại hơn khi tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các đường dây ma túy ngày càng tăng.
Đối mặt với tội phạm này rất khó khăn bởi các đối tượng "sở hữu" tính cẩn trọng, tỉ mỉ, kín đáo của phụ nữ nhưng lại ranh ma, xảo quyệt, cách hành xử cũng manh động không kém gì các "ông trùm"...
Từ bà trùm là "hoa hậu", "đại gia"...
Cách đây tròn hai chục năm khi đường dây ma túy đình đám "Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường" bị triệt phá, kéo theo hàng chục đối tượng dính vòng lao lý thì người ta mới thực sự biết đến sự tồn tại của những "bà trùm" có số má. Trong đó nổi lên là: Lại Thị Ngấn, Tạ Thị Hiển, Nguyễn Thị Hoa, Đỗ Thị Vui... . Những đối tượng này là những "bà trùm" thực sự khi sở hữu khối tài sản kếch xù, ăn chơi tới tầm, đồng thời là những kẻ cầm đầu có máu mặt, vàng đeo đỏ người, toàn tiêu tiền đô (USD), tung hoành ngang dọc đất miền ngược.
"Hoa hậu ma túy" Nguyễn Thị Hoa ngày mới được đặc xá tha tù (9/2012).
Cho đến tận bây giờ, Nguyễn Thị Hoa - "bà trùm" duy nhất được dư luận "tấn phong" là "hoa hậu ma túy" hay "Hoa hậu xứ Thái" bởi Hoa sở hữu một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, thùy mị đến ngơ ngác. Khi bị bắt cho đến khi bị tòa tuyên án tử hình, Hoa vẫn giả bộ ngây thơ, trong sáng kiểu như chẳng biết gì!? Sau này Lại Thị Ngấn, Tạ Thị Hiển đều lãnh án tử hình và phải trả án, Nguyễn Thị Hoa được Chủ tịch nước gia ân giảm án tù chung thân. Năm 2012, sau hơn 15 năm thụ án, Nguyễn Thị Hoa được đặc xá và hiện nay về sống ẩn mình kín tiếng ở phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ...
Ở Điện Biên có một bà trùm "nổi tiếng" không kém cũng tên là Nguyễn Thị Hoa. Hoa sinh năm 1957, quê gốc ở Thái Bình, định cư ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên từ nhỏ. Nguyễn Thị Hoa bị trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang đang mua bán trái phép 4 bánh heroin (trị giá gần 20 ngàn USD thời điểm đó) thì mọi người mới vỡ lẽ đây là một "bà trùm" có máu mặt không chỉ ở Điện Biên mà cả vùng Tây Bắc.
Dân Bản Phủ - Noong Hẹt nổi tiếng giàu có, giỏi buôn bán, dân tình vẫn ngỡ Hoa lắm tiền nhiều của bởi "đánh" hàng dép tông, áo mút, mì chính, đá lửa.. từ hồi những đoàn xe quá cảnh nườm nượp sang Lào trở về nhưng ít ai ngờ đây là một "bà trùm" có máu mặt. Hoa thầu bao nhiêu lô hàng ma tuý từ Điện Biên đi Hà Nội cả chục năm trời. Chẳng biết số tài sản chìm của "bà trùm" này giàu đến cỡ nào nhưng cách tiêu tiền và số trang sức bằng vàng ta vài chục cây "treo" trên người, thiên hạ phải choáng váng...
Đến những "bà trùm chân đất"
Trong các xã bắt đầu bằng chữ "Thanh" ở cánh đồng Mường Thanh "gạo trắng nước trong" (Thanh An, Thanh Minh, Thanh Chăn, Thanh Nưa, Thanh Hưng...) thì Thanh Yên được biết đến là một thánh địa ngầm của ma tuý. Dân Thanh Yên bị mang tiếng buồn này từ hàng chục năm nay. Đặc biệt ở Đội 4, nơi chủ yếu là dân Hưng Hà (Thái Bình) lên làm kinh tế mới thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước xuất hiện không ít "ông trùm", "bà trùm" cộm cán, trong đó phải kể đến Trần Thị Nhàn. Nhàn là một mắt xích trong đường dây ma tuý bao gồm mấy anh chị em ruột: Trần Thị Xá, Trần Thị Nhàn, Trần Văn Tuấn...
Trần Thị Nhàn và 2 bánh heroin giấu trong áo ngực.
Khác với những ông bà trùm khoe mẽ, thể hiện lắm tiền nhiều của, Trần Thị Nhàn lại ngụy trang bằng vẻ bề ngoài nông dân chính hiệu. Nhàn mới học hết lớp 2 nhưng trình độ buôn bán ma túy lại thuộc hàng cao thủ, từng có lúc "ôm" cả chục bánh heroin. Tiền tỷ trong nhà nhưng Nhàn vẫn làm nông nghiệp, thậm chí nhàn rỗi còn đi gánh gạch thuê!? Trần Thị Nhàn và em trai là Trần Văn Tuấn bị bắt quả tang khi vận chuyển 2 bánh heroin trên chiếc xe khách biển số 27H - 1379.
Mở rộng vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên còn phối hợp với Công an các địa phương bắt giữ hơn 10 đối tượng, thu thêm nhiều tang vật phạm pháp khác. Các đối tượng khai nhận đã mua bán trót lọt 64 bánh heroin, thu lời bất chính nhiều tỷ đồng...
Giáp Tết Nguyên đán Ất Dậu, được sự đồng ý của Ban giám đốc Công an tỉnh và Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên, chúng tôi đã tiếp xúc với "bà trùm" Đặng Thị Chanh. Chanh năm nay 48 tuổi, quê gốc ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. Mặc dù bị tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm nhưng Chanh vẫn nở nụ cười rất tươi và khá xởi lởi khi nói chuyện với chúng tôi. Bố mẹ Chanh lên làm kinh tế mới từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Cũng như bao gia đình nông dân khai hoang nghèo khó khác, Chanh học chưa hết tiểu học rồi ở nhà làm ruộng, lấy chồng sinh con ở ngay trên mảnh đất Thanh Yên, huyện Điện Biên.
Trung tá Nguyễn Văn Khuyến, điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Điện Biên cho biết, Đặng Thị Chanh tham gia vào vòng xoáy của cơn lốc đen ma tuý từ năm 2006. Gần 10 năm buôn ma tuý, "bà trùm" này đã khiến dân buôn ma túy Tây Bắc phải vị nể.
Đặng Thị Chanh và 31 bánh heroin bị bắt quả tang.
Chanh đạt trình độ siêu đẳng về ngụy trang với vỏ bọc là một người làm nông nghiệp, ăn mặc luộm thuộm. Chồng của Chanh là Nguyễn Đình D. bươn trải cày thuê bằng chiếc máy nông cụ cọc cạnh. Ngoại trừ con mắt nghiệp vụ của Công an chứ nhìn bề ngoài không ai biết Chanh thực sự là một "bà trùm". Chanh từng ôm những chuyến hàng cả mấy chục bánh heroin, trị giá lô hàng đến 4 - 5 tỷ đồng và vài trăm ngàn USD nhưng trong cuộc sống chị ta sống rất đạm bạc, tằn tiện từng đồng bạc lẻ.
Là "tỷ phú", trùm ma tuý nhưng gia đình Chanh cũng chẳng được chị ta mở hầu bao. Cô con gái lấy chồng có con ở gần bố mẹ nhưng cũng chưa bao giờ được mẹ "ban phát" cho cái gì. Dù lắm mưu ma chước quỉ nhưng ả cũng không qua mắt được các trinh sát ma túy.
Lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã bắt quả tang Đặng Thị Chanh mua bán, vận chuyển trái phép tới 31 bánh heroin (giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng), trong đó 22 bánh bị bắt quả tang, 9 bánh heroin thu giữ tại nhà riêng. Cuối năm 2014, tại phiên toà sơ thẩm xét xử bà trùm này về tội mua bán trái phép ma tuý, "bà trùm" Đặng Thị Chanh bị tuyên án tử hình...
Theo Công an Nhân dân
"Dịch" quỵt nợ bùng phát ở Nghệ An Hàng trăm người dân ở huyện Đô Lương và thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) đang đứng trước nguy cơ trắng tay, vì tin vào món lãi cao từ con nợ mang đến. Vừa là quan xã, vừa là con nợ Một số tiểu thương ở khu vực chợ Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) đang bị lâm vào đường cùng vì...