Bữa ăn bán trú an toàn – Bài 1: Kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm
Việc đảm bảo an toàn từ nguồn thực phẩm đến khâu chế biến cho bữa ăn bán trú là điều đặc biệt quan trọng.
Bếp ăn Trường mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân). Ảnh: TTXVN phát
Nguồn gốc thực phẩm rõ ràng
Trường Mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân) đang tổ chức bếp ăn bán trú tại trường với khoảng 430 suất cho trẻ mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, cô Nguyễn Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bếp ăn được tổ chức theo đúng quy trình một chiều, từ khâu tiếp phẩm đến chế biến và chia thức ăn. Nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn được đảm bảo nguồn gốc rõ ràng từ công ty được kiểm định. Trường cũng thành lập Ban An toàn thực phẩm gồm ban giám hiệu nhà trường, 1 cấp dưỡng, 1 kế toán và 1 nhân viên y tế để thực hiện các khâu từ tiếp phẩm, giám sát chế biến, lưu nghiệm… Cùng với đó, 7 cấp dưỡng của trường được tập huấn thường xuyên kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật nấu ăn.
Còn Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân) đang thực hiện phương thức ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài đến nấu ăn tại trường. Thầy Lê Thành Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành giáo dục, trong đó, trách nhiệm của nhà trường là rất lớn. Để thực hiện công tác này, nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm trong trường, phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng thành viên. Cùng với kiểm soát thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến theo quy trình bếp ăn một chiều đảm bảo vệ sinh. Trường cũng lắp camera để hiệu trưởng theo dõi thường xuyên quá trình chế biến thức ăn, phân chia thức ăn và các hoạt động diễn ra trong bếp ăn, nhà ăn.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Tân chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, ngay từ đầu năm học Phòng đã triển khai nghiêm túc nhiệm vụ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú trong nhà trường. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực để củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện, đáp ứng nhu cầu gửi bán trú của phụ huynh học sinh, nâng cao chất lượng công tác bán trú. Trong đó, tại các trường học đều thành lập Ban An toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp thực phẩm, căng – tin trường học. Các trường hợp đồng với cơ sở cung cấp thức ăn sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm tươi sống thuộc chuỗi thực phẩm an toàn hoặc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để chế biến món ăn.
Cùng với hình thức tổ chức bếp ăn bán trú, ở hầu hết các trường đều có căng – tin phục vụ nhu cầu của học sinh. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) cũng đang ký hợp đồng với một công ty để cung cấp thực phẩm cho căn tin trong trường. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mặc dù không tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh nhưng để đảm bảo an toàn thực phẩm trong căng – tin của trường, nhà trường chỉ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm chất lượng, được kiểm định. Cùng với cam kết của đơn vị cung cấp đảm bảo nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trường cũng thường xuyên giám sát…
Cân bằng dinh dưỡng
Video đang HOT
Khâu chia thức ăn tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Song song với việc phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc cung cấp bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ cũng cần được chú trọng với thực đơn khoa học, đảm bảo cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Theo ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thực đơn bữa ăn bán trú cho học sinh được quy định rõ ràng theo phần mềm dinh dưỡng do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng. Sở đã triển khai phần mềm dinh dưỡng này đến các địa phương từ năm 2016. Những trường không thực hiện theo phần mềm dinh dưỡng này sẽ có một bộ phận phụ trách cấp dưỡng chịu trách nhiệm chính về việc lên thực đơn cho học sinh hàng ngày.
Thầy Lê Thành Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân) cho biết, việc đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong thực đơn mỗi bữa ăn rất quan trọng nhằm đảm bảo cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Trường đang thực hiện theo phần mềm bằng dinh dưỡng với thực đơn thay đổi hàng ngày. Trong đó, Hiệu trưởng có trách nhiệm giám sát, ký duyệt thực đơn hàng tuần, hàng tháng.
Thực tế, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục lan rộng khiến nhiều phụ huynh lo lắng về sự an toàn trong mỗi bữa ăn của trẻ tại trường. “Cả tuần nay, rất nhiều phụ huynh đến trường và bày tỏ mong muốn nhà trường loại bỏ thịt lợn trong thực đơn bữa ăn hàng ngày tại trường, do lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhà trường không chủ trương “bài trừ” loại thực phẩm này, mà yêu cầu đơn vị đối tác phải cam kết, đảm bảo cung cấp thực phẩm vào trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để phụ huynh yên tâm. Bởi trẻ vẫn cần thực đơn đa dạng để cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn” – cô Nguyễn Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân) bày tỏ.
Trong khi đó, trước yêu cầu của nhiều phụ huynh, một số trường tư thục đã linh hoạt loại bỏ thịt lợn trong thực đơn bán trú. Về vấn đề này, ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành giáo dục và đào tạo thành phố tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát nguồn thực phẩm vào các bếp ăn ở các trường học, đồng thời đề nghị các trường học chú ý trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, Sở không chỉ đạo loại bỏ hoàn toàn thịt lợn trong bữa ăn bán trú mà khuyến cáo các đơn vị chú trọng lựa chọn nguồn thực phẩm đạt chuẩn và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc rõ ràng để tránh tình trạng ngộ độc cho học sinh.
Bài 2: Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, giám sát
Thu Hoài – Đinh Hằng
Theo TTXVN
Để bữa ăn của trẻ trong các trường học được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các cơ sở giáo dục cơ bản đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn cả nước vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, gây lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.
Các cháu Trường Mầm non Tân Sơn trong giờ ăn.
Phụ huynh thấp thỏm lo lắng
Gần đây nhất là vụ việc hàng trăm trẻ em độ tuổi mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị phát hiện dương tính với sán lợn khiến cho nhiều gia đình hoảng loạn, phải đưa con nhỏ về Hà Nội làm xét nghiệm sán lợn và các loại ký sinh trùng khác. Sự việc xảy ra sau khi phụ huynh tố cáo Trường Mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng thịt lợn nghi nhiễm sán nấu ăn cho học sinh. Hiện người dân Bắc Ninh vẫn chưa hết hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con em mình và mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc, xử lý nghiêm việc "tuồn" thực phẩm bẩn vào trường học. Trước đó, ngày 5-10-2018, có tới 352 học sinh của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình) đã phải nhập viện sau bữa trưa. Kết quả xét nghiệm cho thấy 352 học sinh ngộ độc do ăn món ruốc gà có nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Ngày 14-11-2018, Trường Mầm non Xuân Nộn (Hà Nội) tổ chức liên hoan theo hình thức ăn tự chọn khiến 223 trẻ mầm non và 3 giáo viên bị ngộ độc thực phẩm. Một ngày sau buổi liên hoan, cùng lúc nhiều học sinh có các biểu hiện: Sốt cao, nôn trớ, đi ngoài... Sau khi sự việc xảy ra, các học sinh đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long để điều trị...
Cũng như các bậc phụ huynh trên cả nước, các bậc phụ huynh trong tỉnh ta không khỏi hoang mang, lo lắng về nguồn gốc thực phẩm mà con, cháu mình đang ăn ở trường hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Trang, ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa có con nhỏ đang học tại một trường mầm non, cho biết: Từ trước đến nay chị không mấy khi quan tâm đến việc con mình ăn những món gì ở trường, bởi chị hoàn toàn tin tưởng vào thực đơn của nhà trường cũng như nguồn thực phẩm nhà trường lấy. Nhưng những ngày qua, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tổng hợp lại những vụ thực phẩm bẩn trong các trường học trên cả nước khiến chị không khỏi băn khoăn, lo lắng về chất lượng thực phẩm cung cấp cho các nhà trường hiện nay.
Cũng cùng tâm trạng như chị Trang, chị Nguyễn Thị Hương, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa cho rằng: Lo lắng không biết con mình ăn những gì, nguồn thực phẩm lấy từ đâu, có được chế biến sạch sẽ hay không...? Nhưng để tiếp cận được với bữa ăn của con hàng ngày là rất khó, bởi hiện nay gần như chưa có trường mầm non nào trên địa bàn TP Thanh Hóa có ban đại diện cha mẹ học sinh đi kiểm tra, giám sát bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Nhà trường tích cực ngăn ngừa
Hiện toàn tỉnh có khoảng 750 bếp ăn bán trú tại các trường học. Riêng khối mầm non trên địa bàn TP Thanh Hóa có 57 trường thì 100% số trường tổ chức cho các cháu ăn bán trú.
Đến thăm Trường Mầm non Tân Sơn, một trong những trường công lập được đánh giá cao về công tác VSATTP, chúng tôi thấy khu bếp ăn tập thể của trường được thiết kế theo mô hình bếp ăn một chiều, được chia thành 3 khu riêng biệt: Khu tiếp nhận, khu sơ chế thực phẩm đầu vào và khu chế biến thức ăn. Bếp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Cô giáo Vũ Thu Thủy, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường hiện có 700 cháu. Nguồn thực phẩm cho các cháu ăn hàng ngày luôn được nhà trường ký kết hợp đồng với những công ty, cơ sở cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Quy trình nấu ăn, chế biến thực phẩm được nhà trường tuân thủ nghiêm túc. Khuôn viên bếp sạch sẽ, gọn gàng; có tủ lưu mẫu thức ăn, giá để bát, hệ thống bếp ga công nghiệp sạch sẽ. Bên cạnh đó, để có khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ, với tiêu chuẩn bình quân khối nhà trẻ là 23.000 đồng/ngày/trẻ; khối mẫu giáo là 24.000 đồng/ngày/trẻ nhà trường sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đảm bảo cân đối, hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ ở từng độ tuổi.
Trường Mầm non Vườn Mặt Trời là trường đầu tiên trên địa bàn TP Thanh Hóa đặt vị trí bếp ăn trên tầng cao nhất. Dẫn chúng tôi lên tầng 4, nơi đặt bếp ăn, cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường chỉ cho chúng tôi quy trình nguyên liệu đầu vào, đến khâu sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, soạn chia, phục vụ, thu dọn, rửa, tất cả bát ăn đều được đưa vào máy để sấy khô... theo một chiều. Khu bếp được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, trên tường treo bảng 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn và 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Cô Hải cho biết: Hiện trường có 590 cháu ăn bán trú, vấn đề VSATTP cho bữa ăn hàng ngày của trẻ được nhà trường đặt lên hàng đầu. Tất cả các sản phẩm cho các cháu ăn, nhà trường đều lấy từ các công ty có uy tín, chất lượng. Đặc biệt, việc lưu mẫu thức ăn luôn được nhà trường thực hiện đầy đủ, có nhân viên y tế nhà trường kiểm tra hằng ngày.
Bà Mạc Thị Ngọc, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn VSATTP cho học sinh, các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa có bếp ăn tập thể đều đã đầu tư xây dựng theo quy trình một chiều, có đường vào, ra riêng của thực phẩm nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Nguồn thực phẩm được các nhà trường lựa chọn từ những cơ sở cung cấp có uy tín và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm đầy đủ. Đến thời điểm này, 100% bếp ăn tại trường học đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và được ký cam kết đảm bảo VSATTP. Nhân viên nấu ăn được tham gia tập huấn kiến thức VSATTP và được khám sức khỏe định kỳ.
Tăng giám sát, chung trách nhiệm
Theo bà Mạc Thị Ngọc, từ trước đến nay các trường học trên địa bàn TP chưa xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề cần được quan tâm sát sao hơn nữa, các trường tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Còn theo ý kiến của một số phụ huynh, để tránh những vụ ngộ độc hoặc mất VSATTP xảy ra, các nhà trường cần huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh các trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học và ATTP. Sự kết nối, tương tác chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh chính là yếu tố để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn cho trẻ.
Trước những vụ việc mất ATTP xảy ra ở một số địa phương, ngày 19-3-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo VSATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, ATTP tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học, nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Bài Và Ảnh: Tô Dung
Theo Báo Thanh Hóa
Kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú và sữa học đường Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 1178/KH-SYT về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trường học và kiểm soát sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019. Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại Theo đó, Sở Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát...