Bốn bài học sau một tuần không khen con
Sau một tuần thử thách không khen ngợi hai con sinh đôi Reid và Madeleine (3 tuổi), nhà văn Alana Romain ở Canada nhận ra các con thay đổi tích cực.
Alana Romain sống tại thành phố Toronto, bang Ontario, Canada cùng chồng và hai con. Cô chia sẻ cảm nhận sau một tuần thực hiện thử thách.
Trước đây khi tôi còn nhỏ, cha mẹ thường cố gắng nuôi dạy con bằng những lời khen ngợi, khích lệ nhiệt tình để không đứa trẻ nào cảm thấy tổn thương. Nhưng giờ đây, khi nuôi dạy hai người con sinh đôi, Reid và Madeleine (3 tuổi), tôi nhận ra một thông điệp khác, có lẽ chúng ta không nên khen ngợi con cái.
Những năm qua, nhiều bài báo, nhiều bài phân tích từ các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng nếu cha mẹ khen ngợi con cái quá nhiều, trẻ có thể cảm thấy căng thẳng, áp lực. Chúng ta không nên nói khen ngợi con bằng những câu có phần mơ hồ như “Con giỏi lắm”, “Con làm tốt lắm” mà nên sử dụng những câu nói có sức khích lệ như “Con đã rất cố gắng”, “Bố/mẹ biết con đã không bỏ cuộc”.
Nghiên cứu về sự liên kết giữa tư duy, động lực và hành vi, giáo sư tiến sĩ Carol Dweck (Đại học Stanford, Mỹ) cho rằng lời khen chung chung “Con thật tài năng” sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ em. Ngược lại, những lời động viên cụ thể có thể khích lệ trẻ phát huy khả năng của mình, xây dựng sự tự tin.
Ở bài viết này, tôi không có ý chỉ trích việc khen ngợi con cái, chỉ muốn tìm phương thức nuôi dạy hai người con phù hợp hơn trong gia đình mình. Tôi muốn con trở thành người khiêm tốn, tự tin và kiên cường. Vì vậy, tôi tự đặt ra một thử thách liên quan đến nhận xét của tiến sĩ Drewck, đó là không khen ngợi con trong một tuần. Tôi hy vọng có thể đưa thử thách này trở thành thói quen nếu chúng thực sự phát huy tác dụng.
Con gái Madeleine của Alana Romain. Ảnh: Alana Romain.
1. Giúp con không nản chí sau thất bại
Cặp song sinh của tôi, Reid và Madeleine (Maddie) chỉ sinh cách nhau 20 phút nhưng tính cách hoàn toàn trái ngược. Con gái Maddie hài hước, quảng giao nhưng không giỏi các hoạt động thể thao trong khi con trai Reid nghiêm túc, chín chắn, ít nói và thích tham gia hoạt động. Trong một tuần này, Maddie nổi hứng muốn học cách chơi bóng đá và bóng chày giỏi như anh trai. Chứng kiến quá trình luyện tập của con là cơ hội tốt để tôi áp dụng thử thách của mình.
Ban đầu, Maddie phải vật lộn vất vả vì không thể đá bóng, bắt bóng và ném bóng toàn bay về phía sau nhưng cháu rất nhiệt tình, hừng hực khí thế. Vì vậy, suốt một tuần liền, tôi và con gái ở ngoài sân chơi để cháu luyện tập, thất bại rồi lại luyện tập. Khi con tôi đá được bóng hay ném bóng không bay về phía sau, tôi chỉ muốn hét lên rằng “Tuyệt quá, con giỏi lắm”, nhưng rồi tôi phải cố gắng kiềm chế, thay vào đó tôi reo vang: “Huray, con đã bắt được quả bóng”.
Điều làm tôi bất ngờ nhất là sau một tuần, Maddie đã tiến bộ. Cháu có thể đá bóng, ném bóng và bắt được một vài quả bóng. Mỗi lần Maddie chơi xong, tôi sẽ nói với con rằng cháu đã chơi tốt hơn so với hôm qua ra sao và tôi tự hào thế nào khi cháu đã không ngừng luyện tập chăm chỉ. Cháu rất thích những lời nhận xét của tôi và không hề cảm thấy nản chí mỗi lần thất bại.
Những lời khen như “Con giỏi lắm” có thể khiến Maddie nhanh chóng mất hứng thú vì nghĩ mình đã thành công hoặc khiến cháu sợ hãi ở lần thất bại tiếp theo vì không thực sự giỏi như tôi khen ngợi. Thay vào đó, lời nhận xét như “Con hãy thử lại lần nữa”, “Con hãy giữ tinh thần, lần sau chắc chắn sẽ tốt hơn” đã giúp con gái tôi có thêm động lực để rèn luyện.
2. Hình thành lòng kiên nhẫn cho trẻ
Video đang HOT
Con trai tôi, Reid thích phá hoại đồ đạc rồi sửa lại chúng. Tôi đã mua cho con vài chiếc ghế đẩu và chẳng mấy chốc, thằng bé tháo tung những chiếc ghế ra nhưng lại không thể lắp ráp lại. Công việc khó khăn khiến Reid dần mất kiên nhẫn. Bình thường cháu bỏ ra rất nhiều thời gian tự sửa đồ nhưng khi mất kiên nhẫn, cháu chỉ động tay một chút và hét ầm lên: “Mẹ ơi, mẹ sửa đi”.
Tôi quyết định mang ghế ra ngoài sân để lắp ráp và nhờ Reid phụ giúp. Cháu khá bối rối trước lời đề nghị của tôi nhưng nhanh chóng hào hứng bắt tay vào công việc. Chẳng mấy chốc, sự thiếu kiên nhẫn lại xuất hiện, tôi giữ bình tĩnh khích lệ con: “Chắc con có thể lắp cái ốc này vào chỗ khác vừa vặn hơn” và cháu đã thành công.
Cảm thấy vui mừng thay con nhưng tôi không ngay lập tức khen Reid mà nói rằng: “Con đã tiếp tục cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ, con có thể từ bỏ nhưng con không làm thế”.
Sau đó, tôi đưa cho con một chiếc ghế khác cũng bị tháo rời ra và bảo con hãy làm lại nhưng không có sự giúp đỡ của tôi. Reid vui vẻ đồng ý nhưng chẳng mấy chốc, cháu lại hét lên: “Mẹ giúp con với” nhưng tôi từ chối. Tôi bảo: “Mẹ nghĩ con có thể làm được, hãy thử đi thử lại như lần trước, con nhớ không?”. Phải mất một lúc lâu so với lần đầu nhưng cuối cùng Reid cũng lắp được chiếc ghế.
Trường hợp này, tôi nhận ra Reid dễ nản chí và từ bỏ, nếu tôi chỉ khen ngợi “Con giỏi lắm” ở lần đầu tiên, cháu sẽ không nhận ra ý nghĩa của sự kiên trì. Vì vậy, thay vì khen ngợi, tôi liên tục nhấn mạnh vào sự kiên nhẫn để nhắc con nhớ điều gì dẫn đến thành công. Đó không phải là “vì con thật là giỏi” mà là vì “con đã tiếp tục cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ”.
Cậu bé Reid lắp ghế. Ảnh: Alana Romain.
3. Thể hiện sự quan tâm của cha mẹ
Tham gia thử thách này, tôi nhận ra rằng trước đây tôi khen ngợi các con rất nhiều trong những hoàn cảnh không nhất thiết phải khen và những lời khen của tôi hoàn toàn sáo rỗng. Ví dụ, tôi hay khen con giỏi khi chơi trò chơi hoặc trong lúc tôi không thực sự quan tâm, chú ý đến công việc của của trẻ. Vì vậy, trong một tuần, khi chơi cùng con, tôi cố gắng thể hiện sự quan tâm, chú ý nhiều hơn đến hoạt động của các cháu.
Maddie thích tô màu và tôi thường bày bộ màu vẽ để đánh lạc hướng con trong khi làm việc nhà, nhưng trong một tuần, tôi cố gắng dành thời gian ngồi tô màu cùng con. Là đứa trẻ, Maddie sẽ tô màu nguệch ngoạc, tràn ra khỏi tranh và sử dụng màu sắc lộn xộn nhưng tôi đã nói: “Mẹ thích cách con sử dụng màu sắc, trông thật rực rỡ”. Câu nhận xét của tôi khiến Maddie hào hứng, vui vẻ hơn bình thường. Cháu bắt đầu sáng tạo ra nhiều cách để tô màu và tập vẽ tranh rồi tự tô, những việc trước đây cháu thường không làm mà chỉ chú ý tô màu.
Thay vì khen ngợi chung chung, tôi đã cho con thấy sự chú ý của mình vào hoạt động của cháu. Điều này thúc đẩy cháu sáng tạo hơn, nỗ lực hơn dù chỉ trong vui chơi. Nếu tôi mở rộng sự chú ý sang các hoạt động khác như học tập, làm việc nhà, con tôi chắc chắn sẽ làm tốt và năng động hơn trước đây.
4. “Bạn thật thông minh” cũng không tệ
Một tuần ngắn ngủi trôi qua có thể thử thách của tôi chưa tác động toàn diện đến suy nghĩ, tinh thần và hành động của các con, nhưng phần nào đã giúp các cháu có động lực hơn. Bên cạnh đó, trong tuần qua, tôi đã phải dành gần như toàn bộ sự chú ý, tập trung vào các con để đưa ra những lời khích lệ có giá trị nhất. Giữa cuộc sống bộn bề công việc, tôi biết mình không thể luôn luôn làm vậy và sẽ có lúc cần đến những lời khen ngợi chung chung.
Vì vậy, sau một tuần thử nghiệm, tôi quyết định sẽ kết hợp cả hai hoạt động này. Một lời khen chung chung đôi khi cũng có thể giúp trẻ có động lực, không đánh giá thấp bản thân. Nó sẽ tuyệt vời hơn nữa khi đi kèm những lời khích lệ đầy yêu thương và quan tâm đến từ phía cha mẹ.
Tôi không chỉ muốn các con nghĩ rằng “Mẹ nói mình thông minh nên mình thông minh”, mà muốn mở rộng hơn thành những suy nghĩ tích cực như “Mẹ thấy mình đã làm việc chăm chỉ”, “Mẹ đánh giá cao sự nỗ lực của mình” hay “Mẹ thích cách mình dùng màu sắc”.
Đó không phải suy nghĩ gì lớn lao đến mức thay đổi thế giới, nhưng nó giúp con tôi giảm áp lực “phải là đứa trẻ thông minh”, biết nhìn nhận những ưu điểm của bản thân và xây dựng thói quen, tích cách tốt đẹp như sự chăm chỉ, sự sáng tạo.
Tú Anh
Theo Romper/VNE
Thầy cô cùng chuyển động
Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo TPHCM đã chủ động, đi đầu trong việc tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy.
Những tiết học truyền thống dần dần được "công nghệ hóa" qua bảng tương tác, video, hình ảnh sinh động, ứng dụng phương pháp giáo dục STEM... để tăng hiệu quả giờ học.
Cô Nguyễn Thị Liễu tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lí khối tiểu học về vận dụng phần mềm OneNote - Ảnh: P.Nga
Ứng dụng tối đa CNTT
Giành giải Nhất tại cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2014; là một trong ba giáo viên của Việt Nam được tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu tổ chức tại Mỹ; đồng thời là chuyên gia giáo dục của Microsolf, cô Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình GD phổ thông của Bộ GD&ĐT tại Trường Quốc tế Việt Úc cho biết: "Sự phát triển của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho giáo viên, nhà quản lý trong việc tận dụng tính ưu việt của nó vào giảng dạy, quản trị nhà trường.
Mặc dù công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, nhưng nếu tận dụng tốt, nó sẽ đem lại tiết học hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, giúp các em chủ động trong học tập, tham gia tích cực vào bài học, có những sản phẩm sáng tạo".
Khi còn công tác tại Trường THCS Đức Trí (quận 1), cô Nguyễn Thị Liễu chính là người truyền lửa giúp các giáo viên trong trường tích cực tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Dù bận rộn với công tác quản lý, nhưng cô đã chủ động triển khai cho học sinh của trường tham gia tiết học kết nối với học sinh Sri Lanka, Ấn Độ về chủ đề văn hóa, ẩm thực; trao đổi trực tuyến với học sinh Phần Lan về địa lý, văn hóa qua phần mềm Skype...
Sau khi chuyển qua làm công tác quản lý tại Trường Việt Úc, cô tiếp tục thực hiện nhiều dự án dạy học hiệu quả, triển khai các tiết học kết nối như với chuyên đề giáo dục giới tính. Học sinh của nhà trường được kết nối trực tuyến, trò chuyện online cùng cô Nguyễn Thị Hiệp Tuyết - bác sĩ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
Dự án bảo vệ môi trường có tên Hành động vì biến đổi khí hậu tham gia kết nối với nhiều học sinh các nước trên thế giới... Cô cũng vinh dự được Sở GD&ĐT TPHCM mời tập huấn cho các giáo viên, cán bộ quản lý (khối tiểu học) của các quận, huyện về ứng dụng OneNote trong quản lý hồ sơ điện tử, cũng như được nhiều cơ sở GD trên địa bàn TPHCM mời tập huấn về việc ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý.
"Với sự phát triển nhanh của công nghệ, bản thân tôi cho rằng, đến lúc người thầy chúng ta phải thay đổi, không chỉ là soạn giáo án và lên lớp mà phải tự trang bị cho mình kiến thức ngoại ngữ, tin học, các kĩ năng mềm... để trở nên đa năng hơn trên con đường đưa học trò của mình tiếp cận tri thức."
Thầy Đức Anh
Từng triển khai nhiều dự án dạy học cho học sinh như Học văn từ cuộc sống; Có thư ngoài cửa... thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho biết, mỗi dự án ngoài việc bảo đảm cho học sinh về mặt kiến thức, trải nghiệm thú vị về cuộc sống, rèn các kỹ năng, việc ứng dụng CNTT như cho các em làm video ngắn, clip ngắn, dựng phim hay trao đổi thông tin, báo cáo công việc qua nhóm online luôn được thầy chú trọng.
Bên cạnh đó, thầy Đức Anh cũng lập trang cá nhân, trực tuyến trò chuyện, trao đổi, giúp học sinh ôn tập, ôn thi; tận dụng kênh YouTube để đăng tải các clip hướng dẫn học sinh ôn tập theo từng chủ đề của môn Ngữ văn...
Học sinh Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Phú Nhuận) tham gia tiết học kết nối với học sinh nước ngoài với chủ đề Hành động vì môi trường. Ảnh: P.Nga
Chủ động bắt kịp với thời cuộc
Sự phát triển của CMCN 4.0, tạo ra nhiều cơ hội cho đội ngũ nhà giáo ứng dụng những ưu việt của nó vào giảng dạy. Bên cạnh đội ngũ nhà giáo trẻ, nhiều giáo viên dù tuổi đã lớn nhưng vẫn chủ động tìm tòi, tiếp cận để đổi mới sáng tạo trong từng tiết dạy.
Nhiều năm qua, Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Lài, Tổ trưởng tổ Lý, Hóa, Sinh của Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), luôn được nhà trường đánh giá cao trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, quản lý tổ chuyên môn. Cô từng tham gia rất nhiều cuộc thi như thiết kế bài giảng E-Learning; dạy học theo chủ đề tích hợp cấp quốc gia...
Ở tuổi 54, cô Lê Thị Lài vẫn luôn chủ động trang bị kĩ năng tin học cho mình, tìm tòi học hỏi để ứng dụng CNTT vào các chuyên đề dạy học, quản lý trực tuyến tổ chuyên môn hiệu quả... Ngoài ra, cô còn vận dụng sự phát triển của mạng xã hội để lập nhóm trao đổi về công việc với đồng nghiệp, kết nối với học sinh, phụ huynh.
Cũng giống như đồng nghiệp của mình, ở tuổi ngoài 50, cô Nguyễn Thị Phương Nam, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), không ngần ngại tiếp cận những tiến bộ CNTT để phục vụ cho việc dạy học như sử dụng thuần thục bảng tương tác, ứng dụng phần mềm ôn tập trực tuyến, kết nối với học trò, phụ huynh qua mạng xã hội; dạy học tích hợp...
Cô cho rằng, là giáo viên, dù ở độ tuổi nào, vẫn phải chủ động tìm hiểu cái mới, cái hay để phục vụ cho công việc của mình. Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, phải công nhận rằng, các bạn trẻ sẽ có những thuận lợi hơn, nhưng giáo viên lớn tuổi cũng không thể lấy lý do tuổi tác để... ỷ lại.
Bên cạnh dạy học hiệu quả, tận dụng sự phát triển của CNTT vào quản lý lớp học cũng được nhiều giáo viên áp dụng. Để quản lý lớp do mình chủ nhiệm, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã thành lập một cổng thông tin của riêng lớp. Trang web được xây dựng trên nền tảng thiết kế web miễn phí của Google có tên là Google site hay quản lý lớp qua trang Facebook.
Từ việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, rất nhiều giáo viên tại TPHCM đã triển khai nhiều dự án, phần mềm dạy học hiệu quả như phần mềm học Lịch sử trực tuyến cho học sinh tiểu học của thầy Vũ Hoàng Sơn; học Ngữ văn qua game Pokemon của cô Trịnh Thị Minh Hương...
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Hội thảo quốc tế về Nâng cao chất lượng thực tiễn giáo dục đại học Nằm trong khuôn khổ Quỹ Hỗ trợ Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh - Việt Nam do Hội đồng Anh tài trợ, vừa qua, tại TP.HCM Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với Đại học Birmingham City (Anh Quốc) tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng thực tiễn giáo dục đại học: Kinh nghiệm sử dụng nghiên...