Bơi sẽ là môn học bắt buộc ở Nghệ An
Theo thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 40 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng hơn 50 trẻ.
Mặc dù đã có công văn gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em trên địa bàn nhưng hằng năm số trẻ bị đuối nước ở Nghệ An vẫn tăng mà chưa ai bị xử lý. Có vụ học sinh ngày mai làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng rồi ra đi mãi mãi do đuối nước.
Liên tiếp xảy ra đuối nước thương tâm
15 giờ ngày 29-4, thời tiết nắng như đổ lửa, năm em nhỏ rủ nhau ra sông Hiếu (đoạn qua phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) tắm mát. Khi đang tắm, không may em Phùng Thị Mai (năm tuổi, phường Long Sơn) và hai chị em ruột Trần Thị Kim Xuyến (13 tuổi) và Trần Văn Luyện (11 tuổi, cùng trú xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) bị đuối nước, tử vong.
Tiếp đó ngày 30-5, nhóm năm học sinh lớp 8A Trường THCS Trung Thành (huyện Yên Thành) cùng nhau đi dã ngoại ở khu vực Trại Xanh (xã Bắc Thành, huyện Yên Thành). Trong lúc vui chơi cạnh đập nước thủy lợi, cả năm em Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Giang, Trần Long Nhật, Nguyễn Thị Trang và Cao Thị Nương (đều 14 tuổi, trú xã Trung Thành, huyện Yên Thành) bị đuối nước tập thể, dẫn đến tử vong.
Trước ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, ba em Nguyễn Quang Thông và Nguyễn Gia Tiến (18 tuổi), Nguyễn Thế Hoàng (12 tuổi) cùng trú xóm 3, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương rủ nhau ra sông Lam tắm rồi đuối nước tập thể. Trường hợp đau lòng khác là của chị Nguyễn Thị Bình (xóm 8, xã Nghĩa Bình, huyên Tân Kỳ) khi chiều 19-7 chị mang hai con đứa bốn tuổi, đứa gần ba tuổi sang gửi nhà ngoại rồi đi làm đồng. Tối về đón con thì phát hiện cả hai bé đã nổi lên trong ao nước gần nhà.
Nơi xảy ra vụ đuối nước khiến ba học sinh tử vong trên sông Lam có hố hút cát sâu tạo thành vòng xoáy. Ảnh: ĐẮC LAM
Video đang HOT
Họp khẩn tìm giải pháp
Trước thực trạng đáng báo động này, ngày 7-6 tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp khẩn trực tuyến do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý chủ trì. Mặc dù là cuộc họp khẩnnhưng có đến 11/21 chủ tịch huyện, TP, thị xã vắng mặt.
Báo cáo giữa các cơ quan chức năng trong cuộc họp cũng không có sự thống nhất khi Sở LĐ-TB&XH báo cáo xảy ra 18 vụ đuối nước làm 25 trẻ thiệt mạng thì Tỉnh đoàn Nghệ An lại báo cáo xảy ra 28 vụ, số trẻ thiệt mạng là 37. Còn báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An là xảy ra 40 vụ và 47 trẻ thiệt mạng. Từ đó có thể thấy các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp trong công tác phòng, chống đuối nước.
Tiếp theo đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An ngày 11-7, trong phần trả lời chất vấn, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho rằng cái khó nhất hiện nay là môn bơi chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Toàn tỉnh mới chỉ có 200 bể bơi, trong đó 150 bể cố định, tập trung chủ yếu ở TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và trung tâm các huyện.
Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lớp tập huấn dạy bơi cho 600 giáo viên tiểu học, THCS của tỉnh và lớp tập huấn này sẽ được triển khai vào cuối tháng 7 này. Đây là tiền đề để tỉnh này đưa môn bơi vào trường học như một môn bắt buộc để học sinh vừa được rèn luyện sức khỏe, vừa học kỹ năng tự cứu mình và người khác khi chẳng may gặp nạn.
“Hiện Bộ GD&ĐT chưa đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông nhưng trong chương trình học hằng năm đều có số tiết dành cho chương trình giáo dục địa phương. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đưa môn bơi vào chương trình giáo dục địa phương như một môn học bắt buộc. Môn bơi cũng sẽ là môn thi đấu chính thức của Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, tiến tới phổ cập bơi cho học sinh tiểu học, trung học toàn tỉnh Nghệ An” – ông Thành cho hay.
Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, năm 2016 tỉnh Nghệ An có 34 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã ký công văn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, TP, thị xã tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Thế nhưng những vụ đuối nước đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra và chưa cán bộ nào bị xử lý, kỷ luật. Đến năm 2017 có 24 trẻ tử vong và năm 2018 có 20 trẻ. Tai nạn đuối nước xảy ra cao điểm nhất là tháng 5 và tháng 6 hằng năm.
Tình trạng trẻ đuối nước còn nhiều là do các ngành liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, công tác tuyên truyền chưa tốt. Những tồn tại này cần khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh sẽ xếp loại thi đua cuối năm với những địa phương làm chưa tốt phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Ông THÁI THANH QUÝ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
ĐẮC LAM
Theo PLO
Cho em một mùa hè đúng nghĩa của tuổi thơ
Mùa hè là thời gian trẻ em được tận hưởng vui chơi thú vị, sinh hoạt các hoạt động ở xã, phường, câu lạc bộ, nghỉ ngơi nạp lại năng lượng để bước vào năm học mới với tâm thế hào hứng, dễ dàng tiếp thu kiến thức mới.
Bóng đá là môn thể thao được nhiều bạn nam chơi vào mùa hè
Hẳn là giờ đây, trẻ thơ đang được ăn - ngủ - vui chơi thỏa thích, mà không phải gấp gáp đến trường, vùi đầu vào sách vở. Nhưng thực tế, không phải trẻ nào cũng có một mùa hè hồn nhiên khi phụ huynh vô tình biến mùa hè thành "học kỳ 3". Nhiều phụ huynh dù lễ tổng kết năm học còn chưa diễn ra, đã lập sẵn danh sách các môn học cho con vào mùa hè như học tiếng Anh, bồi dưỡng Toán, Ngữ văn...; rồi đắn đo suy nghĩ nên cho con học trung tâm hay theo học giáo viên riêng sẽ tốt hơn... Cấp 1, cấp 2 thậm chí những trẻ chuẩn bị lên lớp 1 cũng bị phụ huynh cho vào "lò" đào tạo trong mùa hè. Gần nhà tôi có một bé trai 6 tuổi, hết hè này sẽ vào lớp 1. Những ngày gần đây, mẹ bé sốt sắng mua vở, sách, bút... để cấp tốc dạy học cho cậu trong 3 tháng hè. Tâm sự về việc dạy chữ cho con sớm, người mẹ bảo: "Bây giờ học đã là trễ rồi đấy. Nhiều đứa học cùng lớp với con chị đã biết chữ, đếm số... Giờ chị phải dạy cho con, chứ đến khi vào lớp 1 mà không biết chữ sẽ thua thiệt với chúng bạn".
Các em tham gia ngoại khóa học kỳ quân đội
Vô tình hay hữu ý, mùa hè bị biến thành "học kỳ 3" xuất phát từ việc các bậc phụ huynh lo sợ con trẻ sẽ quên chữ khi ngày hè không đụng vào sách vở hoặc muốn cho con học trước kiến thức để vào năm học không bị bỡ ngỡ... nên họ đã tận dụng kỳ nghỉ hè để làm điều đó. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh không tự vấn xem liệu 3 tháng hè có đủ khiến con thông minh hơn hay học thêm vào mùa hè sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi bước vào năm học mới với cái đầu đã dung nạp một lớn lượng kiến thức mà không được nghỉ ngơi, thư giản... Ông bà có câu "học, học nữa, học mãi". Song "học" ở đây không có nghĩa là phải vùi đầu vào sách vở, những con số, cái chữ mà còn là học hỏi kiến thức từ cuộc sống. Trẻ em có thể học hỏi được nhiều điều thú vị thông qua các hoạt động, vui chơi, giải trí và mùa hè chính là thời gian "vàng" để trẻ quan sát, khám phá những thứ nhỏ nhoi "rất trẻ con" xung quanh mình. Với trẻ mùa hè đúng nghĩa chỉ cần có vậy. Trẻ em rất thích và mong chờ đến mùa hè không khác gì người lớn ước ngày cuối tuần đến nhanh và trôi đi thật chậm. Trẻ em có quyền học và cũng có quyền được chơi.
Môn bơi được trẻ em thích thú trong dịp hè
Do đó, các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ việc cho con học thêm vào mùa hè. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình, các bậc phụ huynh có thể sắp xếp cho trẻ học thêm với thời lượng vừa đủ, hợp lý; còn lại nên cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở phường, xã, câu lạc bộ, cho con về thăm quê hoặc cho đi dã ngoại cùng gia đình vào các ngày cuối tuần. Khi trẻ được tận hưởng một mùa hè vui vẻ thú vị, chúng sẽ bước vào năm học mới với tâm thế hào hứng, dễ dàng tiếp thu kiến thức mới.
LÊ NHUẬN
Theo baodansinh
Gia Lai: Hè về, Đoàn viên dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng cao Trước tình trạng đuối nước tập thể ở vùng nông thôn, vùng cao đang diễn ra phức tạp, đoàn thanh niên thôn Tân An (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho các em học sinh vùng cao. Hoạt động dạy bơi còn là sân chơi bổ ích cho các em học sinh nghèo, vùng...