Bồi dưỡng giáo viên Thái Bình chuẩn bị triển khai chương trình mới
Các thầy cô giáo tỉnh Thái Bình vừa tham gia bồi dưỡng trực tuyến 2 mô đun về “Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018″ và “Sử dụng phương pháp dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh” theo mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai.
Đây là hoạt động thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (giáo viên) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ( Chương trình ETEP).
“Vừa học vừa áp dụng kiến thức mới vào bài dạy”
Tham gia bồi dưỡng qua mạng với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán, cô giáo Tại Thị Sim, trường THPT Tây Tiền Hải nói, nhờ học các mô đun bồi dưỡng của ETEP, cô đã thấm dần việc sử phương pháp giảng dạy phát triển năng lực học sinh.
Cô Sim chia sẻ, “Hiện tôi đang áp dụng, khi thao giảng, tôi sẽ áp dụng kĩ thuật “Khăn trải bàn” vào bài dạy. Chúng tôi sẽ không bỡ ngỡ khi triển khai chương trình mới vào năm tới”.
Học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS, cô Bùi Thu Phương, trường THPT Lê Hồng Phong đánh giá cao chất lượng tài liệu, nội dung rất thiết thực đối với giáo viên tại thời điểm đang chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đặc biệt là có nhiều video minh hoạ, có thể áp dụng.
“Ngay khi học xong, giáo viên chúng tôi đã áp dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực vào giờ dạy nên rất hiệu quả, học sinh hứng thú học tập hơn so với trước đây”, cô Phương cho hay.
Đối với cô Đỗ Khánh Hoàn, trường THPT Tây Tiền Hải thì mô hình bồi dưỡng mới với hình thức học trực tuyến có hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm giúp giáo viên vừa đảm bảo công việc giảng dạy, vừa chủ động việc học, không phải đi bồi dưỡng tập trung, đỡ tốn kém. Mặt khác, có chỗ nào chưa hiểu rõ, giáo viên có thể học đi học lại, có thể học bất cứ đâu, bất cứ khi nào rảnh rỗi vì tài liệu luôn có trên hệ thống.
Tính đến tháng 1/2021, Thái Bình đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1,2,3 cho giáo viên cốt cán với tỷ lệ hoàn thành 99% và bồi dưỡng mô đun 1, 2 cho hơn 1.300 cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông đại trà, đạt 90% và được đánh giá là một trong những địa phương về đích sớm trong bồi dưỡng đại trà.
Có được kết quả đó, theo ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình là nhờ nhận thức rõ tầm quan trọng đội ngũ trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở đặt chất lượng bồi dưỡng giáo viên lên hàng đầu. Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức họp hội đồng, hướng dẫn giáo viên cách truy cập vào tài khoản, tìm hiểu các nhiệm vụ học tập phải hoàn thành, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng trên Hệ thống LMS.
Giám sát chặt chẽ hoạt động hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng, Sở phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) liên tục cập nhật số liệu gửi cho các phòng Giáo dục hàng tuần, đây là cơ sở để các Phòng phấn đấu đạt tiến độ bồi dưỡng.
Video đang HOT
Phát huy vai trò của cốt cán
Theo ông Nguyễn Viết Hiển, hoạt động hiệu quả của đội ngũ cốt cán trong tỉnh đã có những tác động tích cực đến chất lượng tự bồi dưỡng của giáo viên đại trà.
Thầy giáo Vũ Văn Trịnh, giáo viên cốt cán cán môn Địa lý, trường THPT Tây Tiền Hải phụ trách 42 giáo viên đại trà. Thầy đã lập nhóm zalo giáo viên môn Địa lý trong tỉnh, hỗ trợ trực tuyến qua hộp thư, zalo và giải đáp thắc mắc của mọi người thông qua sinh hoạt chuyên môn. Thầy Trịnh tâm đắc với việc chia sẻ tài liệu và trao đổi thông tin đã giúp giáo viên nạp thêm kiến thức, phát triển năng lực nghề nghiệp ngay tại nhà trường.
Với vai trò cốt cán, thầy Trịnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp chi tiết đến từng nội dung và kết nối, trao đổi với các giảng viên sư phạm để có thể giải đáp mọi khúc mắc của giáo viên. Thầy Trịnh cùng các đồng nghiệp đang từng bước ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực từ mô đun 2.
Cũng như thầy Trịnh, cô Trần Thị Nga, giáo viên cốt cán trường THCS Đông Hưng ngày nào cũng vào Hệ thống LMS để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đồng nghiệp. Giáo viên cốt cán như cô được Phòng GD&ĐT Đông Hưng tạo điều kiện thuận lợi như tổ chức họp đội ngũ cốt cán cấp trường với đại diện Viettel, hướng dẫn chi tiết việc học trên Hệ thống LMS để giáo viên cốt cán hỗ trợ đại trà một cách bài bản.
Theo cô Nga, để đảm bảo giáo viên đại trà tự bồi dưỡng hiệu quả thì giáo viên cốt cán phải thực sự tâm huyết và “tròn vai”. Tuy nhiên, một số giáo viên cốt cán cho biết họ đang “quá tải”. Như thầy Phạm Hải Ninh – giáo viên cốt cán môn Ngữ Văn – Trường THPT Bắc Kiến Xương, được phân công hỗ trợ 127 giáo viên đại trà, thuộc 12 trường. Thầy Ninh mong muốn tăng cường đội ngũ cốt cán để hỗ trợ giáo viên hiệu quả hơn, cũng như cần sự phối hợp chặt chẽ của tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường trong việc đôn đốc giáo viên đại trà hoàn thành các mô đun bồi dưỡng.
Ông Phạm Tuấn Long, trưởng phòng Tổ chức cán bộ – Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, Thái Bình có hơn 600 giáo viên cốt cán ở 3 cấp: Tiểu học, THCS, THPT và Sở đang có kế hoạch bổ sung giáo viên cốt cán môn Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý và Hoạt động trải nghiệm hiện đang thiếu.
Dự kiến, cuối tháng 04/2021, Sở GD&ĐT Thái Bình sẽ triển khai việc hỗ trợ tự bồi dưỡng mô đun 3 về “Kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực” cho giáo viên đại trà.
Dạy chương trình mới, giáo viên phải học cách thoát ly "lối mòn"
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đặt ra cho các giáo viên thách thức về thay đổi phương pháp giảng dạy, tự làm mới mình, thoát khỏi những cách dạy truyền thống, truyền đạt kiến thức một chiều để áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện nay giáo viên trên cả nước đang tham gia bồi dưỡng theo Chương trình ETEP của Bộ GD-ĐT.
"Không tự nâng cao năng lực là tự đào thải"
Trực tiếp tham gia chương trình bồi dưỡng, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, khi bước vào chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thách thức lớn nhất của giáo viên là cần thay đổi quan điểm về giáo dục, gần như phải thay đổi toàn bộ thói quen dạy học trước đây sang phương thức mới.
Các thầy cô chủ động tự học để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới.
Nếu như trước đây chủ yếu thiên về kiến thức, thì trong chương trình mới, giáo viên cần biết cách biến những kiến thức thành năng lực sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày cho học sinh. Năng lực ấy bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, thái độ để tạo thành năng lực, phẩm chất. Trước đây, quá trình học tập chú trọng nhiều vào kết quả thì nay lại chú trọng đến quá trình, như vậy khi mục tiêu giáo dục thay đổi, cách thức giảng dạy của giáo viên cũng cần thay đổi.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, bản thân được học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý từ các chuyên gia cũng như những đồng nghiệp khi tham gia tập huấn. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa tập huấn trực tiếp và tập huấn online cũng góp phần phát huy tinh thần tự học của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.
"Chúng tôi nhận ra rằng, khi tham gia chương trình mới, nếu không tự nâng cao năng lực, tức đang tự đào thải chính mình. Cách tập huấn mới giúp giáo viên tăng cường khả năng tự học, sáng tạo của bản thân", cô Thúy nói.
Cũng theo Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, hiện nay các tình huống tập huấn chủ yếu là giả định, do đó các giáo viên cần hiểu đây là ví dụ, thay vì áp dụng "cứng" như những bài mẫu khi vào dạy thực tế.
Sau khi học xong 2 mô đun, cô Tại Thị Sim, giáo viên Trường THPT Tây Tiền Hải, Thái Bình đã thấm dần Chương trình GDPT 2018 từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp. "Hiện tôi đang áp dụng vào giảng dạy, sắp tới chuẩn bị cho thao giảng, tôi sẽ áp dụng kĩ thuật mới vào bài dạy. Áp dụng dần dần, chúng tôi sẽ không bỡ ngỡ khi triển khai".
Thầy Đinh Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng, thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, nếu như trước đây, để tập huấn, các cán bộ và giáo viên phải dành nhiều thời gian học tập trung hàng trăm người, thì nay lại được chủ động hơn về thời gian khi kết hợp trực tiếp và online.
Thầy Tuấn cho biết, ở giai đoạn đầu khi tập huấn mô đun 1, giáo viên cũng như các cán bộ quản lý còn gặp một số khó khăn do chưa quen cách học, đường truyền kém ổn định, nhưng nay đã quen với phương pháp tập huấn, thầy Tuấn cũng như nhiều thầy cô khác trong trường lại rất hào hứng học tập.
Là một cán bộ quản lý, thầy Đinh Mạnh Tuấn cho biết, bản thân biết thêm nhiều cách làm hay trong việc xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ, phát triển nhà trường khi áp dụng chương trình phổ thông mới...
"Nếu như trước đây, các trường chủ yếu chỉ kêu thừa, hay thiếu giáo viên, trên phân công bao nhiêu nhân sự chúng tôi nhận từng ấy, nhưng giờ cần tính toán cân đối ngay các môn trong trường, một số môn đặc thù có thể kiến nghị xin hỗ trợ từ giáo viên cấp 2 xuống hoặc kiến nghị để huyện cân đối giữa các trường. Hay chỉ đơn giản như câu hỏi, làm thế nào để khích lệ động viên giáo viên trong giảng dạy. Câu hỏi có nhiều đáp án, tất cả đều đúng, nhưng chúng tôi cần tìm qua đáp án đúng nhất, quá trình thảo luận, chia sẻ với đồng nghiệp giúp chúng tôi có thêm những câu chuyện, tình huống thực tế để áp dụng vào chính trường mình", thầy Tuấn chia sẻ.
Giáo viên phải nâng cao tinh thần tự học
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng cho biết, điều quan trọng nhất khi tập huấn cho chương trình mới là giáo viên phải thay đổi tư duy, có tinh thần tự học một cách chủ động nhất.
Quá trình bồi dưỡng giáo viên giúp thầy cô có thêm những kỹ thuật dạy học mới như cách tổ chức học nhóm, các trò chơi, cách quan sát học sinh...
"Trước đây, tham gia tập huấn, nhiều thầy cố có tư tưởng chỉ cần được 5 điểm cho qua, học lấy lệ, nhưng đến nay, mỗi người có 1 tài khoản riêng, có sự giám sát và chấm bài rất gắt gao. Nếu không hoàn thành những yêu cầu đặt ra thì sẽ bị đánh trượt. Do đó, quá trình tập huấn này cũng giúp thầy cô tạo ra thói quen tự học, tìm tòi, nghiên cứu", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng nói.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên cốt cán môn Âm nhạc tại Trường Tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng cho biết, là môn đặc thù trong trường phổ thông, do đó cách tập huấn trực tiếp hiệu quả hơn với môn học này. Qua quá trình tập huấn cùng các giảng viên từ các trường ĐH Sư phạm, thầy Cường chia sẻ bản thân đã thay đổi nhiều về phương pháp giảng dạy, chuẩn bị tốt hơn cho mỗi giờ lên lớp.
"Khi tập huấn, giáo viên được hướng dẫn rất nhiều kỹ năng sư phạm, các phương pháp dạy học mới.Ví dụ, trước đây dù học hát nhạc, nhưng việc nghe âm thanh của học sinh lại rất hạn chế, chủ yếu vận động tại chỗ, còn theo hướng dẫn cách dạy mới, các thầy cô có thể sử dụng các video, các đoạn nhạc, bài hát, trình chiếu và phát để học sinh nghe và làm theo. Hoặc giáo viên có thể tổ chức các trò chơi, các hoạt động nhóm, có các cách để khuấy động tinh thần sôi nổi trong lớp học. Sau khi tập huấn, bản thân tôi đã áp dụng với các lớp học hiện nay và nhận thấy học sinh hứng thú hơn rất nhiều", thầy Cường cho hay.
Còn theo thầy Trần Vũ Định, giáo viên môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Đắk Bu'k So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, việc tập huấn giáo viên là rất cần thiết, giúp trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức cho bản thân để sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc tập huấn cũng giúp giáo viên thoát khỏi những "lối mòn" trong phướng pháp giảng dạy để học thêm những cách làm sáng tạo hơn, giúp học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có thêm những kỹ năng cần thiết, phát triển toàn diện.
"Để dạy học sinh, trước tiên thầy cô cũng cần học và đặc biệt là tự học. Nhưng thực tế, giáo viên phổ thông không có nhiều cơ hội được trao đổi, học hỏi trực tiếp từ giảng viên các Trường ĐH Sư phạm. Quá trình tập huấn giúp chúng tôi có thêm những kỹ thuật dạy học mới như cách tổ chức học nhóm, các trò chơi, cách quan sát học sinh hay cả những phương pháp kiểm tra đánh giá mới", thầy Định chia sẻ./.
Mô hình bồi dưỡng giáo viên mới: Không thể thiếu vai trò giáo viên cốt cán Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên cốt cán theo mô hình bồi dưỡng mới là hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa/internet Mô hình 5- 3 -7 trong bồi dưỡng giáo viên Mô hình bồi dưỡng giáo viên/cán bộ...