Bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ: Giảm “gánh nặng” văn bằng
Chủ trương bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với công chức, viên chức ngành Giáo dục – Đào tạo là thông tin nhận được sự đồng thuận của hầu hết cán bộ, giáo viên.
Việc giảm “gánh nặng” văn bằng, chứng chỉ là cần thiết để giảm thủ tục hành chính, “cởi trói” cho giáo viên, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý theo hướng đi vào thực chất hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giúp giáo viên mầm non bớt áp lực, có thêm thời gian học tập nâng cao chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Trong ảnh : Một giờ học tại Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang
“Cởi trói” cho giáo viên
Theo quy định hiện hành, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc khi giáo viên mầm non và phổ thông tham gia tuyển dụng viên chức hoặc thi nâng hạng.
Chẳng hạn, theo Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14-9-2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, ngoài yêu cầu về sức khỏe, về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chứng chỉ tin học, để đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, thì giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (chứng chỉ trình độ A); để đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III, thì giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (chứng chỉ trình độ B).
Để được nâng hạng, giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo trình độ tương ứng. Điều này cũng tương tự với giáo viên các cấp học khác. Quy định này đòi hỏi giáo viên luôn phải có kế hoạch nâng cao trình độ, song thực tế cũng kéo theo nhiều vấn đề, trong đó có nạn mua – bán chứng chỉ và học tập đối phó của một bộ phận giáo viên, nhằm hợp thức hóa yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã thống nhất với Bộ Nội vụ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học cho giáo viên trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện để công bố rộng rãi.
Chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dư luận chứ không chỉ riêng với đội ngũ giáo viên vì có ý nghĩa thiết thực, tránh “bệnh” hình thức, vừa giảm thủ tục hành chính, vừa “cởi trói” cho giáo viên trong việc đào tạo, bồi dưỡng.
Video đang HOT
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, việc có kỹ năng tin học, ngoại ngữ là nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, song không nhất thiết phải thể hiện bằng quy định có chứng chỉ. Việc giảm gánh nặng cho giáo viên là cần thiết để họ có thêm thời gian, công sức đầu tư cho chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Quang A (huyện Ba Vì) Phùng Thị Lan chia sẻ, do đặc thù công việc của ngành học mầm non, việc bố trí thời gian, sắp xếp công việc để học tập lấy chứng chỉ ngoại ngữ là rất khó khăn với cả giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường. Hơn nữa, nhiều giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ cũng khó có cơ hội sử dụng thường xuyên, gây lãng phí thời gian, công sức của giáo viên và ít nhiều làm mất đi ý nghĩa của chứng chỉ…
Yêu cầu của công tác giảng dạy hằng ngày đòi hỏi giáo viên tự trau dồi kiến thức ngoại ngữ một cách thực chất. Trong ảnh : Một tiết học môn tiếng Anh tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm
Thúc đẩy ý thức tự học
Dù chưa chính thức được ban hành, song quy định về việc bỏ quy định bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đang được các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội đón nhận với tâm thế mới. Đây được xác định là cơ hội để cán bộ, giáo viên học tập, bồi dưỡng theo nhu cầu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng vị trí công việc.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đòi hỏi nhiều yêu cầu mới về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, trong đó có năng lực ứng dụng tin học, ngoại ngữ.
Năm học 2020-2021, quận Tây Hồ đã trang bị cho tất cả các phòng học lớp 1 bảng thông minh. Việc phải sử dụng các dữ liệu điện tử phục vụ giảng dạy hằng ngày đòi hỏi giáo viên tự trau dồi kiến thức, kỹ năng một cách thực chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nếu không sẽ tự bị đào thải.
Còn theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến, việc bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không có nghĩa là cán bộ, giáo viên “lơ” luôn hai kỹ năng này. Để việc ứng dụng tin học, ngoại ngữ được thường xuyên, thực chất, ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Mỹ Đức đã và sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các dự án học tập liên môn, phổ cập việc xây dựng và giảng dạy theo giáo án điện tử…, qua đó mỗi giáo viên sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc tự học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ”, ông Lê Văn Hiến bày tỏ.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm Lê Ngọc Hoa cho biết, hằng năm, nhà trường có từ 40% đến 50% số giáo viên tham gia học tập để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, song nhà trường luôn xác định việc sử dụng các kỹ năng này vào bài giảng hằng ngày mới là yêu cầu quan trọng nhất.
Để gỡ khó cho giáo viên về thời gian, nhà trường tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ tại trường; mời giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia để giáo viên được trực tiếp trao đổi, học tập kinh nghiệm, từ đó có kế hoạch tự học tập để hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Dự kiến trong tháng 12-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố dự thảo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó không có quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Văn bằng, chứng chỉ - Thực lực hay "giấy thông hành"?
Chứng chỉ, văn bằng đang trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc rà soát lại những giấy tờ này là hết sức cần thiết, nhằm tiến tới loại bỏ dần "giấy phép con" trong công tác cán bộ và phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước.
"Loạn" chứng chỉ, văn bằng
Thời gian gần đây, chị Huỳnh Thị Ngọc Anh (43 tuổi), công tác tại một bệnh viện ở TPHCM hàng ngày phải sắp xếp công việc để đi học Tin học, Ngoại ngữ, nhằm đáp ứng quy định của ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới.
Cụ thể là Thông tư 01 của Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và Thông tư 03 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Chị Anh cho biết, các nội dung bồi dưỡng thi Tin học cũng chỉ ở trình độ cơ bản, nhưng phải cố gắng học đủ số ngày thì mới đủ điều kiện dự thi.
"Theo tôi nên bỏ quy định cán bộ, công chức viên chức phải nộp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, bởi vì khi tuyển dụng vào làm thì phải kiểm tra trình độ đạt yêu cầu mới nhận vào. Ngoài ra, đã đi làm mà còn phải sắp xếp đi học các môn đó thì rất bất tiện, trong khi việc học này nặng về hình thức và không đảm bảo chất lượng"- chị Anh chia sẻ.
PGS.TS Phạm Văn Tất (đứng) đang hướng dẫn triển khai Đề án Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Hoa Sen TPHCM.
Anh Lê Nhựt Duy, sinh năm 1983, công tác hơn chục năm qua tại một đơn vị sự nghiệp ở quận 1, TPHCM cũng từng có chứng chỉ A Tin học, nhưng "không còn phù hợp với chuẩn quy định hiện tại". Buộc lòng anh phải đi học lại để lấy bằng, trong khi công việc hàng ngày gần như không sử dụng vi tính.
"Đối với những người làm công việc ít liên quan hoặc không liên quan Tin học văn phòng nhưng vẫn đòi hỏi, yêu cầu chứng chỉ thì điều này vô tình gây khó khăn cho người lao động. Đồng thời gây lãng phí về thời gian công sức khi mà phải quay lại học lấy chứng chỉ Tin học A, trong khi trước đây tôi đã có chứng chỉ này"- anh Duy nói.
Liên quan đến các loại văn bằng, chứng chỉ, những người công tác trong lĩnh vực báo chí cũng gặp phải khá nhiều phiền toái. Theo Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các biên tập viên, phóng viên..., các phóng viên hạng 3 phải có 5 loại giấy tờ. Đó là bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành báo chí, xuất bản; trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học không phải là chuyên ngành báo chí, xuất bản thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản từ 8 tuần trở lên. Ngoài ra, phải đạt trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông; trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời phải đạt sơ cấp lý luận chính trị trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng 3.
Theo quy định này, nhiều nhà báo thâm niên nhiều năm công tác, có tác phẩm đạt giải thưởng về báo chí vẫn phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục, chỉ vì tốt nghiệp đại học không đúng chuyên ngành báo chí. Anh Công Trường, một phóng viên ở TPHCM cho hay: các nhà báo dù thường xuyên làm việc trên máy tính vẫn phải đi học, đi thi lấy chứng chỉ tin học văn phòng, chưa kể một số nội dung để thi lấy chứng chỉ này không cần thiết đối với vị trí việc làm hiện tại.
"Nếu một người đang làm việc tốt ở vị trí của mình thì việc đòi hỏi thêm những văn bằng nào đó thì cũng không cần thiết. Thứ hai là chưa chắc những người có văn bằng đó sẽ làm được việc. Thành ra phải xem xét cụ thể, chứ không thể bắt buộc mọi công chức, viên chức phải theo quy định cứng nhắc như vậy"- anh Trường cho hay.
Rà soát, loại bỏ các "thủ tục" không cần thiết
Không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà còn nhiều loại chứng chỉ, giấy tờ khác khiến cán bộ, công chức, viên chức bất bình, mệt mỏi vì sự phi lý. PGS.TS Phạm Văn Tất, công tác tại Đại học Hoa Sen TPHCM rất bức xúc vì ông đã từng giảng dạy suốt 30 năm qua cho sinh viên Cao đẳng, Đại học và đào tạo cả bậc Tiến sĩ; các học trò của ông cũng đã trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nhưng giờ đây thầy và trò phải ngồi cùng lớp, để học chứng chỉ "phương pháp sư phạm giảng dạy đại học" theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. PGS.TS Phạm Văn Tất cho biết đây cũng là tình cảnh của rất nhiều giảng viên ở các trường đại học khác, kể cả những giảng viên chính sắp nghỉ hưu.
"Chứng chỉ này chỉ phù hợp với những giảng viên trẻ, chưa bao giờ kinh qua việc giảng dạy. Còn tôi đã đi dạy và đã học chứng chỉ về phương pháp giảng dạy ở nước ngoài 3-4 tháng. Bây giờ bắt tôi trở lại học một chứng chỉ, tôi không học. Bởi vì tôi đã là Phó Giáo sư, giảng viên cao cấp mà lại đi học lớp phương pháp giảng dạy nghiệp vụ sư phạm"- PGS Phạm Văn Tất cho biết.
Thực trạng phải đi học để có văn bằng chứng chỉ theo quy định thực chất chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của công chức, viên chức. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc buộc phải có văn bằng này, chứng chỉ kia dễ dẫn đến "lợi ích nhóm", tạo điều kiện cho các học viện, các trung tâm đào tạo bồi dưỡng có thêm lợi nhuận, mà không tính đến lợi ích chung của xã hội. Do đó cần phải xem xét lại những quy định liên quan xem có thực sự cần thiết hay không, nếu đã lỗi thời cần điều chỉnh phù hợp, thậm chí xóa bỏ. Bởi cơ man các loại văn bằng, chứng chỉ như vậy liệu có chứng minh được năng lực thực sự không, hay chỉ là hình thức?
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực dẹp bỏ các chứng chỉ, văn bằng không cần thiết gây khó khăn cho công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế... Mới đây Bộ GD-ĐT thống nhất được với Bộ Nội vụ sẽ bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho giáo viên các trường công lập, dự kiến từ tháng 2/2021. Đây quả là một tin vui.
Nếu như vậy thì hơn 1 triệu giáo viên công lập trên cả nước sẽ thoát cảnh lo chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho đủ chuẩn, vừa đỡ hao tốn công sức, vừa đỡ hẳn một khoản tiền nong. Việc bãi bỏ các văn bằng, chứng chỉ không cần thiết cần sớm được thực thi, giúp công chức, viên chức giảm bớt gánh nặng bằng cấp, an tâm công tác, nhất là giảm chi phí xã hội./.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên: Không tạo thêm gánh nặng bồi dưỡng, tập huấn Việc Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vừa tìm được tiếng nói chung trong việc bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên - là tin vui đối với hơn 1 triệu giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông công lập trên cả nước. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý đi vào thực...