Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp đại học: Không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo của nhà trường
Theo chia sẻ của TS Cao Xuân Liễu, Dự thảo Thông tư về quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học không ghi loại hình đào tạo, hạng học lực trên văn bằng là phù hợp với thông lệ và xu thế chung của thế giới.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo loại bỏ xếp loại khá, giỏi, trung bình trên bằng tốt nghiệp đại học chia sẻ với báo chí TS. Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Không chỉ sinh viên mà nhà trường lúc đầu sẽ chưa quen với việc không ghi các thông tin đó trên văn bằng tốt nghiệp. Vậy thì câu chuyện lúc này là thương hiệu bằng của trường nào cấp chứ không phải là loại hình đào tạo hay xếp hạng học lực được ghi trên văn bằng nữa. Có nghĩa là, với các trường đại học ghi hay không ghi loại hình đào tạo, hạng bằng không ảnh hưởng lớn đến quá trình tổ chức đào tạo của nhà trường”.
“Về mặt hệ thống thông tin, trường đại học vẫn quản lý được những cá nhân nào đạt hạng học lực hay được đào tạo ở loại hình nào mà không cần phải ghi trên văn bằng (thậm chí không ghi cả trên phụ lục văn bằng)”, TS. Liễu phân tích.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
TS. Liễu nói thêm, nếu làm cuộc khảo sát sẽ không nhiều sinh viên đồng ý ghi học lực và loại hình đào tạo trên văn bằng. Nếu có chỉ là những sinh viên có khả năng được xếp hạng giỏi, mà tỉ lệ nhóm sinh viên này chiếm rất ít trong tổng số sinh viên được cấp bằng.
Nhóm xã hội có ảnh hưởng có thể là một số doanh nghiệp sử dụng lao động muốn sơ loại hồ sơ khi tuyển dụng ngay từ bước đầu thì có thể họ sẽ quan tâm đến việc ghi các thông tin về loại hình đào tạo và học lực trên văn bằng. Nhưng tôi cho rằng, rồi họ sẽ quen và nếu cần các thông tin đó vẫn đã có ở phụ lục văn bằng.
TS. Liễu cho biết, trên thế giới hiện nay, vẫn còn một số ít các trường đại học của một số quốc gia (thậm chí cả các quốc gia phát triển) vẫn duy trì việc ghi các thông tin về loại hình đào tạo và hạng học lực trên văn bằng và phụ lục văn bằng. Còn hầu hết các trường đều chỉ ghi thông tin về ngành học, tên người được cấp bằng, tên trường đại học cấp…
“Vì thế, tôi cho rằng, việc không ghi loại hình đào tạo, hạng học lực trên văn bằng là phù hợp với thông lệ và xu thế chung của thế giới về việc công nhận, quản lý văn bằng tốt nghiệp đại học. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế về giáo dục đại học, việc quy định như dự thảo Thông tư là phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, TS. Liễu nhấn mạnh.
Video đang HOT
Còn theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”. Như vậy, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời Bằng và cả Phụ lục văn bằng.
Luật Giáo dục Đại học vừa có hiệu lực, Bộ GD-ĐT xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (thông tư đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành). Đồng thời, Bộ cũng xây dựng Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.
Ông Trinh cho biết, Dự thảo thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.
Thông tư đã có quy định nội dung chính của phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm: Thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh.
Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy; thời gian đào tạo;
Thông tin về trình độ đào tạo; hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận;
Kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.
“Cách làm này là xu hướng nhiều nước trên thế giới, trên cơ sở chúng tôi tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước”, ông Mai Văn Trinh nói.
Theo congly
Bỏ ghi loại hình, xếp loại trên bằng đại học: Giỏi, dốt sẽ "cá mè một lứa"?
Dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến) quy định, sẽ không còn ghi thông tin loại hình đào tạo, xếp loại đánh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng giữa các trường, loại hình đào tạo hiện nay mỗi nơi mỗi khác nên khó có thể đạt được như chủ trương đề ra.
Đề xuất không ghi loại hình đào tạo trên văn bằng đại học của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa: chí cường
Học gì cũng có bằng cấp như nhau?
Theo nội dung ghi trên bằng cấp đại học hiện nay, có sự rõ ràng trong phân biệt giữa các loại hình đào tạo bao gồm: Hệ đào tạo chính quy, hệ tại chức, văn bằng hai, hệ liên thông... Đồng thời, trên văn bằng cũng ghi rõ xếp loại tốt nghiệp đạt loại gì. Ngoài ra, trên văn bằng có sự phân biệt tên văn bằng tùy theo khối ngành đào tạo. Ví dụ như đối với khối ngành kỹ thuật là bằng kỹ sư, ngành Y là bác sỹ hoặc cử nhân, các ngành khoa học khác là cử nhân văn hóa, cử nhân kinh tế, cử nhân luật...
Tuy nhiên, các thông tin này có thể không còn xuất hiện trên văn bằng nữa, bởi theo dự thảo Bộ GD&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến, tất cả các trường sẽ không còn phân biệt khối ngành đào tạo sẽ đều cấp bằng tốt nghiệp đại học với một tên gọi chung là bằng cử nhân, cũng không ghi xếp loại tốt nghiệp. Theo Bộ GD&ĐT, bằng tốt nghiệp sẽ được cấp cùng với Phụ lục văn bằng để đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo... của người học.
Dự thảo của Bộ GD&ĐT đang được đăng tải lấy ý kiến góp ý trên website của Bộ đến hết ngày 3/12. Tuy nhiên, sau vài ngày công bố, Dự thảo đã nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đại học trên phạm vi cả nước, trong đó có một số đồng tình với quy định mới bởi Luật Giáo dục đại học không còn phân biệt giữa các loại hình đào tạo (giá trị ngang nhau). Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới cũng chỉ cấp bằng tốt nghiệp đạt các nội dung của chương trình học mà không nêu rõ là chương trình theo hình thức học nào, xếp loại tốt nghiệp sẽ có bảng điểm đi kèm...
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tất cả các bằng đại học trước nay đều có sự phân loại hình thức đào tạo, học lực của người học. Việc phân loại hình thức đào tạo, về mặt tích cực là tạo ra động lực cho người học phấn đấu để có bằng chính quy, đạt loại cao... Trường hợp bỏ không ghi xếp loại, cũng cần phải ghi trong bảng điểm kèm theo bằng. Căn cứ vào lực học là căn cứ vào cả quá trình học tập của người học, nhà tuyển dụng có thể tham khảo để lựa chọn nhân lực phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.
Giữa các trường, loại hình đào tạo còn có độ "vênh"
Trên thực tế, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, quy định mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo nội dung ghi trên văn bằng là điều cũng đã được bàn luận nhiều trong thời gian qua, nhất là trong quy định hiện hành cụ thể trong Luật Giáo dục cũng nêu rõ giá trị các hình thức đào tạo là ngang nhau, không có sự phân biệt. Việc tham khảo một số quốc gia trên thế giới cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, quy định mới của Bộ GD&ĐT có thể áp dụng lại tạo ra những bất cập, bởi giữa các loại hình đào tạo bậc đại học hiện nay, cụ thể như hình thức chính qui, tại chức, đào tạo từ xa... có sự khác biệt lớn từ thi đầu vào, đến chuẩn đầu ra.
GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên của Quốc hội cho biết: "Về mặt lý thuyết, có thể nói rằng là bằng cấp là tương đương nhau, nhưng nếu đi vào cụ thể sẽ lại là câu chuyện khác, quy định của Bộ GD&ĐT nêu trong dự thảo chỉ có thể thực hiện được khi mà chất lượng giữa các loại hình đào tạo hiện nay là như nhau. Nhưng về đánh giá, khó có thể ngang bằng nhau giữa đào tạo chính quy với tại chức, liên thông, bởi hình thức chính quy có điểm đầu vào rất khó, cạnh tranh lớn, thời gian học tập trung, phải nỗ lực lớn mới có thể tốt nghiệp, trong khi đó tại chức, liên thông đa số thi là đỗ, học là tốt nghiệp".
Còn theo GS.TS Pham Tât Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyên học Viêt Nam: "Trên thực tế, đúng là cần phải bỏ việc phân biệt chính quy hay tại chức, đào tạo từ xa... bởi không thể khẳng định chính quy giỏi hơn tại chức và ngược lại. Cái cần nhất đó là đánh giá chất lượng ra sao, bởi hiện nay cả chính quy lẫn tại chức bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng. Cần siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, có như vậy dù là chính quy hay tại chức cũng không còn là vấn đề quan trọng".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam: "Nội dung ghi trên văn bằng dù ít, nhưng lại khá quan trọng, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin của văn bằng, trong đó thông tin loại hình đào tạo, xếp loại tốt nghiệp rất quan trọng. Chỉ cần nhìn vào bằng tốt nghiệp đại học, là có thể biết được người học sẽ học hệ nào, bao nhiêu năm, xếp loại ra sao... Bằng tốt nghiệp đại học thể hiện giá trị, thương hiệu của trường đại học, do đó nếu không phân biệt hệ đào tạo cần nghiên cứu kỹ, tham khảo thêm các cơ sở giáo dục đại học".
Kết quả học tập sẽ ghi trên phụ lục
Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học. Cụ thể, các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo,... Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định.
Dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học quy định, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm: 1. Tiêu đề: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ); 3. Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng; 4. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng; 5. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng; 6. Quốc tịch của người được cấp văn bằng; 7. Ngành đào tạo; 8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng; 9. Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định; 10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Theo giadinh.net
Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp đại học: Phù hợp với xu thế Dự thảo bỏ xếp loại trên bằng đại học đang khiến nhiều bạn sinh viên lo lắng và đặt ra câu hỏi liệu như thế có cào bằng về năng lực không? Cách xếp loại sẽ như thế nào? Theo như nhìn nhận của anh Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle...