Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm xây dựng luật giáo viên
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhiệm kỳ này, ông sẽ sớm xây dựng luật giáo viên, giao quyền tự chủ hoạt động cho các trường đại học, tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Chiều 7/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại ĐH Sư phạm TP HCM.
Tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Nhạ thông tin đến toàn thể cán bộ nhân viên nhà trường, Bộ đang đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Hiện nay, cả nước có 117 cơ sở đào tạo ngành sư phạm. Tuy nhiên, tình trạng hơn 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp là dấu hỏi lớn cho việc đào tạo.
Bộ trưởng Giáo dục cho biết, thực tế, giáo viên vẫn thiếu đội ngũ chuyên môn cao. Tiêu chuẩn giáo viên hiện nay đã khác, đòi hỏi cao hơn so với trước. Sắp tới, Bộ sẽ sớm quy hoạch nhóm các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Từ 117 cơ sở đào tạo có thể rút xuống 89 cơ sở đạt tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trồng cây lưu niệm trong chuyến thăm làm việc tại ĐH Sư phạm TP HCM. Ảnh: Phước Tuần.
Đối với hơn 1,3 triệu giáo viên và quản lý giáo dục hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn; xây dựng các bài giảng điện tử, phục vụ khóa đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo lại giáo viên phổ thông.
Khi một giảng viên đề cập trọng tâm, định hướng thay đổi giáo dục mà Bộ trưởng hướng đến, ông Nhạ cho biết đã bắt tay ngay vào việc thay đổi giáo dục toàn diện.
Video đang HOT
“Trong nhiệm kỳ của tôi, Bộ sẽ sớm xây dựng luật giáo viên để quản lý, hỗ trợ công tác giảng dạy của đội ngũ giáo viên, chứ hiện nay luật công chức chưa đầy đủ cho lực lượng này. Tôi cũng quyết tâm trả lại quyền tự chủ hoạt động cho các trường. Chắc chắn 5 năm tới, nhiều trường đại học không còn trực thuộc Bộ GD&ĐT như mô hình của Đại học Quốc gia”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên ngoài biên chế rất lớn, nên không thể áp dụng luật công chức để quản lý được, cần xây dựng luật giáo viên để quản lý tốt hơn.
Cũng trong buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung đổi mới 8 vấn đề trọng tâm. Ngoài nâng cao đội ngũ giáo viên, đào tạo lại lực lượng giáo viên, Bộ GD&ĐT rất quan tâm câu chuyện phân luồng học sinh, hướng học sinh đi học nghề để giảm áp lực cho các trường đại học, cao đẳng và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Bộ cũng sẽ đẩy mạnh giáo dục môn tiếng Anh trong trường học, phấn đấu học sinh tốt nghiệp THPT phải sử dụng được tiếng Anh, khi ấy sẽ giảm gánh nặng cho các trường đại học. Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sáng 7/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo TP HCM, bàn về công tác phát triển giáo dục của TP. Người đứng đầu ngành giáo dục rất đồng tình với chỉ đạo giám đốc Sở GD&ĐT chấm dứt hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
Ngày 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với ĐH Công nghệ TP HCM, trường THPT Lê Quý Đôn và tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP HCM.
Theo Zing
Bộ Giáo dục sẽ giải thể trường đại học yếu kém
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ sáp nhập, giải thể trường đại học kém chất lượng, đầu tư cho trường hoạt động hiệu quả phát triển.
Chiều 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm và làm việc tại ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH). Đoàn đã thăm các phòng nghiên cứu khoa học, mô hình khách sạn 5 sao, phòng tập gym, nhà thi đấu thể thao, các phòng thực hành nhiếp ảnh, sân khấu, nghệ thuật...
Báo cáo Bộ trưởng, PGS.TS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết, trường luôn đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào sinh viên của TP.
Trường có 15 khoa đào tạo với hơn 800 giảng viên cơ hữu, hơn 25.000 sinh viên. Mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn hoạt động thực tế, liên kết với doanh nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan phòng học Nhà hàng tại ĐH Công nghệ TP HCM chiều 6/6. Ảnh: Phước Tuần
Trao đổi với nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, ông rất buồn khi hàng ngày đọc báo thấy con số 200.000 cử nhân thất nghiệp. Nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước.
"Tôi biết nhiều hoàn cảnh khó khăn, gia đình phải bán trâu, bò cho con học đại học mà ra trường không có việc, phải đi làm công nhân thì cần phải suy nghĩ. Hiện cả nước có hơn 500 đại học, cao đẳng với nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo, ít nhất là đào tạo sinh viên ra trường có việc làm", ông Nhạ nói.
Nói thêm về vấn đề cử nhân thất nghiệp, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng cần nhìn nhận cả hai khâu cung (trường đào tạo) và cầu (doanh nghiệp). Trong đó, ông khẳng định nội dung phương thức đào tạo có vấn đề.
Trong tương lai, chủ trương của Bộ GD&ĐT là tạo điều kiện để các trường tốt được ưu tiên phát triển, trường kém sẽ phải sáp nhập hoặc giải tán để nâng chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra.
Gửi gắm đến lãnh đạo ĐH Công nghệ TP HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu trường phải tạo sự khác biệt ở chất lượng dịch vụ, đào tạo, xây dựng một địa chỉ đáng tin cậy khi các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực.
Nhà trường cần đầu tư các ngành nghề đào tạo trọng điểm, tránh dàn trải, không chất lượng. Trường cần mạnh dạn chọn những ngành mới để phát triển theo hướng chuyên sâu, tạo thương hiệu bền vững.
Liên quan các vấn đề kiện tụng gần đây của các trường tư thục ở phía Nam như ĐH Hùng Vương, Hoa Sen, Bộ trưởng Giáo dục mong Hội đồng quản trị có hướng phát triển bền vững, tránh kiện cáo giữa các cổ đông, khi ấy trường sẽ mất uy tín rất nhanh.
"Xây dựng thương hiệu phải mất hàng chục năm nhưng phá hỏng thì chỉ vài ngày. Lãnh đạo trường cần tạo sự bền vững, định hướng phát triển phù hợp, qua từng giai đoạn phải thay đổi để ổn định", ông Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho rằng nhà trường cần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên, đồng thời kết hợp nghiên cứu gắn với đào tạo và phong trào khởi nghiệp.
ĐH Công nghệ TP HCM phải đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên, không cần nhiều tiến sĩ nhưng giảng viên phải chất lượng. "Tiến sĩ rất cần nhưng phải thật, chứ nếu chạy đua về số lượng thì dễ có nhiều tiến sĩ ảo", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo Zing
Bộ Giáo dục đang rà soát Thông tư 30 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chủ trương Thông tư 30 là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương pháp áp dụng cần phải rà soát và xem lại. Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại hai trường THPT Lê Quý Đôn và tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tại...