Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ ra nhiều bất cập của ngành giáo dục
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhiều bất cập của ngành giáo dục.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để chuẩn bị cho Hội nghị, trước đó, Bộ đã tổ chức hội nghị các sở GD&ĐT, hội nghị các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 và dự kiến nhiệm vụ năm học 2019 – 2020.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Tại các hội nghị này, nhiều đại biểu xác định năm học 2019 – 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, nguyên nhân là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Nguyên nhân là do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng thêm trên 41.000 nhóm/lớp; nhu cầu cần thêm khoảng trên 80.000 giáo viên). Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, với nguyên nhân là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật. Nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường còn chậm được đổi mới.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.
Về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.
Video đang HOT
Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, nhà giáo và người học hiểu biết pháp luật và các quy định của ngành còn hạn chế.
Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao; một số cơ sở giáo dục thiếu dân chủ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường.
Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.
Đặc biệt, vẫn còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).
Theo kinhtedothi
Bộ Công an phối hợp Bộ GD&ĐT giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp của ngành giáo dục
Bộ Công an thực hiện phối hợp với Bộ GD&ĐT giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp trong ngành Giáo dục, bảo đảm quyền lợi cho người dạy, người học.
Bộ GD&ĐT và Bộ Công an vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.
Không để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường
Sau 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06, hệ thống tổ chức và chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học đã được kiện toàn, đi vào nền nếp, hoạt động tương đối hiệu quả từ cấp Bộ đến các nhà trường.
Đến nay, 100% sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố, trên 90% các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc đã ký chương trình phối hợp với ngành Công an cùng cấp triển khai Thông tư liên tịch 06.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Vai trò của Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trong nhà trường được đề cao và là lực lượng chủ lực trong việc tổ chức những hoạt động, sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, học sinh sinh viên. Kết quả quan trọng là đã giữ vững được sự ổn định về chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự trong các trường học, từng bước đã kiềm chế, đẩy lùi ma tuý, tệ nạn xã hội và tội phạm, bạo lực học đường ra ngoài khuôn viên nhà trường.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác phối hợp giữa hai Ngành vẫn còn một số tồn tại: Công tác quán triệt, triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 06 ở một số địa phương chưa đầy đủ; công tác trao đổi thông tin, phối hợp nhận định, đánh giá, dự báo tình hình có lúc, có nơi chưa kịp thời; thông tin chủ yếu do lực lượng Công an phát hiện và tham mưu kiến nghị, xử lý; nhiều đơn vị thuộc ngành Giáo dục chưa chủ động trao đổi, chỉ đến khi vụ việc nảy sinh phức tạp mới đề nghị phối hợp giải quyết nên gây khó khăn cho công tác xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tặng Bằng khen cho các đơn vị xuất sắc thực hiện Thông tư 06 của ngành Giáo dục
Công tác quản lý lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài; quản lý sinh viên nước ngoài, giáo viên, tình nguyện viên nước ngoài tại Việt Nam còn khó khăn, hạn chế. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong các kỳ thi và các hoạt động lớn của ngành Giáo dục có nơi, có lúc còn chưa đáp ứng được yêu cầu, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Thời gian tới, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp hướng dẫn các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giáo dục, đào tạo; xây dựng, hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi các cấp, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi THPT quốc gia, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.
Giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp trong ngành Giáo dục, bảo đảm quyền lợi cho người dạy, người học. Đặc biệt không để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trường học, an toàn của cán bộ, nhà giáo và người học. Phát hiện, nhân rộng mô hình phối hợp hiệu quả giữa hai ngành trong tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch 06; kịp thời đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phối hợp.
Đảm bảo an toàn cho đội ngũ giáo viên và học sinh sinh viên
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong những năm qua, các đơn vị của hai Bộ đã triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung phối hợp, bảo đảm đúng nguyên tắc, trách nhiệm theo quy định. Chất lượng công tác phối hợp được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị
Theo đó, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã chủ động phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục, an ninh an toàn trong các kỳ thi quốc gia, kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi Olympic quốc tế tổ chức tại Việt Nam và các sự kiện chính trị liên quan đến ngành Giáo dục.
Đặc biệt, năm 2018, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an một số địa phương đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT điều tra vụ việc tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Tích cực phối hợp quản lý về an ninh trật tự trong hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, quản lý người nước ngoài giảng dạy, học tập tại Việt Nam và cán bộ học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, công tác tại nước ngoài.
Để công tác phối hợp thời gian tới đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị cấp ủy các cấp của hai ngành tiếp tục chỉ đạo, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhà giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phối hợp đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp đảm bảo an toàn cho đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên. Các đơn vị chức năng của hai Bộ cần chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp từng năm trên từng lĩnh vực công tác, đặc biệt là công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ và bí mật nhà nước, an ninh mạng tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giáo dục.
Về phía ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo tiếp tục đổi mới nội dung chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng giảm bớt hàn lâm, bám sát thực tiễn hơn nữa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen cho các đơn vị của Bộ Công an
Đồng thời, có trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực ngành công an thông qua việc tham gia vào quá trình sắp xếp hệ thống các trường đào tạo ngành công an sao cho phù hợp; xem xét những nội dung đặc thù của ngành công an để phối hợp triển khai công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành công an.
Bộ trưởng đề nghị, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT để phát hiện, giải quyết nhanh, xử lý nghiêm những vấn đề nóng trong trường học; đảm bảo an toàn, an ninh trường học, khu nội trú và những nơi có thể phát sinh các tệ nạn xã hội, phạm pháp liên quan đến học sinh, sinh viên.
Minh Thu
Theo Dân trí
Soi lại khẩu hiệu ngành giáo dục Ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi "soi" vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu "tất cả vì học sinh thân yêu", nhưng thực tế chúng ta có vì học sinh không, khi các em phải ngồi "đội nắng" trong ngày khai giảng? Học sinh THCS trong giờ làm bài thi....