Bộ trưởng GD&ĐT: Các trường sẽ tự quyết tuyển sinh
Trước đề xuất của chuyên gia về việc Bộ GD&ĐT không quá sa đà vào công việc thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thời gian tới, công tác tuyển sinh do các trường tự quyết.
Tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học (ĐH) vừa được tổ chức, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn khẳng định sắp tới, bộ sẽ không mất nhiều thời gian về tuyển sinh như những năm qua. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT sẽ dành thời gian và sức lực cho công tác nâng cao chất lượng.
Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH
Xét về tổng thể, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng đều giữa các cơ sở giáo dục ĐH. Đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất nhiều trường còn yếu; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ mới đạt ở mức thấp (chưa đến 19%); suất đầu tư cho mỗi sinh viên/năm còn quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới; năng lực quản trị đại học của các trường còn nhiều hạn chế…
Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng đào tạo của các trường đại học nước ta chậm được cải thiện.
Trước thực trạng đó, bộ cần phải có những giải pháp đồng bộ, thực tế và hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương.
Bắt đầu từ 2017, các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai tỷ lệ có việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp. Ảnh: Tiền Phong.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định thời gian tới, công tác tuyển sinh do các trường ĐH tự quyết.
Video đang HOT
“Bộ sẽ tập trung quy hoạch mạng lưới, xây dựng đường lối chính sách giáo dục, hỗ trợ, động viên và đứng ra bảo vệ các trường và sẽ xử lý nghiêm nếu ai đi chệch đường. Bộ sẽ không mất quá nhiều thời gian cho thi, kỳ thi này chưa qua kỳ thi khác đã đến, rồi có điểm sàn hay không điểm sàn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
ĐH được chủ động tự chủ
Để khẳng định quyết tâm “xóa” hình ảnh “Bộ thi”, thời gian tới, theo Bộ trưởng, Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT đưa ra các giải pháp phù hợp tình hình thực tế. Trong đó, bộ trưởng khẳng định sẽ đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin của các cơ sở giáo dục ĐH.
Các cơ sở giáo dục ĐH được chủ động thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và học thuật để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải trình các hoạt động thực hiện quyền tự chủ.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tới đây, các trường ĐH tự chủ trong việc tuyển sinh. Ảnh: Tiền Phong.
Bắt đầu từ năm 2017, các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế như: Đội ngũ giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất, chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả tuyển sinh, điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo, tỷ lệ việc làm sinh viên tốt nghiệp của tối thiểu hai năm trước liền kề (nếu có) và phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo.
Các cơ sở đào tạo chưa thực hiện yêu cầu trên sẽ tạm thời chưa được thông báo tuyển sinh cho đến khi công khai thông tin đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát hệ thống chính sách, pháp luật liên quan giáo dục ĐH, sửa đổi bổ sung quy định không phù hợp thực tế, tạo cơ chế để thực hiện hiệu quả những giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH.
Bộ giao các vụ, cục chức năng phối hợp cơ sở giáo dục ĐH để rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học.
Bộ trưởng Nhạ cho biết trong năm 2017, các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục đăng ký kiểm định theo bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trường ĐH hiện hành. Từ tháng 1/2018, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ đăng ký kiểm định theo bộ tiêu chí mới, tiệm cận chuẩn đánh giá trường ĐH của tổ chức AUN-QA.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
'Thi trắc nghiệm Toán, thí sinh phải giải nhanh gấp 10 lần'
TS Phạm Văn Thạo khẳng định hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán sẽ hạn chế tình trạng học lệch, học tủ song cũng yêu cầu thí sinh tăng tốc độ giải gấp 10 lần.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, trừ Văn, các môn khác thi bằng hình thức trắc nghiệm. Thông tin này từng khiến nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng, đặc biệt về Toán - môn vốn thi tự luận từ nhiều năm trước.
Với kinh nghiệm giảng dạy Toán hơn 30 năm, TS Phạm Văn Thạo - giảng viên trường THPT chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội) - khẳng định mỗi hình thức thi có ưu, nhược điểm khác nhau.
Phát biểu tại buổi giới thiệu bộ sách Chìa khóa Chinh phục kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra ngày 15/1 tại Hà Nội, ông nhận định: "Đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới nội dung chương trình, phương pháp học tập và giảng dạy, đổi mới thi cử và tuyển sinh là việc làm tất yếu. Do đó, học sinh không thể học lệch tủ vì nội dung các câu hỏi bao phủ lên toàn bộ chương trình lớp 12".
TS Phạm Văn Thạo cho rằng hình thức thi trắc nghiệm yêu cầu thí sinh giải toán nhanh gấp 10 lần so với khi làm bài tự luận. Ảnh: T.V.
Vấn đề chính đối với môn Toán là thời gian làm bài ngắn và số câu hỏi tăng lên. Nếu thi tự luận như trước, học sinh có 180 phút để làm 10 câu, trung bình có 18 phút để giải một câu.
Song khi thi trắc nghiệm, các em cần làm 50 câu trong vòng 90 phút, tức là chỉ có khoảng 1,8 phút để giải quyết một câu.
Theo ông, với phương pháp này, học sinh cần tăng tốc độ xử lý thông tin và giải toán lên gấp 10 lần. Ngoài ra, số câu hỏi khó cũng tăng lên, thi tự luận có 1 - 2 câu hỏi khó, còn thi trắc nghiệm 7 - 10 câu hỏi khó.
Đây là những khó khăn cơ bản học sinh gặp phải khi bộ chuyển thi môn Toán từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm.
Trước đó, nhằm hỗ trợ thí sinh làm quen với việc thi trắc nghiệm Toán, TS Phạm Văn Thạo quyết định mở trang web giới thiệu các bài giảng trực tuyến, đồng thời tổ chức tư vấn online, cung cấp cho các em một số "mẹo" khi làm bài.
Ông cũng biên soạn sách, tổng hợp 22 chuyên đề môn Toán bám sát ma trận đề thi và đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Ông chia sẻ cuốn sách được viết từ nhiệt huyết của trái tim, sự cố gắng, niềm say mê và trách nhiệm với các thế hệ học sinh, hy vọng nó sẽ hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Theo Zing
Nhiều phương án tuyển sinh 2017 Nhiều trường đại học đã đưa ra kế hoạch xét tuyển năm 2017 với những điểm mới nhằm tuyển được thí sinh phù hợp từng ngành. Ngày 4/1, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM thông báo kế hoạch tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chính quy năm 2017 với một số thay đổi về nhóm ngành/ngành tuyển sinh. Cụ thể, ngành...