Bỏ thi vào lớp 6 trường điểm: Bùng nổ kỳ thi ‘ăn theo’ tiêu chí phụ
Với việc lấy tiêu chí phụ làm tiêu chí chính để xét tuyển vào một số trường THCS có tiếng, sau 2 năm thực hiện, các kỳ thi “ăn theo” mọc lên như nấm sau mưa.
Trào lưu “chạy” tiêu chí phụ đã xuất hiện. Nhiều giáo viên cho rằng điều này không những làm nảy sinh tiêu cực, mất công bằng trong xét tuyển mà còn gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực sau này.
Loạn thi
Theo một chuyên gia giáo dục, hiện nay, riêng môn Toán, học sinh có khoảng 70 cuộc thi ở các cấp học để tham gia, có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất do Bộ GD&ĐT quản lý, nhóm thứ hai là “ xã hội hóa”. Đó còn chưa kể các cuộc thi văn hóa, thể dục thể thao khác.
Còn theo sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, khoảng 20 cuộc thi được sở chấp nhận, trong đó có các cuộc thi cấp sở và cuộc thi cấp bộ, quốc gia tổ chức.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Hai Bà Trưng cho biết hàng năm, rất nhiều các cuộc thi được “đẩy” về trường. Các cuộc thi do bộ, sở tổ chức cũng có, do công ty, tổ chức giáo dục tổ chức cũng có.
“Rất nhiều các cuộc thi do các tổ chức giáo dục, công ty đứng lên tổ chức. Sau đó, họ đi xuống các trường, kết nối xin cho học sinh tham gia. Nhưng chúng tôi chỉ cho học sinh tham gia các cuộc thi được Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT cho phép”, vị hiệu trưởng cho hay.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, nhiều phụ huynh còn kết nối tự cho con đi tham gia các cuộc thi quốc tế. “Đây là những phụ huynh có điều kiện kinh tế. Họ tự tìm hiểu các cuộc thi quốc tế rồi đưa con đi tham gia. Mục đích để có chứng chỉ sau này hy vọng con được vào trường điểm”, vị hiệu trưởng cho biết.
Trước việc nở rộ các cuộc thi, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông.
Theo công văn này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh; không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.
Học sinh trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) trong giờ tan học. Ảnh: Tiền Phong.
Video đang HOT
“Không sử dụng kết quả của các cuộc thi do sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp từ năm học 2018-2019; không xác nhận lại hoặc đề nghị Bộ GD&ĐT xác nhận lại thành tích của giáo viên và học sinh do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế”, công văn của bộ nêu rõ.
Lo học sinh giỏi thực sự không vào được
Sau 2 năm triển khai bỏ thi vào lớp 6, PGS Văn Như Cương cho rằng so với thi tuyển trước đây, đầu vào lớp 6 của trường có “chệch choạc” hơn. Nhưng sau một năm học tập tại trường, được các thầy cô “thúc” và bù đắp, các em lấy lại được “phong độ”.
“Tuy nhiên, chất lượng đầu vào không phải vấn đề tôi lo lắng. Điều tôi lo lắng đó là sự công bằng đối với tất cả thí sinh. Nếu có một kỳ thi, sự công bằng sẽ nhìn thấy ngay, vì tất cả học sinh đều phải ‘nhảy’ qua một mức dây. Nhưng không thi tuyển, các trường có chất lượng khác nhau, mức đánh giá khác nhau nên tôi lo lắng học sinh giỏi thực sự không vào được trường”, PGS Cương chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường chất lượng cao của Cầu Giấy cho hay từ khi bỏ thi vào lớp 6, chất lượng đầu vào của trường có giảm sút rõ rệt. Cụ thể nhất là tỷ lệ học sinh giỏi thấp hơn. Năng lực của học sinh không có sự phân hóa rõ nét. Chính vì vậy, nhà trường đã phải “hạ” yêu cầu đào tạo để phù hợp với chất lượng đầu vào. Đây là một điều đáng tiếc.
“Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, vì các trường THCS chất lượng cao là nguồn tuyển cho các trường THPT chuyên. Không có sự phân hóa sớm, các trường THPT chuyên chỉ có 3 năm để đào tạo, liệu có đủ thời gian để có thể đào tạo ra những con người đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội?”, hiệu trưởng này đặt câu hỏi.
Do đó, theo vị hiệu trưởng này, với các trường chất lượng cao, khi đầu vào quá lớn, không có cách tuyển sinh nào công bằng hơn một kỳ thi đánh giá năng lực thật sự.
Nếu có phải ôn luyện, học sinh muốn thi vào trường chỉ cần ôn luyện 2-3 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Việc này cũng là rèn luyện tư duy cho học sinh để làm quen với cách học của lớp 6. Các em sẽ không bị sốc khi vào lớp 6 phương pháp học khác, các môn học khác, áp lực học khác.
Trong khi đó, yêu cầu bỏ một kỳ thi đã giúp rất nhiều các cuộc thi khác nở rộ và chất lượng thì không ai kiểm soát được. Cho các trường một “rổ trứng”, bắt ngồi chọn quả to hơn thì chắc chắn các trường sẽ phải “bám tạm” vào một tiêu chí phụ nào đó để lọc được một cách tương đối.
Những tiêu chí phụ đó bỗng trở thành tiêu chí chính để các trường lựa chọn. Nhưng chất lượng đầu vào lại không được như các trường mong muốn. Việc các trường THCS chất lượng cao không tuyển được đúng học sinh để đào tạo nguồn cho các trường THPT chuyên chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực cao sau này của Việt Nam.
“Điều tôi lo lắng đó là sự công bằng đối với tất cả các thí sinh. Nếu có một kỳ thi, sự công bằng sẽ nhìn thấy ngay, vì tất cả học sinh đều phải “nhảy” qua một mức dây. Nhưng không thi tuyển, các trường có chất lượng khác nhau, mức đánh giá khác nhau nên tôi lo lắng học sinh giỏi thực sự không vào được trường”, PGS Văn Như Cương nói.
Theo Hoa Ban / Tiền Phong
Phụ huynh nôn nóng bắt con học chữ để vào lớp một
Thay vì cho con nghỉ ngơi thư giãn vào những ngày cuối tuần, khi năm học mẫu giáo vừa kết thúc, không ít phụ huynh tìm nơi giúp trẻ đọc thông viết thạo trước khi vào lớp một.
Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh không có tâm lý thoải mái chuẩn bị cho con trong giai đoạn đầu bước vào lớp một. Chị Yến - ở quận Thủ Đức, TP.HCM - cho biết ban đầu, chị không định cho con đi học chữ ở ngoài.
Tuy nhiên, nghe nhiều người bảo sợ con không theo kịp bạn khi vào lớp một, chị cũng lo con mình lạc lõng. Nghĩ tới nghĩ lui, chị mới quyết định cho bé học trước vì "không bổ dọc cũng bổ ngang".
Tất tả tìm chỗ học
Có mặt tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 1, TP.HCM, chúng tôi chứng kiến nhiều phụ huynh ngồi chờ con học ở cửa lớp. Có phụ huynh dẫn cả 2 bé đi học. Một phụ huynh ở quận 3 cho biết con chị đang học lớp chồi và chị đã cho bé đi học được 2 khóa tại đây.
Quan sát một lớp rèn chữ, chúng tôi thấy có 10 bé theo học gồm nhiều lứa tuổi. Trong đó, 3 bé đang học mầm non, còn lại là từ lớp 2 đến lớp 5. Bé nào chưa biết chữ được cô kèm nhiều hơn, riêng bé mầm non thì chủ yếu rèn nét chữ cái và viết bằng bút chì. Bé nào chưa đọc được, cô sẽ dạy cách ghép vần.
Một giáo viên tại đây cho rằng thời điểm này mới bắt đầu học là quá trễ. Giờ vào lớp một là các bé biết đọc biết viết cả rồi. "Hầu hết trẻ ở đây đều biết chữ, kể cả trẻ mầm non. Nhiều bé chưa biết chữ nhưng sau một thời gian học, khi viết được chữ thì sẽ ghép được vần", giáo viên này cho biết.
Theo một nhân viên tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 4, TP.HCM, trung tâm không nhận dạy chữ. Với những bé chưa biết chữ, giáo viên sẽ dạy luyện nét. Lớp học không phân biệt tuổi tác và trình độ (từ 5 đến 10 tuổi).
Tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 5, TP.HCM, bên cạnh lớp dạy chung cho trẻ mầm non và tiểu học (từ 5 đến 10 tuổi), trung tâm còn mở hẳn một lớp rèn chữ dành riêng cho trẻ mầm non từ 5 đến 6 tuổi.
Không nên tạo áp lực học tập mà cần chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước khi vào lớp một. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Hiện nay, nhiều trang mạng xã hội cũng phổ biến các lớp dạy thêm, học chữ... hoặc giới thiệu gia sư tại nhà dành cho mọi trình độ, trong đó có cả trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp một. Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều phụ huynh đã tìm đến những trung tâm gia sư trên mạng. Nhiều phụ huynh để lại thông tin và chờ trung tâm tìm gia sư.
Lợi bất cập hại
TS Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng phụ huynh cho con theo học những nơi chưa cập nhật những thay đổi của chương trình mới. Học thầy cô trên lớp dạy theo kiểu mới sẽ khiến trẻ ngỡ ngàng, bị xáo trộn về tư duy, tạo ra lực cản về quá trình phát triển nhân cách và đặc biệt là phát triển về mặt trí tuệ.
Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 - phân tích: Một bộ phận phụ huynh, phần đông là người lao động, quan niệm cần cho con học trước. Họ không có nhiều thời gian, ít tiếp cận thông tin và không biết dạy như thế nào nên tìm đến những nơi quen biết để gửi gắm con.
Khi trẻ hết độ tuổi mẫu giáo, nhiều phụ huynh không nhờ cô mẫu giáo giữ nữa mà tìm các cô tiểu học để gửi con. Trong khi đó, hết năm lớp 1, trẻ vẫn tiếp tục học chữ nên việc đưa trẻ đi học thêm bên ngoài không có tác dụng gì, nếu dạy sai sẽ thành tật khó sửa.
"Việc các phụ huynh nôn nóng cho con đi học trước chương trình không phải xuất phát từ nhu cầu ham học hỏi của bản thân trẻ mà xuất phát từ tâm lý sợ con mình thua thiệt bạn bè. Nhiều phụ huynh đã bất chấp, cho con đi học, vô tình tạo cho trẻ tính ỷ lại. Trẻ sẽ hững hờ trước kiến thức mới mà thầy cô sẽ dạy sau này. Việc cho trẻ đi học chữ trước có thể mang lại một số lợi ích trước mắt nhưng đồng thời cũng gây ra những ảnh hưởng không tốt về lâu dài", bà Phạm Thúy Hà nhấn mạnh.
TS Võ Văn Nam nhận định việc cho trẻ học trước là "lợi bất cập hại". Các bậc cha mẹ đã hại con hơn là giúp con. Việc học trước sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình biết rồi, chủ quan, không tập trung nghe thầy cô giảng bài, không theo kịp bạn bè và không cập nhật thêm kiến thức mới.
Bà Phạm Thúy Hà khuyên rằng nên để trẻ bắt đầu học chữ khi vào lớp một và dần quen với các hoạt động trong trường tiểu học. Thời gian đầu, trẻ có thể viết nguệch ngoạc nhưng sau đó sẽ dần bắt được nhịp và học tốt. Thay vì quá lo lắng cho việc luyện chữ, giáo viên và phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ vui chơi đúng với lứa tuổi của mình.
Chuẩn bị tốt tâm lý
Theo TS Võ Văn Nam, chuẩn bị tốt cho trẻ trước khi vào lớp một là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc kỹ đối với việc cho trẻ đi học trước, nhận thức đúng đắn hơn cần quan tâm chuẩn bị những gì.
Thay vì bỏ thời gian vất vả tìm cho con một suất học bên ngoài, phụ huynh hãy chuẩn bị cho con một tâm thế thật tốt để trẻ tự tin và cảm thấy hứng thú trước khi vào lớp một.
TS Võ Văn Nam lưu ý phụ huynh cần hiểu đây là chuẩn bị tâm lý cho trẻ, giúp trẻ làm quen với môi trường tiểu học, chứ không phải chuẩn bị kiến thức ở những mặt chữ, con số. Bố mẹ hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên.
Phụ huynh không nên đốt cháy giai đoạn trong việc chuẩn bị cho con trước khi vào lớp một, không nên lấy ý muốn chủ quan của mình mà áp đặt cho trẻ. Điều này chỉ khiến trẻ áp lực, căng thẳng hơn, có thể không còn hứng thú với môi trường tiểu học.
Theo Châu Đoan / Người Lao Động
Tuyển sinh lớp 6 'nóng' vì nhiều học sinh giỏi Năm nay, các quận, huyện ở TP.HCM sẽ có những thay đổi đặc biệt trong tuyển sinh vào lớp 6. Cuộc đua này sẽ rất gay gắt khi có nhiều học sinh đủ chuẩn. Theo thống kê ban đầu, năm học 2017-2018, số học sinh (HS) từ lớp 5 lên lớp 6 ở các quận, huyện tăng so với mọi năm. Do đó,...