Bỏ thi sang xét giáo viên giỏi: Cần một bộ tiêu chí hợp lý
Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), thời gian qua, dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc “chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới”, nhưng đã đến lúc phải thay đổi hình thức, bản chất của hội thi giáo viên giỏi trong thời gian qua.
Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí hợp lý, khoa học; cùng với đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh như thế nào để công bằng, khách quan.
Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Ảnh minh họa.
Sai ở chỗ “luyện thi giáo viên giỏi”
Nhìn lại việc công nhận giáo viên dạy giỏi qua những hội thi đang được duy trì hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ưu điểm rõ ràng của cách làm này là lượng hóa được nhiều tiêu chí cụ thể. Qua đó, đánh giá được khá toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên ở đơn vị này với đơn vị khác, từ đó thúc đẩy mọi giáo viên cần phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận học sinh…
“Bản thân việc thi để công nhận giáo viên giỏi không có gì sai. Vì chạy theo bệnh thành tích nên thành ra ganh đua nhau, tạo ra tiêu cực mới thành ra sai. Trong điều kiện hiện nay, bỏ thi là đúng”- TS Lê Viết Khuyến đồng tình.
Phân tích cụ thể, TS Khuyến cho rằng cũng như thi học sinh giỏi ở Việt Nam, thi giáo viên giỏi cũng có việc luyện “gà nòi” để đi thi. Đành rằng có thi là phải ôn luyện nhưng ôn luyện đến mức tập dượt 3, 4 lần một tiết dạy mẫu về cùng 1 nội dung cho học sinh để không xảy ra sai sót trong quá trình diễn ra hội thi thì không nên. Hoặc cẩn thận hơn, chỉ chọn những em học sinh khá giỏi tham gia lớp học còn những em khác thì báo phụ huynh cho nghỉ học ở nhà… là thực tế vẫn thấy ở nhiều địa phương.
Chưa kể, mỗi giáo viên được chọn đi thi không chỉ là thành tích của cá nhân mà còn liên quan đến thành tích của đơn vị tập thể. Dự thi vì màu cờ sắc áo nên áp lực phải đạt giải khiến cả cô và trò đều phải diễn và cố gắng diễn tròn vai, diễn đạt nên có những tâm sự rất thật của giáo viên, ấy là “sợ khi được cử đi thi giáo viên dạy giỏi”.
Cần hội đồng xét tuyển công minh
Đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT là chuyển từ thi sang xét giáo viên giỏi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng hiện nay việc đánh giá học sinh đã chuyển sang đánh giá cả quá trình học, nên đối với giáo viên cũng cần đánh giá suốt một năm học thay vì trình diễn một vài tiết dạy.
Trong đó, cần quan tâm đến bộ tiêu chí sẽ áp dụng để đánh giá giáo viên ra sao? Theo đó, để đánh giá giáo viên cần hai tiêu chí là chuyên môn và nghiệp vụ, trong đó có phần chuyên môn dạy và phương pháp dạy học sinh có hiểu bài không, có hào hứng với giờ học không… Về nghiệp vụ, giáo viên hiện nay không chỉ là “thợ dạy” mà còn có vai trò tư vấn, định hướng đối với học sinh. Người thầy cô được các em tín nhiệm, quý trọng thì chắc chắn tâm lý sẽ thoải mái để tiếp thu bài học hơn… Chính vì vậy, trong dự thảo xét giáo viên dạy giỏi đang xây dựng mà Bộ GDĐT đưa ra có phần lấy phiếu tín nhiệm phụ huynh và học sinh là cần thiết.
Trước những băn khoăn của dư luận, liệu có lo ngại sự đánh giá cảm tính từ phía học sinh hay không khi làm phiếu khảo sát, nhất là nếu những thầy cô nghiêm khắc nhưng dạy tốt thì sẽ thiệt thòi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng tính cảm tính ở đây sẽ thể hiện rất rõ là giờ học của thầy cô có thực sự tạo cảm hứng, động lực cho học sinh hay không chứ không hẳn là cô giáo đó dạy dễ hiểu, khó hiểu hay dạy bình thường.
“Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Điều tôi quan tâm hơn, đó là hội đồng xét tuyển giáo viên giỏi gồm những ai, có công minh hay không? Bởi nếu chỉ căn cứ trên hồ sơ, sổ sách giấy tờ làm minh chứng thì sẽ khiến áp lực sổ sách nặng nề. Còn nếu nói minh chứng là sự tiến bộ của học sinh thì khá khó. Vì cô giáo A được phân công dạy ở lớp chọn, có chủ yếu là học sinh học tốt, hạnh kiểm tốt chưa chắc đã bỏ nhiều công sức hơn so với giáo viên B nhận lớp học có nhiều học sinh lực học trung bình yếu, học sinh quậy phá hơn… nhưng đến cuối năm, chắc chắn học sinh lớp cô A sẽ có thành tích học tập tốt hơn học sinh lớp cô B…”- TS Lê Viết Khuyến phân tích.
Từ đó, TS Khuyến cho rằng cần một hội đồng thật sự công tâm, khách quan để thực hiện việc xét công nhận giáo viên giỏi, tránh thiệt thòi cho những giáo viên nỗ lực nhưng lại không được tôn vinh xứng đáng.
Theo TS Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), trong dự thảo về việc chuyển từ xét sang thi giáo viên dạy giỏi, minh chứng cho việc dạy giỏi sẽ có những tiêu chí cụ thể, cốt lõi. Do có nhiều vùng miền, ngay một trường đã nhiều sự khác biệt nên trong dự thảo tới đây, sẽ có Thông tư (những vấn đề cốt lõi nhất tạo khung thực hiện) và cả văn bản hướng dẫn, đề xuất, gợi ý tình huống để từng trường nhìn vào có thể linh hoạt, chủ động thực hiện.
Về các tiêu chí, ông Minh cho rằng đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm của phụ huynh không phải là để phụ huynh đánh giá giáo viên mà là “tín nhiệm”. Môi trường giáo dục gồm gia đình, nhà trường, xã hội. Theo nghĩa rộng giáo dục của cả giảng dạy và giáo dục. Như vậy để một giáo viên dạy giỏi,chủ nhiệm giỏi thì họ có nhiều hoạt động làm việc với phụ huynh. Cần thêm những ý kiến góp ý về bộ tiêu chí để việc xét công nhận giáo viên giỏi đúng, đủ, đảm bảo tôn vinh được đúng người xứng đáng. Dự kiến, ngành giáo dục cũng hướng tới việc sử dụng bộ công cụ “chuẩn nghề nghiệp” một cách công phu.
Video đang HOT
Thu Hương
Xét giáo viên giỏi sẽ vẫn hình thức và nhiêu khê
Chúng tôi cho rằng hình thức xét còn nhiêu khê và phức tạp cũng không kém so với hướng dẫn của Thông tư 21 hiện nay.
Làm sao để trở thành giáo viên dạy giỏi?Ước gì tiết nào giáo viên cũng dạy như tiết dự thi giáo viên giỏiChúng tôi đi thi giáo viên dạy giỏiTrường kỳ chinh chiến thi giáo viên giỏi
Những năm qua, việc tổ chức Hội thi giáo viên giỏi các cấp của ngành giáo dục đang thực hiện theo Thông tư 21 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, cách tổ chức của cuộc thi này ở một số địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Chính vì thế, sau sự cố ở Hải Phòng cho "học sinh khác" ở nhà để thầy cô thi giáo viên giỏi cấp tỉnh đã dẫn đến sự phản đối của dư luận, nhất là đội ngũ giáo viên.
Sau sự cố này, Bộ đã lên tiếng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung để việc thi giáo viên giỏi sẽ đi vào thực chất và giảm được áp lực cho giáo viên các cấp.
Xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ nhiêu khê và phức tạp hơn - (Ảnh minh họa:Baoquangbinh.vn)
Ngày 26/3/2019, tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Giáo dục, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết:
" Chúng tôi đã có dự thảo về việc thi chuyển sang xét để có được giáo viên giỏi, thông qua các tiêu chí cốt lõi gắn với giáo dục.
Dự thảo tiến tới việc công nhận thông qua hậu kiểm, thông qua tiến bộ của học sinh về đạo đức, về học tập và thông qua sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh, của đồng nghiệp cũng như cộng đồng".
Như vậy, khi công bố dự thảo và thông qua chính thức thì tới đây giáo viên sẽ không còn phải thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm như hiện nay nữa.
Giáo viên không phải ám ảnh thi sáng kiến kinh nghiệm và cơ hội "diễn" của cả thầy và trò cũng không còn.
Tuy nhiên, hình thức mới liệu có khả thi và tránh được hình thức và cả những tiêu cực hay không?
Chúng tôi cho rằng hình thức xét còn nhiêu khê và phức tạp cũng không kém so với hướng dẫn của Thông tư 21 hiện nay.
Ai ngồi xét?
Việc xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Ai có thể ngồi xét đây?
Chắc chắn phải đi từ cấp cơ sở trở lên và đội ngũ xét công nhận các danh hiệu này sẽ là Ban Giám hiệu và đội ngũ cốt cán của nhà trường.
Hiệu trưởng lại sẽ là người cầm trịch. Và, xét ai, loại ai không phải là vấn đề quá tầm của người chèo lái. Sau khi xét dưới cơ sở thì đưa lên trên.
Các cấp trung gian phải căn cứ vào hồ sơ minh chứng, số phiếu và những lời nhận xét của cơ sở, rồi cơ bản sẽ thông qua bởi giáo viên trong địa phương có hàng trăm, hàng ngàn con người.
Vài ba lãnh đạo Phòng, Sở làm sao biết mặt, biết tên, biết năng lực hết giáo viên của địa bàn mà mình đang lãnh đạo?
Vì thế, cái quan trọng nhất, chính xác nhất, trắc trở nhất vẫn là cấp cơ sở. Những người chịu chơi, chịu chi, chịu nịnh nọt, chịu tâng bốc lãnh đạo vẫn là người có ưu thế.
Xét bằng tiêu chí nào?
Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì việc xét danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ thông qua những tiêu chí cốt lõi của chuẩn giáo viên mà Bộ mới vừa ban hành.
Trong khi, chuẩn giáo viên có nhiều tiêu chí rất mơ hồ và thậm chí là rất hình thức. Chẳng hạn như tiêu chí đòi hỏi về ngoại ngữ, tin học- những văn bằng chứng chỉ mà giáo viên bỏ ra ít tiền mua là có.
Nhưng, người có nó sẽ được xếp mức "chuẩn" cao hơn. Tiêu chí về đạo đức, tác phong nhà giáo cũng rất chung chung.
Vì thế, chỉ trừ những người vi phạm ra thì chắc rồi giáo viên nào cũng xếp tốt ở các tiêu chí này.
Việc lấy " tín nhiệm của phụ huynh học sinh, của đồng nghiệp cũng như cộng đồng" lại càng mơ hồ và rắc rối.
Giáo viên tiểu học còn thường xuyên liên hệ với phụ huynh chứ giáo viên trung học phổ thông và trung học cơ sở thì những giáo viên không chủ nhiệm làm sao có được sự tín nhiệm của phụ huynh?
Và, phụ huynh nếu có con học tập bình thường trên lớp thì có cơ hội nào để phụ huynh và giáo viên biết nhau mà phụ huynh có thể đánh giá giáo viên đây?
Còn "cộng đồng" ở đây lại càng mơ hồ hơn. Cộng đồng nơi giáo viên cư trú hay nơi giáo viên giảng dạy và ai là người đại diện để "tín nhiệm" giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi?
Vì thế, sẽ sinh ra hàng loạt hồ sơ minh chứng, hàng loạt chữ ký khống, thậm chí không biết cũng có thể ký nhằm hợp thức hóa giấy tờ.
Chất lượng giảng dạy sẽ tiếp tục được một số thầy cô nâng khống lên để có thành tích cao hơn.
Việc xét và công nhận giáo viên giỏi càng trở nên phức tạp, tiêu cực và vẫn xa rời việc giảng dạy, công tác của giáo viên ở đơn vị trường học.
Giải pháp nào để những danh hiệu được công nhận thật sự xứng đáng?
Thứ nhất: Vẫn giữ Thông tư 21 như hiện nay nhưng chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Bỏ tiêu chí thi sáng kiến kinh nghiệm.
Thi kiến thức chung phải được tổ chức nghiêm túc, tránh tình trạng giáo viên vào phòng thi thảo luận, trao đổi như đi chợ còn giám thị thì ngồi cười hoặc đứng ở cửa canh lãnh đạo cho giáo viên...làm bài.
Thi thực hành tại đơn vị công tác nhưng ban tổ chức cuộc thi không thông báo lịch dự giờ.
Chỉ cần lấy thời khóa biểu của giáo viên dự thi, khi dự giờ những giám khảo sẽ vào dự không báo trước.
Sau tiết dự giờ, giám khảo có thể khảo sát chất lượng học trò qua bài kiểm nhỏ để đánh giá việc tiếp thu của học trò.
Thứ hai: Thực hiện như dự thảo mà ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vừa chia sẻ với báo chí nhưng công nhận cả quá trình người dạy.
Đầu năm học, Ban Giám hiệu xếp lớp cân đối về tỉ lệ học sinh khá giỏi, yếu kém tương đồng giữa các lớp với nhau.
Các bài kiểm tra tập trung, chấm bài dọc phách, chấm tập trung. Học sinh lớp nào có tỉ lệ điểm cao hơn trong một chu kỳ thì được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, mấy năm thì cấp huyện, cấp tỉnh.
Nên nhớ tên gọi "giáo viên dạy giỏi" thì phải đặt tiêu chí "dạy" trên lớp là trên hết, thậm chí là tiêu chí duy nhất.
Những tiêu chí khác như sự tín nhiệm, đạt chuẩn về bằng cấp thì đã có trong xét chuẩn giáo viên, xét viên chức rồi. Đừng kéo vào cuộc thi dẫn đến phức tạp, hình thức và thậm chí là tiêu cực.
Thứ ba: Kết hợp cả thi và xét. Xét chất lượng giảng dạy cuối năm và dự giờ một số tiết nhất định.
Bởi, nếu không thi mà công nhận giáo viên dạy giỏi thì e rằng không phù hợp bởi các ngành nghề khác họ cũng tổ chức thi tay nghề đó sao? Điều quan trọng là cách thức tổ chức, thực hiện mà thôi.
Cải tiến cuộc thi phải tính đến việc giản đơn các thủ tục và hướng tới tính trung thực, khách quan cho cuộc thi.
Vậy nên, thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi chuyển từ "thi" sang "xét" nếu không cẩn trọng thì "xét" sẽ rắc rối, nhiêu khê và tiêu cực hơn rất nhiều so với "thi" hiện nay.
NGUYỄN CAO
Bỏ thi giáo viên dạy giỏi sẽ thật sự giảm áp lực ? Việc xét giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi thay vì tổ chức thi như hiện nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều... Giáo viên tham dự tọa đàm trình bày ý kiến của mình - ẢNH: T.N Sáng 6.4, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức...