Bộ NN&PTNT: 100% mẫu nước mắm an toàn, không có thạch tín
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, kiểm tra bổ sung liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước mắm. Theo đó, 100% mẫu nước mắm khảo sát ngẫu nhiên đều cho kết quả an toàn.
Cụ thể, 247/247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu khác nhau từ 82 cơ sở sản xuất không nhiễm thạch tín (Arsen vô cơ), không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
100% an toàn
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng cho biết, các tài liệu của nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, kiểm soát an toàn thực phẩm có uy tín trên thế giới như Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc – FAO, Tổ chức Y tế thế giới – WHO, Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu – EFS… Arsen có thể tồn tại dưới dạng vô cơ và hữu cơ.
Arsen hữu cơ là kết quả của quá trình trao đổi chất tự nhiên, do đó có trong thực phẩm (bao gồm cả cá). Vì vậy, sản phẩm nước mắm được lên men từ cá có tồn tại asen hữu cơ. Asen hữu cơ không gây độc cho người. Vì vậy không cần đánh giá mức độ nguy hại và quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm (đặc biệt là sản phẩm nước mắm với mức nhập lượng tiêu thụ hàng ngày rất thấp).
Trong khi đó, Asen vô cơ (còn gọi là thạch tín) gây độc cho con người, do vậy, có quy định giới hạn tối đa (hàm lượng an toàn) trong thực phẩm.
Hiện nay, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Arsen vô cơ tối đa trong nước chấm (gồm cả nước mắm) được quy định là 1 mg/kg.
Video đang HOT
Kết quả khảo sát trên tạp chí Food Chemistry (tháng 2/2008) về hàm lượng Arsen có trong nước mắm sản xuất ở Việt Nam và Thái Lan xuất sang Áo cho thấy tổng Arsen chỉ từ 0,69-2,75 mg/l, trong đó chủ yếu là arsenobetaine, một dạng Arsen hữu cơ không độc hại, không phát hiện As vô cơ.
Theo công bố ngày 22/10/2016 của Bộ Y tế, 247/247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (lấy ngẫu nhiên trên thị trường và một số siêu thị) được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của quốc tế được công bố nêu trên.
Còn vấn đề quy định về phụ gia trong sản xuất nước mắm, tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đồng đề xuất Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) ban hành (Codex Standard 302-2011: Standard for fish sauce) quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm thuộc 6 nhóm: chất điều chỉnh axit, chất điều vị, chất tạo ngọt, phẩm màu, chất ổn định và chất bảo quản.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT quy định 400 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, trong đó qui định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm hoàn toàn phù hợp với Tiêu chuẩn quốc tế Codex Standard 302-2011: Standard for fish sauce. Như vậy, theo quy định hiện hành, trong sản xuất nước mắm có thể sử dụng một hoặc một số phụ gia nằm trong danh sách 17 phụ gia quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT.
Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT về quản lý phụ gia thực phẩm, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo độ tinh khiết, đúng đối tượng sử dụng và không vượt ngưỡng theo quy định
Làm rõ nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế
Riêng về chất lượng nước mắm và việc ghi nhãn minh bạch, bảo đảm quyền của người tiêu dùng, Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ sẽ tổ chức rà soát Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ khái niệm nước mắm truyền thống, phân biệt với các loại sản phẩm khác pha chế từ nước mắm.
Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy hiện nay, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac hoặc công bố không trung thực hàm lượng đạm trên nhãn.
Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng phụ gia thì việc thể hiện các thông tin về các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình sản xuất nước mắm cũng chưa minh bạch như: thể hiện không đầy đủ các loại phụ gia sử dụng; chỉ thể hiện mã số ký hiệu phụ gia; thể hiện các nội dung trên nhãn không đúng kích cỡ, vị trí theo qui định nên rất khó nhận biết.
Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng khó có khả năng nhận biết đầy đủ thông tin cần thiết về loại nước nắm, loại chất lượng, các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình sản xuất để lựa chọn loại nước mắm phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Do vậy, để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất kinh doanh nước mắm hiện nay, đồng thời, đảm bảo thông tin rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và thuận lợi cho cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống; quy định cụ thể hơn về phân loại, ghi nhãn và các nội dung khác để đảm bảo phù hợp, hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế CODEX STAN 302-2011 “Standard for fish sauce”.
(Theo Vietnamnet)
Phải xem xét Vinastas đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức xã hội hay chưa?
Liên quan đến việc Bộ công thương lập đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Trao đổi với báo chí chiều 24.10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay hy vọng trong 7-10 ngày sẽ kết thúc kiểm tra Vinastas.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (Báo Công thương)
Trả lời báo chí về việc đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm tại Vinastas thì hướng xử lý thế nào, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Giờ chưa thể nói bất cứ giả thiết nào, trường hợp nào cả. Bây giờ làm tổng thể hàng loạt vấn đề, thứ nhất xem Vinastas đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức xã hội hay chưa. Thứ hai, hướng tới mục tiêu cái gì, đáp ứng được yêu cầu chung trong các quy định của pháp luật hay không? Thứ ba, quy trình thủ tục làm có khách quan, đầy đủ theo các quy định chung của pháp lý không. Cuối cùng mới xem xét từ trong những cái đó có vi phạm gì không thì mới bóc tách ra được chứ giờ nói cái gì quá sớm thì không thể nói được.
Trong quá trình thanh tra, quan trọng nhất là đảm bảo khách quan và đáp ứng được đúng yêu cầu của xã hội khi có những vấn đề người ta đang nghi ngại hoặc đang có tác động ảnh hưởng đến xã hội kể các nhà sản xuất, hệ thống phân phối cho đến người tiêu dùng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết quá trình kiểm tra dự kiến sẽ diễn ra sớm.
"Bắt buộc phải làm sớm, đang thống nhất với các bộ ngành hy vọng trong 7-10 ngày sẽ kết thúc. Tuy nhiên Bộ Công thương theo quy định chung, đặc biệt theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra lại hoạt động của các tổ chức xã hội như vậy thực hiện các hoạt động nghiên cứu khảo sát, cũng như làm xét nghiệm thẩm định, việc công bố như vậy có phù hợp, đúng tôn chỉ mục đích phù hợp và đúng quy định pháp luật" - Bộ trưởng nói.
Trả lời về việc có ý kiến cho rằng có vấn đề không bình thường trong việc công bố của Vinastas vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Các nội dung liên quan đến chế tài, khung pháp lý của chúng ta tương đối có đủ trong trường hợp đó, căn cứ theo mức độ vi phạm, căn cứ theo hướng dẫn của các khung pháp lý đó để có kết luận cụ thể và sẽ có báo cáo.
Trong câu chuyện vừa rồi có những vấn đề nhất định liên quan đến câu chuyện quản lý cạnh tranh, đây là một trong những nhiệm vụ của Bộ Công thương, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ hài lòng sau khi làm rõ xong các vấn đề liên quan đến kiểm tra.
Cũng trong sáng 24.10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Theo đó, đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Công an, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ tính chất, cơ sở pháp lý hoạt động khảo sát, công bố kết quả khảo sát của Vinastas. Xác định mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Vinastas (nếu có).
Trước đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinastas, xử lý các sai phạm nếu có và báo cáo trước ngày 10.11.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Vinastas công bố ngày 17.10 kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm với "hơn 67% không đạt chỉ tiêu arsen tổng". Thông tin này gặp phản ứng từ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và dư luận, bởi thông tin hàm lượng arsen tổng có thể gây nhầm lẫn (giữa arsen hữu cơ vốn tồn tại trong hải sản tự nhiên với arsen vô cơ rất độc), dẫn đến hoang mang cho người tiêu dùng. Ngày 22.10, kết quả giám định chính thức từ Bộ Y tế lại cho thấy toàn bộ những mẫu nước mắm nêu trên đều an toàn với người sử dụng.
Theo Lao Động
Bộ trưởng Công thương: 7 ngày sẽ hoàn tất kiểm tra Vinastas Bộ trưởng Công thương cho biết trong vòng 7-10 ngày sẽ hoàn tất kiểm tra Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vụ công bố nước mắm nhiễm asen. Bộ trưởng Công thương: 7 ngày sẽ hoàn tất kiểm tra Vinastas Trao đổi bên hành lang QH chiều nay, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo chỉ đạo của...