Bộ Ngoại giao: Chưa có thông tin Mỹ bán máy bay do thám cho VN
Trả lời PV Dân trí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: Bộ chưa nhận được thông tin về việc Mỹ có thể bán máy bay do thám P-3 cho VN.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều nay 25/9 ở Hà Nội.
Chiều nay, 25/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa tổ chức buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội. Những thông tin liên quan đến việc khả năng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng như những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình trên Biển Đông thu hút sự quan tâm của phóng viên báo đài.
Trước câu hỏi của phóng viên về khả năng Mỹ có thể bán máy bay do thám P – 3 cho Việt Nam để tăng cường khả năng theo dõi và bảo vệ bờ biển, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Hiện chúng tôi chưa có thông tin này. Tuy nhiên, chúng tôi luôn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ vì lợi ích của hai nước cũng như hòa bình, ổn định cũng như hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”
Bình luận về khả năng Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, ông Lê Hải Bình cho biết vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời tại cuộc trao đổi hỏi đáp tại New York. “Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại rằng, với đường lối độc lập tự chủ của ngoại giao Việt Nam cũng như đường lối ngoại giao của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mọi quan hệ song phương của Việt Nam đều không nhằm đến nước thứ ba nào.”
Liên quan đến vấn đề một nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ cho rằng Philippines và Việt Nam nên phối hợp để “trắc địa một cách chính xác” quần đảo Trường Sa ở Biển Đông trước khi Trung Quốc xây xong các đảo nhân tạo ở khu vực, ông Lê Hải Bình khẳng định rằng Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến của các bên liên quan nhằm duy trì hòa bình vá ổn định ở Biển Đông.
Video đang HOT
Gần đây, nhiều hãng thông tấn nước ngoài đưa tin rằng Trung Quốc thay đổi hiện trạng tại các đảo, xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, trong đó có Gạc Ma, và điều này đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông được ký kết năm 2002 giữa ASEAN-Trung Quốc (DOC). Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hải Bình khẳng định: Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần tôn trọng quyền chủ quyền, quyền chủ quyền và quyên tài phán của các nước liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như tuyên bố DOC, và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình. Trong tình hình hiện nay, tất cả các bên liên quan đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Ông Lê Hải Bình cũng cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông báo ngày 24/9/2014 của Cục Hải sự Trung Quốc rằng quân đội nước này sẽ tập trận ở khu vực phía Nam Hải Nam kéo dài đến gần quần đảo Hoàng Sa, các cơ quan chức năng VN đã tích cực xác minh thông tin và có biện pháp bảo vệ ngư dân hoạt động bình thường ở ngư trường truyền thống. Ông cũng tái khẳng định rằng từ trước đến nay các cơ quan chức năng VN luôn có các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân hoạt động bình thường tại các ngư trường truyền thống.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria, ông Lê Hải Bình nói: Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, các hành động bạo lực cực đoan trên cơ sở tôn trọng hiến chương của Liên Hiệp quốc, những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan, bảo đảm an toàn cho thường dân.
Theo thông tin báo chí, gần đây có một công dân Việt Nam tên là Trần Ngọc Công bị chết đuối vì cứu một cháu bé 7 tuổi. Tuy nhiên, thi thể của anh này chưa được đưa về nước vì đây là lao động bất hợp pháp. Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Bộ Ngoại giao đã nhận được thông tin này và cộng đồng sở tại đánh giá đây là hành động dũng cảm, gây xúc động trong cộng đồng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đang phối hợp với chính quyền sở tại để xác minh thông tin và sớm đưa thi thể của anh Công về nước càng sớm càng tốt.
Trước những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Syria và Iraq, ông Lê Hải Bình khẳng định hiện không có người Việt Nam nào sinh sống và làm việc ở Iraq. Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria cho biết hiện còn một công dân VN ở Syria. Đại sứ quán đang phối hợp với chính quyền địa phương và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) để sớm đưa công dân này về nước.
Thảo Nguyên
Theo Dantri
Nếu nghe lén để làm gián điệp thì có thể bị tử hình
Liên quan đến vụ việc Công an Hà Nội bắt giữ Cty Việt Hồng cung cấp, cài đặt, duy trì, khai thác phần mềm nghe lén điện thoại, phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Chiến về những vấn đề này.
Thưa luật sư, Công an Hà Nội vừa bắt giữ những người điều hành Cty Việt Hồng chuyên cung cấp, cài đặt, duy trì khai thác phần mềm nghe lén điện thoại di động và đã có hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén. Vậy hành vi này của Cty Việt Hồng vi phạm quy định nào của pháp luật ?
- Hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người nhằm mục đích lấy thông tin riêng, lưu giữ vào máy chủ, cung cấp cho khách hàng, thu lợi bất chính là xâm phạm một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định rõ: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được phap luât bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Hành vi này còn vi phạm Điều 125 BLHS về tội: "Xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác". Người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 2 năm, phạt tiền đến 20 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm.
Hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm điều điều 226a BLHS quy định về "tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác".
Nếu quá trình điều tra xác định được người nào dùng các thông tin lấy cắp được trên điện thoại nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác,.. nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và xác định thiệt hại đã xảy ra thì sẽ bị xử lý tương ứng theo điều 226b BLHS về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nếu xác định được việc dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để thu thập trái phép thông tin liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bí mật Nhà nước để nhằm mục đích làm gián điệp thì có thể bị xử lý về tội "Cố ý hay vô ý làm lộ bí mật Nhà nước" theo Điều 263 BLHS hoặc tội "Gián điệp" theo Điều 80 BLHS có khung hình phạt từ tù giam đến cao nhất là tử hình.
Ngoài việc vi phạm các quy định về luật Hình sự, hành vi này còn vi phạm các quy định của luật chuyên ngành là Luật Công nghệ thông tin.
Vậy những cá nhân mua phần mềm nghe lén của Cty Việt Hồng để nghe lén điện thoại của người khác có vi phạm pháp luật hay không?
- Những người sử dụng phần mềm nghe lén của Cty Việt Hồng, cơ quan điều tra cần phải phân loại đối tượng để xem xét xử lý. Họ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào mục đích tương ứng theo các quy định của pháp luật đã nêu trên.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Chí Tùng
Lao động
Sóng lòng dân trong lòng Quốc hội Những đợt sóng triều dâng này cho thấy, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, mọi vấn đề khác nếu được lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội sẽ chỉ có lợi hơn cho đối nội và đối ngoại. Quốc hội khóa XIII có lẽ có sứ mệnh lịch sử gắn với biển Đông. Còn nhớ kỳ họp đầu...