Bỏ môn Sử sẽ làm mất đi cái gốc riêng biệt của lịch sử văn hóa ngàn năm
Nếu Bộ GD &ĐT mong muốn gộp môn học Lịch sử với môn Giáo dục Công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc thì cần phải lấy ý kiến các chuyên gia nghiên cứu về Lịch sử như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…
Nếu bỏ môn Sử là bỏ cội nguồn
Bộ GD&ĐT luôn luôn giải thích rằng không bao giờ bỏ môn Lịch sử mà hơn thế nữa rất coi trọng môn học này. Nhưng trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT lại dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Với cách xây dựng chương trình như hiện nay việc làm này tức là đưa môn Lịch sử vào các môn tích hợp, không còn môn Sử.
Rất nhiều người cho rằng không nên bỏ môn Sử.
PV Infonet đã tiến hành trao đổi với nhà giáo, luật sư và người dân để xem họ bày tỏ quan điểm của mình trước dự kiến dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc.
Video đang HOT
Anh Phạm Bảo Chung (33 tuổi, ở số nhà 27, ngõ 174, đường Phương Canh, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Theo quan điểm của tôi thì không nên bỏ môn Lịch sử, vì bỏ môn Lịch sử chẳng khác sinh con mà không có cha. Môn Lịch sử là môn đầu tiên con người biết đến lịch sử loài người và cuội nguồn của mình, vì vậy chúng ta không thể bỏ được môn này.
Chúng ta có thể gán ghép các môn nào đó vào với nhau cũng được, nhưng không thể gán ghép môn Sử vào các môn khác….”.
Bà Phạm Thị Hải cho biết: “Không nên bỏ môn Lịch sử. Nếu bỏ môn Sử chẳng khác bỏ đi cội nguồn, Bộ GD&ĐT thiệt nhiều hơn được”.
Còn bà Phạm Thị Hải – Nguyên giáo viên trường PTTH Bất Bạt, Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Không nên bỏ môn Lịch sử, nếu làm vậy chẳng khác bỏ đi cội nguồn, Bộ GD&ĐT thiệt nhiều hơn được. Khi con người hướng tới tương lai thì phải nghĩ về quá khứ, vì vậy không thể bỏ môn Sử được.
Học sinh học môn Sử để thấy được dân tộc Việt Nam có hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Không chỉ có vậy, môn Sử còn dạy cho các hệ con người Việt Nam biết cha ông ta chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm như thế nào. Nếu bỏ hay “tích hợp” sẽ làm mất đi cái gốc riêng biệt của lịch sử văn hóa ngàn năm”.
“Nhờ có lịch sử mà dân tộc Việt Nam chúng ta đã đánh tan giặc ngoài xâm, để bảo vệ đất nước như ngày hôm nay. Để các thế hệ sau nhớ về cội nguồn, chúng ta mới đặt các tên đường ở các thành phố, nhằm dạy con cháu luôn giữ gìn cội nguồn, hướng tới tương lai”, bà Phạm Thị Hải chia sẻ.
Không phải cứ khó là xóa bỏ hay gộp vào các môn khác
Tuy nhiên, bà Hải cũng thẳng thắn nói: “Để các em học sinh yêu thích môn Lịch sử, giáo viên phải đổi cách dạy môn Sử. Không nên đọc cho học sinh chép và chép… Cách dạy đó đang biến học sinh thành cái máy phô tô, nên rất nhiều em chán học môn Sử. Trước đây tôi thấy các thầy cô dạy môn này không hề khô khan như nhiều người kêu ca bây giờ.
Khi đó các thầy cô dạy, tôi hình dung ngay được lịch sử của dân tộc mình. Tôi nhớ như in những trận đánh lớn và những dấu mốc lớn của dân tộc. Khi đó tôi rất thích học môn Sử, vì giáo viên dạy biết phân tích và biết cách cuốn hút học sinh hứng thú theo môn học này”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi với PV Infonet.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: “Trước hết, Lịch sử là môn khoa học xã hội, một môn học độc lập rất quan trọng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và cho đến hiện nay. Môn Lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, hiểu cội nguồn dân tộc, để tự hào, biết ơn ông cha ta và các thế hệ đi trước đã đấu tranh giành độc lập mang lại cuộc sống như ngày hôm nay” .
“Với tôi thì không nên tích hợp môn Lịch sử. Tại sao chúng ta không đặt ngược lại là tích hợp môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng vào môn Lịch sử vốn đã có truyền thống chiều dài xuyên suốt quá trình từ khi nhà nước CHXHCN Việt Nam ra đời đến nay. Giáo dục là quốc sách sách hàng đầu. Mục đích của giáo dục là hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ. Mà muốn làm điều đó thì chúng ta phải hiểu quá khứ, tức là hiểu lịch sử thì mới hướng tới tương lai trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp”, luật sư Anh Thơm phân tích.
Theo luật sư Anh Thơm, có thể những năm gần đây, môn học Lịch sử không được coi trọng và coi là môn học phụ. Không phải môn Lich sử nhàm chán, khó tiếp thu mà là phương pháp giảng dạy chủ yếu mang tính hình thức. Vấn đề ở đây, chúng ta nên đổi mới phương pháp giảng dạy môn học làm sao cho học sinh yêu thích và dễ tiếp thu. Không phải cứ khó là xóa bỏ hay gộp vào các môn khác. Điều đó không giải quyết được tận gốc vấn đề và gây những hệ quả còn nghiêm trọng hơn.
Nếu Bộ GD &ĐT mong muốn gộp môn học Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc thì cần phải lấy ý kiến các chuyên gia nghiên cứu về Lịch sử như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các giáo sư cũng như ý kiến của các thày cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường học.
Theo infonet