Bố mẹ ơi! Xin cho con được là chính mình
Suốt 25 năm qua con luôn sống đúng nghĩa là một đứa con ngoan. Những quyết định của bố mẹ đưa ra về học hành, công việc, tương lai con luôn chấp thuận, nghe theo, chưa một lần phản đối.
Con biết bố mẹ luôn muốn tốt cho con. Nhưng điều đó không có nghĩa là con thích những gì bố mẹ sắp đặt. Con muốn được sống là chính con bố mẹ ạ!
Con không muốn chỉ vì làm theo điều con muốn mà bố mẹ không nhìn mặt con nữa- Ảnh minh hoạ.
Từ nhỏ con sinh ra đã là một đứa vui vẻ, hòa đồng và có năng khiếu về nghệ thuật. Con muốn được vẽ, được múa ca. Thế nhưng bố mẹ lại muốn con giỏi những môn văn hóa, được vào lớp chuyên để bằng “con nhà người ta”. Vậy nên khi con vào lớp 3, trường tổ chức thi chọn lớp, bố mẹ tìm mọi cách để con được vào lớp chọn. Đường học hành của con xuống dốc từ đó vì con không đủ năng lực để theo kịp các bạn cùng lớp. Từ một cô học trò giỏi ở lớp thường, giờ đây học lực của con tụt xuống trung bình khá. Bố mắng: “Mày nhìn con nhà người ta học về còn việc đồng áng giúp bố mẹ mà vẫn học giỏi còn mày thì chỉ có ăn với học mà cũng không xong!”. Lúc đó con chỉ biết trốn vào góc phòng khóc nhưng cũng dám nấc thành tiếng vì sợ bố đánh. Từ một đứa hay nói, vui vẻ con dần co mình lại và ít nói hơn trước. Con sợ con nói hay làm gì cũng không vừa lòng bố mẹ và bị la mắng.
Đến lúc con chuẩn bị vào lớp 6, bố mẹ lại muốn con phải vào trường chuyên để học và cho con đi học thêm để tăng cơ hội thi đỗ. Thế là con lại đi học theo lời bố mẹ nhưng thầy dạy gì con không hề hiểu vì toàn mấy bài nâng cao mà học lực trung bình khá như con không thể làm được. Mỗi lần làm bài tập về nhà, mẹ lại kiểm tra và dặn: “Làm bài tập đi! 30 phút sau mẹ kiểm tra là phải xong và đúng cho mẹ không thì ăn roi”. Nước mắt nước mũi con cứ tuôn ra ngay lúc đó vì sợ hãi. Đầu óc con chẳng nghĩ được gì ngoài việc sợ bị đánh. Con đành lật bài giải phía sau sách để chép cho xong.
Thế rồi con đánh mất chính mình vì sợ hãi. Không những không đỗ được trường chuyên mà ngay cả thi vào trường cơ bản với con cũng vô cùng khó khăn. Con đỗ trường không chuyên với số điểm vớt vát. May mắn thay, ở nơi đây con bắt đầu hoà nhập. Con được thầy cô tuyên dương học giỏi nhất lớp. Rồi được khen thưởng vào cuối năm, điều này đã khiến bố mẹ vui và tự hào.
Video đang HOT
Thời gian thấm thoát trôi qua, cuối cùng cũng gần đến ngày con thi đại học. Đây chắc hẳn là khoảng thời gian không những con mà bạn bè cùng trang lứa ai cũng phải nghe lời khuyên, định hướng ngành học từ gia đình. Thế nhưng sự định hướng đó với con lại là sự áp đặt vì còn không có quyền quyết định. Mẹ hỏi con thích học ngành gì con bảo con thích học trường Văn hóa – Nghệ thuật. Nghe xong mẹ liền gạt đi.
Niềm yêu thích, ước mơ của con từ bé bỗng chốc tan thành mây khói. Bố mẹ chỉ muốn con trở thành giáo viên, bác sỹ, kỹ sư như “con nhà người ta” để bố mẹ được nở mày nở mặt vì những nghề đó với bố mẹ là những nghề cao quý. Nếu không phải những nghề đó thì bố mẹ cũng muốn con làm công, viên chức nhà nước để có cuộc sống ổn định. Con biết bố mẹ luôn muốn con có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc nhưng bố mẹ à! Những điều bố mẹ muốn tốt cho con nếu con không thích thì dù là việc gì con cũng không tài nào hạnh phúc được.
Ước mơ của con từ bé thế là không thành hiện thực. Con đành thi đại và học kế toán ở một trường công lập bình thường học cho qua chuyện. Trong năm học đại học đầu tiên, con tìm ra được niềm đam mê của mình. Con thích vẽ từ nhỏ và giờ đây con thích tự mình trang điểm cho bản thân và mọi người. Học được năm rưỡi bố mẹ lại bảo: “Kế toán khó xin việc. Mày thi sư phạm văn đi con ạ! Ngành đó bố mẹ xin được.” Cũng chỉ vì con không muốn phụ lòng bố mẹ, hơn nữa kế toán cũng không phải niềm yêu thích nên con đành thi lại.
Con thi đủ điểm đỗ sư phạm văn ở một trường đại học địa phương. Thế nhưng con nghĩ 20 tuổi đầu đã đến lúc con phải nói ra quan điểm và mình thích cái gì cho bố mẹ biết. Con thấy bố mẹ bảo không chỉ con phải nghe bố mẹ nói mà ngược lại. Vậy nên con đã lấy hết can đảm để nói ra hết những gì con muốn giấu kín bấy lâu nay. Đời không như là mơ. Con vừa nói rằng con không muốn đi học nữa bố mẹ đã bảo con im ngay. Mẹ quát: “Không học đại học thế mày định làm cái gì?” con bảo rằng con muốn học nghề trang điểm thì bố mẹ đều bảo: “Muốn gì cũng phải có cái bằng đại học. Con nhà người ta muốn đi học không được mày lại muốn bỏ à? Nếu mày học nghề thì đừng nhìn măt bố mẹ nữa!” Thực sự con rất sợ vì trước giờ bố mẹ nói gì còn đều nghe theo nhưng đến khi con đưa ra ý kiến của mình không ngờ bó mẹ lại phản ứng gay gắt đến thế.
Vậy là niềm đam mê của con lại một lần nữa bị dập tắt. Con không muốn chỉ vì làm theo điều con muốn mà bố mẹ không nhìn mặt con nữa. Cố gắng học hết đại học, con ra trường và vào làm đúng ngành, ổn định như bố mẹ muốn nhưng thực sự con không hạnh phúc bố mẹ ạ! Cuộc sống của con sao giống cây tầm gửi đến vậy! Công việc mỗi ngày con chỉ làm cho qua chuyện vì con không hề có niềm yêu thích, đam mê ở nó.
Con đã dành cả thanh xuân của mình để làm một đứa con ngoan không bao giờ cãi lời cho bố mẹ được vui lòng. Giờ đây con muốn được sống là chính con bố mẹ ạ! Con đã làm tất cả những điều bố mẹ muốn tốt cho con nhưng con không hề hạnh phúc. Mong bố mẹ hiểu và đừng giận con. Xin hãy để con được sống với đam mê của mình. Xin cho con được là chính con bố mẹ ạ!
Linh Chi
Theo ĐSPL
Bạn đọc viết: Đừng ép con học đại học
Một kỳ thi THPT quốc gia nữa lại sắp đến. Tốt nghiệp lớp 12, học sinh nên học đại học hay học nghề, đi làm? Câu trả lời sẽ chẳng dễ dàng gì có được nếu phụ huynh không căn cứ vào năng lực và đam mê của con em mình.
Ảnh minh họa
Đối với phụ huynh của các thí sinh, có lẽ kỳ thi này còn quan trọng hơn vì nó gắn với sự kỳ vọng và cả những định hướng, tính toán về con đường tương lai của con em mình. Phụ huynh nào cũng lo lắng, muốn hoạch định cho con mình một con đường học hành để sau này có công việc tốt. Và trong bối cảnh điểm trúng tuyển của các trường đại học chủ yếu bằng điểm sàn (trừ các trường top đầu), thậm chí là chỉ cần xét học bạ để nhập học nên đa số các phụ huynh đều muốn con mình tốt nghiệp phổ thông xong sẽ học đại học.
Sự tính toán đó của các phụ huynh là có cơ sở khi mà hiện tại nhiều cơ quan vẫn tuyển dụng nhân sự dựa trên bằng cấp của ứng viên. Tuy nhiên, năng lực và mong muốn của các em học sinh là không giống nhau nên nếu phụ huynh không quan tâm đến những yếu tố này sẽ gián tiếp đẩy các em trở thành "xác sống" ở giảng đường hay thậm chí là bỏ học, bị buộc thôi học hoặc học một đường tốt nghiệp lại làm một nẻo.
Từ thực tế hơn 10 năm giảng dạy ở trường đại học, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều sinh viên và đã gặp nhiều trường hợp rất đáng tiếc chỉ vì các em không có đủ sự kiên định để thuyết phục gia đình mà phải làm theo ý muốn của bố mẹ. Một số sinh viên có năng lực học tập hạn chế nhưng phải học đại học vì nguyện vọng của bố mẹ nên càng học càng đuối, nợ môn nhiều, nợ chứng chỉ ngoại ngữ và thường xuyên rơi vào tình trạng bị cảnh báo kết quả học tập, cuối cùng là không thể tốt nghiệp dù thời gian học đã kéo dài hơn rất nhiều so với những sinh viên bình thường.
Có sinh viên đến lớp thường xuyên nhưng ngồi trong lớp mà tâm hồn cứ "đi du lịch" nơi khác, bài thi hết môn lại viết những lời lẽ chán nản, oán giận cuộc đời. Có sinh viên đến năm cuối cùng thì đột ngột bỏ học dù cho giáo viên và gia đình đã động viên, phân tích mọi lẽ thiệt hơn chỉ vì bạn không thể tiếp tục theo học chuyên ngành mà mình không hề yêu thích. Điều này đã được các trường đại học cảnh báo nhiều lần. Tại hội thảo Mô hình giáo dục 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cuối năm 2018, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hàng năm trong hệ thống ĐH này có hàng ngàn sinh viên bỏ học vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có lý do chọn nhầm ngành nghề. Đây cũng là thực trạng chung của không ít trường đại học trong cả nước.
Việc hàng trăm, hàng ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ, đuổi học, bỏ học mỗi năm đã không còn là chuyện hiếm nữa mà đã trở thành một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có hướng giải quyết vì rõ ràng đây chính là một sự lãng phí lớn cả về tiền bạc và thời gian không chỉ của bản thân các sinh viên mà của cả xã hội. Thay vì theo học một vài kỳ rồi sau đó bị đuổi học hoặc tự ý bỏ học, sẽ là tốt hơn nếu ngay từ đầu các sinh viên tìm một công việc nào đó để làm, vừa có thu nhập vừa tìm ra được đam mê và thế mạnh của bản thân, tránh được việc học đại để rồi bỏ học giữa chừng khi hoặc không có sự yêu thích với ngành học, hoặc không đủ năng lực học tập.
Ngược lại, có không ít sinh viên học khá tốt nhưng sau khi tốt nghiệp lại nhất quyết không làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo dù có cơ hội. Tôi biết có sinh viên tốt nghiệp Cử nhân sinh học nhưng từ chối làm việc ở trang trại giống hoa để đi làm nhân viên của trung tâm spa vì đây mới chính là đam mê của bạn.
Phụ huynh nào cũng thương con và muốn hướng con đi con đường mà từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, phụ huynh cho là đúng nhất. 18 tuổi, các em học sinh vẫn chưa thể nào có đủ sự chín chắn và khôn ngoan để có thể chọn một hướng đi đúng nhất. Dù vậy, phụ huynh hãy để các em được lựa chọn ngành học, bậc học, hay công việc mà các em có đủ khả năng và sự yêu thích. Nếu để các em phải miễn cưỡng học đại học thì sẽ có nguy cơ lãng phí tiền bạc và cả thời gian của chính các em.
Như Bình
Theo Dân trí
Dành dụm cả đời được 3 triệu đô, người đàn ông độc thân đem toàn bộ số tiền đó làm một việc khiến ai cũng khâm phục Đến ngày ông qua đời, chẳng ai có thể đoán được số gia tài mà ông đang sở hữu. Dale Schroeder là một người đàn ông khiêm tốn, giản dị sống tại Iowa. Ông cống hiến 67 năm cuộc đời mình cho một công ty với nghề thợ mộc. Cuộc đời ông không được may mắn như nhiều người khác khi ông phải...