Bộ Giáo dục xin 34 nghìn tỷ đổi mới chương trình
Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển dự tính kinh phí sơ bộ cho đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong 10 năm lên tới 34.275 tỷ đồng.
Lần thứ hai trình dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước UB Thường vụ QH, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thuyết phục được về tính khả thi.
Theo dự tính của Bộ, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc soạn thảo sách giáo khoa theo chương trình mới, và thực hiện từ thí điểm đến đại trà đến năm 2023 ở tất cả các cấp học.
Nhìn khung thời gian này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Từ nay đến 2016 không còn nhiều thời gian, vậy chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất của các nhà trường có đảm bảo không, “hay đến đó lại bảo do này do kia, do đội ngũ không đáp ứng, cơ sở vật chất thiếu… nên chất lượng kém”.
Đề án đổi mới giáo dục sẽ huy động cả học sinh, giáo viên, phụ huynh vào việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới. Ảnh: XĐ
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi thẳng cần bao nhiêu tiền để cải cách.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết về cơ bản hiện đã đủ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
“Nhưng khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa thì đội ngũ giáo viên sẽ phải thích ứng, cần có quá trình đào tạo. Bộ đã hình dung cách làm, sẽ đào tạo tập trung ở các trường sư phạm, không phân cấp cho địa phương như trước nữa, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa…”, ông Hiển nói. “Còn so với các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện tối thiểu thì chỉ có một số ít nhà trường chưa đủ, Nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư thì sau 1-2 năm là đủ”.
Về kinh phí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, dạy thử nghiệm và đại trà… sẽ cần 34.275 tỷ đồng. “Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện trong 1-2 năm như nói ở trên”, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Như vậy, nếu Nhà nước đầu tư như kiến nghị của Bộ Giáo dục thì đề án này là khả thi, còn nếu cứ để yên như tình hình hiện nay thì không khả thi, theo Thứ trưởng.
Video đang HOT
Theo Chủ nhiệm UB Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, số tiền trên là nhiều mà chưa hẳn là nhiều: Nhiều nếu chỉ là ngân sách nhà nước lo, nhưng sẽ là không nhiều nếu huy động xã hội hóa.
Loay hoay đổi mới
Các ủy viên Thường vụ cũng băn khoăn nhiều về vấn đề đổi mới tư duy trong việc cải cách giáo dục.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu chỉ ra: Nền giáo dục Việt Nam lâu này đã ăn sâu vào mỗi gia đình suy nghĩ rằng trách nhiệm dồn hết về cho nhà trường.
“Ngày xưa tôi đi học, trách nhiệm của người học là của người học, học cho dòng tộc, dòng họ. Bố mẹ dù không được học nhiều nhưng luôn quan tâm nhắc nhở việc học của con một cách có trách nhiệm. Nhưng trong vài thập kỷ qua, gánh nặng này dường như dồn hết cho ngành giáo dục, liệu đề án tới đây có thay đổi lớn về tư duy này không?”
Ông Phan Xuân Dũng đặt vấn đề: Phải biến những việc đang làm rất phức tạp hiện nay thành rất đơn giản để học sinh có thời gian học những thứ khác về kỹ năng, cuộc sống, xã hội…
“Ở nước ngoài, khi thi vào ĐH người ta không hỏi học sinh được mấy điểm môn gì, mà hỏi tên nghị sĩ của bang là gì, hỏi đã từng đi tình nguyện chưa, cách nhà bao nhiêu km, đi bằng phương tiện gì…”, ông Dũng nói.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì băn khoăn về khái niệm “dân chủ hóa” mà Bộ Giáo dục nói đến trong đề án.
Thứ trưởng giải thích “dân chủ hóa” là huy động nhiều nhất sự tham gia của mọi người, cả học sinh, giáo viên và phụ huynh vào việc xây dựng, thực hiện và giám sát chương trình và sách giáo khoa mới này.
“Trên một khung chương trình chung, các giáo viên được tham gia cụ thể hóa chương trình và làm sách giáo khoa phù hợp với điều kiện mỗi địa phương, các cá nhân tổ chức khác cũng được huy động tham gia, đặc biệt với những vùng sâu vùng xa khó khăn, dân tộc thiểu số…”, ông Nguyễn Vinh Hiển nói.
Tuy vậy, các thành viên UB Thường vụ QH vẫn thấy dự thảo do Bộ Giáo dục trình thiếu cụ thể, thiếu định hướng, mới chỉ “chép lại nghị quyết Trung ương”.
Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước thấy chưa báo cáo đánh giá tác động một cách đầy đủ: “Từ lần đầu QH ra Nghị quyết về đổi mới giáo dục năm 2000, 14 năm qua ta vẫn tranh cãi, thế thì trong 10 năm tới ta sẽ thay đổi toàn diện như thế nào?”
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thì thấy đánh giá tác động chỉ nêu thuận lợi mà chưa thấy nói khó khăn.
Ông Phan Xuân Dũng chia sẻ: Đề án này sẽ tác động đến toàn bộ nền giáo dục, việc phát triển nhân cách của học sinh, đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, càng phân tích kỹ sẽ càng có giải pháp khả thi.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng không hài lòng: Đề án nhắc nhiều đến việc “tích hợp” mà không thấy đưa vào những tư duy mới trong Hiến pháp, tham khảo kinh nghiệm làm chương trình và sách giáo khoa tiến bộ của thế giới, cứ ta tự viết của ta.
“Từ năm 2000 đến giờ ta cứ loay hoay đổi mới mãi”, ông Lý nói. “Để tương xứng với gần 2 tỷ USD (hơn 34 nghìn tỷ đồng) thì phải làm cẩn thận, đầy đủ hơn, lấy ý kiến giới khoa học, chuyên gia thậm chí toàn dân”.
Theo Vietnamnet
Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 đã chính thức được Bộ GD-ĐT hoàn thiện và gửi lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ sở GD-ĐT trước khi ban hành chính thức.
Đa dạng nhiều hình thức học tập
Học sinh ở TP.HCM sử dụng tài liệu học tập môn lý do giáo viên của TP soạn bên cạnh bộ SGK chung - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thiết kế chương trình mới lần này, Bộ dự kiến xây dựng phù hợp với thời lượng dạy học. Cụ thể, tiểu học 2 buổi/ngày, trung học 1 buổi/ngày.
Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống. Chương trình được thiết kế theo 2 giai đoạn: Cấp tiểu học và THCS là bắt buộc (giáo dục cơ bản), cấp THPT là nâng cao, phân hóa và tiếp cận nghề.
Chương trình được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và cấp THCS, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến cấp THCS và sâu hơn ở cấp THPT. Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng các môn học, các chuyên đề tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.
Một trong những phương pháp dạy học được Bộ hướng tới là chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học. Cân đối giữa dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục; giữa hoạt động tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân; giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn... để vừa phát triển năng lực cá nhân vừa đảm bảo chất lượng giáo dục chung cho mọi học sinh.
SGK không còn là tài liệu học tập duy nhất
Một hay nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) vẫn là một trong những vấn đề được quan tâm trong lần đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới. Dự thảo đề án lần này nêu rõ: "Dần tiến tới việc đa dạng SGK". Bộ xác định đây là xu thế chung của các nước tiên tiến, SGK là một tài liệu dạy học quan trọng nhưng không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều bộ khác nhau cho một môn học. Giáo viên và học sinh có thể tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Từ định hướng này, Bộ cho biết sẽ công khai các tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục.
Bộ cũng nêu rõ địa phương có thể xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuy nhiên, tất cả các tài liệu này phải do Hội đồng thẩm định cấp địa phương và Bộ phê duyệt. Từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử ở những nơi có điều kiện.
Thử nghiệm trên 2% số trường
Dự thảo đề án cũng xác định sẽ tiến hành thử nghiệm chương trình (CT) - SGK nhằm kiểm nghiệm tính khả thi để chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành CT - SGK mới.
Sau khi xây dựng chương trình tổng thể (thử nghiệm), Bộ sẽ trưng cầu ý kiến về dự thảo này và thẩm định lần thứ nhất. Trên cơ sở đó xây dựng dự thảo chương trình các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Dự thảo chương trình các môn học này cũng sẽ được trưng cầu ý kiến và thẩm định lần thứ nhất để làm cơ sở biên soạn SGK (thử nghiệm) của các môn học.
Toàn bộ CT - SGK các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học sẽ được thử nghiệm theo hình thức một vòng cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu thử nghiệm đồng thời từ các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) của cả ba cấp học.
Mỗi vùng kinh tế - xã hội chọn một số tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng thành thị, nông thôn tham gia thử nghiệm; mẫu thử nghiệm có khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước. Bộ xác định mỗi chương trình đều cần có các yếu tố đảm bảo, quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên, năng lực cán bộ quản lý và cơ sở vật chất nhà trường. Vì vậy việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục mới chỉ được thực hiện ở những nơi đã có đủ điều kiện đảm bảo, nơi nào chưa đủ thì tích cực chuẩn bị để sớm đủ các điều kiện cần thiết và triển khai áp dụng chương trình giáo dục mới.
Theo VNE
Dạy điều học sinh cần Bộ GD-ĐT cho 6 trường trong cả nước thí điểm "Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông" để các trường chủ động thiết kế chương trình học phù hợp với học sinh. Giáo viên tự chủ thiết kế chương trình Học sinh Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), một trong những trường thí điểm chương trình...