Bộ Giáo dục sẽ giải thể trường đại học yếu kém
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ sáp nhập, giải thể trường đại học kém chất lượng, đầu tư cho trường hoạt động hiệu quả phát triển.
Chiều 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm và làm việc tại ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH). Đoàn đã thăm các phòng nghiên cứu khoa học, mô hình khách sạn 5 sao, phòng tập gym, nhà thi đấu thể thao, các phòng thực hành nhiếp ảnh, sân khấu, nghệ thuật…
Báo cáo Bộ trưởng, PGS.TS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết, trường luôn đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào sinh viên của TP.
Trường có 15 khoa đào tạo với hơn 800 giảng viên cơ hữu, hơn 25.000 sinh viên. Mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn hoạt động thực tế, liên kết với doanh nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan phòng học Nhà hàng tại ĐH Công nghệ TP HCM chiều 6/6. Ảnh: Phước Tuần
Trao đổi với nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, ông rất buồn khi hàng ngày đọc báo thấy con số 200.000 cử nhân thất nghiệp. Nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước.
“Tôi biết nhiều hoàn cảnh khó khăn, gia đình phải bán trâu, bò cho con học đại học mà ra trường không có việc, phải đi làm công nhân thì cần phải suy nghĩ. Hiện cả nước có hơn 500 đại học, cao đẳng với nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo, ít nhất là đào tạo sinh viên ra trường có việc làm”, ông Nhạ nói.
Nói thêm về vấn đề cử nhân thất nghiệp, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng cần nhìn nhận cả hai khâu cung (trường đào tạo) và cầu (doanh nghiệp). Trong đó, ông khẳng định nội dung phương thức đào tạo có vấn đề.
Trong tương lai, chủ trương của Bộ GD&ĐT là tạo điều kiện để các trường tốt được ưu tiên phát triển, trường kém sẽ phải sáp nhập hoặc giải tán để nâng chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra.
Gửi gắm đến lãnh đạo ĐH Công nghệ TP HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu trường phải tạo sự khác biệt ở chất lượng dịch vụ, đào tạo, xây dựng một địa chỉ đáng tin cậy khi các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực.
Nhà trường cần đầu tư các ngành nghề đào tạo trọng điểm, tránh dàn trải, không chất lượng. Trường cần mạnh dạn chọn những ngành mới để phát triển theo hướng chuyên sâu, tạo thương hiệu bền vững.
Video đang HOT
Liên quan các vấn đề kiện tụng gần đây của các trường tư thục ở phía Nam như ĐH Hùng Vương, Hoa Sen, Bộ trưởng Giáo dục mong Hội đồng quản trị có hướng phát triển bền vững, tránh kiện cáo giữa các cổ đông, khi ấy trường sẽ mất uy tín rất nhanh.
“Xây dựng thương hiệu phải mất hàng chục năm nhưng phá hỏng thì chỉ vài ngày. Lãnh đạo trường cần tạo sự bền vững, định hướng phát triển phù hợp, qua từng giai đoạn phải thay đổi để ổn định”, ông Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho rằng nhà trường cần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên, đồng thời kết hợp nghiên cứu gắn với đào tạo và phong trào khởi nghiệp.
ĐH Công nghệ TP HCM phải đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên, không cần nhiều tiến sĩ nhưng giảng viên phải chất lượng. “Tiến sĩ rất cần nhưng phải thật, chứ nếu chạy đua về số lượng thì dễ có nhiều tiến sĩ ảo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo Zing
Bộ Giáo dục đang rà soát Thông tư 30
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chủ trương Thông tư 30 là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương pháp áp dụng cần phải rà soát và xem lại.
Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại hai trường THPT Lê Quý Đôn và tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP HCM.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, nhiều giáo viên trường tiểu học Nguyễn Bình Khiêm (quận 1, TP HCM) phản ánh những bất cập, khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT.
Bà Lâm Hồng Lãm Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, số lượng học sinh đông, một giáo viên dạy nhiều môn, nên việc ghi nhận xét vào vở học sinh rất vất vả.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chủ trương Thông tư 30 là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương pháp áp dụng vẫn cần phải rà soát và xem lại.
"Nội dung thông tư 30 rất tốt. Đây là phương thức nhiều nước thực hiện, không gây áp lực cho học sinh về điểm số. Vì chúng ta mới áp dụng vào thực tế nên bước đầu gặp nhiều khó khăn, giáo dục cần có lộ trình để thành công", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông thông tin thêm Bộ GD&ĐT đang đánh giá lại công tác thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua để rà soát toàn bộ, tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên tiểu học. Bộ trưởng cũng vừa chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin nghiên cứu phần mềm giúp giáo viên tiểu học trong khâu nhận xét, công việc của thầy cô đỡ vất vả hơn.
Nâng chất lượng đội ngũ giáo viên
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về đánh giá và khen học sinh tiểu học theo Thông tư 30 ban hành ngày 6/1/2015, có ghi: "Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh.
Việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn".
Hiện nay, mỗi trường đều có cách đánh giá, ghi giấy khen riêng.
Tại THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), một trong những trường lâu đời nhất Đông Nam Á, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan cơ sở vật chất, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Cô Đỗ Thị Bích Duyên, Quyền hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn, cho biết, từ 10 năm nay, trường phát triển theo mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế. Ngoài chương trình khung chuẩn của Bộ GD&ĐT, trường đẩy mạnh trang bị hỗ trợ các lớp học kỹ năng sống, đưa học sinh đi thực tế, tổ chức dạy học theo mô hình dự án, tạo sự chủ động cho học sinh.
Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tăng cường khả năng giao tiếp thực tế để hướng đến các mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế.
Sau khi lắng nghe báo cáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, TP HCM có điều kiện thuận lợi so với nhiều địa phương. Nhưng thành phố vẫn chịu áp lực trước nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng của người dân nên thầy cô cần cố gắng thêm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM sáng 6/6. Ảnh: Phước Tuần .
Theo ông Nhạ, chương trình và SGK sẽ thay đổi, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Ông Nhạ đề nghị nhà trường cần tập trung nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, thường xuyên tập huấn để có hình thức chuyển tải sáng tạo phù hợp hoàn cảnh thực tế.
"Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng giáo viên, vì thầy cô không 'kiễng chân' được... Bây giờ, khi mới tiếp cận các chương trình tiên tiến, thầy cô có thể cố, nhưng nếu đã chạm chân chuẩn quốc tế sẽ phải có sự đầu tư rất nhiều và lâu dài", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắn nhủ.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), ông Nhạ một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay cần làm để đổi mới phương thức truyền thụ kiến thức cho học sinh là nâng cao đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởng nhấn mạnh cần phát huy thế mạnh tiếng Anh và CNTT để thầy cô tiếp cận giáo dục toàn cầu. Các trường, lãnh đạo sở cần nâng cao cập nhật kỹ năng, tập huấn để đáp ứng được các chuẩn mới, kiến thức khoa học giáo dục hiện đại.
Thầy cô không những dạy chữ mà còn dạy học sinh kỹ năng tiếp cận xã hội, tư duy, suy nghĩ. Đây là bậc học khởi đầu, khởi đầu tốt sau này sẽ rất nhàn, còn không tốt thì khóa tiếp theo sẽ chới với.
Đẩy mạnh phương thức truyền tải thực tế, sinh động
Đến thăm cơ sở vật chất trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoàn công tác ấn tượng với những tiết mục văn nghệ của các em học sinh, đặc biệt là mô hình giảng dạy sân vườn trên sân thượng của trường.
Đây là mô hình giảng dạy giúp học sinh tiếp cận thực tế, rèn kỹ năng và học tập sinh động. Sau khi xem cơ sở vật chất của trường, ông Nhạ bảo nếu TP có hơn 30% trường đạt được thế này thì quá tuyệt vời.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bên phải) trải nghiệm xem phim 3D tại phòng học thực nghiệm công nghệ thông tin tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Phước Tuần .
Tuy đánh giá cao cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, Bộ trưởng giáo dục vẫn chưa hài lòng khi 130 giáo viên phải "gánh" 1.800 học sinh. Bộ trưởng Nhạ cho rằng đây là thách thức rất lớn khi học sinh quá đông. Nhà trường cần đổi mới căn bản và toàn diện, đổi mới tư duy và hành động, cơ sở vật chất để cùng nhau cố gắng phát triển tốt hơn.
"Đổi mới phương pháp tổ chức giảng dạy là phải gắn bài giảng với thiên nhiên, trải nghiệm thực tế để học sinh chủ động, sáng tạo, bản lĩnh. Tuy nhiên, lớp học đông, chúng ta cần lưu ý áp dụng đại trà để tránh bệnh hình thức. Mô hình tốt nhưng không phải áp dụng trong nhiều trường hợp, phải kết hợp hài hòa mới đạt được kết quả. Đổi mới giáo dục không vội vàng được, giáo dục rất nhạy cảm. Đổi mới phương thức giảng dạy cần tính lộ trình căn bản, đổi mới không đồng bộ sẽ phản tác dụng", ông Nhạ bày tỏ.
Trong chuyến thăm và làm việc tại hai trường học sáng nay, Bộ trưởng đánh giá rất cao mô hình Phòng tư vấn tâm sinh lý cho học sinh tại trường THPT Lê Quý Đôn và yêu cầu Sở GD&ĐT TP HCM cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình này ra toàn thành và hướng đến toàn quốc.
Bộ trưởng cũng lưu ý câu chuyện dạy bơi, phổ cập kỹ năng bơi lội trong các trường học. "Đây là câu chuyện lớn, chúng ta cần phải thực hiện nhanh, tốt vì mỗi ngày trung bình có 9 học sinh đuối nước trên cả nước", ông nói.
Theo Zing
Bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng GD&ĐT Chiều nay (19/4), tại trụ sở Bộ GD&ĐT, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký biên bản bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng cho tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Lễ bàn giao diễn ra trang trọng, ấm cúng với sự chứng kiến của các Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo các cục, vụ, cơ quan Bộ GD&ĐT. Được Trung ương phân...